LÒNG TỰ TRỌNG ĐỂ ĐÂU

NSND Tuong vi và tuong Giap

LÒNG TỰ TRỌNG ĐỂ ĐÂU

Cứ nói đến một thời đã qua là phải nói đến cái hoàn cảnh của nó, như một cảnh trang trí trên sân khấu cho một vở diễn, như một hình nền (background) cho mỗi cảnh trên phim ảnh, đó là sự gian khổ và thiếu thốn có thể nói là đến tột cùng.

Bao nhiêu ngày qua, tôi cứ nghĩ mãi vì đâu mà con người thời đó sống trong cảnh túng thiếu như vậy mà không có trộm cắp, không có người ăn mày ăn xin, không có cảnh tranh cướp những bổng lộc từ thần thánh cũng như từ cuộc sống thường nhật? Người công chức từ lớn đến nhỏ đại đa số là những con người chỉ biết làm việc với cả tâm huyết của mình, không nhũng nhiễu, đòi hỏi? Có thể chăng, mọi người đều đề cao lòng tự trọng?

Người đi ra chiến trường, hiểm nguy thấy rõ, hy sinh là chuyện khó tránh khỏi, ngày trở về không thể hẹn với người vợ ở nhà hoặc với người con gái đang yêu. Những người phụ nữ sống trong chờ đợi ấy, biết rằng mình phải thay chồng chăm sóc cho bố mẹ chồng, lo toan cho cả gia đình bên mình và bên chồng. Song tất cả không một lời oán trách, vẫn có lời động viên chồng, con, anh, em lên đường vào nơi nguy hiểm. Tôi có một người em họ, đã có người yêu sắp cưới, chú em tôi là chiến sĩ của đơn vị tên lửa đã hy sinh trong một trận ném bom B52 của Mỹ tại Hà Nội. Cô gái là người vợ sắp cưới biết tin người yêu của mình đã hy sinh, em quyết không đi lấy chồng, để tang thờ người yêu cho đến trọn đời. Ai giải thích cho tôi những lý do nào mà con người đó lại có những hành động như vậy? Phải chăng là lòng tự trọng đã đạt đến một đỉnh cao nào đó?

Cùng với những người ra mặt trận trực tiếp chiến đấu, những người ở hậu phương cũng không tránh khỏi hy sinh, mất mát. Tôi làm ở ngành điện, mỗi lần một cơ sở điện lực bị Mỹ ném bom, nhiệm vụ của tôi là phải đến ngay nơi đó để thống kê những thiệt hại về người và máy móc đặng cho các cán bộ kỹ thuật lên phương án khôi phục. Ngành điện có câu khẩu hiệu “Dòng điện không bao giờ tắt”, để thực hiện cho được khẩu hiệu đó, đã có biết bao cán bộ và công nhân phải hy sinh cả tính mạng mình. Trong một lần đến nhà máy điện Việt Trì, tôi đã chứng kiến người ta moi xác của các công nhân vận hành từ hầm cáp đưa lên, không một ai còn nguyên vẹn, anh em bạn bè đồng nghiệp và gia đình không nhận diện được bất cứ người nào trong đống xương thịt đó, tất cả anh em đó đã hòa làm một. Mọi người đành coi xem có bao nhiêu người ở dưới đó thì chia thành bằng ấy phần để đưa vào quan tài, rồi ghi nhận tên những người đã hy sinh mà chôn cất, mà lập bia mộ. Chẳng riêng gì những người công nhân, kỹ sư làm việc trong các nhà máy mới chấp nhận sự hy sinh tính mạng mình như vậy. Bạn tôi, anh Nguyễn Văn Ngạc, một kỹ sư học ở Nga về, làm việc ở phòng kỹ thuật công ty, song thường xuyên phải đi xuống các nhà máy điện để giúp đỡ kỹ thuật. Trong một trận bom Mỹ anh đã hy sinh trong nhà máy điện Uông Bí, người ta tìm thấy xác anh gục trên bàn ở trung tâm điều khiển, trong tay vẫn còn cầm điện thoại chỉ huy. Và còn nhiều tấm gương hy sinh nữa. Tại sao lại thế? Lý do nào mà những người anh hùng ấy chẳng hề tính toán thiệt hơn, chẳng quản sự hy sinh trước cái chết luôn cận kề? Ai giúp tôi lý giải cho những hành động ấy? Phải chẳng đó là lòng tự trọng của mỗi người đã đạt đến một đỉnh cao nào đó?

Tôi đã may mắn được làm việc dưới quyền những người luôn chỉ biết một lòng lo cho việc công. Đó là kỹ sư Nguyễn Văn Ba, một kỹ sư được đào tạo từ Pháp, dù chỉ là kỹ sư trưởng trong một nhà máy điện nhỏ (so với bây giờ), nhưng đó là một con người không hề tiếc nuối cuộc sống đầy đủ ở nước Pháp, không oán thán về sự thiếu thốn vật chất của một nước vừa được giải phóng rồi lại bước vào cuộc chiến tranh thứ hai. Đó là kỹ sư, thứ trưởng Lê Ba, suốt thời gian đương chức, chưa một lần ông sử dụng của công vào việc riêng, từ thời gian đến phương tiện làm việc. Cho đến lúc hy sinh cũng vẫn là một tấm gương sáng. Vì sao lại như vậy? Phải chăng cũng vì lòng tự trọng?

Hàng triệu người ở hậu phương miền bắc, những công nhân trực tiếp lao động được cấp 18 kilogram gạo, cán bộ kỹ thuật ở nhà máy được 15 kí, còn lại đều là 13 kí, đó là tiêu chuẩn thấp nhất mà mỗi công chức (bất kể chức vụ là gì) và mỗi người dân được mua mỗi tháng. Cứ đến kỳ mua gạo hoặc mua nhu yếu phẩm là một lần phải xếp hàng, có người nói đùa mà cũng là chế diễu giải nghĩa chữ “XHCN” (xã hội chủ nghĩa)  là “xếp hàng cả ngày”! Nói xếp hàng cả ngày thì hơi quá đáng, nhưng động mua thứ gì cũng phải xếp hàng. Một hành động xếp hàng trật tự đến kỳ lạ! Một người có thể đặt cục gạch giữ chỗ cho mình ở cửa hàng gạo rồi sang xếp hàng ở cửa hàng thực phẩm. Không một ai tranh chỗ của người khác, người đứng sau cục gạch của người kia thì cũng cứ tự giác đẩy giúp cục gạch đó lên cho người vắng mặt. Ôi, trong sự khó khăn thiếu thốn mà sao con người ta sống đẹp thế! Phải chăng lòng tự trọng của mỗi con người đã đạt đến đỉnh cao nào đó?

Ngày mà nước Nhật bị sóng thần tàn phá, báo chí của ta cứ ca ngợi mãi một bé trai người Nhật cũng phải xếp hàng nhận bánh, đã từ chối người nhường phần bánh để em khỏi phải xếp hàng. Hành động như vậy ở nước ta trong thời gian khó cũng có nhiều lắm. Không chỉ là nhường cái bánh mà nhường cả sự sống cho người khác, như một bà mẹ đã hy sinh đứa cón rứt ruột đẻ ra để cứu những chiến sĩ. Và còn nhiều nữa. Tiếc rằng những tấm gương đó qua thời gian nó mờ dần trong tâm khảm mỗi người. Cũng chẳng trách được vì mọi người bây giờ nghĩ khác, sống khác, chẳng cứ dân thường mà ngay cả rất nhiều người cộng sản cũng vậy. Bằng chứng là đã đẻ ra biết bao những công chức tham ô, nhũng nhiễu và cũng như lớp trẻ bây giờ có mấy đứa hiểu được lịch sử nước nhà!

Đừng nói đến lịch sử xa xưa như thời Đinh, Lê, Lý, Trần làm gì, thời nay cũng thiếu gì những con người rất có lòng tự trọng. Đó là những người đã làm chính trị thì một đời vì nước vì dân như cụ Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp. Đã làm khoa học thì một lòng vì khoa học như Giáo sư Ngô Bảo Châu được quốc tế trao giải thưởng Field, như các bà Đặng Thị Cẩm Hà, Phó giáo sư, Tiến sĩ của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, như bà Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo ở bệnh viện Chợ Rẫy, là những nhà khoa học có những cống hiến về khoa học có giá trị nên đã được giải thưởng Kovalevskaia. Hoặc như nhà khoa học Nguyễn Trần Lê, người đã cắm lá cờ đỏ sao vàng ở miền nam cực, bên cạnh một số rất ít lá cờ của các nước phát triển khác. Hoặc như cô Tần Lê, một Việt kiều Mỹ đã nghiên cứu thành công việc điều khiền bằng ý nghĩ, giúp cho những người tàn tật có một cuộc sống đỡ khó khăn hơn. Hay như Nghệ sĩ nhân dân Tường Vi và các nghệ sĩ chân chính khác chẳng cần tạo scandal như nhiều nghệ sĩ đương thời, vẫn được người đời ca tụng. Bà Tường Vi năm nay đã 78 tuổi, bà chỉ sống bằng đồng lương hưu, tiền làm thêm bà để dành cho Trung tâm nghệ thuật tình thương, nơi nuôi dạy các  trẻ không may mắn. Chắc còn nhiều tấm gương sáng nữa. Đó là những con người có lòng tự trọng cao, chắc chắn được nhân dân nhớ mãi.

Đành rằng kinh tế thị trường làm thay đổi cuộc sống, thay đổi cả suy nghĩ của chúng ta, song lẽ nào đi vào làm ăn theo cơ chế thị trường thì không cần đề cao lòng tự trọng? Đánh mất lòng tự trọng là đánh mất sự liêm sỉ. Mà con người đã đánh mất sự liêm sỉ thì không khác mấy con vật. Con vật cũng tranh dành nhau, cũng cố vơ vào cho mình phần nhiều nhất, kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, cũng lại cá lớn nuốt cá bé, cũng lại sống một cuộc sống buông thả vân vân. Hãy nhớ rằng, đời rất công bằng, những ai đóng góp gì cho dân cho nước, nhân dân đều biết; ai lấy thứ gì của dân của nước thì dân cũng biết; ai thực sự là những tấm gương sáng, nhân dân cũng biết và ghi nhận; những ai tạo sự nổi tiếng bằng mọi cách (kể cả cách vô liêm sỉ nhất), dân cũng biết, ai rắp tâm hại đồng loại của mình thì người biết, trời biết, đất biết. Những người đó, không trước thì sau, nhất định sẽ có một cuộc sống không ra gì.

Khi cụ Hồ Chí Minh qua đời, nhà thơ Tố Hữu đã khóc bằng một bài thơ, trong đó có câu:

Mênh mông áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Dân gian cũng có câu: “Trăm năm bia đá thì mòn. Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Vâng, bia đá còn có thể mòn nhưng bia miệng thì luôn được truyền từ đời này sang đời khác. Chẳng hạn như Trần Ích Tắc “rước voi về dày mả tổ”, chẳng có cái bia đá nào nói về sự kiện đó, nhưng bia miệng thì cứ lưu truyền mãi mãi. Những người đời sau, tức là thế hệ chúng ta ngày nay hãy nhớ lấy điều đó mà đừng làm gì có hại cho dân cho nước.

Lịch sử trong quá khứ cho thấy dân tộc ta đã từng là một dân tộc nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, gần như không có tên trên bản đồ thế giới. Nhưng với lòng tự trọng dân tộc, cái dân tộc nhỏ bé và lạc hậu đó đã đứng vững qua nhiều cuộc chiến tranh, từ lớn đến nhỏ, từ những cuộc trường chinh đến các cuộc chiến tranh chi tính bằng tháng bằng ngày. Tại sao lại như vậy? vì chúng ta, hay nói đúng hơn là dân tộc ta rất có lòng tự trọng trước sự tồn vong của tổ quốc.

Vậy ngày nay, những con người đang có những hành động thất đức, trái đạo lý, trái đạo trời, trái đạo làm người, vậy lòng tự trọng của họ đang để ở đâu?

Ph.T. Kh.

Tháng Ba 2016

nsnd-thao-vi_TRIW

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi dạy hát cho các cháu không may mắn

Tuong-Vi

NSND Tường Vi tại Trung tâm nghệ thuật tình thương