GÓP MỘT LIỀU TRỤ SINH

công nhan mỏ

GÓP MỘT LIỀU TRỤ SINH

HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN

Những ngày tháng Tư nóng bức đã qua rồi, vì vậy những chuyện của tháng Tư nên để cho tháng Tư sang năm. Tháng Năm có ngày Lao động quốc tế vậy thì nói chuyện về những người lao động.

Cũng xin nói trước, tôi viết ra những điều này, chẳng phải để đả kích ai, vì cuộc đời bây giờ đa phần là đẹp lắm, có viết cái gì đó thì cũng như là bôi chút thuốc sát trùng lên một cái mụn nhỏ trên thân hình một cô gái đẹp thôi. Vậy thì xin các bạn đừng làm cho những cái mụn đó nặng thêm nhé.

Tổ chức công đoàn thì ở đâu cũng có, nước nào cũng có, thể chế chính trị nào cũng có. Vấn đề là phương thức hoạt động của tổ chức này thôi.

Đã gọi là tổ chức công đoàn, tức là đại diện quyền lợi cho những người lao động (chân tay và trí óc), chứ nhất quyết không bảo vệ quyền lợi của giới chủ, một khi quyền lợi của chủ và thợ đối kháng với nhau. Ngày xưa, khi chính quyền là của những tầng lớp cai trị, thì phương thức hoạt động của công đoàn chẳng có gì phải bàn. Nhưng ngày nay thì khác rồi. Trong một doanh nghiệp quốc doanh thì tất cả mọi người chỉ có một hướng hoạt động – “làm chủ tập thể”. Tôi còn nhớ, có một ông vụ trưởng của một bộ, đã rất “láo” mà nói rằng: “cán bộ công đoàn chỉ ăn theo nói leo!”. Ông này suýt nữa bị công đoàn cơ quan khai trừ ra khỏi tổ chức. Chẳng biết ông ta nói có đúng không nhưng trong bụng nhiều người thích. Tôi nói ra điều này thực sự có lỗi với hương hồn ông bạn, tha lỗi cho tôi nhé!

Tôi từng làm việc ở một cơ quan hành chính rồi một doanh nghiệp nhà nước. Trong việc hạch toán kinh tế có khoản trích lập ba quỹ, một trong ba quỹ đó là quỹ phúc lợi, công đoàn quản lý quỹ này. Nói chung là vui! Trong đó đã định mức một lần đi đám hiếu bao nhiêu, đám hỷ bao nhiêu, tổ chức cho đoàn viên “tích cực” đi nghỉ mát hết bao nhiêu vân vân, chẳng có gì phải tranh đấu.Ông chủ tịch công đoàn là một thành viên của “bộ tứ”, mức lương phải ngang phó giám đốc doanh nghiệp, có quyền sinh quyền sát. Song hỏi vai trò công đoàn là gì? Là giáo dục, động viên công nhân viên chức hăng say lao động. Ừ thì, động viên, có đó, lâu lâu tổ chức cho anh chị em đi nghỉ mát, lấy quỹ phúc lợi ra làm quà động viên chẳng hạn. Còn giáo dục? Chẳng biết ai giáo dục ai? Không phải tự cao tự đại chứ cái thân tôi chẳng bao giờ phải nhờ đến công đoàn dạy bảo. Cái nhân cách của tôi còn hơn khối anh …, nói vậy cho nó lành! Tất cả những người lao động đến những tổ chức đoàn thể này nọ đều “rào có một cây”, tạo thành một cái nếp, cái nếp đó làm cho tổ chức công đoàn xơ cứng khi hoạt động trong một nền kinh tế thị trường.

Bỏ qua những doanh nghiệp nhà nước, tôi chỉ xin nói về công đoàn trong những doanh nghiệp tư nhân. Cũng xin mở ngoặc ở chỗ này, tôi không dám nói đến tất cả tổ chức công đoàn trong các  doanh nghiệp hiện nay, không dám “vơ đũa cả nắm”, như vậy là phạm thượng, mà chỉ xin nói lên những điều mắt thấy tai nghe thôi. Chẳng là tôi cũng đã từng làm việc trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đã từng là chủ một công ty nhỏ, rất nhỏ, và cũng từng làm việc trong một công ty tư nhân lớn, rất lớn. Do đó, thấy sao nói vậy.

Câu hỏi đặt ra là, người nào đã trả lương cho các cán bộ công đoàn trong một doanh nghiệp tư nhân? Từ chỗ này mới xác định được tính độc lập của một tổ chức công đoàn, và cuối cùng là công đoàn đại diện cho quyền lợi của ai? Đây là vấn đề mấu chốt.

Ông bạn tôi làm chủ tịch công đoàn trong một doanh nghiệp tư nhân. Ông cũng bận lắm. Khi có một nơi nào đó sảy ra chuyện đình công, đòi lợi quyền gì đó, thì chủ tịch công ty phái ông đến, với chỉ một câu “bác đi mà giải quyết”. Đi với tư cách nào? Đương nhiên là với tư cách tổ chức công đoàn, nhưng đại diện cho ai? Chẳng lẽ…lại bảo vệ quyền lợi của chủ? Chẳng lẽ lại đại diện cho quyền lợi của người lao động? Đã có lần ông đề nghị chủ doanh nghiệp tăng lương, nhưng ông chủ cứ cười trừ. Bạn tôi khổ tâm lắm! Nhưng rồi cũng phải chấp nhận. Đó, đến ngay đấu tranh cho mình còn không xong thì còn đấu tranh cho ai? Công việc cũng quanh đi quẩn lại là hiếu, hỷ, mang quà đến thăm người này người nọ. Còn việc đấu tranh đòi quyền lợi cho công nhân viên thì ông bạn tôi quên. Cụ thể là, hàng tháng người lao động trong công ty đã bị trừ lương để nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội, nhưng trong nhiều năm chủ doanh nghiệp “quên” nộp và “quên” luôn cả khoản doanh nghiệp phải nộp, thế là hàng trăm tỷ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không biết đi đâu hết, nhiều người nghỉ việc mấy năm trời vẫn không rút được sổ BHXH ra. Thế là phải nhờ tòa. Tòa mời bên nguyên bên bị đến, bên nguyên đòi, bên bị hứa đến ngày này tháng này chúng tôi sẽ thanh toán hết. Nhưng chú Cuội thì lên cung trăng từ thuở nào rồi, còn công đoàn lại bình chân như vại và hàng tháng vẫn lĩnh lương của ông chủ.

Thế là HUỀ!

Tháng Năm, 2017

Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.