Đi tham quan vườn lan

vườn lan Thảo

ĐI THAM QUAN VƯỜN LAN

Lâu nay cứ ngồi ở nhà đọc và viết, vì vậy những bài viết thiếu hấp dẫn. Thế nên mới phải dành cả ngày ngày chủ nhật (13/12) để đi tham quan và học hỏi, chỉ mới đi qua ba vườn lan từ Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh đến Bến Cát, Bình dương đã mất trọn một ngày chủ nhật. Mỗi vườn lan đều thể hiện một ý tưởng kinh doanh rõ rệt.

Vườn lan THẢO ở Gò Vấp, là một khu vườn xanh mướt, điểm thêm màu sắc hoa của khá nhiều loài Dendrobium “nắng”, Mokara, Cattleya vân vân. Đây là một nơi kinh doanh lan đúng nghĩa, kinh doanh không theo thời vụ. Tại sao lại là kinh doanh không theo thời vụ? Vì trong cả vườn lan, bạn không thể thấy những cây lan nhỏ mới gây từ cấy mô hay từ gieo hạt. Tất cả là cây đã trưởng thành đang cho hoa và đang sẵn sàng cho hoa được chuyển về từ một nơi nào đó để nuôi dưỡng một thời gian (ngắn) rồi xuất đi. Đây là nơi cung cấp các chậu lan cho những người đang có nhu cầu trưng bày tức thời, đồng thời là nơi cung cấp các loài lan cho những người đi bỏ mối hoặc bán dạo trên chiếc xe máy. Tại đây tôi rất ấn tượng với những “trụ” lan được ghép bởi rất nhiều cây lan, tạo thành một khối đồng nhất như Dendrobium, Cattleya…

Trụ Cattleya vườn lan Thảo
Trụ Cattleya vườn lan Thảo

Vườn lan của anh Nguyễn Văn Chánh ở Bến Cát lại theo một ý tưởng kinh doanh khác. Anh Chánh trồng rất nhiều hoa cắt cành, đặc biệt là Mokara, Vanda teres và Vanda semi teres. Mặc dù kinh doanh lan cắt cành nhưng mục đích lại không phải là cắt cành (hoa) để bán, mà là bán cây giống cho những vườn lan kinh doanh hoa cắt cành. Điều đó giải thích vì sao các cây Mokara của anh Chánh lại được che nắng tới 60%. Chỉ có như vậy thì các cây Mokara mới vươn cao lên, nếu tính từ gốc lên ngọn, nhiều cây cao trên 2 mét, từ đó mới cắt nhân thành nhiều cây (với điều kiện phần ngọn cắt phải có ít nhất là 2 rễ, đúng theo lý thuyết). Ở nhà anh Chánh cũng có một cây Renanthera ‘De Gaule’ cao trên hai mét và đã được giải vàng trong hội hoa xuân năm Ngọ vừa qua.

Vườn lan Mokara NG.V. Chánh
Vườn lan Mokara NG.V. Chánh

Từ vườn lan của anh Chánh, đi tiếp 30 km nữa đến vườn lan CAREM VIÊT NAM là một nơi kém hấp dẫn nhất nếu nhìn vào những cây lan treo trên dàn lan ba tầng vì không một cây nào ra hoa và các cây lan không lá hoặc đang rụng lá, trông có vẻ “xơ xác”. Song thật sự đây là một vườn lan rừng có quy mô khá lớn, có cả một phòng thí nghiệm cấy mô, gieo hạt trong điều kiện  vô trùng. Vườn lan Carem do một cặp vợ chồng trẻ làm chủ, tuy còn trẻ nhưng đã có một cách làm ăn khá bài bản. Đây là một vườn lan kinh doanh theo thời vụ, tức là các cây lan sẽ được bán buôn (sỉ) cho những cửa hàng kinh doanh vào dịp tết. Đặc điểm của lan rừng Việt Nam (kể cả Lào và Campuchia) hầu hết là ra hoa vào mùa xuân, vì vậy cả vườn lan đang trong thời kỳ “bị cưỡng bức” ra hoa, đó là cắt nước trước tết âm lịch khoảng ba tháng , để lá rụng (đặc điểm những cây lan thân thòng đều tụng lá rồi mới ra hoa), chỉ như vậy thì hoa mới xuất hiện và có nhiều hoa trên mỗi thân. Tôi hỏi anh Chánh đi cùng đoàn về việc cho Giả hạc ra hoa, anh có một bí quyết là khi cây đã đứng ngọn thì lấy một đoạn dây đồng nhỏ, thắt chặt phần gốc của mỗi thân,, cây “tức” sẽ ra hoa hoặc chí ít thì cũng có các cây con (keiki) xuất hiện.

Vườn lan rừng Carem VN
Vườn lan rừng Carem VN

Các bạn đã thấy, qua ba vườn lan nói trên chúng ta thấy có ba ý tưởng kinh doanh khác nhau và qua đó cũng cho tôi được nhiều bài học. Nhưng có một điều tôi (chắc các bạn cũng vậy) chưa thỏa mãn, bởi vì chưa một nơi nào cho tôi câu trả lời về đầu ra cho lan và kết quả kinh doanh, tất cả chỉ là những câu trả lời chung chung.

Tạm biệt các vườn lan, về đến Sài gòn trời đã tối hẳn. Tôi vẫn hy vọng được thăm nhiều vườn lan ở các vùng miền khác nhau – xứ nóng và xứ lạnh. Nhân dịp này tôi xin đặc biệt cảm ơn Ben Nguyen Nippon Steel và cô Ha Nguyen đã tạo điều kiện và tổ chức chuyến đi./.

14/12/2015 – Ph. T. Kh.