TẢN MẠN CUỐI TUẦN,TIN VÀ BIẾT

Ba Me

TẢN MẠN CUỐI TUẦN,

TIN VÀ BIẾT

Đã qua rồi cái thời kỳ chỉ có TIN mà không cần BIẾT. Bạn sẽ hỏi tôi – thời kỳ nào thế? Thưa, đó là thời kỳ mà dân Việt Nam chúng ta, có đến tám mươi phần trăm không biết chữ, chín mươi phần trăm là những người nông dân thất học và đói khát. Khi đó đảng Cộng sản nói rằng, muốn hết khổ, hết bị làm nô lệ, hết bị bóc lột thì hãy đứng lên làm cách mạng. Vì tin, một cách không đắn đo, mọi người dân ta đứng cả dậy, làm nên cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945.

Cũng vì tin, mà lớp lớp thanh niên lên đường ra tiền tuyến để đánh giặc, vì tin mà bao bà mẹ, bao người vợ đã động viên chồng con mình ra trận để có ngày ca khúc khải hoàn và làm cho giang sơn liền một dải.

Cũng vì tin, mà dù có nhiều chính sách do nhà nước đề ra, không phải cái nào cũng đúng hết cũng tốt hết nhưng mọi người vẫn bỏ qua những gai góc, những khía, những cạnh, tất cả đều cho nó là tròn trịa.

Ngày nay, dân trí đã được nâng cao, người nông dân xưa, nay đã có kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật, làm sao cho năng suất cây trồng được tăng cao; người công nhân xưa, nay đã là những cổ đông của doanh nghiệp, tức là họ đã là những ông chủ doanh nghiệp, họ đã quan tâm đến việc làm sao cho năng suất cao hơn, lợi nhuận nhiều hơn, đặc biệt là họ đã có quyền bầu những người xứng đáng vào Hội đồng quản trị, thay mặt họ để điều hành công ty, họ bầu lên và họ cũng có quyền bãi miễn.

Người dân thường ngày nay đã biết thế nào là bảo vệ môi trường, thế nào là luật lệ và mình phải làm gì để không vi phạm luật pháp.

Đức Phật Thích ca Mâu ni đã thường xuyên cảnh báo các đệ tử của mình về sự nguy hiểm của một niềm tin mù quáng và giáo điều. Ngài nói: “Hãy kiểm tra sự đúng đắn của những lời giảng giải của ta như các ngươi kiểm tra sự thuần khiết của một thỏi vàng, bằng cách đập nó vào đá, lấy búa rèn nó hoặc nung chảy nó. Đừng chấp nhận điều ta nói chỉ đơn giản vì lòng kính trọng đối với ta”. Như vậy vấn đề không phải là các đồ đệ chỉ TIN mà còn phải là BIẾT.

Ngày nay muốn làm cho dân tin thì cần phải làm cho dân biết. Rất mừng là từ năm trước, những nhà lãnh đạo đất nước đã đưa ra khẩu hiệu “DÂN BIẾT, DÂN BÀN, DÂN KIỂM TRA”. Khẩu hiệu vẫn chỉ là khẩu hiệu, chỉ khi nào nó đi vào cuộc sống, được kiểm nghiệm bằng thực tiễn thì khẩu hiệu đó mới có sức sống. (Viết đến đây tôi lại nhớ có lần, tôi đã viết vui rằng, nếu như nước ta mà xuất khẩu được khẩu hiệu thì thu về khối ngoại tệ đấy nhỉ?).

Như gần đây, từ các diễn đàn quốc hội đến chính phủ đều đưa ra yêu cầu phải minh bạch – minh bạch trong chính sách, minh bạch trong điều hành, minh bạch trong xử lý các vấn đề nảy sinh trong xã hội, minh bạch tuyển dụng và đề bạt, minh bạch trong thu và chi… Minh bạch tức là làm cho dân biết, dân có biết thì dân mới tin, còn cứ mù mờ thì dân tin sao đặng?

Trong Đại hội đảng CS lần thứ XII, Tổng bí thư đã đặt ra yêu cầu phải lấy lại niềm tin nơi nhân dân. Tháng 10 năm 2015 tôi viết bài “CỦNG CỐ VÀ LẤY LẠI”, trong đó tôi có nói rằng, cái gì ta đã có thì mới củng cố, còn gì ta đã mất thì phải lấy lại bằng cách nào đó. Rõ ràng là, cùng một hành động thì “củng cố” là dễ dàng hơn nhiều so với “lấy lại”. Muốn lấy lại niềm tin trong nhân dân thì ngoài sự minh bạch đã nói ở trên, một công việc có tính sống còn là thanh lọc “đội ngũ công bộc của dân”. Đội ngũ này đang bị lạm phát, phải vậy không? Vậy thì bất cứ kẻ nào làm cản trở việc thực thi chính sách, pháp luật cứ cho ngồi chơi xơi nước, sau đó sẽ xem xét có nên cho tồn tại hay không tồn tại (to be or not to be – Shakespear). Chúng ta phải đảo ngược quy trình một chút, quy trình hiện nay là khi có “hiện tượng” thì kiểm điểm rồi mới xử lý, hãy đảo ngược lại – ngưng chức rồi mới kiểm điểm, có vậy thì những kẻ “vô tích sự” mới sợ.

Nếu đảng và nhà nước muốn làm cho dân TIN thì hãy tạo điều kiện tốt nhất cho dân BIẾT, khi đã biết rồi thì lại càng TIN hơn. Muốn TIN thì cần phải BIẾT, BIẾT rồi thì TIN, các thành tố của mệnh đề này luôn phải đi liền với nhau.

Đương nhiên chế độ ta hiện nay về cơ bản là tốt. Đảng Cộng sản đã tuyên bố – Đảng không có lợi ích gì khác ngoài lợi ích của dân tộc. Trước đây, khẩu hiệu của Đảng là “Tất cả cho tiền tuyến”, sau đó là “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội” . Nay chúng ta đặt lợi ích dân tộc lên tối thượng, “Lợi ích dân tộc là trên hết”, vì thế mới mong muốn “làm bạn với tất cả”, miễn sao làm cho đất nước hùng mạnh, dân tộc trường tồn. Ai cũng hiểu rằng, đây là một quá trình lâu dài, không phải ngày một ngày hai mà đạt được. Và trong quá trình đi lên ấy không thiếu gì những yếu kém, những sai sót, thậm chí là sai lầm. Đến như vàng cũng không thể có vàng tinh khiết, ngay cả vàng 99,99% (bốn số 9) đã được coi là nguyên chất, chí ít thì cũng còn 0,01% không phải là vàng; vàng 18 K cũng được gọi là vàng nhưng chỉ có 75% là vàng; vàng 14 K có 58,5% là vàng. Ấy nhưng, có nhiều kẻ cứ không chịu nhìn vào cái tỷ lệ lớn trong thành phần một miếng vàng mà chỉ nhìn vào cái phần hợp kim khác rẻ tiền hơn đề kêu ầm lên rằng, xã hội ngày nay toàn những chuyện xấu, người xấu. Từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài đều xấu hết, chỉ có mỗi anh ta hoặc chị ta là người tốt. Song nếu có ai đó hỏi ngược lại – anh hay chị đã làm được gì to tát để cho xã hội này tốt lên? Thì ngọng!

Về phía nhà nước, xin hãy cùng với nhân dân loại bỏ dần những tạp chất trong một thỏi vàng, nếu chưa được là vàng bốn số 9 thì bước đầu hãy là vàng 18 K bằng cách, “đập nó vào đá, cho vào lửa mà nung chảy để loại bỏ tạp chất” như đức Phật Thích ca đã nói./.

Tháng Sáu, 2017

Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.