TRĂM NỖI ĐAU…KHÔNG BẰNG NỖI ĐAU BAO TỬ

IMG_20170206_084810

TRĂM NỖI ĐAU…KHÔNG BẰNG NỖI ĐAU BAO TỬ

Hãy quan tâm đến những người phụ nữ bất hạnh!

 

“…Thuyền em rách nát còn lành được không?

Răng không, cô gái bên sông

Ngày mai cô lại từ trong ra ngoài

Thơm như hương nhụy hoa lài

Trong như nước suối ban mai giữa rừng…”

(Trích thơ Tố Hữu)

 

Cô ước gì không có ngày 8 tháng 3. Không, không thể  ước thế được , có phải chỉ mình cô là đàn bà đâu!. Thế thì cô ước  cô không biết gì về ngày này- cũng không được vì cô đã chót biết nó rồi . Ước gi, ước gì…giá như ngày xưa.

1.

Cô đã từng chạy vạy để được làm công nhân. Công nhân ư? Trước đó, khi vào DN, cô không được đào tạo bài bản . Cô chỉ được  “cầm tay chỉ việc” với thời gian quen việc khoảng dăm bảy ngày chi đó của một công đoạn  trong một giây chuyền dài mới ra thành phẩm .Cô vốn sáng dạ và khéo tay mà !.  Thế rồi chỉ cần cô chấp hành  nội quy, quy chế của doanh nghiệp  là họ tuyển cô  chính thức . Đời làm thợ bắt đầu .Cô trở thành công nhân không có nghề. Thời gian làm việc là 8 giờ mỗi ngày và mỗi tuần 6 ngày. Lương bình quân không quá 4 triệu đồng/người/tháng. (Đại biểu Quốc hội TPHCM Trương Trọng Nghĩa trước quốc hội cho biết, lương của cán bộ công chức hiện nay chỉ đủ cho 40% nhu cầu cuộc sống ) Để có thu nhập thêm, cô rất muốn được làm thêm giờ, làm thêm cả ngày lễ và chủ nhật, một phần do bản chất, một phần do lo bị trừ lương, lo bị phạt lỗi, lo bị cho thôi việc (sa thải). Tiền lương sau khi chi cho tiền nhà, cho tiền điện …và tiền cái xe đạp cọc cạch của cô lâu lâu lại dở chứng mà chữa cũng bạc ngàn chứ có phải chơi đâu. Lại còn phải gửi tiền giúp cho cha me ,cho các em cô đang tuổi học . Những khoản tiền này đang tăng để … theo kịp mặt bằng giá cả của thế giới mà người ta nói với cô: giá cả ở nước ta   còn thua của…. Mỹ, Anh, Nhật ,Pháp…Cô dù ít học, nhưng thỉnh thoảng nghe đài, xem tivi các cô cũng biết ra nhiều thứ, ví dụ như giá nhà đất ở SG gần bằng ở….Mỹ,  giá thuốc tây gần bằng giá ở… châu Âu, còn giá điện chằng thua Thái lan… Cô có thể lẫn lộn nước này với nước khác nhưng người ta nói rành rành với cô như vậy. Thôi thi làm công nhân, các cô vẫn sống được như bao người khác đấy thôi ! Nhưng những người “độc miêng” lại bảo ăn  như vậy , ở như vậy, làm như vậy … không đủ tái tạo sức lao động .Thế có nghĩa là các cô cũng đã bán dần thân sức mà cha mẹ đã trao cho các cô. Mới làm viêc được dăm năm cho doanh ngiệp những sự thúc bách của ca kíp và làm thêm, do điều kiện lao động kém và hàng trăm mối lo, cô cằn cỗi đi trước tuổi
Đùng một cái cô bị buộc thôi viêc. Cô ngơ ngác, cô chẳng có lỗi gì. Cô có biết đâu đã xuất hiện tình trạng thay thế nhân công mà thực chất là đào thải nhân công cũ thay bằng nhân công mới tại các công ty, các khu công nhiệp ở nước ta. Các ông chủ có ai không muốn sử dụng lao động trẻ, khỏe, tiếp thu nhanh, năng động lại dễ bảo. Sử dụng lao động trẻ, chưa có thâm niên, họ có thể lợi dụng được sức lao động cường độ cao… nhưng chỉ phải trả mức lương thấp. Chuyên này đã phổ biến trong nhiều doanh nghệp, các khu công nghiệp. Chi phí đào tạo, chi phí tuyển mới, mọi chi phí thay thế lao động đều rất thấp, nên càng khuyến khích các doanh nghiệp đào thải nhanh, không thương tiếc. Có người nghĩ rằng công nhân càng cao tuổi càng có kinh nghiệm và tay nghề vững vàng, năng suất lao đông sẽ cao hơn? Tại sao DN chấp nhận bồi thường rồi tuyển mới?… Có biết đâu các ông chủ đều dựa trên sự so sánh giữa cái lợi thu về với thiệt hại và chi phí mà DN phải trả, cái lợi đã là hiển nhiên.  Một khi có lợi thì các DN đều sẵn sàng thay cũ, tuyển mới. Đó là lý do khiến các khu công nghiệp – khu chế xuất hiện nay phần lớn chỉ tuyển lao động trẻ.

Ai thiệt? Đương nhiên là người lao động, “tài nguyên” nhân lực và nền kinh tế quốc gia sẽ gánh trọn hậu quả. Đây không phải là hiện tượng được dự báo nữa và đã diễn ra phổ biến tại các doanh nghiệp, trong các khu chế xuất. Tuổi bình quân của người lao động  trong các doanh nghiệp theo một vài thống kê chỉ khoảng 28 – 30 tuổi. Điều này các cô đâu có biết. Thế còn những người làm chính sách vĩ mô lại đang mải bàn về chuyện nâng tuổi nghỉ hưu (một cách thận trọng có lộ trình!)

2.

Cô trở về nhà trọ, dọn dẹp, nằm nghỉ trưa, rồi chiều nay có khách hay có quán quen gọi thì cô đi làm lại. Cô trở lại với nỗi lo cơm áo gạo tiền. làm tất cả mọi nghề, dù là nghề ô nhục nhất để nuôi than. Đã từ lâu cô sống lặng lẽ với “công việc” của mình. Nhìn cô vẻ ngoài đẹp đẽ đấy, sang trọng đấy nhưng có ai biết bao nhiêu lần cô phải móc họng cho ói ra bớt rượu bia, ói ra hết những thức ăn (mà cha mẹ cô các em cô có nằm mơ cũng không thấy..) Hàng ngày cô nở hàng chục nụ cười, nhưng đêm về, cô nghí tới  những chuyện trong ngày  rất khốn nạn và nhục nhã. Bị khách hành hạ, bạo dâm, hãm hiếp tập thể, tra tấn tình dục…bên cạnh đó là đám ma cô bảo kê cô cũng phải đem thân xác ra hầu hạ.  Có bà  đàn chị còn nói với cô, rủi mà bị bắt, có khi gặp những con quỷ khoác áo quan chức , nó lợi dụng quyền lực mà pháp luật trao cho nó, nó chơi chùa, miễn phí, cũng phải cắn răng mà chịu, không thì chết với nó!  Cô tự động viên mình ráng vượt qua, vì nghĩ về ba mẹ ở quê nhà, vì nghĩ đến bản thân các cô, chữ nghĩa thì ít, còn trẻ, không quen biết ai, thì làm gì để sống đây, Các cô có nghĩ đến tương lai không? Có chứ ! các cô cũng ráng  chừa cho mình môt con đường lui. Làm gì cũng phải cho mình con đường về, Làm đĩ chín phương cùng còn để lại một phương … Có chứ, nếu có ai thưong mình thật lòng, thì sao nhỉ ? Cô vốn con nhà lành, có lòng tự trong, cô cảnh giác với bệnh tật mà mình có thể mắc phải, sao mình dám, sao mình còn quyền trao thân cho người mình thực sự thương yêu được nữa .Nói chi đến chuyện chồng con! Có còn cái nào đau đớn hơn?…

Trách ai bây giờ, không lẽ trách ba mẹ mình bất tài nên nghèo nên giờ mình khổ. Bất kể ai sống với đạo lý của dân tộc không ai nghĩ thế cả, dù có học hay không được có học. (Vả lại, bằng cấp và văn hóa chưa chắc đi đôi với nhau, người đọc nhiều chữ chưa chắc sâu sắc bằng người thấm hiểu văn hóa ứng xử, đạo lý làm người.) Thế hệ ba mẹ các cô là thời chiến tranh, không chết đã là may, lại là nông dân nghèo nói gì đến làm giàu ông nọ bà kia mà cho con cái thừa hưởng.
Vậy trách các cô lười biếng không lao động nên làm cave sao? Cô muốn xòe hai bàn tay mỉnh ra, vết chai sần vẫn còn đó để hỏi các vị có đôi tay mịn màng hồng hào kia : Lao động gì đây ?Ai cho cô lao động? Thế bây giờ cho các cô nghỉ làm cave, các cô làm được gì? Công nhân? Thi cô đã làm rồi.Thật là cười ra nước mắt. Có khi các cô cũng kêu lên để cầu cứu xã hội, nhưng lại nhận được những câu trả lời “thứ làm đĩ thì có làm có chịu đi, kêu ca gì, thứ đĩ mà cũng đòi hỏi”. Xin thưa với các vị, trước khi làm đĩ thì các cô cũng làm người, chỉ vì muốn làm người mà các cô phải đi làm đĩ, để bán cái mình có, (không như nhiều vị chôm chỉa , nhận hối lộ .. rồi  đem ra mua bán) Trong khi nghề nghiệp chuyên môn các cô không có, muốn có phải đi học, mà các cô cũng nghe nói bây giờ  cố gắng ăn học xong để tốt nghiệp, mà cử nhân thì…thất nghiệp đầy ra đó thôi..

Các ông trí thức bằng cấp đầy mình còn bí khi giải bài toán này, nói chi các cô toan tính giải nó? Thế mà xã hội lên án ghê gớm lắm, phỉ báng các cô là thành phần này, thành phần nọ…Nếu bị tóm họ sẽ nêu danh nêu hình, trong khi các cô chỉ bán cái mà các cô sở hữu chính đáng, mà cũng chỉ khi ở bước đường cùng. Trong khi kẻ mua, các cô đoan chắc rằng bằng đồng tiền bất minh, bất chính lại được “người ta” che đậy sợ mất danh dự, sợ tan vỡ gia đình …! Các cô được đi tập trung để phục hồi nhân phẩm. Còn các “đức ông” của các cô còn nguyên nhân phẩm để tiếp tục tuyển các cô mới để đưa đi … phục hồi nhân phẩm. Cô sót xa cho thân phận thấp cổ bé họng của mình, cái thân phận đàn bà của mình khi người ta đang đề cao bình đẳng giới! Xin thưa các vi, xin các vị bớt chê trách đi, thay vì các vị chê trách, các vị  trí thức, bằng cấp đầy mình  hãy ra khỏi  phòng máy lạnh đi giải bài toán mà các cô đưa ra đi, các vị có giải được không?

Rồi khi nghĩ tới bước đường cùng , khi cô cần đến sự cưu mang của cộng đồng, thì biết làm sao đây. Cô chẳng đứng trong một tổ chức, hội đoàn nào. Khi cùng cha mẹ làm nông nghệp cô có phải là hội viên hội  Nông dân đâu. Khi cô làm công nhân cô đâu phải là đoàn viên Công đoàn. Cô là thanh niên, cô đâu có phải đoàn viên. Cô là phụ nữ, cô đâu có là hội viên của chi hội phụ nữ nào đó. Khi cô là và luôn luôn là một công dân, cô không có hộ khẩu thường trú. Ở nơi tạm trú ngụ cô không được hưởng quyền lợi của bất cứ chế độ chính sách nào của nhà nước của xã hội. Dù có gặp bước đường cùng , mọi trợ giúp từ thiên, cô không có tên trong danh sách. Cô chỉ được cảnh sát khu vưc để mắt cảnh giác với cô. Cái sống của cô là môt thực thể hiển nhiên, nhưng chỗ đứng của cô là vô danh trong xã hội này

3.

Không dám nói chùm nói lợp, không dám vơ đũa cả nắm . Cô thì đi xuất khẩu bán lẻ lao động , đi làm “giúp việc” gia đinh xứ người. Còn các cô với danh hiệu “cô dâu Việt” mà thực chất là lao động  là ô sin không công;  khi được đóng vai trò làm vợ thì cũng là phục vụ thân xác, là đáp ứng  ước vọng nối dõi tông đường của các ông chồng xứ lạ. Thế đó, có ai khóc  cho  nhiều phụ nữ không thể sống được trên chính đất nước của mình?

Ngày 8/3 , “NGÀY LỄ TÔN VINH PHỤ NỮ” xin cứ tôn vinh, cứ trao hoa, cứ tặng quà, … nhưng đừng  quên đi  ngày kỷ niệm này là ngày đấu tranh để giành lấy quyền sống, quyền làm người cho những người phụ nữ bị áp bức, bị ngược đãi, bị nghèo đói… Trên đất nước chúng ta còn biết bao nhiêu phụ nữ và em gái bị bạo hành, là hàng hóa mua bán. Bao nhiêu các bà, các chị em nông dân mất đất, tràn ra thành phố kiếm sống. Bao nhiêu  chị em  còn bỏ con cái lại cho ông bà đi lao động trong điều kiện khắc nghiệt và đầy cạm bẫy. ?

Người viết bài này tuy biết rằng Thành đổ đã có chúa xây … (lại còn có Đại hội đại biểu  phụ nữ toàn quốc lần thứ 12 ) cũng nhân ngày 8/3  gửi lời cầu mong xã hội hãy dành một chút ưu ái cho các bà, các chị, các em , các cháu gái đang gặp bất hạnh, đủ sức lực và can đảm và may mắn vượt qua nghịch cảnh mình đang gặp và sẽ còn gặp./.

 

Trần Thế-Phổ

 

 

 

Add a Comment

Your email address will not be published.