ĐẠO CAO ĐÀI TRÊN VÙNG ĐẤT MỚI

Dao cao dai

ĐẠO CAO ĐÀI TRÊN VÙNG ĐẤT MỚI

Thời gian đầu vào miền Nam, tôi đi thăm Thánh thất Cao Đài ở Tây Ninh, sau khi thăm tôi có một cảm nhận rất mông lung, vì trong buổi hành lễ tôi thấy có điểm gì đó giống như những buổi tế lễ ở đình làng xưa ở miền bắc, chí ít thì cũng về trang phục. Ở ngay cửa vào tôi đọc được tên các vị, ngoài thờ đức Chúa Jesus, đức Phật Thích ca, còn có cả Lão Tử, Khổng tử, có cả tên ông Tôn Dật Tiên ở bên Trung hoa, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà bác học Việt Nam, ông Victor Hugo, nhà văn Pháp. Tham quan để biết vậy thôi, công việc cuốn hút rồi tôi cũng chẳng quan tâm đến đạo Cao Đài làm gì nữa.

Đến một hôm, tôi đọc cuốn “Đêm trắng của đức Giáo tông” (tác giả Trầm Hương), nói về đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, một nhánh đạo Cao Đài tại Bến Tre, tôi có nhận thức mới, đặc biệt là những người Cao Đài trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó hai người con trai của đức Giáo tông là Nguyễn Ngọc Nhựt và Nguyễn Ngọc Bích đã từ bỏ cuộc sống đầy đủ ở nước Pháp để về nước tham gia kháng chiến và đã hy sinh. Nói về đức Giáo tông, có mấy câu thơ như sau:

… Nên tình máu mủ vì danh Đạo

Đành để hai con chịu khổ hình

Mệnh hệ nhơn sanh thà bảo trọng

Tình nhà cam phải chịu hy sinh…

Trước hết cần nói rằng, đạo Cao Đài là đạo của người dân vùng đất mới và cũng chỉ phát triển được ở vùng đất mới. Những người sáng lập đạo đã có chủ trương phát triển sang nước láng giềng là Campuchia và ra miền Bắc, và cũng có chủ trương phát triển sang một số nước châu Âu nhưng bất thành. Vương quốc Campuchia đã chặn đứng chủ trương này bằng đạo dụ ngày 26/12/1927 của vua Cao Miên, nhiều người Cao Miên gần biên giới Việt-Miên đã phải bỏ đạo Cao Đài để trở về với đạo Phật, ở Hà Nội cũng có một hai thánh thất nhưng với quy mô rất nhỏ do thực dân Pháp kiểm soát chặt chẽ không cho phát triển.

Ở miền Nam thời đó có những người đả kích rất dữ đạo Cao Đài, điển hình là ông Đào Trinh Nhất, ngay từ khi đạo này mới ra đời (tôi đọc ở đâu đó là vào năm 1926). Ông Đào Trinh Nhất đã viết một cuốn sách với tựa đề là ‘CÁI ÁN CAO ĐÀI’, trong đó có những đoạn nói rất gay gắt như:

“ Cao Đài là một thứ tà đạo: Phải, tôi nói Cao Đài là một thứ tà đạo. Độc giả coi sự tín ngưỡng và cách tổ chức của họ, mà tôi nói ở trong nầy sẽ thấy. Tôi muốn nói rằng những người yêu ngôn từ thuyết như đạo Cao Đài, thì trở về thời đại bốn nghìn năm trước, hoặc để nó vào biển cát rừng xanh ở bên châu Phi bây giờ, chứ không nên để vào trời đất nước Việt Nam nầy, đương cần tiến hóa, mà cho những thứ yêu ngôn tà thuyết hoành hành như thế không được.

 Tôi phơi cả những chỗ dại khờ giả dối của đạo Cao Đài ra, mà chẳng e lệ ngại ngùng gì hết, mà chỉ theo mạng lịnh của lương tâm sai khiến, mong ngăn đón cái trào lưu của thứ tà đạo ấy, không cho hoành hành, và cảnh tỉnh các anh em thành thiết mà bị lầm lạc. Ấy là điều hy vọng thứ nhất của tôi, còn những sự khen chê, tôi không nghĩ đến…”

Cuốn CÁI ÁN CAO ĐÀI của ông Đào Trinh Nhất được đánh giá cao về mặt văn hóa , kiến thức xã hội sâu rộng vì vậy cuốn sách đã được coi là một cuốn sử liệu trước năm 1930. Nhưng một trong những ưu điểm của dân tộc Việt Nam là tinh thần bao dung, hòa đồng tôn giáo. Ngay từ thế kỷ thứ 10, khi Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh tạo dựng lại một quốc gia Việt Nam, đã không ngần ngại xử dụng các quan cai trị có quan điểm tôn giáo khác nhau. Không nơi nào con người tôn trọng con người hơn vùng đất mới. Lịch sử lập quốc của Hoa kỳ vào những ngày đầu tiên của lịch sử đã có tăng lữ đạo Tin Lành cố gắng đòi cho đạo mình trở thành quốc giáo, song Hiến pháp Hoa kỳ đã ghi rõ: không một tôn giáo nào được phép trở thành quốc giáo tại Hiệp chủng quốc Hoa kỳ. Việt Nam ta cũng không công nhận bất kỳ tôn giáo nào được trở thành quốc giáo. Chính sự bao dung và hòa đồng ấy là cơ sở đầu tiên phát sinh đạo Cao Đài.

Để giải thích và biện minh cho đạo Cao Đài không phải như những gì ông Đào Trinh Nhất viết trong cuốn “CÁI ÁN CAO ĐÀI”, ông Băng Thanh, vào năm 1929, 1930 gì đó có viết cuốn “CẢI ÁN CAO ĐÀI”, bạn đọc lưu ý hai từ trong hai cuốn sách, ông Đào Trinh Nhất viết “Cái án…” có nghĩa là kết án, còn ông Băng Thanh viết “Cải án…” có nghĩa là cải chính. Ông Băng Thanh viết:

…“Ở buổi sơ khai, bờ cõi hoang vu, nhân dân còn thưa thớt, con người vẫn giữ được cái thiên lương trời cho, chưa biết làm điều dữ, chỉ biết thương yêu giúp đỡ nhau, thiên hạ thái bình bốn phương phẳng lặng. Nhưng đến thời Trung Cổ thì đạo đức đã bắt đầu suy đồi, tánh người trở nên giả dối, và đến đời nay thì thế đạo suy vi, hai chữ đạo đức hẳn đã tiêu tan theo mây gió chẳng còn giữ được chút nào cả”

Tại sao có nền đạo Cao Đài?

Sau khi trình bày “hoàn cảnh đương thời” đòi hỏi một giải pháp, tác giả cho biết Cao Đài chính là giải pháp đó. Ông Băng Thanh viết:

…”Giải pháp này phục hồi những giá trị đích thực của đạo lý Tam giáo (đạo Tiên, đạo Nho, đạo Phật) và Gia giáo vì cho đến nay, ‘người theo đạo Phật thì chỉ biết gõ mõ tụng kinh, mà chẳng biết đổi lòng, người theo đạo giáo chỉ biết yếm quý phi phù mà không sửa tánh, kẻ theo nho, lợi dụng danh nho để làm đường sinh hoạt, kẻ theo Thiên Chúa thì lại giả đem ảnh Chúa để làm kế sinh nhai’, Thượng đế, nếu ‘người thật là vĩ đại Từ Phụ chắc thời kỳ này ngài cũng phải thôi chức Tử-Hàng để cứu vớt sanh linh ở nơi trầm luân khổ ải. Lấy theo cái lý mà suy thì thời kỳ này mà nền đạo Cao Đài xuất thế tưởng cũng không quá đáng’…”

Về phía chính quyền Pháp thời đó có ông Laurette và ông Vilmont, năm 1933 đã có những bài viết bênh vực cho đạo Cao Đài.

Ông Laurette viết :”Cao Đài không phải là các tôn giáo cổ truyền biến hóa mà thành – dù vay mượn nhiều ở các tôn giáo cổ truyền – mà là một nỗ lực xây dựng một tôn giáo mới, sự phổ biến của xe hơi – dân chúng “Âu châu hóa”, và từ nơi đây đã hình thành nhiều ý tưởng, thói quen mới. Sự tiến hóa này mỗi ngày một tă ng nhanh theo tỷ lệ tốt nghiệp của các học sinh the Tây học. Mặt khác kinh tế Nam kỳ ổn định, phát triển tốt: nhiều người giầu mới xuất hiện, dư tiền gởi con du học Âu châu. Những du học sinh này khi trở về, đóng góp thêm cho đà Âu hóa miề đất này…”

Sau khi nhận xét “Tây phương đã xâm nhập vào tận bàn thờ tổ tiên” thì ”Đã đến lúc con người mong ước có một tôn giáo ít tà ma quỷ quái hơn và thích hợp với tiến bộ vật chất xã hội và mới hơn”. Trong khi đó “Nhiều người đã tưởng trước sự suy yếu, thiếu thích nghi của tín ngưỡng tôn giáo cổ truyền thì các đạo gốc Âu như Công giáo, Tin Lành sẽ có cơ hội bành trướng”. Sự thực thì “đạo Công giáo đã bị gắn liền với cuộc xâm lăng của Pháp, sự mất nước… nên dân nghi ngờ nói chung. Bởi thế khoảng trống tín ngưỡng đang mở ra chờ đợi một thứ tôn giáo mới thích hợp hơn”

“Người ta đang chờ, nếu không phải là một đấng cứu thế (Messie) hay ít ra cũng một Mahomet hay Thích Ca Mâu Ni mang lại một tín điều (Credo) đổi mới”

Ông Vilmont là một quan đầu tỉnh Tây Ninh nên hơn ai hết ông biết rõ tận chi tiết đạo Cao Đài. Viết về đạo Cao Đài, Vilmont như một nhà khảo cổ, tả chi tiết về kiến trúc thánh thất, tổ chức, hoạt động công thương và các môn phái trong đạo Cao Đài. Trong các phái thì phái Phạm Môn của ông Phạm Công Tắc là thắng thế. Sau này Cao Đài có thành một giáo phái võ trang, tự trị trong bao nhiêu năm vùng Tây Ninh thì cũng do Phạm Công Tắc và phái Phạm Môn. Vilmont viết: “các cơ quan an ninh Pháp đều đồng ý ở điểm Phạm Công Tắc là một chúa đảng táo bạo, một tay phiêu lưu hảo hán khôn khéo đã rèn luyện các tín đồ Phạm Môn trở thành các môn đệ trung tín, sẵng sàng tuân theo bất cứ lệnh gì của Tắc, kể cả đánh Tây, và có lẽ đánh Tây là chủ yếu”.

Sau này ông Phạm Công Tắc bị Pháp bắt và đầy sang Madagascar, một thuộc địa của Pháp cho đến khi Thế chiến thứ II bùng nổ mới được tha về.

Câu chuyện về lịch sử đạo Cao Đài còn dài lắm, tồn tại suốt thời kỳ Pháp thuộc. Thời kỳ 30-45 Nhật có ủng hộ đạo, đến thời kỳ chống Pháp, Pháp lôi kéo về phía mình, nơi đây biến thành khu tự trị với quân đội riêng, sau năm 1954 ông Diệm, Nhu đã liên minh với quân đội giáo phái Cao Đài để đánh bại đám “anh hùng thảo khấu Bình Xuyên” ở Sài Gòn. Tàn dư của liên minh này còn tồn tại dưới hình thức một Nha Tuyên úy Cao Đài, dù rất khiêm tốn so với Công giáo, Phật giáo trong quân đội chế độ cũ sau năm 1963.

Tháng 4/2016

Ph.T.Kh. (sưu tầm)

Dao cao dai temple

Hành lễ

Add a Comment

Your email address will not be published.