Nhọc nhằn nghề bán lan rừng

1

Ngày nào cũng vậy, vào thời gian buổi sáng, buổi chiều về, phố núi Sa Pa (Lào Cai) trở nên đông vui, tấp nập hơn bởi những hàng bán hoa phong lan bên lề đường.

Đó là sản phẩm của người Mông, người Dao ở các bản làng Sa Pa, họ lặn lội lên núi cao hái về những cụm lan rừng còn rêu phong hoặc những giò lan được họ chăm bẵm trong tiết trời giá lạnh. Nghề bán lan rừng của những người dân bản địa nơi đây, dù thường được gọi đùa là hái lộc rừng, nhưng không khỏi thấm đẫm những nhọc nhằn và có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Quà của đại ngàn

Hoa lan có ở nhiều nơi nhưng lan Sa Pa lại là thứ hàng đặc biệt. Theo các quy định về bảo vệ rừng, hoa lan rừng cấm bị khai thác, buôn bán. Tuy nhiên, mặc dù hết sức cố gắng nhưng lực lượng kiểm lâm không ngăn chặn được triệt để. Bởi lẽ, những loài lan nơi đây được đồng bào dân tộc trên núi cao lặn lội vào tận trong rừng sâu tìm và lấy về. Số ít trong đó được nhân giống, nuôi và chăm chút thành những giò lan vừa tự nhiên, vừa đẹp mắt. Lan rừng nơi đây ưa tiết trời mát lạnh, trổ hoa đều đặn và sắc màu rực rỡ.

Để có những cụm lan mang xuống phố núi, người Mông, người Dao, người Giáy ở Sa Pa phải độc bộ lên núi hàng tuần trời, leo lên những cây cao để tìm và hái xuống những cụm lan lâu năm. Công việc ấy không hề đơn giản bởi lẽ, những loài lan rừng thường mọc tận rừng sâu, trên cây cao, bên ven suối hiểm trở. Vì thế, những ngày đi “săn” lan rừng quả là công việc vừa mệt nhọc, vừa nguy hiểm. Vì vậy phần lớn lan bán ở Sa Pa là loại đã được nhân giống.

Anh Vàng A Chình ở tận xã Nậm Cang chia sẻ: “Kiếm lan rừng khó và hiếm lắm, có đến vài ngày đi rừng mới được một cụm. Giờ nhiều người đi tìm lan nên lan rừng ngày càng ít đi”.

Muốn những cụm lan rừng còn mang vẻ nguyên sơ tự nhiên, khi mang về, người ta vừa phải chăm chút cho lan không bị chết, bị héo úa, vừa giữ lại nguyên vẹn sự xù xì, rêu phong của những cụm lan đã có thâm niên hàng chục năm. Có như vậy, khi mang xuống phố, lan rừng mới hút khách và bán được giá cao.

Đến phố núi Sa Pa dù ở thời điểm nào, không khó để bắt gặp những người đàn ông và những sơn nữ Mông mang theo những cụm phong lan rừng xanh tốt và đủ các dáng vẻ bán cho du khách. Chính “món hàng” đặc biệt này từ trên núi cao đã mang đến cho phố núi Sa Pa một sắc màu đặc trưng mà ít nơi nào sánh được. Người bán lan rừng ngồi ở vỉa hè, đi bộ xách lan trên tay, cửa khách sạn, hay ở chợ Sa Pa. Họ ngồi bên lề đường thành từng nhóm, từng hàng và bày bán lan rừng từ sáng đến tận đêm.

Thấm đẫm nhọc nhằn

Mỗi ngày xuống núi bán lan rừng là một chuyến đi chợ thấm đẫm nhọc nhằn đối với người vùng cao ở Sa Pa. Có khi đi bộ từ trên bản xuống tới gần 20 cây số gập ghềnh. Lưng đeo gùi lan, tay xách những giò lan lớn, nhỏ, phải khéo léo không để ngọn lan bị gãy, hoa bị rụng. Nếu sơ sẩy, khách sẽ chê và cụm lan đó phải mang về chăm sóc lại.

Chị Sùng Thị Pản ở xã Bản Hồ, hai tay xách hai giò lan đi dọc phố chia sẻ: “Nhà mình nhân giống và bán lan rừng nhiều năm rồi. Vất vả lắm, từ sáng đến tối có khi mới bán được, lãi chẳng được mấy, đi bộ nhiều mỏi chân lắm. Biết khách thích lan nên vẫn bám nghề thôi”.

Thông thường, du khách ở Sa Pa trước khi mua họ thường dạo quanh phố để vãn cảnh, ngắm nghía, nâng lên đặt xuống chứ không mua ngay. Vì thế, để bán được một khóm lan phải mất khá nhiều thời gian, thậm chí là cả một ngày trời mới bán được. Nếu gặp khách sành chơi lan, họ chê ỏng chê eo, thậm chí trả giá rất rẻ, mỗi giò lan bán đi, tính cả công hái, trồng, chăm sóc thu lãi chẳng được là bao.

Là người vùng cao, tiếng Việt vốn không sõi, nghệ thuật thuyết minh cho lan rừng còn hạn chế nên người bán lan ở Sa Pa khó lòng giới thiệu cũng như nói về nguồn gốc, giống loài, đặc điểm sinh trưởng, cách chăm sóc lan rừng cho du khách. Vì thế, nhiều du khách cho rằng, lan rừng Sa Pa vốn sống ở xứ lạnh, khi ra khỏi Sa Pa sẽ khó phát triển và nở hoa đúng mùa vụ được. Chính vì điều này sẽ hạn chế phần nào việc bán lan rừng của người bản địa nơi đây.

Ngồi bên lề đường từ sáng sớm đến tận đêm khuya, người bán lan mong muốn bán được những cụm lan mà mình lặn lội đi kiếm trên rừng sâu. Họ treo lan lên gốc cây, lên tường nhà, bày lan thành từng dãy trước mặt để du khách dễ xem. Những ngày Sa Pa mưa rét, những người bán lan ngồi co ro bên lề đường, dù rét nhưng vẫn kiên trì bám phố núi để bán cho kỳ hết mới về. Hôm nào bán không hết, họ đành ngủ tạm đâu đó trong phố để sáng hôm sau bán tiếp.

Việc bán lan rừng không hề nhanh và dễ như bán mớ rau, con cá nên đồng bào nơi đây cũng phải linh hoạt về giá cả và kiểu bán. Ban đầu, họ đưa ra một mức giá cho từng giò, từng loại lan sau đó để khách xem và trả giá, nếu thấy hợp lí thì bán, nếu cứ giữ giá mà mang đi mang lại không bán được sẽ dẫn đến tình trạng không thu được gốc bởi công chăm sóc và ngày công đi bán.

Có loại nhỏ hơn thì nếu khách có nhu cầu mua theo cân thì cũng bán, với giá phải chăng vì như thế, sẽ bán được nhiều, cả khách và người bán đều vừa lòng. “Khách trả giá mãi cũng bán thôi vì sợ để lâu không bán được phải mất công mang về”, một người đàn ông bán lan chia sẻ.

Sắc màu của những nhánh lan rừng hòa vào vẻ đẹp thơ mộng của Sa Pa huyền thoại, tô điểm vẻ đẹp cho phố núi nhưng phía sau vẻ đẹp ấy là nỗi nhọc nhằn của những người mưu sinh từ nghề bán loài hoa này.

Nguồn: GD & TĐ

Add a Comment

Your email address will not be published.