Vấn thoại

HCM

Tháng 5 / 1960 nhân kỉ niêm 70 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh  , 114 bài thơ trong tập NGỤC TRUNG NHẬT KÝ của chủ tịch được dịch ra tiếng Việt và phát hành ( Nhà xuất bản Văn Hóa). Năm 1978 tác giả Lê Khánh Soa công bố thêm 8 bài mới trên báo Nhân dân (trong đó có bài Vấn thoại). Năm 1983 Viện Văn học phát hành lần thứ nhất tập Ngục trung nhật ký đã dịch thêm 13 bài  (có 7 trong 8 bài của LKS công bố – trừ bài Vấn thoại) như vậy tập này có 127 bài. Năm 1990 Viện Văn học lần thứ hai dịch bổ sung nốt 5 bài và công bố lại bài Vấn thoại, trọn bộ 133 bài, với bài mở đầu không có tên, không đánh số và bài cuối: Tân xuất ngục đăng sơn, không nằm trong tập Nhật ký, cộng 135 bài

Bài Vấn thoại. rất đặc biệt, nó khác hẳn mọi bài thơ khác trong tập. Bài này không mang tính nhật ký , nhưng cũng có thể nói vì tác giả ngồi trong tù mà suy ngẫm vượt  ra hoàn cảnh cá nhân để nêu lên những vấn đề của xã hội, hay nói rõ hơn về định chế của xã hội đương thời.

VẤN THOẠI  phiên âm Hán – Việt  và dịch thơ của GS Nguyễn Huệ Chi như sau:

Phiên âm Hán-Việt                             Dịch thơ

VẤN THOẠI                                           LỜI HỎI

Xã hội đích lưỡng cực,                    Hai cực trong xã hội,
Pháp quan dữ phạm nhân;           Quan tòa và phạm nhân;
Quan viết: Nhĩ hữu tội,                  Quan rằng: Anh có tội,
Phạm viết: Ngã lương dân;          Phạm thưa : Tôi lương dân:
Quan viết: Nhĩ thuyết giả,            Quan rằng  : Anh nói dối,
Phạm viết: Ngã ngôn chân;          Phạm thưa :Thực trăm phần;
Pháp quan tính bản thiện,            Quan tòa tính vốn thiện,
Giả trang ác ngân ngân;                 Làm ra vẻ dữ dằn;
Yếu nhập nhân ư tội,                      Muốn khép người vào tội,
Khước giả ý ân cần ;                        Lại giả bộ ân cần;
Giá lưỡng cực chi gian,                   Ở giữa hai cực đó,
Lập trước công lý thần.                  Công lý đứng làm thần!

Có nhiều dịch giả đã dịch bài thơ này,  cơ bản là giống nhau, chỉ khác nhau  đầu đề  Vấn thoại, dịch là Hỏi tội  /  Đặt câu hói  /  Nêu vấn đề / … Lời hỏi; và câu cuối Lập trước công lý thần, dịch là Có thần công lý dựng lên  rõ ràng / Có thần công lý đứng  /… Công lý đứng làm thần.

          Trong tác phẩm Văn học – học văn,  tác giả  Hoàng ngọc Hiến (1930-2011) đã bình:  “Thần công lý dựng lên rõ ràng [có lẽ tác giả dựa vào bản dịch thừa chữ rõ ràng đã nêu ở trên] giữa hai thái cực, có nghĩa là người xét xử không phải là người đại diện cho công lý. Thần công lý sẽ phán xét lại người xét xử và người bị xét xử. Người lương dân sẽ được minh oan. Viên quan tòa sẽ bị lên án. Trao cho chúng ta mô hình công lý , tác giả chuẩn bị cho chúng ta một tâm thế, một quan điểm để phán xét lại tất cả những vụ án xét xử bất công ” Ông còn có ý cho rằng viên quan tòa này khó hiểu, nó vốn thiện sao lại làm bộ ác , lại giả ý ân cần ?

Nguyên tác bài thơ trên không nói về một tòa án cụ thể nào, không có gì phải phân vân, nghi ngờ, vì ngay ở câu đầu tiên , tác giả đã khẳng định:  Xã hội đích lưỡng cực, để nói về xã hội. Xã hội đích thực chia làm hai cực, một bên là Quan tòa đại diện cho nhà nước,một bên là lương dân

Tuy nhiên bài thơ còn có nhiều ý cần tìm hiểu:

Ý thứ nhất : Cách dùng từ

Ngay ở câu thứ hai và tiếp các câu sau tác giả đã dùng từ phạm nhân. Như ta đã biết  luật pháp tất cả các nước đều quy định chỉ được coi một người nào đó là có tội  khi và chỉ khi tòa tuyên án buộc tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Sao tác giả dùng từ phạm nhân (?). Đứng trước tòa, người bị đưa ra xét xử chỉ là bị cáo,  ngay khi bị bắt quả tang cũng chỉ là bị can. Tùy theo mức độ phạm pháp nặng hay nhẹ, tòa có thể tuyên bị cáo không có sự viêc phạm tội ; hành vi không cấu thành tội phạm …(đình chỉ vụ án)  hoặc tòa có thể tuyên các hình phạt khác nhau như cảnh cáo, phạt tiền, lại có lệ “…đã khắc phục hậu quả” miễn trách nhiệm hình sự…, khi đó bị cáo, bị can không phải là phạm nhân. Có phải với trải nghiệm bản thân, hơn một năm trong tù, bị giải qua nhiều nhà giam, tác giả (Hồ Chí Minh) đã mặc nhiên là “phạm nhân không có án”!. Rõ ràng với định chế của xã hội này chỉ có hai cực quan & dân , dù có là lương dân, một khi đã ra tòa đều là kẻ có tội, là phạm nhân (!). Không phải tác giả mà chính xã hôi lưỡng cực đã đánh đồng bị cáo, bị can với phạm nhân. Làm gì có công lý ở xã hội này .

Dùng từ phạm nhân vừa tinh tế vừa sâu sắc,  tác giả đã “đóng đinh” vào cái định chế của cái  xã hội đích lưỡng cực!

                       Ý thứ hai: Cách hành xử tại tòa

Theo luật tố tụng, trước tòa các bi cáo, bị can có quyền chứng minh mình vô tội, nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội, trách nhiêm đó là của quan tòa. Trong suốt bài thơ không có ý nào  nói đến quan tòa xét tới khả năng vô tội của người bị đem ra xét xử, mà  lẽ ra họ luôn phải theo hướng suy đoán và đặt ra mọi giả thiết là bị cáo, bị can vô tội.  Ngay ở câu thứ ba; quan đã khẳng định: Quan rằng: anh có tội , dù bị cáo, bị can kêu oan  Phạm thưa: Tôi lương dân  thì quan vẫn lại khẳng định Quan rằng: Anh nói dối. Cách hành xử này chỉ có ở tòa án của xã hội lưỡng cực

Câu  Quan tòa tính vốn thiện Có phải tác giả thừa nhận tính vốn thiện của quan(?!)  Đây  là tính hai mặt của con người, của xã hội. Nếu quan xuất thân từ lương dân  nhưng  được đào tạo làm quan tòa nên họ đã thành… quan, phải “ăn cây nào , rào cây đó”. Nếu quan xuất thân từ “con ông cháu cha”, đành rằng nhân chi sơ tính bản thiện, nhưng dưới sức ép của định chế xã hội, “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”. Vị quan này “Con nhà tông chả giống lông cũng giống cánh” . Cả hai trường hơp  quan vẫn là quan, mà chức năng nhiệm vụ của quan tòa trong xã hội lưỡng cục là bảo vệ trật tự xã hội, là khép tội.  Muốn khép người vào tội thì phải dùng thủ đoạn  làm ra vẻ dữ dằn. Trong tòa án mà dữ dằn, thỉ có một cách hiểu , đấy là tra tấn, nhục hình, bức cung, ép cung, buộc bị cáo phải nhân tội. Thủ đoan này nếu không đạt được mục đích thì quan lại giả vờ ân cần hứa hẹn này nọ, mớm cung vì mục đích cuối cùng vẫn là khép tội.

Nền tư pháp nói chung và tòa án nói riêng có chức năng là bảo vệ sự công bằng , bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý. Mục đích tối thượng của tòa án là ngăn chặn cái xấu , cái ác chứ không phải nhăm nhăm trừng phạt cái ác, cái xấu. Tòa án ở đây chỉ là hình thức. như tác giả đã mặc định: đã đến tòa đều là phạm nhân. Đem ra xét xử, quan tòa đã có “án bỏ túi “.

Ý thứ ba: Chỗ đứng của thần công lý

         + Có thần công lý đứng  Một số lời bình cho rằng ,sau phiên tòa còn có Công lí xem xét lại với cả hai cực; quan tòa đúng hay sai, phạm nhân oan hay không oan. vì công lý đã đươc phong thần. Rất khó tin (!). Công lý phải là một tổ chức thực thể, mà đã là một thưc thể tổ chúc có quyền lực thì xã hội đã là tam cực, trái vói nguyên tác Xã hội đích lưỡng cục mà tác giả đã khẳng định bằng chữ đích.

Dẫn ra nhiều trường hợp có thật , bị can, bi cáo trước nhục hình phải nhận bừa có tội, đợi khi ra tòa sẽ phản cung .  Những vụ kiện ngược này quan tòa đòi chứng cứ, bị cáo chỉ còn cách: Chuyện này anh [ cảnh sát điều tra ] biết, tôi biết và… trời biết .. lấy đâu ra chứng cứ?  (Và nói rộng ra nếu chỉ vin vào chứng cứ thì cần gì tòa án, cần gì phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm…? ) Những chuyện như thế các ký giả, nhà báo phải viện dẫn đên “ tòa án lương tâm”. Có thần công lý đứng có thẻ hiểu theo nghĩa này.

Lại cách hiểu khác, người Việt có kiểu nghĩ “Người khôn ăn nói nửa chừng , …” thì  câu này được hiểu là: Có thần công lí đứng … [làm vì] (nhưng đây chỉ là  điều …“suy diễn”)

+ Công lý đứng làm thần Từ “thần phật” được viện dẫn ở đây là cách nói ần dụ, trước sự khủng hoảng niềm tin của con người vào lẽ phải, vào mọi giá trị công bằng, vào công lý, nên chỉ còn cách trông chờ vào trời, phật, thánh thần .  Thần ở đây chỉ  là hư danh, nhiều lắm cũng chỉ là những ước mơ. Suy cho cùng xã hội lưỡng cực thưc chất chỉ là xã hội đơn cực, đó là “cực quan” vì mọi lương dân phài tuân theo quỹ đạo quan chế. nếu không sẽ phải ra tòa và sẽ là phạm nhân.

Một lần nữa trong câu này tác giả lại thể hiện sự tinh tế và thâm thúy của mình.

Tìm hiểu thứ tư: Thời gian công bố bài bài thơ

Năm 1960 bản dịch Nhật ký trong tù có 114 bài dược công bố. Mười tám năm sau (1978) công bố thêm trên báo Nhân dân 8 bài (trong đó có bài Vấn thoại). Năm năm sau (1983) công bố thêm 6 bài nữa cùng với 7 trong 8 bài đã công bố năm 1978 nhưng lại đưa bài Vấn thoại ra ngoài. Lại cần 7 năm nữa (1990) mới công bố đủ 135 bài (bài Vấn thoại đươc công bố lại) Đường đi của bài này cần đủ 30 năm (1960-1990) mới có chỗ đứng chính thức trong toàn tâp Nhật ký trong tù.

Đọc nhiều tài liệu (có thể có ở nơi khác chăng) chỉ thấy ý kiến của ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của chủ tịch Hồ Chí Minh) nói đại ý:  “… người ta đưa bản dịch Nhật ký trong tù vừa thực hiện xong, Người đã nhận xét : các chú dịch thơ bác hay quá…” Như vậy tác giả đã đọc bản dịch nhưng không có ý kiến gì về 19 bài thơ còn thiếu trong suốt thời gian 9 năm cho đến khi tạ thế.  Cũng thế, nhóm biên tập, biên dịch như các vị Tố Hữu, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Nam Trân …, cùng các Nhà xuất bản Văn Hóa, Viện Văn học… cũng không có ý kiến gì về việc công  bố thiếu này.

Để tìm hiểu tai sao sau 30 năm mới công bố đủ 19 bài còn thiếu thì phải đọc 19 bải đó vì có những nguyên cớ khác nhau, chỉ xin tìm hiểu riêng về bài Vấn thoại.

Tháng 8 năm 1945 Chinh phủ nước Việt nam dân chủ cộng hòa thành lập, trong các bộ có  Bộ Tư pháp,  Tháng  5/1959 giải thể Bộ này.  Mười ba năm sau, tháng 2/1972 thành lập Ủy ban Pháp chế  (thuộc Hội đồng Bộ trưởng / Chính phủ). Ủy ban này tồn tại gần 9 năm, đến tháng 7/1981 thì giải thể và  tái  lập Bộ Tư pháp .

Cần nói thêm  những năm năm mươi của thế kỷ trước, có những tòa án do Anh Đội được quyền tuyên án và chỉ tuyên án ở múc cao nhất , sau đó Đoàn ủy duyệt là được thi hành. Kéo dài mãi đến tận sau này có những “phạm nhân không ra tòa, không tuyên án, mà đích phạm nhân, có phải vì những nguyên cớ đó nên bài thơ Vấn thoại đến khi nước ta bước vào thời kỳ “đổi mới” mới được công bố.

*

*     *

Lại nhớ lần đầu ra mắt  đồng bào cả nước  khi đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945  tại quảng trường Ba Đình  chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng lại giữa chừng để hỏi : “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”

                                                                                  Trần Thế Phổ

Lời bàn:

Cho đến ngày nay lời Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi “tôi nói đồng bào nghe rõ không?” vẫn còn vang vọng. Câu nói đó không chỉ có ý nghĩa hỏi dân ta vào thời điểm ngày 2/9/1945 lịch sử mà cho đến ngày nay Hồ Chí Minh vẫn đang hỏi chúng ta có nghe rõ không những lời người dạy, và có làm đúng không những gì Bác căn dặn? Hy vọng rằng trong những đợt “học tập và làm theo tấm gương của Hồ Chủ tịch”, từ quan đến dân vẫn còn nghe rõ lời Bác nói.

Đừng quên! Đừng bao giờ quên!

Ph.T.Kh.