Ngoài việc thỏa mãn thú vui tao nhã, những người yêu hoa lan ở Bình Dương đã tự nguyện thành lập câu lạc bộ và chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa theo công nghệ mới nhằm nâng cao giá trị cho thương hiệu hoa lan Bình Dương.
Hoa lan được trồng theo công nghệ mới tại CLB hoa lan Bình Dương
Ông Lê Văn Đạt – Phó chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) hoa lan Bình Dương, cho biết từ 28 hội viên ban đầu tự nguyện thành lập ra CLB hoa lan để cùng trao đổi kinh nghiệm trồng lan, đến nay số hội viên của CLB đã lên tới 87, chưa kể gần 100 hội viên không chính thức.
Từ thực tế nhu cầu, ban chủ nhiệm CLB nhận định mô hình trồng hoa lan phù hợp với sản xuất nông nghiệp đô thị hiện nay của Bình Dương. Được sự khuyến khích của Trung tâm khuyến nông tỉnh, CLB đã mạnh dạn đầu tư và từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa lan, đồng thời vận động học viên thực hiện theo.
Từ đầu năm 2011, CLB đã đưa vào thực hiện Dự án trồng lan Mokara cắt cành theo công nghệ mới. CLB đã xây dựng 5 mô hình điểm với diện tích 3ha. Đây là dự án thử nghiệm về mật động trồng cây, định lượng phân bón và đặc biệt là ứng dụng công nghệ phun sương tự động để giảm thiểu công lao động, tiết kiệm điện nước, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế của cây lan mokara. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 2,2 tỉ đồng. Tính đến nay, dự án đã đạt được hiệu quả khả quan. CLB tiếp tục bám sát theo dõi để có hướng đi hợp lý nhất cho hội viên và cùng bà con nông dân trao đổi kinh nghiệm nhân rộng mô hình.
Ông Bùi Văn Sang, chủ vườn hoa Ngọc Lan tại P.Tân An, TP. Thủ Dầu Một, một hội viên thực hiện thí điểm mô hình này trên diện tích 1,5ha cho biết: “Trước đây, tôi chỉ trồng lan lấy vui thôi. Thú thật tôi cũng chẳng hiểu nhiều về cách chăm sóc hay giá trị của các giống lan. Từ khi tham gia vào CLB và được khuyến khích thực hiện thí điểm dự án này, đến nay tôi thực sự rất hài lòng. Đúng là yêu hoa thôi chưa đủ, phải biết cách chăm sóc, sử dụng và phát triển chúng sao cho hợp lý nhất để mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội”.
Anh Bùi Hữu Khoa, con trai ông Sang, cho biết thêm: “Vườn lan không chỉ là thú vui của ba má tôi mà nó còn giúp gia đình nhỏ của tôi tăng thu nhập kinh tế lên vài trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ tham gia vào các lớp đào tạo kỹ năng của CLB, hiện tại một sống giống lan thích nghi với khí hậu vùng ôn đới như lan hồ điệp tại vườn nhà tôi đã được xử lý qua hệ thống nhà lạnh để lan ra hoa theo yêu cầu của người trồng”.
Sau gần 4 năm áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoa lan, đến nay CLB đã có 6 ha hoa lan gồm: Mokara, Dendrobium, Hồ điệp, Cattleya, Cát tư gia,….được trồng theo công nghệ mới đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho các hội viên CLB hàng năm.
Ông Lê Thanh Phong – Chủ nhiệm CLB hoa lan Bình Dương, cho hay nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, hiện tại vườn lan của các hội viên đã cho năng suất cũng như chất lượng hoa tốt. CLB đã liên kết với một số doanh nghiệp tại TP.HCM để đảm bảo tiêu thụ hoa lan cho hội viên một cách ổn định về số lượng cũng như giá cả.
“Tuy vậy, để tránh những rủi ro không đáng có, CLB đang hoàn tất thủ tục trình Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ KH-CN đề nghị cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ cho thương hiệu “Hoa lan Đất Thủ” để làm cơ sở ký kết hợp đồng tiêu thụ hoa lan dài hơi trong thời gian tới”, ông Phong nói.
Huy Anh (Thanh Niên)