NÓI CHUYỆN PHIẾM

Ngua thanh Troie

NÓI CHUYỆN PHIẾM

DỰ RẰNG…

Cư dân quanh cái hồ Đông hải chẳng có mấy. Bắc hồ thì có anh Khựa, tổ tiên anh ta để lại cho anh ta mảnh đất bự tổ chảng, bự nhất xã. Ấy vậy mà anh ta vẫn chưa thỏa mãn, cứ nhòm sang nhà hàng xóm, nhà nào hở ra một chút là anh ta lấn, lấn được tấc nào hay tấc đó. Sát vách hướng đông bắc đất anh Khựa thì có đất của anh Triều, dưới đất anh Triều là đất của chị Kim Chi. Anh Triều tuy trẻ người nhưng rất bậm trợn, nghèo nhưng chịu chơi, sắm cả nỏ thần (không phải nỏ của Mị Châu đâu nhé). Anh Triều bảo: “đứa nào dám động vào ông, ông cho nát thây!”. Ngay anh Khựa ở gần sát như vậy, và là người từng cưu mang Triều, nhưng anhTriều vẫn đe vẫn dọa, phải cho kẻ ăn người làm trong nhà án ngữ hàng rào, sợ Triều làm liều. Chị Kim Chi, thân gái dặm trường, nơm nớp lo anh Triều làm liều thì mất đất nên phải nhở chú Sam ở tận trời xa đem cho mượn một cái “THỚT (THAAD) thần”, thấy chú Sam bảo cái này tốt lắm, có thể chống lại nỏ thần của anh Triều. Thế là chị Kim Chi tạm thời yên tâm. Đó là nói về mấy nhà phía bắc và đông bắc.

Phía đông nam nhà anh Khựa còn có nhà chị Đài. Chị này ngày xưa kết thân với chú Sam lắm. Cũng vì thế mà đã nhiều năm nay chị coi Khựa chẳng ra gì. Chị như cái gai trong mắt Khựa, muốn nhổ đi lắm mà chưa dám, vì dù sao Khựa vẫn phải trông chừng chú Sam. Chú ấy mà đứng ra bênh vực chị Đài thì khốn. Nhưng trong lòng ấm ức, nhất là vừa rồi chú Sam bảo “tôi coi chị vẫn là người bạn của tôi”. “Nói dzậy nhưng không phải dzậy”, gặp anh Khựa chú Sam bảo “tất cả là của anh”.

Còn phía đông hồ, thì có nhà anh Phi. Mới ngày nào còn kiện anh Khựa ra Ủy ban xã, xã phán “Khựa sai, Phi đúng”. Đùng một cái, Phi thay đổi tính nết, chịu nhún nhường, kêu Khựa là đại ca, rồi bảo “tổ tiên tôi cùng nòi giống với anh Khựa”. Rõ dơ! Phi có một cái cù lao trên hồ, Khựa chiếm luôn, Phi bảo “anh cho phép em vào hái ít rau”. Khựa cho phép. Phi khoái chí nói luôn “em còn mấy cái cù lao nữa, anh có mua em bán”. Khựa nghĩ bụng “việc quái gì tao phải bỏ tiền mua, tao chiếm nữa cho biết mặt”. Phi im.

Ở phía nam sát đất của Khựa là anh Văn Lang. Văn Lang là một cái gì còn hơn là cái gai trong mắt Khựa nữa. Kể từ ngàylập ấp đến nay, có cả nghìn năm không ít. Cứ mỗi lần định sang lấn đất thì y như là Khựa bị Lang đánh ôm đầu máu chạy về. Khựa biết là thằng Lang này khó bắt nạt, vì hắn đã đánh bại khối toán cướp sừng sỏ rồi, vì vậy đã có lần, hắn bàn với chú Sam, đánh trả thù một bữa. Ai dè lại thua. Chạy về mà trong lòng còn hậm hực lắm. Khựa thề có ngày sẽ gây sự nữa.

Xuôi xuống phía nam, sát đất nhà Văn Lang là đất nhà anh Cam. Ối trời ơi, cái anh này cứ thấy ai giầu có là bám lấy. Một lần các nhà quanh hồ họp lại, phản đối anh Khựa vì tội hay quấy rối, định chiếm cả cái hồ. Mọi người đều đồng thanh nhất trí, trừ Cam. Cam bảo “ai phản đối thì phản đối, tôi không!”. Quái lạ nhỉ, làm sao Cam lại không đồng lòng với xóm giềng? Sau tìm hiểu mới biết là anh Khựa đã cho Cam ăn ngập mặt, làm sao mà há nổi cái mồm.

Trước đây tưởng chỉ có một “con ngựa thành Troy (tiếng Anh gọi là trojan horse)” là anh Cam, thì ra nay anh Khựa đưa được những hai con ngựa vào bên trong thành!

Xuôi xuống phía nam là đất của chị Thái, chị này cũng lo sợ về nạn cướp bóc, vì thế trước đây phải nhở chú Sam giúp đỡ. Nhưng gần đây trong gia đình có chuyện “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” gì đó, làm phật ý chú Sam nên chú Sam giận. Bí thế chị phải nhờ đến Khựa. Khựa trong bụng chưa thể tin chị Thái nhưng cũng giúp một ít khí giới để phòng bị. Biết đâu “bánh ít ném đi” chẳng có “bánh quy ném lại”, đi đâu mà thiệt, với lại nhà anh Khựa giầu, bỏ ra chút tiền còm mà mua được lòng người thì dại gì mà không bỏ.

Bên cạnh nhà chị Thái là đất của anh Mã, anh Đô và anh Sinh. Mấy lần anh Khựa cũng đưa người đến lăm le cái gì đó của nhà anh Mã. Anh Mã ngoài mặt thì vẫn hữu hảo với anh Khựa, nhưng bên trong thì ngấm ngầm chuẩn bị, chẳng gì thì anh Mã cũng thân với gia đình chú Sam hơn nên Khựa chưa thể làm gì mạnh.

Anh Đô cũng tức anh Khựa lắm. Có lần Khựa khua khoắng ngay sát bờ thuộc đất nhà anh Đô. Đô tức bèn cho người ra canh giữ và đích thân chủ nhà ra tận nơi nói vọng sang: “đất có thổ công, sông có hà bá. Đất này bao đời nay là của nhà tôi, đừng ai động đến mà mang vạ nghe”. Nghe thấy vậy Khựa thôi, rút về cho êm chuyện cái đã, chứ dã tâm thì vẫn còn.

Chỉ có cái nhà anh Sinh là khôn. Nhà anh ta giầu nhưng đất thì nhỏ, người lại không đông, nhắm không địch nổi bọn kẻ cướp, nên cho chú Sam mượn một chỗ đậu thuyền, ai muốn vào nhà anh Sinh thì trước hết phải tránh mấy cái thuyền của chú Sam. Vừa rồi, anh Triều dọa dẫm sao đó, chú Sam chèo thuyền từ nhà anh Sinh lên nhà anh Triều, hỏi anh Triều “mày dám?”. Anh Triều bảo “dám chứ sao không, muốn chơi kiểu gì tao cũng chơi”, thế là anh Triều cho trẻ con bà già, khách khứa đi ra nơi nào đó, chuẩn bị chơi với chú Sam một chuyến. Thực hư thế nào, hồi sau sẽ rõ.

Chuyện dân cư quanh cái hồ thì như vậy, mọi chuyện của hàng xóm láng giềng tuy có đôi lúc xích mích nhưng chưa đưa đến phải thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau. Cứ nghĩ như vậy là tạm ổn.

Nhưng có lẽ không ổn mất rồi! Cách đây mấy ngày chứ có lâu la gì đâu, anh Khựa sang thăm nhà chú Sam, chú Sam đưa anh Khựa đến nơi nghỉ mát, đón tiếp là thượng khách, lại cho ăn uống toàn thứ hảo hạng, kể cả miếng bánh tráng miệng cũng là ngon nhất thế giới. Lúc Khựa chưa đến nơi, thì chú Sam chê thằng ấy (anh Khựa) chẳng ra gì, nó chuyên mua rẻ bán đắt, nó lũng đoạn đồng tiền, kỳ này phải bắt nó đóng thuế đến 45% hàng đưa vào nhà chú Sam; rồi nào là phải nói dứt khoát với tay này về chuyện cái hồ Đông hải và cư dân quanh đó, chứ không thể để Khựa muốn làm gì thì làm; rồi bắt Khựa phải chung tay trị anh Triều.

Ấy vậy, nhưng khi gặp Khựa thì chú Sam lại nhũn hơn con chi chi. Chú Sam bảo, Khựa không lũng đoạn tiền tệ, không cần đánh thuế cao vào hàng của Khựa. Chuyện hồ Đông Hải thì coi như chú Sam không biết, không nghe, không thấy. Hạt thóc thế nào thì chú Sam giống như thế.

Hôm đãi đằng anh Khựa, anh Khựa đang ăn dở miếng bánh “chocolate dessert” thì chú Sam rỉ tai anh Khựa mà rằng “tớ vừa nã 59 trái pháo lửa vào nhà thằng Sy”. “Thì đã sao” anh Khựa nghĩ trong bụng như thế, nhưng miệng lại nói khác. Chú Sam tưởng anh Khựa sợ mà hối thúc anh Triều phải hòa dịu. Đâu có ngờ, cú ap-phe của chú Sam lần này làm anh Khựa mừng rơn. Chẳng là, mấy quả pháo đó bắn vào nhà anh Sy thì chỉ dằn mặt các cô gái xứ bạch dương, ai dè nó lại có tác dụng đầy mấy cô gái xứ bạch dương đến gần với anh Khựa, trong lúc các cô này đang trông chờ vào sự cải thiện mối bang giao với chú Sam. Không có cái dại nào giống cái dại nào! Anh Khựa thắng 1-0, còn chú Sam thua 0-1!

Dự rằng…

Chẳng ai biết chú Sam với anh Khựa bàn với nhau cài gì, thỏa thuận với nhau cái gì? Đời thuở nhà ai, thăm nhau mà không ra một cái “thông cáo chung” để cho thiên hạ biết. Cả chú Sam lẫn anh Khựa đều nói “rất thành công”. Cái điều “rất thành công” ấy sẽ gây ra những tai họa gì cho những gia đình lân bang? Có giống như cái “rất thành công” năm 1972 không? Năm đó, anh Văn Lang khốn khổ với chú Sam, nhà cháy, người chết vô số kể, sau đó thì chú Sam cho đứt anh Khựa mấy cái cù lao trong hồ, toàn là của gia bảo của anh Lang.

Kỳ này cái “rất thành công” đó làm cho anh Triều phải lên gân, chị Kim Chi thì chưa biết cái gì xảy ra nếu anh Triều dương nỏ thần lên bắn đại, rơi đâu thì rơi. Rồi đến lượt chị Đài, biết đất của mình còn là của mình nữa không? Hay chú Sam lại có chuyện đi đêm với anh Khựa thì “thôi rồi, Diễm ơi!”. Anh Văn Lang là người lo lắng nhất, phần hồ mà xã đã phân cho nhà anh, chắc gì đã còn là của mình, hay sự kiện năm 1972 sẽ lặp lại?

Cái cộng đồng quanh hồ Đông Hải lo mà chống đỡ!

Ngày xưa khi quân của Troy kéo con ngựa gỗ chứa mấy chục binh sĩ Hy Lạp vào thành, thì nữ tiên tri Cassanda, con vua Priam đã ra sức can ngăn, nhưng chẳng được ai nghe lời khuyên đó. Vì thế mà thành Troy đã rơi vào tay quân Hy Lạp.

Ôi, Cassanda, linh hồn bà có khôn thiêng thì cho chúng tôi biết, họ sẽ làm gì với mấy con ngựa hiện đại, và họ đã thỏa thuận những gì trên lưng chúng tôi?

Tháng Tư, 2017

Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.