NGÔ THÌ NHẬM
MỘT NGHI ÁN VĂN CHƯƠNG
Gọi vụ án là theo đúng nghĩa đen, vì sau khi đọc vế đối của mình, Ngô Thì Nhậm đã bị Đặng Trần Thường đánh 30 hèo dẫn đến tử thương. Còn nghi án văn chương là điều xin được bàn. Câu chuyện như thế này.
Ngô học giỏi, 29 tuổi (1775) đã đậu tiến sĩ. Ông làm quan với nhà Lê, sau phò Quang Trung, được trọng dụng và thăng đến chức Binh bộ Thượng thư. Bạn học của Ngô là Đặng Trần Thường, có nhờ Ngô tiến cử nhưng bị từ chối. Đặng hận lắm và vào nam phò Gia Long.(bài viết này không bàn đến tài kinh bang tế thế hay tư cách chính trị của hai ông). Khi Gia Long lấy được Bắc Hà, Ngô về chí sĩ nhưng có lệnh (chiếu) bắt các cựu thần Tây Sơn phải ra trình diện. Lúc này Đặng đang giữ chức Tán lí Bắc Thành, liền cho gọi Ngô và một số đồng liêu của Ngô (Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan…) để hạch tội. Đặng ra riêng cho Ngô một vế đối:
Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai
Ngô đối lại
Thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Sách vở đều ghi rằng, nghe xong Đặng nổi giận và vụ án hình sự đã xảy ra. Tuy nhiên nghi án văn chương vẫn còn đó. Bởi lẽ nếu là tự bạch, vế đối của Ngô hiền lành, thậm chí biết thân biết phận (cũng do thời thế thôi, biết làm sao khác được!) . Người nghe không thể nổi giận, dẫu Đặng có là người nhỏ nhen và hận thù chuyện này nọ. Có lẽ phân vân vì vế đối này không đủ gây nộ khí cho Đặng, nên có nhiều tác giả sửa là “…thế nào thì thế”, có tác giả còn đi xa hơn “ … dù thời thế, thế nào vẫn(cũng) thế”. Những lí giải trên không có sức thuyết phục vì diễn nôm ra các ý đó chỉ là một thái độ “vùng vằng” muốn làm gì thì làm! Hiểu theo nghĩa tích cực thì cũng chỉ nói lên được lòng kiên trung của Ngô, (Đặng có thể cho là ương bướng). Tuy nhiên những ý và lời đó không thể hiện một thái độ nào là bất phục hay khinh mạn đối với Đặng.
Lại có thuyết khác, sau khi Ngô đọc vế đối, Đặng yêu cầu sửa lại “ … thế thời đành thế” hàm ý mỉa mai Ngô “thất thế đành thúc thủ”, có người lại viết, Đặng yêu cầu sửa lại “ … thế thời theo thế” hàm ý “chiêu hồi” Ngô theo mình (Gia long ), nhưng Ngô không chấp thuận .. Ngay cả với các thuyết này ,vế đối của Ngô theo mọi dị bản không có ý nào đả kich , xúc phạm đến cá nhân Đặng Khó có cơ sở để Đặng nổi giận ( xét về mặt văn bản ), còn về tư thù thì thiếu gì một nguyên cớ!
Đóng vai “hội thẩm nhân dân” xin bàn góp về vấn đề này. Và cũng để “biện hộ” cho lập luận của mình xin dài dòng một chút về luật đối và cái gọi là sự tiết tháo của nhà nho xưa :
Trước hết xin nói về nội dung và niêm luật của câu đối :
+ Nội dung. Câu đối là một hình thức văn chương độc đáo, thể hiện muôn mặt đời thường, nhân tình thế thái… bàn thì rộng lắm xin giới hạn ở nội dung có liên quan đến nghi án: câu đối được sử dụng như một vũ khí tình thần, thể hiện sự khẳng khái ,ý chí kiên cường , sự chống đối hay đả kích …khiến kẻ nhận phải bầm gan tím ruột:
+ Với viên quan ngông nghênh:
Miệng kẻ sang có gang có thép
Cậu học trò đối lại
Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm
+Với vua Minh
Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng đến nay rêu đã xanh)
Sứ thần Giang văn Minh đáp
Đằng giang tự cổ huyết do hồng (Sông Hồng từ xưa máu còn đỏ )
+ Niêm luật. Câu đối muôn hình vạn trạng, đôi khi trong lối nói hàng ngày ta cũng dùng (ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau…). Có tiểu đối, đối thơ, đối phú…,(1) nên khó nói đươc đầy đủ niêm luật trong một vài dòng. Ở đây cũng chỉ xin bàn tới niêm luật được coi là bắt buộc có liên quan đến nghi án Hai vế đối, chữ cuối cùng vế xuất phải là vần trắc, chữ cuối cùng vế đáp phải là vần bằng. Qui ước bằng trắc này được các nhà nho tuân thủ tuyệt đối. Để minh chứng xin kể ra đây hai giai thoại về Cao Bá Quát sửa câu đối của Tự Đức
Câu đối ban đầu của Tự Đức
Tử năng thừa phụ nghiệp. Thần khả báo quân ân
(Con nối được nghiệp bố. Tôi đền được ơn vua
Cao chê : vua tôi, cha con đảo lộn, trái đạo và chữa
Quân ân thần khả báo. Phụ nghiệp tử năng thừa.
(Ơn vua tôi phải báo. Nghiệp bố con noi theo)
– Câu đối Cao cho người làm nghề thợ mộc chuyên đóng quan tài (tên chữ là thọ đường) và cho người đàn bà đang mang thai cùng đến xin câu đối vào dịp tết.
Với người thợ mộc :
Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm thọ
(Trời thêm năm tháng người thêm thọ)
Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường
(Xuân đầy vũ trụ, phúc đầy nhà)
Với người đàn bà mang thai:
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn
Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm
Phúc là hạnh phúc, phúc (đồng âm) là cái bụng. Phúc mãn là cái bụng đầy, thì…thêm năm tháng người thêm. (không thể đảo lại như một vài bản viết, vì ngoài niêm luật thì muốn nhân thiêm phải phúc mãn trước)
Môt nhà nho khác là Dương Bá Trạc (1883-1944 ), ông đỗ cử nhân năm 17 tuổi rồi hoạt động trong phong trào Đông kinh nghĩa thục năm 20 tuổi. Người đương thời và những nhà nghiên cứu sau ông ai cũng thừa nhận trình độ Hán học xuất sắc của ông. Ông đã mượn một phần câu đối của Ngô – Đặng để tặng người bạn trong giới công thương (2):
Ai cũng học ăn, học nói, học buôn, học bán, với các nước tây đầm, gặp thời thế thế nào thì thế
Cứ việc làm gối, làm chăn, làm mền, làm đệm, cho bàn dân thiên hạ, trong trần ai, ai dễ biết ai
Ông có sửa chút ít (thế thời phải thế thành thế nào thì thế) cho hợp với ngữ cảnh, nhưng chủ yếu là đảo vế, vế đối thành vế xuất không chỉ vì niêm luật mà vì hợp với luận lí (lô-gich) mà ta không thể đảo lại vế xuất thành vế đối
Câu đối xưa bằng chữ Hán hoặc nôm được viết dọc và đọc từ phải sang trái , về hình thức sắp đặt cũng không thể nhầm lẫn giữa vế xuất và vế đối.
Dẫn thêm một số câu đối khác của các vị “tây học”
Môt anh đi lính tây về đươc phong hàm bát phẩm làm lễ ăn khao và đến cụ Bùi Bằng Đoàn xin câu đối . Cụ cho:
Tiếp tiệp hoan hoàn, tê ư tư sắc tứ
Binh bình thoái thoại, hát ô hô huyền hồ
(đươc tin thắng trận trở về nhà, bước tới nơi thì được ban sắc
Viêc binh đã yên, lui về chuyện trò, hát ô hô treo cung lên)
Một câu khác của Thanh Tịnh:
Thủ trưởng to đi xe nhỏ
Nhân viên thấp ở tầng cao
Để giữ niêm luật, Thanh Tịnh đã “hi sinh” thuật ngữ “xe con” mà dùng từ “xe nhỏ” (vốn không có thuật ngữ này), để chỉ xe du lịch, xe bốn chỗ ngồi (loại xe sang)
Nói vậy không có nghĩa trong kho tàng câu đối của ta không có các câu đối bỏ qua niêm luật bằng – trắc Nhưng nghiệm ra rằng những câu đối đó thường là những giai thoại khuyết danh, nội dung mang một ý nghĩa hay có dụng ý nào đó rồi được gán ghép vào một tình huống phù hợp (địa danh, nhân vật, thời gian…), sau đó được lưu truyền trong dân gian.
Câu đối được nhiều người nhắc, và cho là của Mạc đĩnh Chi . Chuyện rằng trong một lần đi sứ vì trục trặc gì đó, nên đến nơi cửa ải đã đóng. Viên quan coi cửa ải ra vế đối, giao hẹn rằng đối được thì sẽ mở cửa.
Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan
(Qua cửa quan muộn, cửa quan đóng, xin khách qua đường qua cửa quan)
Mạc đáp:
Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối
(Ra đối dễ, đối câu đối khó, mời tiên sinh đối trước)
Giai thoại này nhằm khen một danh nhân có tài ứng đối
Cũng không loại trừ các cụ “thâm nho”, ta thường nói “đông như quân Nguyên”, không ai nói “hay chữ như quân Nguyên”. (3)
Mô típ này ta còn thấy ở hàng loạt câu đối giữa bà Điểm (?), ông Quỳnh (?) với sứ Tầu
Đến thăm Phật bà nghìn tay nghìn mắt , sứ Tầu ra vế đối
Thiên thủ thiên nhãn hà thiên môn
(Nghìn tay nghìn mắt sao không nghìn cửa – Lỡm ở từ cửa (mình).
và Quỳnh đối
Nhất tâm nhất đạo phụng nhất sứ
(Một lòng một đường (ruột) dâng một sứ . Sứ đối với môn.
Dạng này, nhiều câu đối khác cũng được lưu truyền, đó là những câu đối tài tình, lắt léo, cắc cớ, khó hoặc không đối được
Cũng lại vế đối Điểm ra cho Quỳnh:
Lần Quỳnh đi mua nem rượu về đến nhà Điểm thì gặp mưa
Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, giò (dò) đến hàng nem chả muốn ăn.
Lần Quỳnh đi lên phố Mía ( ? )
Lên phố Mía gặp cô hàng mật, kẹo (kéo) lại hỏi thăm đường.
Dựng lên tình huống: một cô gái muộn chồng đi chơi chùa, bị các thày khóa chòng ghẹo, cô ra một câu đối lạ, dùng thể lục bát, và cùng một phụ âm làm vế xuất
Chưa chồng chơi chốn chùa chiền
Chanh chua chuối chát chính chuyên chờ chồng
Vân vân … và vân vân….
Những dạng câu này làm phong phú thêm kho tàng câu đối Việt Nam, nhưng không phải chủ đề bàn ở đây. Sơ bộ có thể khẳng định rằng những câu đối xác định rõ danh tính tác giả, từ xưa đến nay không ai vi phạm niêm luật trắc / bằng trên.
Đặng là danh sĩ đương thời, lại ở thế chủ động không lí gì Đặng lại ra vế xuất thất niêm. Mặt khác để đúng niêm luật, muốn sửa lại thành vế xuất mà vẫn giữ ý cũ không phải là khó . Đại để như thế này:
Ai công hầu, ai khanh tướng., trong trần ai (ai dễ biết ai ) ai thua ai thắng / ai thành ai bại / ai vinh ai nhục, (thậm chí dùng một thành ngữ- sẽ khó đối hơn ) ai lên voi ai xuống ch … ! ) vân vân
Lại giả thiết đây là một câu đối do một tác giả khuyết danh sáng tác rồi gán cho hai nhân vật lịch sử thì bản chất nghi án vẫn không thay đổi: Vì sao Đặng nổi giận?
Có thể lý giải đây là lối “nói móc” trong một số trường hợp của nhà nho. Đặng ở cương vị xuất đối nhưng lại đọc vế đáp (đối đối) với hàm ý rằng :Ta đứng ở cương vị anh, thay anh đọc những suy tư của anh, (câu này nếu ta hỏi – đứng ở cương vị ra vế xuất – cũng đủ cay đắng cho anh rồi, đằng này anh lại tự thú -vế đối- “ai dễ biết ai” thì còn cay đắng bội phần). Giả định rằng Ngô không hiểu thâm ý, chỉ đối lại theo niêm luật, có thể có một dạng câu đối đại loại thế này: “Đối ra dễ, đối lại khó, luật chơi đối, đối hay đáp đối?”. Câu này móc được Đặng dốt đã ra vế đối thất niêm. Nhưng Ngô hiểu được thâm ý và đương nhiên theo luật phải đọc vế xuất, tương kế tựu kế đóng vai Đặng, nói về Đặng, vế đối Ngô đọc diễn nôm ra thì như thế này
“Dào ôi, đắc thời, đắc thế, tất nhiên phải vậy chứ tài cán, khanh tướng gì”!
Chữ phải ở đây (thế thời phải thế.) không có nghĩa của một động từ (phải = bị; phải tù, phải tội, phải đòn) mà có nghĩa của một trợ động từ, phải = đương nhiên, tất yếu, chắc chắn, không thể khác được; (muốn con hay chữ phải yêu mến thầy; bệnh ấy uống thuốc đặc hiệu này thì phải khỏi).
Bàn rộng ra một chút, dân gian, các chính khách đều đánh giá cao yếu tố thời cơ trong sự thành bại của thời cuộc cũng như của các cá nhân. Có ba cung bậc: anh hùng tạo thời thế, thời thế tạo anh hùng và những kẻ đắc thời đắc thế. Loại thứ ba này nếu vỗ ngực ta đây , thì sự đánh giá sẽ khác hẳn.
Với dân gian:
Đắc thời đắc thế thì khôn.
Sa cơ rồng cũng như giun khác gì.
Rồng đấy mà cũng là giun đấy!
Dẫn thêm sự đánh giá của các nhà nho với sự đắc thời
Đặng Dung, một nhà yêu nước, một dũng tướng và cũng là một danh sĩ thời hậu Trần có bài thơ “Thuật hoài” ; trong đó câu 3 và câu 4
Thời lai đồ, điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
(Thời cơ đến thì bọn mổ lợn, đánh cá cũng thành công dễ dàng (4)
Lỡ vận thì anh hùng cũng đành nuốt hận)
Một số nhà nho đã cảm nhận để dịch như thế này
Hồ Đắc Đàm:
Gặp thời kẻ dở nên hay
Anh hùng lỡ vận đắng cay muôn phần
Phan Kế Bính:
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ
Anh hùng lỡ vận ngẫm càng cay
Đào Hữu Dương:
Ti tiện gặp thời lên chẳng khó
Anh hùng lỡ bước hận nhều thôi
Sự đánh giá đó chưa thay đổi theo thời gian.
Một giai thoại khác kể về Tam nguyên Yên đổ Nguyễn Khuyến với Kinh lược sứ Bắc kì Hoàng Cao Khải. Được biết vào dịp tết, Hoàng sẽ đến thăm mình, Nguyễn cho dựng cây nêu ở sân và treo vế xuất
Kiết kiết can mao tiết đáo kình thiên phù nhật nguyệt
(Chót vót cờ mao, tết đến, chống trời phò nhật nguyệt).
Nghĩa đen vịnh cây nêu, nghĩa bóng chỉ ý chí tiết tháo của mình
Hoàng đến thăm, đòi xem vế đối, Nguyễn dẫn chui vào bếp và chỉ
Mang mang khối thổ, thời lai tảo địa tác quân vương
(Mênh mông khối đất, gặp thời quét rác cũng thành vua)
Nghiã đen vịnh ông đầu rau (vua bếp), nghĩa bóng chê Hoàng là đồ bị thịt, đất sét.
Trở lại hai vế xuất/đối của Đặng – Ngô, vế của Đặng tuy có mỉa mai được Ngô, nhưng lại mang tính nhỏ nhen, còn vế của Ngô lại tỏ rõ ý khinh miệt kẻ bất tài mà đắc chí, đánh trúng tim đen của Đặng. Theo cách nhìn đời, nhìn người của các nhà nho đã dẫn ở trên, nếu gặp thời thì kẻ dở, bần tiện, ti tiện, đồ, điếu cũng dễ dàng thành công. Cũng là một nhà nho với sự giáo huấn trọng tiết tháo đương thời (mà đến nay ta có thể cho là lạ lẫm) hỏi sao Đặng không nổi giận, không những lúc nào cũng thua Ngô, cuối cùng còn bị Ngô hạ nhục!
Nhân đây xin kể hai giai thoại nhằm hiểu thêm về hai nhân vật này.
+. Trước khi chết, Ngô có làm bài thơ gửi Đặng
Ai tai Đặng Trần Thường
Chân như yến xử đường
Vị Ương cung cố sự
Diệc thị nhĩ thu trường
(Thương thay Đặng Trần Thường, nay quyền thế đấy, nhưng khác nào chim én làm tổ trong cái nhà sắp cháy, sẽ khốn đến nơi, – giống như Hàn Tín giúp Hán Cao tổ , rồi lại bị Cao tổ giết ở cung Vị Ương.)
Quả nhiên sau này Đặng cũng bị Gia Long giết .
Ngô quá hiểu Đặng !
+ Thuở còn đi học, Ngô và Đặng cùng mến mộ một cô gái, nhưng cô gái (nhà gái) lại đồng ý gả cho Ngô. Đặng lại thêm một cớ hận Ngô. Sau khi Ngô chết, Đặng gửi cho vợ Ngô mấy vần thơ
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng
Nín đi kẻo thẹn với non sông
Ai về nhắn nhủ đàn em nhé
Xấu máu thì khem miếng đỉnh chung (5)
Ân oán giang hồ Đặng đã trả đủ
Nghi án đã giải xong,
____________________________________
Chú thích
- Ngoài câu đối , có thể tham khảo luật đối trong cặp câu thực ( 3-4 ) và luận (5-6) thể thất ngôn bát cú (Đường thi )của các tác giả xưa , nay .
- Dẫn theo Vũ ngọc Khánh Người có vấn đề trong lịch sử nước ta. Nhà xuất bản Văn hóa thông tin. Hà nội 2008
3.Mặt khác vế đối( nếu là của Mạc) cũng không chỉnh, vế xuất, dùng từ quá tới 3 lần (quá quan trì…quá khách quá quan); vế đối, từ tiên chỉ có 2 lần(để đối lại từ quá:( xuất đối dị …tiên sinh tiên đối )Đương nhiên không thể đặt “tiên đối dị” vì vô nghĩa. Suy ra nó cũng chỉ là một…giai thoại chứ không phải là của “Lưỡng quốc trạng nguyên”
- Các bản dịch chỉ dịch được ý, còn điển tích đồ, điếu thì không nêu được.
Đồ: người mổ lợn, ám chỉ Phàn Khoái dũng tướng của Lưu Bang – Hán Cao tổ, thuở hàn vi làm nghề mổ lợn. Điếu: đánh cá, ám chỉ Khương Tử Nha (Lã vọng ), lúc hàn vi làm nghề đánh cá, sau cầm quân diệt Trụ lập nên nhà Chu
- Có người nói bài này của Hồ Xuân Hương, nhưng xét cả về văn phong lẫn tính cách không phù hợp với nữ sĩ. Nêu ra đây để trao đổi đổi
Trần Thế – Phổ