TẢN MẠN CUỐI TUẦN

ca-phe sang

TẢN MẠN CUỐI TUẦN

HỌP “NỘI CÁC” BUỔI SÁNG.

Sáng nào gia đình tôi cũng họp mặt quanh các ly cà-phê với một bình trà. Tôi nói đùa rằng đó là cuộc họp nội các. Vợ tôi là chủ tịch quỹ dự trữ liên bang –  như  bà Janet Yellen chủ tịch FED của Mỹ chứ chẳng phải chơi, người có nhiều quyền, còn tôi và các con trai tôi mỗi người trông coi một bộ, tức là một lãnh vực khác nhau. Hôm nay cuộc họp nội các bàn về công cuộc tái cấu trúc ngân hàng X, Y nào đó; mai lại bàn về quan hệ giữa Mỹ và Nga sau khi chú Donald Trump lên cầm quyền; hôm khác lại bàn về đề tài các ca sĩ, diễn viên hải ngoại trở về làm show ở trong nước…Nói tóm lại, chúng tôi toàn bàn chuyện vĩ mô. Cứ thấy trên các trang báo điện tử có chuyện gì thì lại mang ra trao đổi để có “phương hướng chỉ đạo”, còn việc nhà thì chẳng mấy khi bàn đến, có chăng thì cũng chỉ nói sơ sơ thôi, chẳng có quyết sách gì lớn cho cái gia đình của mình, nói cho đúng, tình hình gia đình tôi đã ổn định từ lâu nên người “dân trong nhà” cứ yên tâm làm và ăn.

Người nào cạn ly cà-phê của người ấy, rồi đến ấm trà cũng cạn. Thế là cuộc họp giao ban kết thúc. Người bênh vực cho ngân hàng X, kẻ bênh vực ngân hàng Y, người khen diễn viên này kẻ chê ca sĩ nọ; người thích ông Trump, kẻ khen bà Hillary. Tranh luận nổ ra, chẳng ai chịu ai, chẳng ai đồng ý với ai. Lúc mọi người đứng dậy, mới nhận ra rằng cái nội các của gia đình tôi giống như khối ASEAN vậy, chẳng mấy khi đạt được đồng thuận.

Cái tính dở hơi của tôi lại bắt tôi từ việc trong nhà phải liên hệ tới một cái gì đó. Khi đã nằm xuống chiếc võng rồi, mới thấy sao gia đình mình giống cái xã hội của nước Việt ta thế. Việc nhà mình, việc của bản thân mình thì không lo mà làm lại cứ xăm xỉa vào việc người khác, chuyện nhỏ như khi tham gia giao thông thì phải tôn trọng luật giao thông, đó là trách nhiệm tối thiểu của một công dân, nhưng cứ ra đường mà coi, có mấy người được như thế, còn lại cứ chen, cứ lấn, cư xô, cứ đẩy và không được như ý mình muốn thì chửi. Chửi từ những người tử tế, tại sao lại dừng xe khi đèn đỏ, chửi đến thành phố sao để cho người dân sắm nhiều xe, máy đến thế, cuối cùng thì chửi đến cả cái xã hội này chẳng ra gì. Đúng ra thì ai cũng nên làm tốt công việc của mình, làm hết trách nhiệm của mình đã, rồi mới nói đến lãnh vực thuộc trách nhiệm của người khác thì xã hội chắc cũng yên ổn. Đằng này, “chân mình những cứt rề rề, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”, thế mới có chuyện.

Nói ngoài lề một chút, dạo này văn hóa chửi hơi bị phát triển. Cứ ra đến ngoài ngõ là nghe thấy tiếng chửi. Hết chửi nhau, tức là có đối tượng cụ thể, lại đến chửi bâng quơ kiểu Chí Phèo làng Vũ Đại, chửi tuốt những gì bỗng dưng xuất hiện trong đầu. Nghe chửi riết đến nỗi bây giờ sợ phải ra đường ra phố, rồi hoang mang không biết mình còn là người tử tế nữa không. Vậy xin hỏi: Ai là người tử tế – người chửi hay người bị chửi?

Tháng 1/2017

Ph.T.Kh

Add a Comment

Your email address will not be published.