TẢN MẠN CUỐI TUẦN

Thích quang Duc

TẢN MẠN CUỐI TUẦN

NGƯỜI CỘNG SẢN VÀ VÔ THẦN

Tôi biết, khi viết bài này, sẽ có rất nhiều người thuộc tôn giáo này hay tôn giáo khác đều không hài lòng. Tôi xin lỗi các bạn trước. Ở đây tôi chỉ nói những gì mà tôi nhận thức được, mà nhận thức của mỗi người trong chúng ta mấy khi đã giống nhau. Vậy nên các bạn cũng chỉ nên coi đây là ý kiến, là quan điểm của cá nhân tôi thôi nhé!

Tôi và cả gia đình tôi không phải là những đảng viên cộng sản, nhưng chúng tôi lại là những người vô thần . Tuy là người không theo một tín ngưỡng nào, chẳng phải tín đồ của một tôn giáo nào, song tôi tôn trọng những người sáng lập ra các tôn giáo. Vì những bậc sáng lập ra các tôn giáo đó đều khuyên nhủ, hướng dẫn và dạy bảo tín đồ của mình làm việc thiện để khi chết đi sẽ được lên niết bàn (đạo Phật) hoặc lên thiên đàng (các tôn giáo khác).

Thiếu chút nữa là tôi lại lan man về các tôn giáo mà quên mất chủ đề chính, đó là trên thế giới này đâu chỉ có những người cộng sản là vô thần.

Thời cổ đại, khi mà K. Marx chưa sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản thì cũng đã có các cuộc hành quyết những kẻ ngoại đạo. Điều đó có nghĩa rằng những người được gán cho cái tội “vô thần” đã từng xuất hiện trước khi Marx ra đời (1818). K. Marx, không phải là người cổ súy cho chủ nghĩa vô thần mà như nhiều người ghét bỏ, cố tình gán ghép. Marx chi chứng minh rằng, đến một lúc nào đó, khi mà khoa học kỹ thuật phát triển đến mức mà mọi người không còn tin vào những gì thuộc về thế giới siêu hình. Thí dụ thuyết tiến hóa của Darwin đã chứng minh ngược lại giáo hội Thiên chúa giáo khi những người Kito giáo được dạy rằng chúa trời sinh ra muôn loài. Chính những nhà khoa học đã một thời bị giáo hội lên án và có người đã phải lên dàn thiêu, chỉ vì họ dùng luận cứ khoa học chứng minh những điều ngược lại với giáo lý.

Tôi xin dẫn chứng một ít con số, để chứng minh rằng, không chỉ những người cộng sản mới là “kẻ vô thần”:

Dân số thế giới tính đến ngày 1/1/2016 là 7,3 tỷ người, thì tổng các tín đồ của những tôn giáo có thờ thần (độc thần và đa thần) là 5 tỷ 181 triệu người. Còn lại trên 2 tỷ người không theo một tôn giáo nào, thường bị gọi là “kẻ vô thần”, song không phải tất cả trên 2 tỷ người đó là cộng sản.

Ở nước ta, vào năm 2011, dân số Việt Nam có khoảng 90 triệu người (lấy số tròn), thì tín đồ các tôn giáo được ghi nhận như sau (xin nhớ là số tương đối):

  • Phật giáo: 6.802.318 người
  • Công giáo: 5.677.086 người
  • Cao Đài: 2.400.000 người
  • Hòa Hảo: 1.433.252 người
  • Hồi giáo: 75.268 người
  • Tin lành: 734.168 người

Tổng cộng : 17.122.092 người thuộc các tôn giáo khác nhau. Như vậy nếu ta lấy tổng số dân là 90 triệu người trừ đi số trên, thì nước ta còn gần 73 triệu người không theo tôn giáo nào. Trong số gần 73 triệu người “vô thần” đó thì chỉ có 4,5 triệu người là đảng viên cộng sản. Như vậy còn trên 68 triệu người Việt Nam vô thần mà không phải là đảng viên cộng sản. Các bạn nghĩ sao về vấn đề này? Nhiều kẻ cứ gán ghép cho cộng sản cái tội “vô thần” đề mà chống!

Thực tế, từ ngày đất nước được yên bình đến nay, số tín đồ nhiều tôn giáo đã tăng lên đáng kể như Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Hiến pháp của Việt Nam cũng nói rõ “tôn trọng quyền tự do tin ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của người dân”. Vậy là rõ rồi nhé!

Trên thế giới cũng đã có một số cuộc chiến tranh tôn giáo. Điển hình nhất là cuộc nội chiến hai miền nam bắc Hoa kỳ vào đầu thế kỷ 19 (1861-1865). Đó là cuộc chiến tranh của những người theo Catholic dòng Tên, được Vatican ủng hộ, định tiêu diệt những người Tin lành ở miền bắc. Nhưng rồi quân miền bắc đã đánh thắng quân miền nam để thống nhất đất nước Hoa kỳ như ngày nay. Hiện nay, ở các nước Trung đông, cuộc chiến tranh đẫm máu đang diễn ra, dưới lá cờ các tôn giáo, giáo phái để phục vụ cho âm mưu chiếm đoạt của những nước lớn.

Tôi xin trích lời Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từ những thế kỷ trước, khi nói về cuộc nội chiến ở Hoa kỳ hồi đó (trích dẫn trong bài trả lời phỏng vấn vào tháng Tư, 2012 của giáo sư sử học Nguyễn Mạnh Quang hiện sống ở Hoa kỳ), như sau:

“Có phải là một sự vô lý hay không, nếu đem cho người khác một thứ mà chính họ đã thù ghét, nguyền rủa và thề phải hủy diệt?” … “Tôi là người đứng về phía tự do của lương tâm theo ý nghĩa cao thượng nhất, rộng rãi nhất và cao cả nhất. Nhưng tôi không thể nào lại trao tự do lương tâm cho giáo hoàng và những người tín đồ của ông ta khi mà qua các cộng đồng của họ, qua các nhà thần học của họ và qua luật thánh của họ, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng nói lương tâm của họ ra lệnh cho họ phải thiêu đốt và bóp cổ vợ con tôi cho đến chết, và cắt cổ tôi khi mà họ có cơ hội! Nhân dân ta ngày nay hình như chưa hiểu được điều này. Nhưng rồi sớm hay muộn, ánh sáng của công lý sẽ làm sáng tỏ điều này, và khi đó tất cả mọi người sẽ hiểu rằng không thể nào trao tự do lương tâm cho những người đã thề phải tuân phục một ông giáo hoàng tự phong cho chính mình cái quyền được sát hại những người khác biệt niềm tin tôn giáo với ông ta.”

Về đàn áp tôn giáo ở nước ta có hai thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất là vào cuối thế kỷ 19, những người Kito giáo đã sang truyền đạo ở nước ta. Triều đình nhà Nguyễn khi đó, thấy rằng, đi theo các nhà truyền giáo là những đội quân xâm lược Pháp, Anh, vì vậy triều đình đã đàn áp những người theo Kito giáo, giết linh mục và cũng giết cả một số giáo dân. Thời kỳ thứ hai, là dưới chế độ “đệ nhất VNCH” do Ngô Đình Diệm làm tổng thống đã ra sức đàn áp Phật giáo ở miền nam, âm mưu của Diệm và thế lực bên ngoài muốn Catholic hóa miền nam Việt Nam, lấy thần quyền đặt trên pháp quyền, cực đoan đến độ Mỹ phải cảnh cáo và phế truất tổng thống Diệm. Nhưng đến khi Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống, cũng phải thực hiện âm mưu Catholic hóa miền nam, trước hết Nguyễn Văn Thiệu phải cải đạo, từ bỏ đạo của mình khi còn sinh sống ở Bình Thuận sang đạo Thiên chúa. Nhưng công cuộc Catholic hóa của Thiệu ôn hòa hơn, song mục tiêu thì không thay đổi. Điều này thì cả nước biết, cả thế giới biết. Chỉ có vậy thôi! Lịch sử nước ta chỉ có hai thời kỳ tôn giáo bị đàn áp như đã nói.

Kito giáo ra đời cách nay đã trên hai ngàn năm; Phật giáo thì ra đời sớm hơn. Rồi thì Do Thái giáo, Hồi giáo … cũng xuất hiện. Những bậc sáng lập đều là những nhà hiền triết, những bậc đáng tôn kính. Và giai đoạn sơ khai của các tôn giáo đã có một cuộc sống hòa đồng, gắn bó với nhau trong một xã hội. Viết đến đây tôi lại nhớ đến câu chuyện về vụ nổ lớn (big bang). Khởi thủy các ngôi sao đều ở gần nhau hoặc là một, chỉ sau vụ nổ hình thành các ngôi sao, dần dần mới rời xa nhau, lúc đó sự sống mới hình thành, và cuộc đấu tranh của các sinh vật để sinh tồn cũng bắt đầu từ đó. Các tôn giáo cũng giống như các vì sao, từng có thời kỳ tồn tại hòa bình bên nhau, cho đến thời điểm các tôn giáo bùng nổ thành các tôn giáo, các giáo phái khác nhau thì bắt đầu có sự cạnh tranh, lôi kéo, áp đặt và thậm chí tàn sát lẫn nhau để tôn giáo hoặc giáo phái của mình được tồn tại và phát triển.

Tất cả đã đi ngược lại với những gì mà người sáng lập mong muốn mọi người được vươn tới, đó là nhân từ và bác ái. Một số linh mục của Công giáo cũng làm trái lời dạy của đức chúa Jesus, người đã chịu cực hình trên cây thập giá để con người giác ngộ mà thương yêu nhau. Trong 12 vị thánh tông đồ của Thiên chúa giáo thì chỉ có một kẻ phản bội, đó là Giu-da, không lẽ, những linh mục làm trái ý chúa lại muốn biến mình thành những Giu-da thời hiện đại? Cần nhớ rằng, những linh mục áo đen cầm đầu và xúi dục những cuộc bạo loạn trên đất nước ta suốt từ những năm 1975 đến nay, ở rải rác nơi này, nơi kia, đều là những người có học nhưng mang nặng lòng thù hận vì công cuộc Catholic hóa Việt Nam vẫn không thực hiện được.

Và tôi, một người vô thần, tôi nói: SẼ KHÔNG BAO GIỜ THỰC HIỆN ĐƯỢC!

Tôi rất tôn kính đức Phật Thích ca mâu ni, vì triết lý của người về nhân sinh quan. Phật Thích ca không phải là một người truyền đạt lời răn của một đấng tối cao nào đó, mà chính là người hướng dẫn cho mọi người tu tập để có thể phát huy phật tính trong mỗi con người. Tất cả đều có thể thành Phật (điều này đã có lúc làm cho các tôn giáo khác không công nhận Phật giáo là một tôn giáo, vì tính đa thần và không có giáo chủ). Đức Thích ca không áp đặt lời khuyên của mình lên bất cứ ai, khi ông nói (đại ý): “những lời giảng của ta hôm nay chỉ đúng với hoàn cảnh hiện tại…” và khi có người cầu xin, ông nói “ta có gì đâu mà cho…?”. Nói như vậy là rất biện chứng, phù hợp với “duy vật biện chứng” của chủ nghĩa Marx, cũng rất hợp với quy luật tiến hóa của nhân loại và với thuyết tương đối của Einstein (xin đọc thêm cuốn “Cái vô hạn trong lòng bàn tay” của nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận).

Nhưng, có khá nhiều nhà sư làm tôi không thể ưa nổi. Miệng thì đọc kinh, niệm phật nhưng hành động cứ lồ lộ ra cái bản ngã, như tổ chức cho các phật tử lễ bái, cầu xin. Xin tiền tài, xin tình duyên… nói chung là xin đủ thứ. Đúng ra là các nhà sư phải hướng dẫn cho các phật tử tu tập, thiền định như lời Phật dạy. Như Nguyễn Du nói “Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Khi ngồi thiền định và quán chiếu, đức Phật Thích ca chỉ tu tập dưới gốc cây bồ đề. Tại sao các nhà sư lại phải xây chùa lớn chùa nhỏ mới tu tập được? Tại sao nơi thờ Phật lại có các hòm công đức? Chẳng qua là để có tiền nuôi sư và mở rộng chùa chiền. Như vậy làm sao từ bỏ tham, sân, si cho được!

Muốn phát triển tôn giáo của mình, muốn làm cho mọi người hướng thiện thì hãy quay trở lại thời khởi thủy của các tôn giáo, để các tín đồ đạt đến chân, thiện, mỹ. Nếu cứ phát triển tôn giáo như hiện nay thì chỉ làm bản chất của các tôn giáo thay đổi theo hướng xấu đi mà thôi. Ai là kẻ làm suy yếu đạo của mình? Đó là những kẻ nhân danh tôn giáo để tiêu diệt tôn giáo hoặc có những hành động làm hoen ố tôn giáo của mình. Vậy thì hãy đừng đổ lỗi cho những người vô thần. Người xưa dạy: “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, hoặc hãy nghe lời đức chúa Jesus đã dạy, đấm vào ngực mình mà nói: “lỗi tại tôi! lỗi tại tôi!” (mea culpa! mea culpa!)./.

Những ngày tháng Tư nóng, 2017

Ph.T.Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.