ĐỜI VẪN ĐẸP SAO

Barkeria skinneri Orchid

ĐỜI VẪN ĐẸP SAO!

TRƯỜNG ĐỜI

 Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi,

Khó đi, mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời

(Dân ca Nam bộ)

Cháu yêu dấu,

Vừa rồi cháu hỏi ta: “sống ở trên đời 80 năm tròn, bác đã để lại gì cho đời?” Nếu cháu chỉ muốn biết có vậy thì ta cũng chỉ trả lời có một câu là đủ, đó là “chẳng có gì cháu ạ”. Không sự nghiệp, không tiền của, bình thường như hàng triệu người khác, chỉ có một thứ, đối với ta là quan trọng, đó là tư cách làm người (nhân cách). Song khi ta vĩnh biệt cõi đời này, cái tư cách đó cũng chẳng để lại được vì nó không phải là vật chất, nó sẽ theo ta vào quan tài để đi sang thế giới bên kia.

Nhưng có một lần, ta nói chuyện với các thầy, cô chủ nhiệm khoa của trường Đại học công nghiệp Đồng Nai, một cô giáo đứng lên hỏi ta rằng, “kinh nghiệm những năm làm việc của bác, điều gì làm bác tâm đắc nhất?”. Ta đã không ngần ngại mà trả lời: “trong suốt trên năm mươi năm làm việc, tôi không từ nan bất cứ một công việc gì, đó là điều tôi tâm đắc nhất và nó cũng giúp tôi học được nhiều nhất”. Đó là sự thật.

Ta kể cho cháu nghe.

Sau ba năm học trong trường kỹ thuật (không phải trường đại học), chuyên môn của ta là sửa chữa và chế tạo thiết bị điện. Nhưng có thể nói chưa một lần ta mó tay vào việc sửa chữa chứ chưa nói đến chế tạo, vì khi ra trường họ phân công ta làm các công việc khác. Từ khi còn ở nhà máy rồi đến công ty, đến Bộ, họ giao bất cứ việc gì ta cũng làm, làm một cách hăng say. Từ một anh coi kho, đến anh thợ chui rúc trên trần nhà để mắc điện, đến anh thợ leo cột điện cao thế giữa ngày hè, đến anh chuyên viên tổng hợp tình hình, đến anh thư ký cho các vị bộ, thứ trưởng, đến anh trưởng phòng hợp tác quốc tế, giám đốc một dự án thủy điện nhỏ, và cuối cùng là về hưu trồng lan chơi và dịch sách.

Cháu thấy không, những việc ta làm chẳng có liên quan gì đến chuyên môn ta học. Cháu có thể nghĩ, làm thế thì tốt thế nào được! Có thể cháu nói đúng. Nếu cứ làm việc trong tình trạng “nước chảy bèo trôi” thì đúng là không thể tốt được cháu ạ. Khi ta nhận việc, đó là lúc ta bắt đầu học về những điều có liên quan đến công việc. Ta đã cố hết sức mình, nhưng người đánh giá sự đóng góp ấy lại không phải là ta, nên ta không thể nói kết quả làm việc của ta tốt đến mức nào, cháu ạ. Duy một điều ta có thể nói, cả đời ta là học, học trong sách vở và trong trường đời đó cháu.

Ngoài sách vở thì ta có hai người thầy, hai người cùng tên Ba, một ông kỹ sư từ Pháp về, một ông từ trường Kỹ nghệ Huế ra, để phân biệt ta gọi một ông là ông “Ba Tây” và ông kia là ông “Ba Huế”. Thời gian cùng làm việc với ông Ba Tây trong một nhà máy điện, ông ấy đã giao cho ta tính toán chỉ tiêu kinh tề kỹ thuật của một nhà máy nhiệt điện, đại loại như suất tiêu hao nhiên liệu, tiêu hao hơi, tiêu hao nước, điện chẳng hạn, và giao ta mỗi ngày phải dịch một trang sách kỹ thuật từ tiếng Nga ra tiếng Việt, mặc dù ta chẳng có kiến thức gì về hai lĩnh vực đó. Nhưng ông Ba Tây đã chỉ cho ta cách làm và cần tìm những sách nào để đọc. Và gần bảy năm ta làm việc với ông ấy, chưa bao giờ ta làm cho ông ấy phải thất vọng. Ông Ba Huế đã dạy ta làm thế nào để chủ động trong công việc của một người thư ký, khi nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ cơ sở, ta phải biết, việc đó sẽ phải xử lý như thế nào, ai là người chịu trách nhiệm và phải xử lý trong bao lâu, chứ người thư ký quyết không phải là một khâu trung gian, chỉ làm nhiệm vụ “kính chuyển”. Và một điều quan trọng khác nữa là ông Ba Huế là tấm gương thanh liêm mà ta có thể noi theo. Vì vậy hai ta là một cặp bài trùng, dù vào nam hay ra bắc cũng chỉ có ông ấy với ta.

Cứ nhận việc rồi vừa làm vừa học. Điều đó có thể mang nhiều yếu tố may rủi. Song may hay rủi chính ta là người quyết định cháu ạ. Trước khi được điều động vào miền nam làm việc, ta thấy cần phải học tiếng Anh trước đã (vì ở đó phần lớn tài liệu là tiếng Anh), học vào ban đêm và tự học. Thế là khi công ty giao cho ta nhiệm vụ hợp tác quốc tế, ta đã có thể đọc được các tài liệu kỹ thuật, rồi may mắn ta được cử đi học ở nước ngoài về nội dung các loại hợp đồng kinh tế quốc tế (FIDIC) và cách thương thảo hợp đồng. Vậy điều quyết định trong vấn đề này chính là ta đã chuẩn bị trước một vốn ngoại ngữ đủ dùng, nếu không thì thay thế ta sẽ là người khác. Cái kết quả của việc học ngoại ngữ không chỉ giúp ta trong công việc mà đã chắp cánh cho ta đi chu du hơn 30 nước trên thế giới.

Thế đó cháu. Bao nhiêu năm tháng ta làm việc trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, là bấy nhiêu năm ta hài lòng với các công việc đó, vì ta chỉ có một yêu cầu là làm việc. Chưa hề xin xỏ hoặc đòi hỏi một điều gì từ cấp trên hay người phụ trách (như đề bạt, nâng lương, chuyển nơi làm hay thay đổi công việc) nên cũng chẳng có gì làm ta thất vọng.

Nhân đây ta cũng muốn nói lên cảm nghĩ của mình về những sinh viên đang thất nghiệp, ta thật sự không hài lòng về họ. Họ trách cơ quan tuyển dụng, họ trách xã hội. Nhưng sao không tự hỏi: “vì sao các công ty đó lại không nhận mình vào làm việc?”. Điều chắc chắn là bản thân những sinh viên ấy đã không đáp ứng được những tiêu chuẩn nào đó của nhà tuyển dụng. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” cháu ạ./.

Tháng 5/2017

Ph.T. Kh.

 

 

Add a Comment

Your email address will not be published.