GÓP MỘT LIỀU TRỤ SINH

37

GÓP MỘT LIỀU TRỤ SINH

NHÂN VÔ TRI TÚC

Người xưa nói, “nhân vô tri túc”, tức là con người ta không biết thế nào là đủ. Trong bài này tôi không nói về vật chất đủ đầy, mà tôi muốn nói về sự hiểu biết.

Một buổi sáng tháng Năm vừa qua, tôi nhận được một bài học. Bài học về đánh giá một con người.

Chẳng là, sáng nào tôi cũng thả bộ trên con đường trong khu dân cư này. Ngày nào như ngày nào, tôi thấy có ba, bốn người ngồi uống cà-phê “cóc”. Một đôi lần họ mời tôi vào uống cà-phê, song tôi từ chối, vì theo thông lệ, cả nhà tôi ngồi uống với nhau tách cà-phê, tách trà rồi ai vào việc nấy.

Lần này thì tôi ghé vào mà không đợi đến lời mời thứ hai.

Ngồi cùng với tôi là hai con người trong có vẻ lam lũ nhưng từng trải. Một bác già, năm nay đã 84 tuổi, nói giọng miền bắc trung bộ nhưng pha ngôn ngữ nam bộ. Hỏi thăm mới biết bác ấy là “phu đồn điền cao su” thời Pháp thuộc. Cuộc sống những năm tháng cơ cực khi làm phu cao su cho Pháp đã giúp bác ấy tích lũy kinh nghiệm sống một cách phong phú. Bác ấy bảo:

“Từ thuở xa xưa, cái bản tính của người Hoa là trọng chữ tín. Mình cũng làm cho họ thấy người Việt mình cũng rất trọng chữ tín. Đó là khi mình đến giúp họ mà không đòi thù lao, mặc dù mới hôm trước mình hỏi mua hàng thiếu (tiền), họ quyết không bán vì mình với họ không cùng một dòng máu”.

Vậy là chỉ một hành động nhỏ ấy, bác đã làm cho người ngoại quốc hiểu về tính cách của người Việt.

“Cuộc sống trong thời gian bác làm phu đồn điền cao-su như thế nào?” Tôi hỏi.

“Cái chuyện phu đồn điền cao-su chết rồi người chủ Pháp chôn dưới gốc cao-su là có thật, đó là coi như làm phân bón gốc cao-su. Ngày xưa vùng Đồng Nai là rừng thiêng nước độc, rắn rết, cọp beo nhiều lắm. Người phu đồn điền cao-su chủ yếu là mắc bệnh sốt rét, mà ngày xưa thường gọi chung là “ngã nước”, nước da của người phu đồn điền phần nhiều là vàng bủng, phần vì bệnh tật, phần vì thiếu nắng. Người Hoa họ khôn lắm, chỉ cần thấy quân Pháp ở đâu là họ lập quán ở đó, buôn bán những gì mà quân Pháp cần, họ đâu cần phân biệt quân xâm lược với kẻ bị xâm lược. Điều đó cũng dễ hiểu vì họ đâu phải là người Việt”.

Còn anh bạn người vùng Rạch giá, Hà Tiên thì còn khá trẻ. Năm nay chừng ngoài ngũ tuần, như vậy là anh ta chỉ được sinh trước ngày thống nhất đất nước một ít năm thôi, lại là một người lao động, làm vườn và kiêm thêm việc trông ngôi nhà vắng chủ tại khu dân cư tôi đang ở để có thêm thu nhập. Đó, nhìn cái vẻ bề ngoài lam lũ ấy, đâu ai biết rằng anh ta cũng hiểu rõ về lịch sử phát triển của nơi mình sinh ra. Anh kể chuyện:

“Vùng đất Rạch giá, Hà Tiên thời nhà Nguyễn do một ông người Hoa tên là Mạc Cửu cai quản. Sau khi Mạc Cửu chết, con trai là Mạc Thiến Tứ đã giúp Nguyễn Ánh trốn chạy sáng Thái Lan, tránh anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ. Sau Mạc Thiên Tử bị vua Xiêm nghi ngờ và hỏi tội. Con trai Mạc Thiên Tứ là Mạc Tứ Duyên bị đánh chết, Mạc Thiên Tứ tự vẫn mà chết. Nói chung, gia đình Mạc Cửu đã phò tá Nguyễn Ánh để lập nên triều đình nhà Nguyễn”.

Nghe anh ta kể truyện quê hương mà tự thấy mình hiểu biết còn ít quá. Thế mới biết tri thức của nhân loại là vô biên, chẳng một nhà bác học nào có thể biết hết mọi thứ trong vũ trụ, cũng chẳng thể hiểu hết sự việc trên đời. Nếu chỉ nhìn vào bề ngoài một người lao động lam lũ, buổi sáng chỉ dám uống một ly cà-phê rẻ tiền mà cho rằng người đó chẳng có kiến thức gì, chẳng có gì đáng để ta học thì đó là một sai lầm, một sự kiêu ngạo đáng thương.

Sau khi nghe chuyện, tôi vội về tìm đọc lại sử triều Nguyễn thì quả thực có như thế, và tự thấy xấu hổ về sự nhận xét của mình đối với một con người khi nhìn vẻ bề ngoài của anh ta. Nhân vô tri túc – con người ta không biết thế nào là đủ, dù cái đủ ở đây là vật chất hay tri thức./.

Tháng Bảy 2017

Ph. T. Kh.

 

 

 

Add a Comment

Your email address will not be published.