Dân ta tài trợ đào tạo nhân tài cho nước ngoài

Du học sinh VN tại Nhật bản

DÂN TA TÀI TRỢ ĐÀO TẠO NHÂN TÀI CHO NƯỚC NGOÀI

(Đây là cảm nghĩ của cá nhân tôi – một người ít hiểu biết)

Nghe thật là phi lý, nhưng về bản chất có phần đúng như vậy.

Nước ta hiển nhiên là một nước nghèo. Đại đa số dân ta hiển nhiên là những người nghèo. Nhân dân ở các nước nghèo thường hay tìm cách vươn lên để thoát nghèo. Cách mà dân ta thường làm là tìm cách cho con cái của mình học càng lên cao càng tốt để mong đổi đời.

Tất cả đều đúng và tất cả đều là những việc nên làm. Thế là mọi học sinh đều cố làm sao để vào được các trường đại học, thấp thì cũng là cao. Những gia đình khá giả thì tìm cách cho con em mình ra nước ngoài học. Như vậy cũng không có gì sai. Tốt là đằng khác!

Ở đây ta tạm không nói chuyện về việc học trong nước, đề tài hôm nay là nói về những cháu đi học ở nước ngoài mà ta vẫn gọi là du học sinh. Đương nhiên đi du học là phải có tiền – tiền ở đâu? Phần lớn những cháu đi du học là tiền của cha mẹ chúng (hoặc địa phương đài thọ như ở Đà Nẵng). Một ít (chỉ một ít thôi nhé) nhận được học bổng từ các trường, từ chính phủ nước sở tại (là những đứa thật giỏi thôi), nhưng không phải là cha mẹ chúng không phải đóng góp gì. Học bổng là tiền học (toàn phần hoặc một phần), còn bao nhiêu chi phí khác nữa chứ, cha mẹ chúng phải lo liệu hết đó. Có cháu học liên tục từ trung học lên đại học, rồi tốt nghiệp đại học, rồi có thể còn học lên cao học nữa. Cứ tính bỏ rẻ, mỗi tháng gia đình chi ra cho mỗi đứa hai mươi triệu đồng, một năm vị chi là hai trăm bốn mươi triệu, phải học bao nhiêu năm thì cứ thế mà nhân lên. Tiền của bỏ ra đếm sao cho xiết! Trường hợp nhận được học bổng thì sau đó phải ở lại mà làm việc trong một ít năm để trả hết nợ rồi muốn đi đâu thì đi, chứ không ăn không của người ta được đâu!

Nước đã nghèo, dân đã nghèo, chắt chiu từng chút cho con đi học. Học xong rồi, có bao nhiêu đứa trở lại cái quê nhà nghèo khó để mà góp phần xây dựng quê hương đất nước? Khoan hãy nói về nguyên nhân của tình trạng về hay ở như báo chí nói nhiều trong tháng 12 này. Ở đây tôi chỉ đơn thuần tính toán về phạm trù tiền bạc. Thế là cái số tiền mà cha mẹ chúng chắt bóp cho chúng đi học thì quay lại phục vụ cho người dân nước khác, phục vụ cho đất nước khác mà cái nước tiếp nhận du học sinh ấy chẳng tốn kém gì nhiều vẫn có được những kỹ sư, những nhà khoa học, những doanh nhân.

Thế là “bòn nơi khố vặn đãi nơi quần hồng” như người xưa thường nói. Đương nhiên sau khi tốt nghiệp, có công ăn việc làm, chúng cũng có gởi tiền về giúp cha mẹ, song thời mà cha mẹ chúng khó nhọc nhất, vất vả nhất, chính là thời kỳ chạy tiền thanh toán các khoản để chúng yên tâm học tập. Phần đóng góp nhiều nhất của những cháu ở lại làm việc là cho nước sở tại, nào là trí tuệ, nào là phần đóng góp để làm ra sản phẩm cho họ, nào là tuổi xuân. Nước sở tại chẳng tốn kém mấy mà có nhân lực có chất lượng. Âu cũng là một cách kinh doanh. Không những vậy, họ còn phân biệt nữa chứ.Thí dụ ở Mỹ, một số ngành như y và dược chỉ dành cho người bản xứ (đại đa số). Ở đó người ta khuyến khích học sinh nước ngoài học những ngành mà người bản xứ ít muốn học như ngành hóa sinh chẳng hạn. Nước ta nghèo và khổ, bác sĩ thì thiếu, cả mấy trăm người dân mới có được một bác sĩ lận, nếu có nhiều bác sĩ, dược sĩ được đào tạo ở nước ngoài thì các bệnh viện có thêm bác sĩ, từ đó mà có thêm bệnh viện cho dân ta và các cháu học xong sẽ có việc làm ngay vì đất nước đang rất cần. Còn cái việc nghiên cứu lâu dài như các môn khoa học cơ bản thì chưa phải là nhu cầu trước mắt của những nước nghèo, nước khổ, vậy nên học xong các cháu phải ỏ lại đó mà làm việc là chuyện đương nhiên. Trách chúng sao được.

Nói đến đây thì  chúng ta đã biết, nhân dân ta đã nghèo còn phải “tài trợ” cho các nước giầu trong việc đào tạo nhân tài cho họ. Nói vậy cho sang chứ thực chất là mình bị bóc lột một cách tự nguyện!

Không biết Bộ Giáo dục đào tạo của ta đã có bao giờ tính coi số tiền một năm dân ta phải chuyển ra để chi cho việc đào tạo này là bao nhiêu không nhỉ? Chắc con số cũng lớn đấy.

Thực tế, nước nào cũng có du học sinh và nước nào cũng đón nhận du học sinh, nước ta không phải là ngoại lệ. Vấn đề thuộc về quản lý của nhà nước, nên học gì, học ở đâu để chỉ một số ít các cháu sau khi học xong mới phải ở lại làm việc trên xứ người còn đại bộ phận sẽ trở về giúp cho đất nước ta phát triển.

12/12/2015 – Ph.T.Kh.

Du học sinh các nước tại Australia
Du học sinh các nước tại Australia (hình tham khảo trên internet)