TỰ TRẢ LỜI CÂU HỎI “TẠI SAO?”

Archimede tắm (hình trên internet)

TỰ TRẢ LỜI CÂU HỎI “TẠI SAO?” MỚI LÀ TUỔI TRẺ.

Lịch sử như dòng nước chảy, chảy qua ngày, qua tháng, qua năm, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Từng thời kỳ lịch sử có biết bao câu hỏi “tại sao?”, “vì đâu?”. Tùy theo nhân sinh quan của mỗi người, mỗi thế hệ mà đánh giá, nhận xét về những diễn biến khác nhau của lịch sử. Thôi thì lịch sử ba, bốn ngàn năm trước cũng chỉ là nghe sách nói thế này, sách nói thế nọ, cổ nhân chẳng ai còn sống để mà nói cụ thể cho chúng ta biết về các vua chúa của nước ta thời đó, về các chiến công hiển hách mà tổ tiên ta đã đạt được thời đó. Ngay cả lịch sử cận đại đây mà người ta còn quên, hoặc cố tình quên, hoặc cố tình xuyên tạc. Ở cái tuổi của tôi, khi nạn đói năm Ất Dậu, 1945 giết chết hàng triệu người, lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ mới 8 tuổi đầu, chẳng biết mà cũng chẳng ai cho biết vì sao lại thế? Chỉ biết gia đình tôi cũng đói lắm, rồi họ hàng của tôi cũng có gia đình không một ai sống sót. Khi lớn lên thì câu hỏi trên đã có lời đáp. Rồi những năm tháng thiếu thốn mọi bề, “ăn ngon mặc đẹp” là cả một ước mơ cho đến tận đời con của tôi mới thực hiện được. Vì đâu nên nỗi? Chỉ những người đã từng sống vào thời kỳ đó mới có câu trả lời cho câu hỏi này. Các bạn trẻ cùng trang lứa với con tôi thì chưa biết được hoặc có biết thì cũng chưa có cảm nhận đầy đủ.

Rồi hai cuộc chiến tranh, sử sách ghi rằng đó là các cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Nhưng cũng có kẻ bảo rằng “người ta rước Pháp rước Mỹ về còn chẳng được, nước mình dại dột lại đánh đuổi Pháp, Mỹ đi!” Sao người ta chóng quên thế nhỉ hay họ không phải người cùng một dòng giống với chúng ta? Có lẽ cũng chẳng lấy những bài báo những tài liệu của đảng Cộng sản để chứng minh làm gì. Chỉ xin lấy hai nhân vật trong lịch sử hiện đại của nước nhà mà đặt câu hỏi “tại sao phải đuổi Pháp đuổi Mỹ đi?”, đó là ông Ngô Đình Diệm, tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ở miền nam nước ta và ông Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của chính quyền miền nam lúc đó. Ông Ngô Đình Diệm tuy được Mỹ sắp đặt, đưa về làm tổng thống, về công và tội của ông thì nhường cho các sử gia, có một điều khá rõ là ông không muốn có sự hiện diện của người Mỹ. Vì điều đó mà chính người Mỹ lại bật đèn xanh cho các đối thủ của ông giết chết anh em ông một cách thảm thương. Ông Dương Văn Minh, là tổng thống cuối cùng của VNCH, tuy ông được quân đội Pháp đào tạo, được Mỹ dựng lên làm quốc trưởng rồi tổng thống, nhưng ông luôn tìm mọi cách để không bị lệ thuộc vào Mỹ. Sau này, khi ông đã sống ở Pháp, nhân một dịp 30 tháng Tư, mấy người Việt chống cộng sinh sống ở nước Pháp đã đến nói với ông Dương Văn Minh rằng, nếu ông chịu tuyên bố ông đã sai lầm vào ngày cuối của tháng Tư đó thì ông sẽ được cấp một ngân phiếu là 1 triệu USD, nhưng ôn đã từ chối.

Vì sao thế nhỉ? Không lẽ mấy ông này dại quá, hay các ông là cộng sản? Tại sao tổ tiên chúng ta, từ thuở vua Hùng, rồi đến các đời vua Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn phải gồng mình lên để đánh đuổi ngoại xâm? Nước lớn có lợi ích dân tộc của nước lớn, nước nhỏ có lợi ích dân tộc của nước nhỏ, không nước nào chịu hy sinh lợi ích của dân tộc mình cho dân tộc khác. Lấy tình hình các nước ở Trung đông hiện nay sau phong trào “Mùa xuân Ả Rập” làm ví dụ. Sự bất ổn ở đó hiện nay chẳng qua cũng xuất phát từ lợi ích của các nước lớn, sự xung đột quyền lợi giữa các nước lớn. Sự giúp đỡ vô tư từ các nước lớn đối với các nước nhỏ là một điều xa xỉ! Chẳng qua là lợi dụng lẫn nhau mà thôi. À mà ở một vài phương diện nào đó nước nhỏ cũng biết lợi dụng các nước để dành phần lợi về cho mình đấy chứ. Người Trung hoa nói “bạn là nhất thời, lợi ích dân tộc là vĩnh cửu”.

Thời gian trước đây tôi chỉ được đọc những sách báo của nhà nước ta in ấn, phát hành, nay có thông tin đa chiều, giao lưu rộng mở, có dịp được đọc những sách của người thuộc phía bên kia viết, tôi mới hiểu vì sao Mỹ và các chính quyền miền nam Việt Nam thất bại. Nếu so về vật chất (vũ khí, khí tài, tiền bạc…) thì lúc đó không ai mạnh bằng Mỹ. Vậy thì tại sao họ lại thua? Mời các bạn đọc rồi tự rút ra kết luận cho mình.

Tuổi trẻ là lứa tuổi luôn luôn muốn tìm hiểu, lúc nào cũng đau đáu với câu hỏi “tại sao?” trước mọi vấn đề của đất nước, của thiên nhiên. Đó là một đức tính rất tốt của tuổi trẻ, nếu không như vậy thì sự bi quan luôn đè nặng lên cuộc sống của các bạn, và đất nước sẽ không có những nhân tài. Để giải đáp cho mình hàng loạt câu hỏi “tại sao” ấy, thì các bạn cũng nên tự mình tìm hiểu, khám phá, như vậy niềm tin của bạn vào vấn đề gì mới vững chắc, không nên chỉ “nghe người ta nói”. Nghe người ta nói rồi tin là một niềm tin chẳng dựa trên cái gì. Thời xa xưa có những thanh niên như Newton, như Maye, như Archimedes và những nhà khoa học khác luôn có sẵn trong đầu câu hỏi “tại sao?” và “như thế nào?” rồi tự mình tìm ra chân lý nên mới để lại cho đời những định luật như “bảo toàn năng lượng”, “vạn vật hấp dẩn”, “lực đẩy”… và rất nhiều thành tựu khoa học khác.Tôi lại xin lấy một ví dụ, nhiều người nghe về những vụ thảm sát của một đơn vị lính biệt kích Mỹ có phiên hiệu là “Mãnh hổ” tại ba ngôi làng trên thung lũng sông Vệ, thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Để làm sáng tỏ câu hỏi “tại sao”, năm 2003, các nhà báo trẻ của tờ báo BLADE, Hoa Kỳ là các anh Michael D. Sallah, Mitch Weiss và Joe Mahr đã bỏ nhiều công sức để tìm cho được sự thật để có được những phóng sự điều tra có chất lượng và cuối cùng được giải báo chí Fulitzer danh giá.

Bất cứ một vấn đề gì, một sự kiện gì cũng có hai mặt của nó các bạn ạ. Một mặt tích cực, một mặt tiêu cực, một mặt hồng và một mặt xám. Tùy cách nhìn và hướng nhìn của mỗi người mà chỉ thấy một mặt nào đó, nhưng đồng thời có những kẻ thấy mặt xám nhưng lại muốn tô hồng hay ngược lại. Đời phức tạp thật các bạn nhỉ? Ấy nhưng như vậy nó mới lý thú, phải không các bạn?./.

Tháng 2/2016 Ph.T.Kh.

Tài liệu tham khảo: “Dương văn Minh, tổng thống cuối cùng…” của Nguyễn Trần Thiết và “Bí mật chon vùi, sự thật tàn bạo” của báo The Blade, Hoa kỳ.

Isaac-Newton

Isaac-Newton