SÀI GÒN, HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG.

Sài gòn, chợ Bến thành

SÀI GÒN, HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG.

Danh hiệu này có không và nếu có thì có từ bao giờ?

Vừa rồi ông Bí thư thành ủy Đinh La Thăng nói sẽ lấy lại danh hiệu “Hòn ngọc Viễn đông” cho thành phồ Hồ Chí Minh. Nghe vậy, những người hiện đang sống ở Sài gòn đều rất mừng, bất kể đó là người Sài gòn chính gốc hay người từ vùng “đất cũ” chuyển vào như tôi đây vậy.

Tôi có một số ý kiến thiển cận mà tôi đọc được từ sách vở, báo chí, xin nêu ra đây để mong nhận được sự chỉ bảo của những bậc có hiểu biết hơn.

Pháp đánh chiếm lục tỉnh nam bộ từ năm 1862.  Lục tỉnh bao gồm, phía bắc giới hạn ở tỉnh Biên Hòa, phía nam là tình Hà Tiên rồi đến Vịnh Xiêm La, phía tây giáp Vương quốc Cao Mên. Sáu tỉnh đặt dưới quyền cai trị của Pháp, còn Bắc kỳ và Trung kỳ là các miền do Pháp bảo hộ, quyền cai trị vẫn thuộc vua quan nhà Nguyễn. Nếu bao gồm cả Lào và Campuchia thì thời đó đều thuộc quyền bảo hộ của Pháp và có thể coi ba nước Việt – Miên – Lào là liên bang Đông Dương.

Lục tỉnh, mà theo viên quan cai trị lúc đó là Charner, sẽ là một quản hạt ở nước ngoài của Pháp, là một xứ tự trị, lấy Sài gòn làm thủ đô, chủ trương áp dụng toàn bộ luật lệ như của Pháp, nhưng rồi cũng chưa thành công, mãi cho đến khi Le Myre de Villers thay thế, chính sách trực trị và đồng hóa triệt để mới được thực thi, làm cho “Nam kỳ trở thành một miền đất Pháp, một quản hạt sống cuộc đời tương tự mẫu quốc” (Nguyễn Văn Trung dẫn tài liệu của Taboulet). Nhưng ý đồ của Le Myre de Villers đã không được Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Doumer tán thành. Để có thể đồng hóa triệt để, thực dân Pháp cai trị Nam kỳ đã xóa bỏ chữ Nho và tiến tới xóa bỏ chữ quốc ngữ. Tiếng Pháp được khuyến khích học khắp nơi, khuyến khích dân bản xứ “vào làng Tây”, điều kiện nhập Pháp tịch chỉ là trên 21 tuổi và biết nói tiếng Pháp. Họ đã đưa một số con em người Việt sang du học ở Alger (thuộc Algeri). Quanh chuyện đưa con đi du học, không khác gì bắt lính đến nỗi trên Gia định báo số ra ngày 16-11-1809 (tôi nghĩ là năm 1909) đã đăng một bài trấn an cha mẹ “ngỡ là cho con đi học làm vậy thì e sợ nhà nước bắt con mình mà đem đi Tây hay lệ thuộc về nhà nước. Nhứt là các nơi xa ruộng nương, rẩy bái, hễ có trát sức đòi học trò, thì cha mẹ đã xào xự, làm quá hơn là bắt lính lo chạy mướn đứa nọ đứa kia con nhà nghèo cho nó đi thế con mình” (Nguyễn Văn Trung trích dẫn).

Nhưng những cải cách nhằm đồng hóa dân Việt không thành. Nam kỳ là một vùng đất được khai phá bởi những người Annam, Tàu và Miên. Về văn hóa là không đồng nhất. Người Annam vẫn muốn cho con mình học chữ quốc ngữ, nhưng ở các xã không có trường, trẻ con Annam không được dạy dỗ gì cả. Thậm chí có trường hợp ông lý trưởng nhận được một lệnh gì thì phải đi nhờ một ông biện để đọc và giải thích hộ. Trước tình trạng bế tắc đó, một đề đốc tên là Dupré đã không tán thành chủ trương đồng hóa thô bạo. Ông nói “không có gì tế nhị hơn là sự thay đổi những phong tục tôn giáo, luật lệ một dân tộc, đó việc của thời gian. Muốn áp đặt những thay đổi như thế bằng quyền hành bao giờ luôn luôn cũng là xấu và phản chính trị”.

Việc nhập tịch Pháp, vào làng Tây cũng bị chống đối. Ngay cả những người được đào tạo trong khuôn khổ văn hóa Pháp du học về, trừ một thiểu số, cũng không chối bỏ văn hóa dân tộc, trái lại chỉ lợi dụng tinh thần văn hóa Pháp, thể chế pháp lý Pháp để chống Pháp dưới mọi hình thức từ cải cách đến cách mạng xã hội như các ông Gilbert Chiếu và Nguyễn An Ninh. Những người vào làng Tây không thể trở thành người Pháp được vì “nền tảng và lý do tồn tại của các quyền dân sự và lòng yêu quê hương. Người Annam không thể quên được cộng đồng ngôn ngữ, truyền thống lịch sử của họ” (Báo L’independent de SAIGON, 28-10-1992 và 27-10-1882).

Đó là về văn hóa, chính sách của người Pháp cũng thất bại về mặt kinh tế, vì họ không đủ khả năng và điều kiện để khai thác, phát triển nhanh ở Nam kỳ và ngược dòng sông Cửu Long như họ mơ ước, vì đi ra khỏi Biên Hòa ra rừng rú, là hùm beo, hoặc thiết kế một thành phố cho 500.000 người. Dân số Nam kỳ vào năm 1901 có khoảng 5-6 triệu người. Chính quyền Pháp cũng đã tiến hành xây dựng đường xe lửa bắc – nam, nhưng cũng phải mất 35 năm mới hoàn thành. Khí hậu ở Nam kỳ cũng không thích hợp. Hàng năm họ vẫn phải về Pháp nghỉ hè. Do đó họ không coi Nam kỳ là một thuộc địa di dân, mà chỉ nhìn như một thuộc địa khai thác mà thôi. Chỉ trong thời Thế chiến II vì không thể về Pháp được, nên người Pháp bắt buộc mở mang Đà Lạt, biến thị xã này thành một thành phố như bên Pháp.

Như trên đã nói, ngay khi chiếm được lục tỉnh làm thuộc địa, người Pháp đã muốn biến Sài gòn – Gia định thành một Venise (Italy) thứ hai, nên họ đã có kế hoạch xây dựng một kênh đào dài 7 km ở phía bắc, người Pháp gọi là kênh Thắt lưng (Ceinture), nối với sông Sài gòn, như vậy Sài gòn – Gia định sẽ có ba mặt sông, chẳng khác gì thành phố Venise. Phía bắc con kênh dài 7 km là các con đường lớn mà hiện nay là đường Hoàng Văn Thụ, Lý Thường Kiệt, Lạc Long Quân và Lãnh Binh Thăng.

Nếu như kế hoạch trên của Pháp (tạo thành một Venise ở Viễn đông) thành công thì Sài gòn xứng đáng là “Hòn ngọc Viễn đông”, nhưng kế hoạch này đã bị phá sản vào năm 1939, và danh hiệu “Hòn ngọc Viễn đông” chỉ là mong muốn của người Pháp. Vì vậy thực tế nào đã cho ta thấy một “Hòn ngọc Viễn đông”, nó được xây dựng ra sao và thể chế của nó lúc đó là gì, là thế nào, cuộc sống của người dân khi đó? Suốt từ năm 1862 đến năm 1954, Sài gòn đã như thế nào? Và từ năm 1954 đến 1975 Sài gòn như thế nào? Và từ 1975 đến nay Sài gòn như thế nào? Chúng ta sẽ làm lại như Sài gòn ở vào thời kỳ nào? Vì vậy ông Bí thư thành ủy nói rằng sẽ lấy lại danh hiệu cho Sài gòn là “Hòn ngọc Viễn đông” là một ý hay nhưng mục tiêu và quy mô cái “Hòn ngọc Viễn đông” ấy sẽ như thế nào? Tôi nghĩ không phải “lấy lại” (lấy lại thứ chưa có) mà là dốc sức ra mà “xây dựng” cho nó “trở thành” thì có lý hơn.

Xin mọi người chỉ giáo.

Ph.T.Kh.

30/4/2016

(Tham khảo sách “Lục Châu học…” của ông Nguyễn Văn Trung và báo “Tuổi Trẻ”)

Khách sạn ở Sài gòn xưa.

Khách sạn ở Sài gòn xưa.

Chợ Lớn xưa.

Chợ Lớn xưa.

Add a Comment

Your email address will not be published.