Cách chăm sóc lan hồ điệp – Đặc điểm thực vật

Cách chăm sóc hoa lan hồ điệp

Đến nay hoa lan hồ điệp đã được phát hiện hơn 70 loài, đa số mọc tại các vùng nóng ẩm của châu Á. Hoa lan hồ điệp hiện nay trồng thương phẩm đều là các giống lai, người Tây phương cho rằng hoa lan hồ điệp là loài lan thông dụng, cách chăm sóc lan hồ điệp là dễ nhất cho những người mới bắt đầu chơi hoa lan vì chúng tăng trưởng gọn chắc, dễ ra hoa, mùa hoa kéo dài, nhiều màu sắc chịu đựng cao với ánh sáng yếu.

Đặc điểm thực vật của hoa lan hồ điệp

Xem thêm: Nhu cầu ánh sáng của lan hồ điệp

Hoa lan hồ điệp (Phalaenopsis) là một trong những loài lan có hoa lớn, đẹp, bền. Hoa lan hồ điệp được khám phá vào năm 1750, đầu tiên được ông Rumphius xác định dưới tên là Angraecum album. Đến năm 1753, Linné đổi lại là Epidendrum amabile và 1825, Blume, một nhà thực vật Hà Lan định danh một lần nữa là Phalaenopsis amabilis BL. và tên đó được dùng cho đến ngày nay.

Mấy năm gần đây, thị trường hoa lan hồ điệp có sức tiêu thụ lớn hơn bất kỳ một loại hoa nào khác và bán được với giá rất cao nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Không chỉ ở Trung Quốc mà ở Hà Lan, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ hoa lan hồ điệp cũng rất lớn. Nhu cầu hoa lan hồ điệp của thị trường hoa quốc tế cũng tăng không ngừng. Đến năm 2002 trong bảng xếp hạng của Hà Lan, hoa lan hồ điệp đứng thứ 2 trong 16 loại hoa được thị trường ưa chuộng.

Hoa lan hồ điệp của Đài Loan được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng và được tiêu thụ khắp toàn cầu, nguyên nhân chính của sự thành công là do Đài Loan đã thành lập được một hệ thống tiên tiến hàng đầu thế giới trong việc lai tạo giống hoa lan hồ điệp mới. Đài Loan trở thành trung tâm sản xuất hoa lan hồ điệp của thế giới,

Đầu thập kỷ 80, Trung Quốc bắt đầu nhập nội hoa lan hồ điệp. Năm 2002, sản lượng hoa lan hồ điệp của Trung Quốc là 3 triệu cây, chủ yếu ở Quảng Đông, Phúc Kiến, Bắc Kinh, Vân Nam, Sơn Đông… bao gồm 50 – 60 xí nghiệp có quy mô lớn, trong đó Quảng Đông có hơn 10 công ty sản xuất khoảng 1,2 triệu cây (chiếm 40% sản lượng hoa lan hồ điệp của Trung Quốc). Cùng với mức sống ngày càng cao của người dân thì nhu cầu về hoa lan cũng ngày càng tăng, diện tích trồng hoa lan ngày một tăng và nghề trồng hoa lan hồ điệp đã trở thành hướng làm giàu chắc chắn của nhiều doanh nghiệp.

Thị trường hoa lan hồ điệp ở Việt nam rất sôi động. Giá hoa lan hồ điệp trong nhiều năm dao động từ 100-150 ngàn đồng/cây. Dịp Tết 2005, công ty Flora của Trung Quốc đã nhập nhiều hoa lan hồ điệp vào Việt Nam (ước tính khoảng trên 40.000 cây) và đã tiêu thụ gần hết. Điều này đặt ra cho các nhà nghiên cứu phát triển ngành sản xuất hoa lan của Việt Nam cũng như các nhà trồng trọt sớm tiếp nhận công nghệ sản xuất hoa lan hồ điệp từ khâu tạo giống, nhân giống đến nuôi trồng và điều khiển ra hoa lan theo ý muốn, đồng thời tổ chức phát triển sản xuất hoa lan hồ điệp như một thế mạnh của ngành hoa lan thương mại ở miền Bắc Việt Nam.

Tại miền Bắc Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Quang Thạch trong nhiều năm đã dầy công nghiên cứu hoa lan hồ điệp và đã có nhiều công trình có giá trị. Các tư liệu về hoa lan hồ điệp trong bài viết này xin phép sử dụng các tư liệu của GS.TS. Nguyễn Quang Thạch.

Đặc điểm thực vật của hoa lan hồ điệp

– Rễ

Hệ rễ của hoa lan hồ điệp không phân chia thành rễ chính, rễ phụ, rễ nhánh, lông hút rõ ràng mà rễ của hoa lan hồ điệp thường có dạng hình tròn, to, mập, có nhánh hoặc không phân nhánh. Rễ thường có màu trắng, đầu rễ có màu xanh, màu vàng trắng hoặc màu đỏ tối. Rễ của hoa lan hồ điệp thường mọc tràn ra ngoài chậu, buông lơ lửng trong không khí, có lợi cho việc hút ôxy và nước, có những nghiên cứu cho thấy rễ hoa lan hồ điệp thuộc nhóm phong lan cũng có khả năng quang hợp.

Cách chăm sóc hoa lan hồ điệp

Rễ của hoa lan hồ điệp cũng như một số loài lan khác thường có nấm cộng sinh. Do nấm, do hạt của hoa lan nói chung đều không có nội nhũ, không được cung cấp đủ dinh dưỡng khi nảy mầm, trong điều kiện nảy mầm tự nhiên, cần dựa vào các nấm sống cộng sinh để hút chất dinh dưỡng. Trong quá trình sinh trưởng của cây, các loài nấm này sống cộng sinh tại rễ lan để tương trợ cho nhau, vì thế rễ của hoa lan còn gọi là rễ nấm. Việc tưới và bón phân cho hoa lan hồ điệp cần cẩn thận, chính là vì trên rễ cây có nấm cộng sinh.

– Thân

Hoa lan hồ điệp thuộc loại hoa lan đơn thân, tức là thân của chúng rất ngắn không hề có giả hành, cũng không có thời kỳ ngủ nghỉ rõ rệt. Hoa lan đơn thân sinh trưởng rất chậm chạp, thân chính của nó trong môi trường trồng lan thuận lợi hàng năm lại mọc ra các lá mới, chúng mọc theo hướng cao hơn theo phương thẳng đứng còn cành hoa thì mọc ở rìa thân hoặc nảy ra từ nách lá, lá mọc xếp thành hai hàng, xen kẽ nhau.

Cách trồng lan hồ điệp

Theo sự sinh trưởng của cây, các lá già ở dưới gốc dần dần già héo và rụng đi, đến khi có chồi nách mọc ra nhưng thường không mọc dài ra được. Vì cây lan rất khó ra chồi nhánh nên không dùng phương pháp tách cây để nhân giống hoa lan. Thân của hoa lan hồ điệp, ngoài tác dụng giữ cho cây thẳng đứng, còn có chức năng tích trữ chất dinh dưỡng và nước cho cây.

– Lá

Lá của hoa lan hồ điệp to dầy, đầy đặn, lá mọc đối xứng, ôm lấy thân cây. số lá trên thân cây thường không nhiều, thông thường 1 cây hoa lan trưởng thành có từ 4 lá trở lên. Trong nách lá có 2 chồi phụ, chồi phụ trên to hơn là chồi hoa sơ cấp, bên dưới là chồi dinh dưỡng sơ cấp. Các chồi sơ cấp này sinh trưởng đến một mức độ nào đó thì bắt đầu đi vào giai đoạn ngủ nghỉ. Màu sắc của lá gồm 3 loại: lá màu xanh; mặt trên lá và mặt dưới lá màu đỏ; mặt trên của lá đốm và mặt dưới lá màu đỏ. Căn cứ vào màu sắc lá có thể phân biệt được màu sắc hoa của chính nó, lá màu xanh thường ra hoa màu trắng hoặc hoa nhạt màu, còn các lá màu khác thường cho hoa màu đỏ.

Kỹ thuật trồng hồ điệp

Hoa lan hồ điệp dễ thích nghi với điều kiện sinh thái nguyên sinh, thông thường bề mặt trên của lá không có khí khổng, chỉ có mặt dưới của lá mới có khí khổng. Hoa lan hồ điệp là loại thực vật CAM, giống như các thực vật CAM khác khí khổng mở ra vào ban đêm để thu nhận CO2 để tạo ra chất dự trữ trong cơ thể, vào ban ngày CO2 được giải phóng, tham gia vào quá trình quang hợp. Ưu điểm của loại thực vật này là khí khổng không mở ra vào ban ngày nên cây không bị mất nước, thoát hơi nước. Điều kiện này đối với những cây không được cung cấp nước đầy đủ thường xuyên là rất có lợi. Khi cây có đủ nước thì khí khổng cũng có thể mở ra vào ban ngày hút khí CO2 để tiến hành quang hợp bình thường. Nếu gặp phải điều kiện khô hạn nghiêm trọng thì khí khổng sẽ đóng lại, quá trình quang hợp diễn ra chỉ vừa đủ cho lượng CO2 tạo ra trong chu trình hô hấp. Đây chính là nguyên nhân khiến cho lan hồ điệp mặc dù không có giả hành nhưng lại có khả năng chịu hạn tốt.

– Hoa

Cành hoa của hoa lan hồ điệp mọc ra từ nách lá, thông thường đếm theo thứ tự từ trên xuống thì cành hoa bắt đầu mọc ra từ lá thứ 3 hoặc thứ 4. Các cành hoa có thể phân nhánh hoặc không phân nhánh, Hoa lan to thường ít phân nhánh còn lan hoa nhỏ phân nhánh rất rõ thậm chí một số giống hoa lan hồ điệp nhỏ có thể nở đến 200 bông hoa. Cành hoa khi chưa phân hóa các đốt hoa thường ở dạng tiền chồi nách hoặc tiền chồi hoa, ở nhiệt độ dưới 15°c và bị bấm ngọn có nảy thành chồi hoa, nhưng nếu nhiệt độ cao quá 28°c thì chỉ có thể nảy thành chồi nách.

Cách trồng hoa lan hồ điệp
Cành hoa của hoa lan hồ điệp mọc ra từ nách lá

Đa số các giống hoa lan đơn cây chỉ ra một cành hoa, có một số giống khác hoặc trong điều kiện tốt cho chồi hoa phân hóa có thể mọc ra 2 hoặc 3 cành hoa. Nói chung, hoa lan hồ điệp đơn cây, nếu phân hóa số cành hoa càng nhiều hoặc cành nhánh càng nhiều thì hoa nhỏ do bị hạn chế về dinh dưỡng. Để trồng được hoa lan hồ điệp có bông hoa to đẹp, cần phải khống chế số hoa trên một cành hoặc cắt bớt đi một số cành nhánh.

Để đánh giá và thưởng thức hoa lan, người ta thường dùng 2 khái niệm “hoa đều đặn” hoặc “cực kỳ đều đặn”. Hoa đều đặn là chỉ hoa có cánh hoa đều to rộng, giữa các cánh hoa không có khe hở hoặc chỉ hở rất nhỏ, cánh môi trải xuống tạo dáng hình elíp, tất cả bông hoa tạo nên dáng hình tròn, còn loại “cực kỳ đều đặn” là chỉ hoa có dáng rất tròn, cánh hoa chồng khít lên nhau, không có khe hở. Nếu giữa các cánh hoa có các khe hở hoặc khe hở khá lớn thì là “hoa không đều đặn”.

Cách trồng lan Hồ Điệp
Hoa lan hồ điệp đạt giải thế giới nằm 2010

– Quả và hạt

Hoa lan hồ điệp chỉ tạo quả qua thụ phấn nhân tạo hoặc thụ phấn nhờ côn trùng. Vỏ quả có hình que, phát triển chậm thường qua 4 tháng mới chín và tách vỏ. số lượng hạt trong một quả khác nhau do sự khác nhau về cây bố, mẹ đem thụ phấn. Những hạt của chúng thường rất nhỏ, có dạng bột, không có phôi nhũ, trong điều kiện tự nhiên rất khó tự nảy mầm thành cây con, thường phải gieo hạt trong môi trường vô trùng thích hợp mới có thể thu được cây con.

Cách trồng lan hồ điệp từ hạt

Còn tiếp