TẢN MẠN CUỐI TUẦN, YÊU NHAU NHƯ THẾ BẰNG MƯỜI HẠI NHAU

Ba-da-loc

TẢN MẠN CUỐI TUẦN

“YÊU NHAU NHƯ THẾ BẰNG MƯỜI HẠI NHAU!”

Mấy sử gia thực dân bằng mọi giọng điệu đề cao Giám mục Bá Đa Lộc, từ một nhà tu hành qua ngòi bút của họ ông ta trở thành một tên thực dân, tham gia trực tiếp vào các trận đánh nhau với Tây Sơn, có lúc còn trở thành “tổng chỉ huy” như vụ đánh thành Diên Khánh (Khánh Hòa).

Thế là hại ông Bá Đa Lộc rồi. Nói nào ngay, đức cha này tuy là đi truyền giáo, nhưng vẫn có cái máu thực dân, vì vậy thường tìm mọi cách cùng với Hội thừa sai (Mission) cổ súy và vận động để triều đình Pháp (Vua Louis XVI) đem quân sang đánh chiếm Việt Nam. Nhưng trong số những sĩ quan thực dân cũng có những người không muốn xuất quân đánh chiếm Việt Nam, đó là bá tước De Conway, được vua Louis XVI cho toàn quyền quyết định – đánh hoặc không. De Conway đã không động binh, nhưng Bá Đa Lộc tìm mọi cách thúc đẩy việc xâm lược Việt Nam. Trong một thư Bá Đa Lộc gởi cho De Conway đề ngày 18/3/1789, có đoạn: “Thưa ông Bá tước, tôi đã hoàn thành trách nhiệm của tôi đối với triều đình Pháp và vua Nam Hà, tôi van xin ông, vì danh dự và lợi ích của vua, nhất là không thể để nước ta phải mang cái nhục thất hứa với một ông hoàng ngoại quốc đã hoàn toàn đặt lòng tin vào lời vua cam kết, tôi xin ông đừng từ chối những điều mà tôi, nhân danh ông hoàng vừa đòi hỏi… Nếu ông chấp nhận gởi đội binh nhỏ này, thì những xích mích giữa chúng ta sẽ rơi vào quên lãng…” Đội binh nhỏ mà Bá Đa Lộc đề cập ở trên bao gồm một trung hạm (frégate), một tiểu hạm (corvette) và khoảng 300 quân, 50 pháo binh, 50 lính da đen và 6 khẩu đại bác dã chiến với đạn dược là đủ!

Khi vua Louis XVI bị lật đổ bởi những người cộng hòa (ngày 14/7/1789), Hiệp ước Vesailles bị xóa bỏ.  Bá Đa Lộc cùng với những tên thực dân gởi thơ tố cáo vua Louis XVI là hèn nhát và đề nghị người kế vị tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Vào thời gian đó, cuộc cách mạng Pháp mới nổ ra, nội tình nước Pháp chưa ổn định, vì vậy cuộc xâm lược Việt Nam chưa xảy ra thì ngày 9/10/1799 Bá Đa Lộc đã chết ở Quy Nhơn, sau ba tháng bị bệnh dịch tả.

Thật đúng là các sử gia thực dân đã đề cao Bá Đa Lộc quá mức. Tuy ông ta có tham vọng chiếm xứ Nam Hà (miền nam VN) làm thuộc địa, nhưng nhiệm vụ chính của ông ấy là truyền giáo, phát triển đạo Gia tô ở xứ Nam Hà, theo lệnh của Giáo hoàng ở Vatican. Song vì bị đề cao quá, nên những người đương thời và những người am hiểu lịch sử Việt Nam, thì cho ông cũng chỉ là một tên thực dân. Thật đúng là “yêu nhau như thế bằng mưới hại nhau”!

Khi tình hình nước Pháp đã ổn định, các nhà thực dân Pháp lại tính đế việc xâm lược Việt Nam. Năm 1863, Bộ trưởng bộ Hải quân và thuộc địc của Pháp đã tâu lên vua Pháp, rằng Việt Nam là “một xứ cực kỳ giầu có về tài nguyên như vậy, ta không thể không chiếm cho được”. Các đời vua triều Nguyễn về sau, cũng có những ông vua đứng lên chống Pháp xâm lược song đều thất bại, và nước ta từ đó trở thành một thuộc địa của Pháp./.

Tháng Sáu, 2017

Ph. T. Kh.

(Sách tham khảo: “Vua Gia Long và những người Pháp” của Thụy Khuê)

 

Add a Comment

Your email address will not be published.