Công văn có bốn con dấu

Công văn

Phải nói ngay rằng đây là một cái công văn nhằm mục đích triệt hạ một cá nhân, người đó đã dám cả gan ngăn chặn một dự án đang khai triển. Số là, năm xưa công ty nọ có ý định mua thiết bị của một nhà máy cũ tận bên Nam Mỹ mang về lắp ráp tại Việt Nam. Thoạt nghe chuyện có vẻ đơn giản – cần thì mua, có tiền thì mua. Song vấn đề ở chỗ đây là một nhà máy cũ, một số bộ phận của một vài thiết bị chính, khi tháo dỡ ra chỉ có nước đem bán ve chai mà thôi. Chính vì vậy mà giá của nó là rẻ, còn rẻ đến mức độ nào thì chỉ đến khi lắp ráp vào rồi cho chạy mới biết. Có khi tưởng rẻ hóa đắt vì chạy không thành công. Ai mà biết được?

Tôi không muốn nói có chuyện tư túi gì trong thương vụ này, chỉ riêng cái việc thực thi một dự án mà không có nổi lấy một trang “luận chứng”, chí ít thì cũng phải có một bản tính toán về ngân sách. Đại loại như giá thiết bị cũ là bao nhiêu (tất nhiên là có bản chào giá rồi), chi phí sửa chữa, phục hồi những thiết bị cũ đó, ngân sách cần để mua thiết bị thay thế (chưa biết có thể mua được thiết bị thay thế nữa không vì thiết bị của nhà máy đó được chế tạo lâu lắm rồi) , tiền vận chuyển từ Nam Mỹ về Việt Nam là bao nhiêu, chi phí tháo dỡ, lắp ráp, xây dựng nhà xưởng vân vân và vân vân, tất cả những cái đó là chưa có.

Chắc cũng nghĩ như những vấn đề tôi vừa đề cập ở trên nên một vị vụ trưởng của bộ chủ quản phản đối kịch liệt việc mua bán này. Tôi không biết sự phản đối kịch liệt của vị vụ trưởng đó có xuất phát từ tấm lòng chí công vô tư, trong sáng hay không, song ý kiến của ông không dễ bị bỏ qua. Vì vậy bộ chủ quản quyết định không cho phép công ty mua cái nhà máy đó, đương nhiên là không cấp ngân sách rồi. Trong số những người đi khảo sát tại Nam Mỹ về, có vài người tức tối, tìm cách đáp trả.

Tôi không biết phải suy nghĩ bao đêm, cuối cùng biện pháp đáp trả cũng được đưa ra. Đó là tự soạn một cái văn thư với nội dung chủ yếu là công ty không công nhận ông đó là vụ trưởng nữa, và kể từ hôm nay công ty không tiếp ông đó đến làm việc với công ty. Tôi chắc đã có một cuộc vận động, giải thích và thuyết phục nên “bộ tứ” của công ty đã đồng ý ký tên và đóng dấu vào công văn đó. Từ đó mới có chuyện cái công văn có bốn con dấu. Chuyện sảy ra từ cuối thế kỷ hai mươi, thế mà hôm đầu tháng bảy năm hai ngàn mười bốn vừa qua tôi lại nghe mấy vị từng công tác trong cái bộ chủ quản đó nhắc lại chuyện. Ừ nhỉ tại sao mình lại không ghi lại câu chuyện thú vị này? Lý do tôi viết lại câu chuyện này là thế.

Cái bộ chủ quản kể cũng tệ, không hề có một công văn phúc đáp. Chấp nhận cũng không mà từ chối cũng không. Làm sao công ty có quyền không công nhận chức vụ trưởng của ông ta được? Vì quyết định bổ nhiệm ông là do bộ trưởng ký, nhưng trước đó đã phải thông qua thường trực ban Bí thư của Trung ương đảng Cộng sản rồi. Còn công ty không tiếp ư? Đố dám! Vì mỗi lần xuống công ty, ông là người đại diện cho bộ trưởng đi kiểm tra công việc, dù ông đi một mình hay đi thành đoàn . Thế là hòa cả làng. Trong bụng những nhà lãnh đạo công ty cứ chửi thầm hoặc chửi sau lưng song trước mặt bố bảo!

Ông vụ trưởng nhà ta vẫn cứ cười nói oang oang như chưa từng sảy ra chuyện gì, vẫn hỏi thăm, vẫn bắt tay (chẳng ai dám không đưa tay ra nắm lấy tay ông). Cứ thế, ngày tháng qua đi, tất cả những người trong câu chuyện này đã nghỉ hưu và có vài người đã quy tiên. Riêng ông vụ trưởng thì bị bệnh nặng, nằm một chỗ, không nói gì được. Hôm có vài vị lãnh đạo công ty này tới nhà thăm, nói với bà vợ ông vụ trưởng; “chúng tôi quý anh lắm vì trong công việc anh rất nhiệt tình và xông xáo”. Cóc biết các ông nói thật hay chỉ là câu chót lưỡi đầu môi. Thật thì chắc là không rồ! Tuy không nói được nhưng ông hiểu, không biết ông vụ trưởng cảm động hay phẫn uất, chỉ thấy một dòng lệ chảy ra hai bên khóe mắt của ông.

Đểu thật! Đời đểu thật!

Ph. T. Kh.

Tháng 7, 2014

Power plant

(Ảnh trên internet)