Kỹ thuật nhân giống hoa lan – p8

Kỹ thuật nhân giống hoa lan

Các phương pháp, kỹ thuật nhân giống hoa lan.

Mục tiêu: Thực hiện thành công kỹ thuật nhân giống hoa lan đơn giản như phương pháp tách chiết, phương pháp gieo hạt hoặc kỹ thuật nhân giống hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Xem thêm:

– Phần 1 – Sản xuất hoa lan – Giới thiệu và tình hình chung.
– Phần 2 – Nguồn gốc, đặc điểm thực vật học.
– Phần 3 – Yêu cầu điều kiện sinh thái của lan và tiêu chuẩn định giá.
– Phần 4 – Nhà kính trồng lan, nhà che – Giới thiệu.
– Phần 5 – Làm giàn treo cho lan, móc treo, sạp kệ.
– Phần 6 – Lắp đặt hệ thống tiêu, tưới nước cho hoa lan.
– Phần 7 – Chọn chậu và làm giá thể trồng lan.

  • Trình bày được ưu, nhược điểm của các phương pháp, kỹ thuật nhân giống hoa lan.
  • Thực hiện thành thạo các thao tác trong kỹ thuật nhân giống hoa lan đơn giản như phương pháp tách chiết, phương pháp gieo hạt.
  • Nêu được các bước trong kỹ thuật nhân giống hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô.
  • Thực hiện thành thạo các thao tác cấy cây vào giá thể trồng đúng yêu cầu kỹ thuật.
  • Thực hiện kỹ thuật nhân giống hoa lan đạt tỷ lệ xuất vườn theo quy định.
  • Nhận thức được tầm quan trọng của việc nhân giống hoa lan đối với sản xuất, kinh doanh hoa lan.
  • Đảm bảo tiết kiệm nguyên vật liệu, an toàn lao động.

A. Nội dung:

I. Các hình thức nhân giống lan.

1. Các loại lan nhân giống bằng thân củ hay thân chính.

  • Cymbidium.
  • Dendrobiums.
  • Cattleya và các giống lai.
  • Brassia.
  • Lycaste.

2. Kỹ thuật nhân giống hoa lan bằng phương pháp tách cây.

  • Cymbidium.
  • Dendrobiums.
  • Cattleya và các giống lai.
  • Brassia.
  • Lycaste.

3. Kỹ thuật nhân giống hoa lan bằng phương pháp giâm cành hay ghép.

  • Dendrobiums.
  • Vanda và loại giống lai.
  • Phalaenopsis.

4. Kỹ thuật nhân giống hoa lan bằng gieo hạt.

  • Tất cả các loại lan.

II. Kỹ thuật nhân giống hoa lan.

1. Kỹ thuật nhân giống hoa lan bằng phương pháp giâm cành.

  • Đây là phương pháp nuôi cấy mắt hay còn gọi là phương pháp giâm cành. Từ các chồi mắt ngủ chúng ta có thể sản xuất ra được một hoặc nhiều cây con.
  • Mắt là gì?
  • Cây thường tạo ra các chồi “ngủ” trên các đốt thân. Nếu ngọn chết đi sẽ thúc đẩy quá trình phát triển của các chồi ngủ trên thân.
  • Mắt cây có thể tìm thấy ở các vị trí sau:
  • + Trên thân Phalaenopsis, Doritis và Phaius.
  • + Trên thân hành của Dendrobium.
  • + Dưới gốc của Cattleya.

Mắt cây của giống lan Phalaenopsis đạt tiêu chuẩn để giâm cành.
Mắt cây của giống lan Phalaenopsis đạt tiêu chuẩn để giâm cành.

Bước 1: Cắt mắt cây giống.

  • Mắt cây phù hợp là bạn cắt 3 cm ở phía trên và dưới mắt của cành hoa. Điều rất quan trọng là phải dùng dao bén, bởi vì dao cùn làm các mô bị tổn thương rất nhiều. Kế đó bạn hãy cẩn thận gỡ bỏ các màng bao.

Mắt cây lan cắt khoảng 3 cm.
———–>3cm<———–
Mắt cây lan cắt khoảng 3 cm.

Bước 2: Chuẩn bị nền giâm.

  • Nền giâm cành có thể dùng dớn vụn hoặc rễ cây lục bình phơi khô. Cho nền giâm cành vào khay và tưới vừa ẩm tạo điều kiện cho mầm ngủ phát triển thuận lợi.

Nền giâm.
Nền giâm.

Bước 3: Đặt mắt cây vào trong đất trồng:

  • Đặt mắt cây đã sửa soạn nằm ngang trong đất trồng, mắt cây phải ở phía trên.

Mắt ngủ được đặt vào trong khay nhân giống.
Mắt ngủ được đặt vào trong khay nhân giống hoa lan.

Bước 4: Tưới ẩm và đậy khay với lớp plastic.

  • Đậy khay bằng lớp plastic để giữ ẩm.
  • Sau khi đặt mắt ghép vào trong khay, chúng ta tiến hành tưới ẩm để giữ ẩm cho mắt.

Mắt cây được tưới ẩm.
Mắt cây được tưới ẩm.

Bước 5: Chăm sóc sau khi giâm.

  • Tiến hành chăm sóc, tưới nước thường xuyên cho mắt lan. Sau 4 tuần mắt lan bắt đầu nảy chồi non, tiến hành mở lớp plastic phủ.

Mắt cây sau khi giâm được 10 tuần.
Mắt cây sau khi giâm được 10 tuần.

2. Kỹ thuật nhân giống hoa lan bằng phương pháp tách nhánh.

  • Nhiều giống lan mỗi năm mọc thêm vài ba nhánh. Sau vài năm cây lan đã trở thành một khóm lớn có 9 – 10 nhánh. Những nhánh già nếu để lại chỉ là những chiếc bầu chứa nước chứ không ra hoa và cũng không mọc cây non nữa. Để lại chỉ thêm chật chỗ, nhưng nếu tách rời ra, những nhánh già vì lý do sinh tồn sẽ mọc cây non. Vì vậy để cây sinh trưởng và phát triển tốt chúng ta cần tách các nhánh này tạo thành một cây mới. Khi tách nhánh nên dùng dao, kéo đã khử trùng và phun thuốc sát trùng vào các vết cắt. Thời gian tách nhánh tốt nhất là sau khi hoa tàn hay trong mùa hè. Không nên tách vào cuối mùa thu hay mùa đông.

Bước 1: Chọn các nhánh đủ tiêu chuẩn.

  • Các nhánh đủ tiêu chuẩn là các nhánh có chiều dài khoảng 8 – 10 cm, không bị sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt.

Nhánh lan đủ tiêu chuẩn để tách.
Nhánh lan đủ tiêu chuẩn để tách.

Bước 2: Tách nhánh.

  • Dùng dao đã được sát trùng bằng công 90o để sát trùng trước khi tách nhánh.

Dùng dao đã sát trùng để tách nhánh.
Dùng dao đã sát trùng để tách nhánh.

Bước 3: Tách nhánh khỏi cây mẹ.

  • Tách nhánh khỏi cây mẹ.

Các nhánh đã được tách khỏi cây mẹ.
Các nhánh đã được tách khỏi cây mẹ 2.
Các nhánh đã được tách khỏi cây mẹ.

Bước 4: Trồng nhánh vào chậu.

  • Nhánh lan được trồng ngay ngắn trong chậu.

Các nhánh lan đã được trồng vào chậu.
Các nhánh lan đã được trồng vào chậu.

3. Kỹ thuật nhân giống hoa lan bằng củ già.

  • Khi tách ra các củ già của các giống lan như Cymbidium, Oncidium… không nên vứt đi, vì những củ này thường mọc ra những cây con. Cần phải cắt bỏ rễ thối, lá già rồi để vào chỗ râm mát, thỉnh thoảng phun nước để củ khỏi khô héo. Khoảng vài tháng sau các củ này sẽ mọc cây con, đợi khi cây con mọc khoảng 4 – 5cm hãy đem ra trồng.

4. Kỹ thuật nhân giống hoa lan bằng phương pháp gieo hạt từ trái xanh.

4.1. Gieo hạt từ trái xanh gần chín.
  • Bên trong trái lan, nếu còn nguyên vẹn chưa nở bung ra thì hạt đã vô trùng. Nếu tẩy trùng bên ngoài trái lan còn nguyên vẹn (trái gần chín) và mở nó ra trong môi trường vô trùng ta bảo đảm những hạt li ti kia dùng được trong nuôi cấy. Đây là phương pháp kỹ thuật có ưu điểm là hạt lan “không cần tẩy trùng”, rất hữu hiệu không gây hại hạt lan bởi hóa chất dùng sát khuẩn. Hơn nữa, nếu so với trái gần chín nó nẩy mầm nhanh hơn so với trái chín hẳn.

Bước 1: Chuẩn bị khu vực cấy.

  • Ứng dụng ở đây là dùng hơi nước sôi trên miệng nồi để tạo điều kiện sát trùng (tạo khu vực vô trùng). Để giảm thiểu sự rủi ro ta cũng nên sát trùng kỹ phòng làm việc như đóng tất cả các cửa sổ, lau nền nhà, vách tường bằng dung dịch Clorox, không nên dùng phòng rộng quá, xem hình dưới đây.

Dụng cụ đang được khử trùng.
Dụng cụ đang được khử trùng.

Bước 2: Khử trùng dụng cụ, trang thiết bị.

  • Ngâm dao mổ, kiềm, nhíp… vào cồn 70%. Đổ nước vào trong nồi, chừng 3cm, mở bếp đun lên. Nhiệt độ sẽ làm cho nước sôi và hơi nước bốc lên. Khi nước bắt đầu sôi, dùng giấy nhà bếp nhúng cồn lau sạch cái vỉ, đặt nó lên miệng nồi.

Bước 3: Tẩy trùng quả.

  • Cẩn thận cắt bỏ phần cánh hoa còn dính ở đầu quả để giảm bớt nguy cơ nhiễm trùng. Quả đã sẵn sàng để tẩy trùng. Rửa sạch cái ly thủy tinh bằng cồn, sau đó đổ đầy dung dịch sát khuẩn Clorox. Bỏ quả vào trong đó và cho chìm hoàn toàn trong thuốc sát trùng.

Quả lan đã được tẩy trùng.
Quả lan đã được tẩy trùng.

Bước 4: Gieo hạt.

  • Phải làm theo từng bước trong khu vực sát trùng (trên dòng hơi nước nóng). Mở ống nghiệm cấy và nút bông và để trên dòng hơi nước cho đến khi ống nghiệm được đậy lại.
  • Sau khi tẩy trùng quả lan 15 phút, ta có thể mở ra trên dòng hơi nước. Nhớ mang bao tay, (đã được lau khử trùng với cồn), nhúng miếng giấy dùng trong nhà bếp (miếng giấy hình tròn màu trắng, dùng giấy trắng sốp khác cũng được) trong cồn và đặt lên vỉ. Lấy quả ra, nhớ thao tác trên dòng hơi nước sôi và nhúng vào lọ cồn. Để quả lan lên miếng giấy và mở ra làm hai với dao mổ và nhíp (xem hình), dao cắt và nhíp đã được khử trùng qua lửa đèn cồn. Dao cắt và nhíp phải hơ qua hơi nước, xong rồi để vào lọ cồn.

Khử trùng dụng cụ.
Khử trùng dụng cụ.

  • Lấy ống nghiệm cấy (có môi trường nuôi) và mở giấy nhôm bao trong dòng hơi nước sôi. Đặt nắp giấy nhôm trên miếng giấy có nhúng cồn bên cạnh nồi.
    – Lấy cái nhíp ra khỏi lọ cồn và khử trùng với đèn cồn. Mở nút bông ra với cái nhíp và đặt nó lên vĩ.
  • Khử trùng cái móc qua đèn cồn. Dùng cái móc cấy chuyển đưa hạt vào trong ống nghiệm trên môi trường cấy. Sau khi đưa hạt lan vào môi trường cấy, giữ cái móc một thời gian ngắn trên hơi nước sôi và đặt nó lại vào trong lọ cồn. Hơ qua ngọn lửa đèn cồn để sát trùng. Đặt lại miếng giấy nhôm chụp lên ống nghiệm. Cột chắc chắn nắp giấy nhôm bằng vòng dây cao su để nó không di chuyển.

Đậy nắp ống nghiệm bằng tấm giấy nhôm.
Đậy nắp ống nghiệm bằng tấm giấy nhôm.

Bước 5: Chăm sóc.

  • Đặt mấy ống nghiệm đó bên bệ cửa sổ giống như trong hình. Nhiệt độ chừng 20°C. Cẩn thận tránh ánh sáng trực tiếp bởi vì hạt lan trong ống nhiệm sẽ bị nóng khi ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Nếu nhà bạn không có bệ cửa sổ, bạn có thể để trong phòng với ánh sáng đèn ống 20W. Lời khuyên của chúng tôi là bạn đặt các ống nghiệm ở những nơi khác nhau, như vậy bạn có thể cảm thấy được điều kiện nảy mầm.

Chăm sóc hạt lan sau khi gieo.
Chăm sóc hạt lan sau khi gieo.

4.2. Kỹ thuật nhân giống hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mắt trong môi trường nuôi cấy (invitro).

Bước 1: Sửa soạn mắt cây.

  • Ưu điểm của kỹ thuật này là cây mới sinh sản sau này hoa sẽ trông giống cha mẹ chúng. Chúng ta dùng kỹ thuật này để nhân giống các loại hoa lan: Hồ điệp -Phalaenopsis, Doritis pulcherima, Phaius tankervilleae và Chiloschista lunifera.
  • Mắt cây phù hợp là bạn cắt chéo với 1 cm ở trên và dưới mắt của nhánh (cây) hoa. Điều rất quan trọng là dùng dao bén bởi vì dao cùn làm các mô bị tổn thương rất nhiều.

Mắt cây lan đạt tiêu chuẩn.
Mắt cây lan đạt tiêu chuẩn.

Bước 2: Chất dung môi nuôi cấy.

  • Để khởi đầu phát triển của “mắt ngủ” chúng ta hãy dùng chất dung môi gồm có cytocinins (chất kích thích sinh trưởng – phytohormon). Chúng ta dùng Sigma’s P6793 (Phytotechlab P793).

Bước 3: Chuẩn bị thiết bị và vật liệu.

  • Thiết bị: Bếp lò, nồi nước nấu có đường kính 30cm, đèn cồn (dùng để sát trùng dụng cụ), bao tay cao su, nhíp, kẹp, dao sắc, dụng cụ cấy.
  • Dụng cụ: Ống nghiệm chứa môi trường cấy, bình cấy, cồn…

Bước 4: Bỏ mắt cây vào lọ.

  • Ngâm mắt cây đã cắt vào cồn 70% vài giây. Sau đó đặt các mắt cây vào trong nước Oxi già 0,5% (hydrogen peroxide H2O2) trong 30 phút. Kế đó đặt chúng vào trong nước Oxi già (H2O2) 3% trong 15 phút. Sau 15 phút, đặt các mắt cây đã khử trùng (trong ống nghiệm) nằm trên vỉ trong vùng hơi nước sôi (vùng khử trùng). Bây giờ, lấy ống nghiệm và mở ra trên hơi nước sôi. Nắp đậy phải đặt trong miếng giấy nhà bếp (kitchen paper) tẩm cồn. Lấy cái nhíp và khử trùng bằng đèn cồn. Đưa cái nhíp vào vùng khử trùng (vùng hơi nước) và lấy một cái mắt cây đã
    đức ngâm trong dung dịch Oxi già và đặt nó với phần đuôi vào đắy lọ trong dung môi nuôi.
  • Kế tiếp, nhúng cái nhíp vào trong nước sôi để rửa sạch các chất dung môi bám vào nhíp và ngâm nhíp vào trong lọ cồn 70%. Đậy ống nghiệm lại (trên hơi nước sôi) và đặt nó trên bàn để dán nhãn. Với ống nghiệm kế tiếp bạn cũng làm giống như vậy.

Gợi ý: Để tạo dung dịch khử trùng có hiệu quả hơn, hãy nhỏ vài giọt nước rửa chén vào trong nước Oxi già.

Bước 5: Chăm sóc.

  • Đặt các ống nghiệm bạn đã làm các mắt cây vào nơi ấm và sáng (khoảng 20°C). Tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp bởi vì ánh sáng mặt trời sẽ làm ống nghiệm trở nên nóng bên trong.

Chồi con đang mọc.
Chồi con đang mọc.

Cây con đã mọc hoàn chỉnh.
Cây con đã mọc hoàn chỉnh.

5. Kỹ thuật nhân giống hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Quy trình trên được tiến hành qua các giai đoạn sau:

5.1. Chọn mẫu và khử trùng mẫu cấy:
  • – Tách các vảy hành ra từ cây, bóc lần các lá già cho đến khi xuất hiện các mầm chồi bên mang đỉnh sinh trưởng. Cắt bỏ gốc của mỗi mầm, sau đó khử trùng bằng cách ngâm trong cồn 70% trong 30 giây, rửa sạch bằng nước cất vô trùng ngâm trong dung dịch Ca(OCl)2 2% trong 25 phút, việc khử trùng được tiến hành trong tủ cấy. Mô được rửa lại với nước cất vô trùng 4 – 5 lần.
  • Mỗi mầm được đặt trong đĩa petri vô trùng và cẩn thận tách các lá non. Sau mỗi lần tách, nhúng mầm vào cồn 700 trong 1 giây và rửa với nước cất vô trùng. Chuyển sang một đĩa petri vô trùng khác, tách các lá mầm bằng dao nhọn vô trùng. Dùng kìm nhọn tách các lớp lá, cắt đỉnh sinh trưởng ra khỏi mô và cấy vào môi trường nhân giống ban đầu.

Quy trình cơ bản nhân giống lan bằng kỹ thuật nuôi cấy mô.
Quy trình cơ bản nhân giống hoa lan bằng kỹ thuật nuôi cấy mô.

5.2. Kỹ thuật nhân giống hoa lan.
  • Môi trường nhân giống hoa lan thường là môi trường có bổ sung các chất điều hoà tăng trưởng (auxin, cytokinin,…) với tỷ lệ phù hợp tùy loài nhằm tạo điều kiện cho quá trình nhân chồi. Nồng độ các chất điều hoà sinh trưởng nên giảm dần trong các lần cấy chuyền sau đó. Các chất chiết trái cây cũng được đề nghị dùng như nước cốt cà chua, nước dừa, nước chuối, nước khoai tây… nhưng chúng chỉ có hiệu quả trong các lần cấy chuyền và thể tích cũng không quá 10% thể tích môi trường.
  • Nhiệt độ lý tưởng để nhân giống hoa lan là 220C – 260C và tuỳ vào mỗi loài.
  • Sau 4 – 8 tuần, đỉnh sinh trưởng chuyển sang màu xanh lục và tạo ra các khối tròn gọi là thể chồi. Thể chồi được lấy ra khỏi môi trường cấy ban đầu, dùng dao nhọn cắt làm 4 – 6 miếng tuỳ kích thước của chồi. Lát cắt được chuyển vào môi trường duy trì (môi trường phát triển chồi). Mỗi đỉnh sinh trưởng sẽ phát triển ra một thể chồi mới sau khoảng 4 tuần, có thể cắt tiếp và cấy chuyền sang môi trường mới.
5.3. Tái sinh cây hoàn chỉnh in-vitro:
  • Khi đạt đến số cây giống cần thiết, ta chuyển thể chồi sang môi trường tạo rễ (môi trường có lượng auxin tăng lên để kích thích ra rễ). Sau 4 -5 tháng, các thể chồi sẽ phát triển thành cây con.
5.4. Chuyển cây ra vườn ươm:
  • Cây con cao 5 – 7 cm và có từ 3 – 4 lá có thể chuyển sang cấy vào bầu đất mùn vô trùng có bổ sung các chất dinh dưỡng. Sau một thời gian cây phát triển ổn định ta đem chuyển vào chậu. Sau khi chuyển chậu khoảng một tuần mới được bón phân, lúc này cây đã có đủ sức chống chọi với bệnh tật.
  • Như vậy, từ một mô hoa Lan được chọn nuôi cấy cho đến ra cây con có 3 – 4 lá chuyển ra vườn trồng mất thời gian khoảng từ 8 đến 11 tháng.
  • Với phương pháp nhân giống hoa lan vô tính như trên sẽ đảm bảo tạo ra cây con mang đặc tính giống hoàn toàn với cây cha mẹ (cây con ổn định về mặt di truyền), cây con không nhiễm bệnh và tạo được một số lượng lớn cây con trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc cấy mô phải được thực hiện thật nghiêm túc và tỉ mỉ theo đúng quy trình, phải có điều kiện về trang thiết bị đầy đủ, môi trường nhân tạo thích hợp, đặc biệt là điều kiện vô trùng phải được đảm bảo nghiêm ngặt. Cần chú ý thêm, đối với các loài không phải là cây bản địa, phải được thuần hoá tại vùng mới chọn mẫu đem nuôi cấy, có như vậy mới đảm bảo hiệu quả từ khâu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đến trồng ngoài vườn ươm.

One comment

Leave a Reply to Lưu Thanh Thư Cancel reply

Your email address will not be published.