Tôi học được một điều từ chiến tranh

Vietnam-war

TÔI HỌC ĐƯỢC MỘT ĐIỀU TỪ CHIẾN TRANH

(Sau khi đọc cuốn “Cha con tôi”, tự truyện của gia đình Đô đốc hải quân Hoa kỳ, Elmo Zumwalt, Jr.- Nhà XB chính trị quốc gia)

Cuộc chiến tranh giữa một bên là Việt Nam và một bên là Hoa kỳ đã kết thúc cách đây trên 40 năm rồi, nhưng chưa chắc chúng ta đã hiểu tất cả những gì diễn ra trong cuộc chiến ấy (ít nhất là đối với một người kém hiểu biết như tôi), trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, kỹ thuật tiến hành chiến tranh, đặc biệt là những gì liên quan đến con người tham gia trong cuộc chiến tranh đó. Cuốn sách “Cha con tôi” giúp tôi hiểu phần nào về những con người đó.

Sau cuộc kháng chiến kháng Pháp là đến cuộc chiến tranh chống Mỹ. Những người công sản Việt Nam quyết tâm thực hiện công cuộc thống nhất đất nước. Phía Hoa kỳ cũng quyết tâm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan tràn ra các khu vực khác ở châu Á.

Những chiến sĩ cộng sản tham gia cuộc chiến vô cùng ác liệt này bằng tất cả trách nhiệm đối với lý tưởng mà họ đã chọn. Ngược lại, những thanh niên Mỹ được đưa sang tham chiến ở Việt Nam hành động với tất cả trách nhiệm của một công dân. Người lính bên nào cũng cố gắng thực hiện tốt nhất trách nhiệm của mình, chính vì thế mà cuộc chiến cứ ngày càng trở nên ác liệt.

Đô đốc hải quân Elmo Zumwalt Jr. (sau đây gọi là đô đốc) và người con trai là Elmo Zimwalt III (sau đây gọi là Elmo) được chính quyền Mỹ đưa sang tham chiến ở Việt Nam cũng trên tâm thế đó. Khi còn là một sinh viên Elmo đã tích cực tham gia phong trào phản đối chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam, có thể nói đó là lý tưởng của anh ta. Elmo đã gọi cuộc chiến này là của phái dân sự (ý nói của chính phủ Mỹ), và ông đô đốc cũng cảm thấy “sự phù phiếm của cuộc chiến tranh ở Việt Nam”. Song khi được gọi đi chiến đấu thì ý thức công dân lại buộc anh ta phải chấp hành. Và là một thanh niên sức khỏe không được tốt nhưng lại rất cương nghị. Dù cha là một đô đốc hải quân, và anh ta cũng là một sĩ quan hải quân, nhưng không bao giờ cậy thế cha để được ưu tiên trong cuộc đời binh nghiệp của mình, chính vì thế mà anh ta đã chọn vùng sông nước Cà Mau để chiến đấu, còn ông đô đốc đóng quân ở Sài gòn.

Để bảo vệ những người lính hải quân, ông đô đốc đã ra lệnh rải chất độc dioxin màu da cam các khu rừng, vườn cây chung quanh các con sông và kênh rạch, nơi những đoàn tầu tuần giang của con trai mình đóng giữ (theo số liệu của Bộ quốc phòng Hoa kỳ, khoảng 5-15% diện tích miền nam VN bị rải chất dioxin). Bi kịch bắt đầu từ đây. Khi Elmo được giải ngũ, cưới một cô gái xinh đẹp, giỏi giang và có với nhau hai đứa con, một trai một gái. Nỗi bất hạnh đầu tiên, là đứa bé trai của Elmo mắc chứng phát triển không bình thường về não, rồi đến lượt Elmo mắc hai chứng ung thư một lúc (ung thư lymphoma ác tính và ung thư Hodgkin) Đồng đội của Elmo trên giang thuyền đó cũng có người chết vì chất dioxin, đó là Paul Reutershan, người lái mày bay rải chất dioxin, khi biết mình bị ung thư đã nói “tôi đã bị giết ở Việt Nam. Tôi thực sự không biết điều này vào thời điểm đó”.

Ông đô đốc nói rằng, không hề biết chất độc do 11 công ty của Mỹ sản xuất lại có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gia súc. Và dù có biết, thì với trách nhiệm công dân, để giảm bớt thương vong cho binh lính, ông vẫn phải ra lệnh rải chất độc đó, ngay cả nơi con trai ông đóng quân. Mặc dù Elmo phản đối cuộc chiến tranh này, nhưng với trách nhiệm công dân, anh ta vẫn phải chiến đấu, vẫn phải chỉ huy, vẫn phải tìm cách giảm thương vong cho sĩ quan và binh lính dưới quyền.

Cho đến khi anh khẳng định rằng cha con anh đã bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào khi bị nhiễm chất độc dioxin trên chiến trường Việt Nam thì anh vẫn không “cảm thấy một chút cay đắng nào về việc tình nguyện sang Việt Nam. Tôi đã lựa chọn và tạo nên số phận của chính mình”.
Các bạn thân mến,

Từ những con người tham gia cuộc chiến này tôi học được một điều: “NẾU TA SỐNG KHÔNG VÌ LÝ TƯỞNG THÌ HÃY SỐNG VÌ TRÁCH NHIỆM CỦA MỘT CÔNG DÂN”./.

4/12/2015 – Ph.T.Kh.

vietnam-war-protest
vietnam-war-protest (Ảnh trên internet)