CON ÔNG CHÁU CHA

IMG_20161224_081920_edit

CON ÔNG CHÁU CHA

Một trào lưu đã xuất hiện trong mấy năm vừa qua, cứ thấy ở đâu đó có một người được sắp xếp vào một vị trí lãnh đạo nào đó thì lại rộ lên câu hỏi “nó là con ai, cháu ai?”. Đành rằng cái chuyện “con anh con tôi” là có, những kẻ con ông cháu cha bất tài vô đạo là có, và bản thân tôi cũng không muốn có những con người đó quản lý đất nước, rất bất bình với kiểu sắp xếp người thân, người nhà như mấy trường hợp xảy ra vừa rồi.  Nhưng chẳng phải là tất cả con ông cháu cha đều bất tài vô đạo. Chúng ta chẳng nên vơ đũa cả nắm.

Giả thiết rằng , cứ loại bỏ hết những người thuộc “con ông cháu cha” ra khỏi bộ máy nhà nước, từ thấp đến cao để làm vừa lòng một ai đó, tôi e rằng cái sự hẹp hòi ấy đôi khi đã vô tình bỏ phí những tài năng. Tôi biết có những người hiện tại đang làm “lớn” trong nhà nước, từ chối sự đề bạt con mình vào một vị trí lãnh đạo ở đâu đó. Đó là điều tốt hay không tốt? Mặt tốt của nó là ông lãnh đạo đó được tiếng là gương mẫu, liêm chính, song nếu những người con ấy thực sự có tài, có đức thì sao? Có phải ông cán bộ đó theo chủ nghĩa dân túy? nghĩa là sợ mà sinh e dè, sợ để rồi mất một người xứng đáng để phục vụ cho đất nước.

Trong lịch sử dân tộc ta, có biết bao nhiêu người theo gót cha anh đi chống ngoại xâm và đã bỏ mình vì đất nước. Như Trần Quốc Toản, em của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn đó, đã hy sinh ngay từ khi còn rất trẻ, đó chính thực thuộc lớp “con ông cháu cha” chứ gì? Chúng ta đã từng nghe bài hát “Đất nước”, nhạc và lời của Phạm Minh Tuấn, Tạ Hữu Yên, trong đó có câu “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về mình mẹ lặng im…”. Vậy những gia đình có người cha, người mẹ, người anh, người chị lôi kéo con em mình lao vào cuộc chiến giải phóng đất nước để rồi hy sinh, vậy có ai lúc đó nói rằng “lại con ông, cháu cha kéo nhau lên”? Ngày ấy có ai đặt vấn đề “chúng nó là con cháu nhà ai mà được ‘ưu ái’ thế?” Không, không một ai, tất cả đều trân trọng và suy tôn những tấm gương hy sinh đó.

Chú tôi, một người tham gia phong trào cách mạng từ những năm 1930, bị Pháp bắt và giết chết tại Quy Nhơn, Bình định từ những năm đó. Ông chỉ có một người con trai duy nhất, khi chiến tranh phá hoại của Mỹ tiến hành ở miền bắc, người con trai ấy đã xung phong nhập ngũ, và lại hy sinh theo cha ngay trên trận địa thủ đô Hà Nội. Người cha đã hy sinh vì nước, người con cũng theo cha mà hy sinh vì nước. Vậy cái phạm trù “con ông cháu cha” trong trường hợp này ta nên đánh giá thế nào?

Bản thân tôi cũng xuất thân từ một gia đình vừa là khoa bảng vừa là cách mạng, ông nội tôi đậu cử nhân dưới triều đại nhà Nguyễn, anh ruột tôi chức tước cũng ngang tầm Bộ trưởng, chị gái tôi có chức nhỏ hơn, chỉ là Phó chủ tịch một huyện, nhưng bản thân tôi là một người bất tài nên anh chị tôi chẳng dám đỡ đầu cho thằng em vào một vị trí nào trong bộ máy công quyền, mặc kệ cho tôi bươn trải. Tôi quyết định mọi chuyện thuộc về cuộc đời tôi. Năm 20 tuổi cho đến năm ngoài “thất thập cổ lai hy” tôi đã lê lết khắp nơi, từ biên giới Việt Trung đến biên giới Việt Lào, hết dẫy Phan-xi-păng đến dẫy Trường Sơn. Cũng chẳng vì thế mà tôi ghen tỵ với những người cùng trang lứa thuộc dòng “con ông cháu cha” khác. Tôi chỉ nghĩ “tôi là tôi, tôi chẳng là ai, tôi sống theo cách của tôi chứ tôi không sống cho giống ai”.

Thái độ đúng mực nhất là đừng bao giờ hỏi “người ấy là con ai, cháu ai” mà chỉ nên hỏi người đó có tài, có đức không? Nếu người đó thực sự có tài, có đức thì họ là con ai, cháu ai, cũng là điều may mắn cho đất nước chứ? Tại sao chúng ta lại có thái độ hẹp hòi đến thế? Tại sao chúng ta lại có thái độ ghen ghét đến thế? Còn việc bằng cách nào để đánh giá đúng, xử dụng đúng người đó là thuộc về trách nhiệm của những người làm công tác nhân sự từ cấp thấp đến cấp cao.

Bữa trước đọc báo, thấy nói đến anh Hoàng nào đó, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, đại học gì đó và biết bốn, năm ngoại ngữ. Chỉ nghe sơ qua như vậy thì đã thấy đó là người có tài, còn anh ta có đức hay không thì người tuyển dụng phải xem xét. Ấy thế nhưng vừa mới nghe câu chuyện đó, đã có người đặt ngay câu hỏi “nó là con cháu nhà ai?”. Anh ta còn trẻ, đúng không? Đúng, rất trẻ. Nhưng nếu người trẻ mà có tài có đức thì mình vẫn không dùng sao? Trong xã hội cũng có một luồng ý kiến phê phán tại sao không xử dụng người trẻ, nhưng khi người trẻ được dùng thì lại bảo, anh ta, chị ta còn trẻ quá! Ơ hay, biết làm sao đây? Khi tôi có dịp làm việc với người Nhật, họ nói với tôi rằng, hàng năm, những người tuyển dụng công chức nhà nước thường đến các trường đại học, tìm những người học giỏi nhất để mời họ chuẩn bị về làm công chức nhà nước một khi họ đã tốt nghiệp, vẫn đạt hạng ưu. Nếu như ở ta , thì chắc không ít người có ý kiến này nọ. Làm như lòng đố kỵ, tính hẹp hòi luôn thường trực trong người một số người, bất cứ trong trường hợp nào cũng có thể bộc phát ra mà “ném đá” mà chê bai.

Trên internet hôm nay (19/12) có một clip trao đổi giữa phóng viên Vietnamnet với ông Vũ Phạm Quyết Thắng nguyên Chánh hoặc Phó Thanh tra chính phủ gì đó về đài này, tôi tán đồng về những gì mà ông ấy nói.

Ôi, ở cho vừa lòng người khó lắm thay!

Tháng 12 năm 2016

Ph.T.Kh

 

 

Add a Comment

Your email address will not be published.