Văn là người

Truong Tran van Giau

VĂN LÀ NGƯỜI

Ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, học sinh nào cũng biết tập làm văn ở những cấp dưới, rồi đến văn nghị luận, văn tả cảnh vân vân ở những lớp trên. Vì vậy có thể nói không ai là không từng viết văn, làm văn.

Khi bước vào cuộc sống đời thường, đề tài cho văn học như nước trên các dòng sông đổ ra biển cả, dòng nước chảy liên tục suốt ngày đêm, êm đềm có, dữ dội có, trong vắt có, đục ngầu có, phù sa có, rác rưởi có.

Từ những thực tế đời thường ấy, đã có bao nhiêu con người nắm bắt được dòng chảy, thể hiện chúng trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Người ít học như tôi, khi đọc một tác phẩm dù thuộc thể loại nào thì cũng cho tôi thấy được cuộc sống muôn hình muôn vẻ. Cũng nhờ có các tác phẩm ấy, đã khai sáng cho tôi, giúp tôi nhận ra nhiều thứ, mà trong đó tôi thấy được chân lý mà người xưa đã nói ‘VĂN LÀ NGƯỜI’

Vâng, văn là người. Người làm sao, văn là vậy. Tôi đặc biệt có lòng ngưỡng mộ với những người thầy giáo trong các tác phẩm mà các thầy để lại, hoặc những chỉ giáo mà những người không chỉ là thầy trên bục giảng để lại trong cuộc đời tôi. Những bài văn, những tác phẩm của những người thầy đã khuất núi hay vẫn tại thế, đều là những áng văn chương mẫu mực. Mẫu mực về ngôn từ, mẫu mực về tình thầy trò, mẫu mực về sự đằm thắm, sâu sắc, mẫu mực về tính mô phạm. Đọc văn của các thầy ta như thấy sự toàn sáng của ngôn ngữ nhưng lại không cao siêu, không kênh kiệu.

Nhà giáo, nhà văn hóa lớn Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký) đã từng được vua Đồng Khánh đánh giá ‘ông vì nước quên nhà, vì công quên tư…’ (sách Trần Hữu Tá). Với lòng tự trọng, khi buộc phải làm việc với Tây, ông đã có bài thơ ‘Tuyệt mệnh’

Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai

Xô đẩy người vô giữa cuộc đời

Học thức gửi tên con mọt sách

Công danh rút cuộc cái quan tài

Dạo hòn lũ kiến men chưn bước

Bò sối côn trùng chắc lưỡi hoài

Cuốn sổ bình sanh công với tội

Tìm nơi thẩm phán để thừa khai

                    (Tr.H.Tá trích dẫn)

Thầy Giản Chi, dù sống cảnh nghèo vào những năm sau khi đất nước được giải phóng, thầy chấp nhận những gian khổ, với bữa cơm độn bo bo hay sắn, song thầy vẫn ‘an bần lạc đạo’, vẫn dạy học, làm thơ như bài thơ dưới đây:

Tạm cũng là yên một cảnh nghèo

Dòng sông vắng sóng nước trong veo

Đói no ơn nặng mùi bo sắn

Tan hợp tình quê phận nước bèo

Còn tấc lòng thơ trang giấy giữ

Sẵn khoang song tạnh mảnh giăng treo

Ớ ai ca khúc Tương Lương cũ

Bắt lái hồ khoan vẳng nhịp chèo

                    (Tr.H.Tá trích dẫn)

Thầy Nguyễn Văn Nguyễn, trong một tác phẩm của thầy kể về cuộc sống nơi nhà tù Côn Đảo mà thầy đã trải qua. Trong tù thầy vẫn lén lút dạy văn hóa cho các bạn tù, mặc dù cảnh khổ không sao kể xiết ‘…Sở mật thám đã nắm được nghệ thuật làm cho người ta đau đớn không thể tả xiết mà không để lại dấu vết nào trên thân hình đã bị tra tấn vô cùng tàn nhẫn…Mỗi lần bị tra tấn như thế thì người tù chết ngất đi bao nhiêu lần…’ (Ng. Văn Nguyễn, ‘Nhìn lại Côn Lôn’)

Có những người thầy có công lao to lớn đối với dân với nước, đôi khi lại bị hiểu lầm, quy kết này nọ, song thầy vẫn là người thầy khả kính như giáo sư sử học Trần Văn Giầu. Khi ông thọ 85 tuổi, giáo sư Hoàng Như Mai đã có đôi câu đối tặng như sau:

‘Tám lăm năm trên mặt địa cầu, có phen lội sình lầy, có phen vượt núi băng ngàn, có phen giẫm tuyết đạp băng nơi đất lạ, và có phen mang xiềng gang xích sắt chốn lao tù…Đôi chân ấy bước qua thế kỷ vẫn còn dư sức lực.’

 ‘Một đời sống trong lòng quần chúng, đã từng làm “phiến loạn”, đã từng điều binh khiển tướng, đã từng dạy sử luận triết trong giảng đường, lại đã từng bị kiểm thảo phê bình quan điểm(!)…Con người này phục vụ nhân dân kể cũng lắm công lao’

Nói về các thầy biết bao giờ cho hết, bình sinh ai không có một người thầy? Tôi xin dừng phần nói về các thầy ở đây. Qua những dẫn chứng trên, chúng ta cảm nhận được đức tính cũng như đức tin của những người thầy. Thầy Trương Vĩnh Ký, khi buộc phải làm việc với Tây, thầy Giản Chi từng sống trong cảnh nghèo khổ như bao thầy giáo khác, thầy Nguyễn Văn Nguyễn bị tù đầy những vẫn một lòng kiên trinh, thầy Trần Văn Giầu, một cây đại thụ của cách mạng nhưng vẫn bị hiểu lầm bị phê bình, kiểm thảo. Tất cả chỉ vì các thầy là ‘thầy giáo’. Hai tiếng thầy giáo đã nói lên tất cả phẩm chất cao đẹp. Ấy vậy mà, đôi khi chữ thầy lại trả thầy, quên nghiã thầy trò, quên chữ thánh hiền có người vẫn được gọi là ‘nhà văn’, một danh xưng thật đáng trân trọng, nhưng khi tôi đọc cuốn sách mà người đó viết, tôi cảm thấy hình như có sự xúc phạm đến danh xưng cao quý đó, xúc phạm đến người thầy đã dạy dỗ.

Đó là một cuốn sách của một công chức thời nay. Xin miễn cho tôi được nêu tên sách cũng như tên tác giả, vì tôi đã lỡ mua và lỡ đọc, với trình độ văn học kém cỏi của mình, sau khi đọc tôi cứ băn khoăn tự hỏi, ngôn ngữ Việt Nam hiện đại là thế này ư? Chẳng phải tôi, ngay một nhà văn cũng đã nói ở phần đầu cuốn sách rằng, ‘chữ…như qua một phép thần thông lạ lùng, trở nên mới rợi, trở nên vập vạp, đủ sức làm đo ván người đọc..’ Vâng, tôi công nhận điều đó, tôi đã bị đo ván! Còn văn chương ư? Cũng tưng tửng, cũng xô bồ, cũng lì lợm, cũng một chút mô phạm của một công chức, cũng một chút đĩ thõa, cũng một chút trăng hoa. Thì ra hiện nay có những người công chức như thế, ăn chơi không thiếu mùi đời, vung tiền mua vui một chốc một lát. Thế là tôi đã hiểu.

Rồi, một doanh nhân, chắc khiếu văn chương chẳng nhiều cho lắm nhưng cũng tỏ ra ta là người trí thức. Bữa trước tôi mua được một cuốn sách nói về cách đi lên của một đất nước, cầm cuốn sách trên tay, mở trang giới thiệu đầu tiên thấy hay, nhưng trang sau đó, một doanh nhân chen ngang vào với vài trang, muốn mượn oai hùm để hù dọa người khác, để đề cao mình, dạy dỗ người đọc như ông chủ dạy người làm công, anh phải…anh phải…. Rồi những từ mà ta thường gọi là ‘lộng ngôn’, ‘sáo ngữ’, chữ nào cũng phải nghiêng ngả để nhấn mạnh, sợ người đọc không hiểu chăng? Ta có tiền, anh có chữ, ta bỏ tiền thuê dịch, thuê in, vậy hãy cho ta ăn theo một chút, ăn theo với người nổi tiếng âu cũng là một cách kinh doanh – kinh doanh danh tiếng, nhưng hơi vụng nên để lộ chân tướng.

Tôi viết vậy đó, nhưng tôi không vơ đũa cả nắm, trong cuộc sống không thiếu những người thầy, những nhà văn, nhà doanh nghiệp khả kính. Chẳng qua cũng như coi một vở chèo thôi, có vai chính diện thì cũng phải có vai hề. Thế mới gọi là đời!./.

Tháng 11/2015

Ph.T.Kh