Phần II: THỜI ĐÓ CÔNG AN CÓ QUYỀN CAO NHẤT.

Khoa & friends

Phần II: THỜI ĐÓ CÔNG AN CÓ QUYỀN CAO NHẤT.

Chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi là vào năm 1984. Nước ngoài đầu tiên tôi đến là nước Nhật. Thời ấy đi nước ngoài đã khó, đi sang một nước tư bản lại càng khó hơn. Để được chấp thuận, người quyết định là ông Bộ trưởng, nhưng ông ấy cũng chưa phải là người quyết định cuối cùng mà là mấy chú bên Bộ công an (chức tước của mấy chú đó thấp hơn ông Bộ trưởng của tôi nhiều, nhưng quyền của mấy chú ấy thì tuyệt đỉnh). Ngoài những thủ tục thông thường, tôi phải mang tất cả tài liệu đem đi sang cho mấy chú công an duyệt (khổ quá, biết gì đâu mà duyệt), thế là mấy chú lấy con dấu của công an cộp hết vào các bản đơn hàng (bằng tiếng Anh). Âu cũng là một thời ấu trĩ. Tiền được mang theo? Lúc đó đồng USD là ngoại tệ mạnh (mà mạnh thiệt!), nên mỗi người đi chỉ được mang theo có 100 USD. Nhưng có được số tiền ấy đâu có dễ. Phải lập một bộ hồ sơ gồm có quyết định của Bộ trưởng, hộ chiếu (tất nhiên rồi), công văn của công ty xin đổi ngoại tệ, cuối cùng là số tiền Việt tương ứng. Cầm 100 USD trong tay mà cứ ngỡ cả một gia tài, vì thế thỉnh thoảng lại phải sờ nắn, ngó nghiêng coi nó còn nằm trong túi của mình không.

Một trăm dollars mà ở cái xứ Phù tang, hàng hóa cứ tràn ngập, nhất là đồ điện tử và xe gắn máy, thử hỏi làm được việc gì? Thế là chỉ dám ngó mỗi khi đi lướt qua các cửa hàng trên phố! Một trăm dollars trước khi về được đổi thành ít bánh kẹo và một cái bơm xe đạp, đạp bằng chân có kèm theo đồng hồ đo áp suất. Chuyến xuất ngoại đầu tiên thế là oách lắm rồi! Nhiều người thấy mình đi mà thèm thuồng, mà ngưỡng mộ. Sau này tôi có qua bên đó vài lần nữa nhưng chán quá rồi, vì cái gì ở xứ sở đó đều đắt khủng khiếp.

Tôi còn nhớ, có một lần cơ quan viện trợ của Đức mời đích danh ông giám đốc công ty cấp nước Sài gòn, ông giám đốc Sở giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh và tôi sang thăm và làm việc với các công ty của Đức. Theo quy định thời đó, ai muốn đi xuất ngoại cũng phải được mấy chú công an cho phép chứ không như bây giờ, ai có hộ chiếu và có visa nhập cảnh là cứ ung dung mà lên máy bay. Khi đó, dù tôi đã được ông Bộ trưởng bộ tôi cấp quyết định cho đi, nhưng mấy chú công an bảo “sao ông Khoa đi nước ngoài nhiều thế?”, thế là hộ chiếu của tôi bị giữ lại ở Hà Nội.

Gần đến ngày đi, vé máy bay do Tổng lãnh sự Đức đã đặt sẵn, nhưng chỉ mình tôi là không thấy chuẩn bị gì. Tôi hỏi Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ, lý do giữ hộ chiếu của tôi. Anh Vụ phó bảo:

  • Bên Công an không duyệt cho anh đi. Nếu Tổng lãnh sự Đức hỏi thì anh bảo bị bệnh không đi được nhé.
  • Không, tôi không nói dối. Tôi sẽ nói thật cho họ biết. Tôi trả lời vậy.

Hai ngày sau, chẳng biết sứ quán Đức có tác động gì không mà Bộ gởi hộ chiếu vào cho tôi và yêu cầu tôi phải đi. Nhưng tôi lại không đi nữa, mặc cho Bộ thúc, tôi cứ từ chối. Làm cao cho mà biết!

Một lần khác, cũng sang làm việc ở bên Nhật, tôi lại được tháp tùng ông Bộ trường của tôi. Hộ chiếu, quyết định của Bộ trưởng có đầy đủ, nhưng mấy chú bên công an lại giữ lại không cho tôi đi. Mấy chú hỏi ông Bộ trưởng của tôi, rằng nếu Bộ trưởng thấy cần thiết thì chúng tôi để anh ấy (tức là tôi) đi. Bộ trưởng hình như sợ trách nhiệm hay sao ấy mà không dám quyết. Thế là lại một lần hụt. Thực tình, tôi đi nước ngoài cũng đã nhiều nên việc đi hay không thì chẳng quan trọng. Hơn nữa cái ngữ tôi đi tháp tùng cán bộ cấp cao thì cũng chỉ là đi hầu.

Việc của tôi coi như xong. Nhưng khổ thay cho ông Bộ trưởng. Chẳng hiểu cái Vụ hợp tác quốc tế lúc đó làm ăn thế nào mà đương kim Bộ trưởng đi nước ngoài nhưng có lẽ được phép của Chính phủ. Vì quá vui hay quá trách nhiệm gì đó mà trên đường ra sân bay Nội Bài, ông Bộ trưởng nhà tôi lại ghé nhà chào Thủ tướng Chính phủ. Ông Thủ tướng bảo (đại khái là):

  • Thật vớ vẩn! Đường đường là một Bộ trưởng mà đi thăm theo lời mời của một công ty tư nhân bé tẹo. Không được đi!

Vì tôi không chứng kiến cảnh đó nên không biết thái độ ông Bộ trưởng của tôi lúc đó ra sao. Chỉ biết rằng ông ủy quyền cho một ông cấp vụ làm trưởng đoàn rồi ông quay về.

Cái thời đó như vậy, nhắc lại một kỷ niệm của một thời. Ngày nay thì khác rồi. Luật của ta bảo được làm tất cả những gì mà luật không cấm. Cũng như chỉ cấm xuất cảnh những người còn đang là đối tượng nghi vấn trong một vụ án nào đó. Thế chẳng phải là xã hội của chúng ta đã tiến bộ nhiều rồi đó sao?

(Kỳ sau: ĐỂ TANG NỀN DÂN CHỦ TRUNG HOA)

Khoa & friends 2

đi học ở nước ngoài

Khoa & friends

Sang Nhật

Add a Comment

Your email address will not be published.