TẢN MẠN CUỐI TUẦN
NẾU NHƯ…
Nếu như Quang Trung Nguyễn Huệ không tạ thế vào đúng cái tuổi đang sung sức, đúng vào một giai đoạn mà ông đã lập nên những chiến công oanh liệt trong công cuộc thống nhất đất nước và chống ngoại xâm. Thì có thể lịch sử dân tộc ta đã khác. Biết đâu sẽ không có 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ; biết đâu vì thế mà không có cuộc kháng chiến 9 năm; và cũng biết đâu vì thế mà không có cuộc chiến tranh 20 năm.
Nếu như vậy thì dân tộc ta hạnh phúc biết nhưởng nào!
Vậy, Quang Trung Nguyễn Huệ đã làm gì? Câu hỏi này hơi bị thừa, câu trả lời đã có sẵn trong đầu những người Việt quan tâm đến lịch sử dân tộc. Trong bài viết này, tôi chỉ nêu lên một ít thu hoạch của bản thân tôi, về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc mình.
- Đó là, Nguyễn Ánh, sau khi xưng vương (1780) đã nhiều lần không chống cự nổi tài cầm quân của Nguyễn Huệ, nên cả bầu đoàn thê tử đã phải chạy sang Thái Lan (Xiêm) tị nạn, cầu cứu vua Xiêm, cứu giúp (1785). Kết quả là quân Xiêm đem quân sang đánh Nguyễn Huệ và đã phải nhận một thất bại nặng nề ở Rạch Gầm, Xoài Mút (1785).
- Đó là, Nguyễn Ánh đã phải cầu cứu nước Pháp thông qua giám mục Bá-Đa-Lộc (tên Pháp, đầy đủ là Pierre Joseph Georged Pigneau de Behaine – thường gọi là Joseph Behaine). Giám mục Bá đã được Nguyễn Ánh ủy nhiệm đưa hoàng tử Cảnh sang Ấn độ (1785) rồi đến năm 1786 thì sang Pháp. Có thể nói theo sau bước chân của các giám mục Tây (nói chung) là những bước chân của quân đội thực dân.
- Đó là, trong quân đội của Nguyễn Ánh có khá nhiều lính Pháp. Nhiều người trong số đó cũng chán ghét Nguyễn Ánh mà rời bỏ về quê hương, duy chỉ có ba người ở lại chiến đấu cùng Nguyễn Ánh, là Chaigneau, Vannier, Olivier de Puymanel. Những người này ở lại cho đến đầu đời Minh Mạng.
- Đó là, Lê Chiêu Thống đã cầu viện quân triều đình nhà Thanh. Quân Thanh đã phong cho Lê Chiêu Thống là An Nam quốc vương (1788). Nhà Thanh đã cử Tôn Sĩ Nghị sang giúp nhà Lê, nhưng đã bị Nguyễn Huệ đánh cho tan tác vào tháng 1 năm 1789 ở ngoại thành Thăng Long và Tôn Sĩ Nghị đã bị bắt.
- Đó là tình trạng lục đục trong anh em Nguyễn Huệ. Sau khi Nguyễn Huệ dẹp được chúa Trịnh, vua Lê và quân nhà Thanh ở miền bắc. Nguyễn Nhạc sợ với uy tín của Nguyễn Huệ nên đã yêu cầu Nguyễn Huệ trở về nam. Nhưng đến ngày 16/9/1792 thì Nguyễn Huệ băng hà. Sự nghiệp thống nhất bờ cõi còn dang dở, tức là cuộc đời binh nghiệp của Nguyễn Huệ chỉ được 15 năm. Thật là tiếc.
- Đó là, ngày 28/11/1787 Bá-Đa-Lộc đã thay mặt nhà Nguyễn ký với Pháp Hiệp ước cầu viện (Hiệp ước Versailles). Đây là một văn kiện chính thức “mời” quân đội thực dân Pháp vào xâm lược Việt Nam. Sau đó triều đình nhà Nguyễn còn ký với Pháp một số Hiệp ước nữa, đó là vào tháng 6 năm 1862, tháng 3/1874 và tháng 6/1884.
- Đó là, trong lúc triều đình nhà Nguyễn còn đang rối ren thì vua Tự Đức băng hà (7/1883). Ở vào thế cùng, nhà Nguyễn lại phải ký với Pháp hòa ước Giáp Thân (6/6/1884), còn gọi là Hòa ước Bảo hộ. Đây là bản hòa ước nhục nhã nhất của nước ta, vì với nó, Việt Nam chính thức mất chủ quyền.
- Đó là, sự mở đầu cho chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương và đưa dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ cho Pháp. Và đó cũng là động cơ thúc đẩy những cuộc nổi dậy chống Pháp như vua Hàm Nghi, các chiến sĩ kiên cường như Đề Thám, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương … và cuối cùng là cuộc cách mạng tháng Tám 1945.
- Đó là, sự thống trị của thực dân Pháp và sự đớn hèn của Nguyễn Ánh là nhân và các cuộc khởi nghĩa – tất cả đều là quả. Có nhân tất có quả!
Nhìn lại một giai đoạn lịch sử dân tộc vừa thấy tự hào lại vừa tiếc nuối. Nếu như, anh hùng Nguyễn Huệ không yểu mệnh thì điều gì sẽ xảy ra cho dân tộc mình? Tôi cứ suy nghĩ mãi, nếu như…
Tháng 5/2017
Ph. T. Kh.