TẢN MẠN CUỐI TUẦN

IMG_20170106_072658

TẢN MẠN CUỐI TUẦN

GAME ĐỜI.

Suy nghĩ mãi về cái đầu đề cho bài viết này mà luôn thấy không ổn. Ý định của tôi là TẢN MẠN VÀI DÒNG về cuộc đời, mà cuộc đời thì giống một trò chơi. Nếu để tên là “TRÒ CHƠI VÀ CUỘC ĐỜI” thì nó dài dòng và không “thời thượng” cho lắm, đồng thời nó có cái gì na ná giống cuốn sách “TẤN TRÒ ĐỜI” – La comédie humaine – của đại văn hào Pháp Honnoré de Balzac. Nói vậy lại mắc tội phạm thượng rồi, nếu cụ Balzac còn sống, chắc gì cụ đã mướn tôi xách dép cho cụ, huống hồ…

Cụ Balzac quan niệm “xã hội là một chỉnh thể, tất cả các sự kiện đều tác động, ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau một cách hết sức như trong tự nhiên”. Đó vừa là văn học, vừa là triết học, nó mênh mông quá, biển học phải như đại dương thì mới thấm nhuần được tư tưởng vĩ đại đó. Vì vậy ở đây xin miễn bàn về cuốn sách của cụ Ballzac. Nói vậy chẳng qua để các bạn hiểu cho rằng tôi “CÓ BIẾT” tác phẩm đó, chứ chưa từng nghiên cứu nó.

Riêng tôi, tôi chỉ nói đến một khía cạnh của cuộc đời thôi – đó là khía cạnh cuộc đời ví như một trò chơi (game) nào đó.

Cái khổ nhất và cũng là điều khó lường nhất là tất cả chúng ta đều biết thời điểm bắt đầu cuộc đời ta nhưng chẳng ai biết thời điểm kết thúc . Họa chăng có ít nhà tiên tri tài giỏi hay những kẻ tự sát thì biết chăng? Ngoại trừ cái trò chơi bóng đá và đại loại như vậy thì người chơi biết, cuộc chơi sẽ phải kết thúc sau mấy chục phút từ khi bắt đầu, may ra thì ông trọng tài cho thêm vài phút bù giờ.

Còn chúng ta? Mẹ ta mang bầu, bình thường là chín tháng mười ngày, thời điểm ra đời gần như biết chính xác. Tiếng khóc chào đời đầu tiên của ta, đánh dấu một cuộc chơi đã bắt đầu. Tiếng khóc cũng như tiếng còi khai cuộc của cuộc chơi vậy. Tiếng khóc của đứa trẻ mới ra đời nói lên nhiều điều, rồi đây nó phải đối mặt với biết bao điều thuận, nghịch và nó bảo “ta biết rồi đây ta sẽ khổ nhưng ta vẫn phải đón nhận nó”.

Rồi từ một đứa trẻ sơ sinh đến khi hết tuổi thiếu niên, đời đẹp lắm. Mọi lo âu, phiền muộn dành cho cha cho mẹ. Nói ra thì bảo nói dại mồm dại miệng, chứ nếu cái “game-đời” được kết thúc ở cuối giai đoạn này thì cuộc đời ta đẹp biết bao! ta đã là người chiến thắng vì mọi thứ hạnh phúc trên đời ta đã được hưởng trọn vẹn.

Nếu cuộc chơi không kết thúc ở thời điểm này thi “game – đời” mới thực sự bắt đầu đó bạn. Từng cặp phạm trù cứ liên tiếp diễn ra có lúc lại đan xen nhau trong cuộc đời bạn. Nào là yêu thương – giận hờn; nào là thương yêu  – ghét bỏ; nào là trung thực – lọc lừa; nào là sướng vui – buồn chán; nào là sung sướng – khổ đau; nào là thành công – thất bại; nào là hy vọng – thất vọng; có khi được, lại có khi mất, vân vân và vân vân. Thôi thì nói theo sách nhà Phật, hỷ nộ ái ố đều có cả, ai mà thoát được? Chỉ có mức độ tác động lên mỗi con người là khác nhau thôi, như Balzac nói “mọi sự kiện đều tác động, ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau”.

Đứa con gái tội nghiệp của tôi, nó từ bỏ thế giới này khi còn đang ngồi trên ghế của trường đại học. Với cái tuổi của nó, nó chưa thực sự tham gia vào “game -đời”, có chăng mới chỉ là một kẻ chầu rìa, thỉnh thoảng đặt ké vào một cửa nào đó, thắng/thua chẳng ảnh hưởng, tác động nhiều đến nó. Nó đâu có biết, cái “game – đời” của nó lại kết thúc sớm đến thế! Nếu ta biết trước được thời khắc con ra đi thì trên miệng cha, miệng mẹ con đâu còn khắc khoải với mấy tiếng “giá mà…”, “giá mà…”. Cha mẹ và người thân có đau khổ đến mấy thì cũng phải tìm một lý do để an ủi rằng, âu cũng là số phận!

Lại nữa, con gái của bạn tôi, nó từ bỏ thế giới này khi đã có 49 năm sống trên đời. Vậy là nó đã tham gia vào “game – đời” rồi, tham gia thực sự, đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, tuy mức độ chưa bằng cha chú nó. Hôm đến đưa tang nó, tôi thầm nói với nó rằng, “cháu ơi, thời gian để trả nợ đời của cháu chỉ mất có 49 năm, còn bác đây, trả đến 80 năm rồi mà vẫn chưa hết nợ, và cũng chẳng biết đến bao giờ mới hết?Như vậy là cháu may hơn bác rồi đó!”

Không một ai có thể thoát ra khỏi cuộc chơi này. Nếu may mắn bạn được sinh trưởng trong một gia đình khá giả, bạn không phải bon chen. Nếu may mắn bạn được sinh trong một gia đình có thể lo cho bạn một chỗ làm có thu nhập cao thì bạn không phải quỵ lụy hoặc chạy đôn chạy đáo. Nhưng bạn ơi, vì bạn đã phải dựa vào người khác để có được những thứ bạn muốn thì chính là bạn đi chơi game mà không đủ vốn đó, bạn không vay của người ngoài thì phải bạn vay của cha, mẹ, họ hàng, thân thuộc. Bạn đã vay và nhất định bạn sẽ phải trả cả vốn lẫn lời rồi. Bạn không tin ư? Bạn đã vay thì bạn phải trả! Chỉ khi nào trò chơi “game-đời” của bạn kết thúc thì lúc đó bạn mới nói chắc được rằng bạn đã hết nợ. Còn nếu bạn tin vào kiếp luân hồi thì phần chưa trả được của kiếp này, bạn sẽ phải trả tiếp vào kiếp sau.

Các bạn đã có bao giờ nghe những người nghèo túng than: “sao ông trời không để tôi chết đi cho rồi!”, đó là những người đã từng chơi “game-đời” nhưng luôn phải nhận phần thất bại và muốn trên màn hình máy tính của đời hiện lên một câu: GAME OVER!

Nếu là một con người bình thường thì chúng ta chẳng bao giờ biết được cái thời điểm chúng ta vĩnh biệt cõi đời này, chỉ đến trước khi nhắm mắt lìa trần thì bạn mới thở hắt ra và bật ra một tiếng “G A M E  O V E R” đó là thời khắc bạn đã ra đi mãi mãi.  Vâng, game over là hết nợ đó bạn!

Tháng 1/2017

Ph.T.Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.