BIẾT THÌ THƯA THỚT!
Mới đăng bài “Vậy thì phải làm thế nào?” nhưng vẫn chưa hết bức xúc với các ông bà “chuyên gia sờ voi”, nên phải lấy tài liệu ra để cung cấp cho các vị đó mấy chiêu, để có đi ăn, đi nói ở đâu cũng có một chút dẫn chứng để gọi là có hiểu biết.
Về nhu cầu năng lượng:
Ai cũng biết rằng, kinh tế càng phát triển thì nhu cầu năng lượng càng tăng. Các loại năng lượng hóa thạch, chiếm 90% nhu cầu trên toàn thế giới, trong đó than đóng góp 30% cơ cấu năng lượng toàn cầu. Năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo (renewable energy – R.E.) chỉ chiếm 7% tổng cơ cấu năng lượng.
Dưới đây là bảng các nguồn nhiên liệu dùng để sản xuất điện (số liệu năm 2013)
Than: 64,7%
Thủy điện: 20,1 %
Hạt nhân: 6,8%
Gió: 5,1%
Mặt trời: 1,7 %
Sinh khối (như biogas): 1,4%
Địa nhiệt (lấy nhiệt từ lòng đất): 0,2%
Nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á:
Năm 2011 tổng năng lượng đã dùng tại các nước Đông nam Á là 549 Mtoe (Triệu tấn dầu tương đương – Million Tons Oil Equivalent), tức là mọi nguồn năng lượng được quy ra số tấn dầu mỏ. Nhưng đến năm 2035, thì con số này sẽ là 1.044 Mtoe.
Riêng việc dùng than đá để phát điện hiện nay mức tăng hàng năm là 4,8%, đến năm 2035, sẽ là 28%. Trong thời kỳ 2011-2020, 80 GW công suất điện (1 GW = 1.000.000.000 KW) dùng than làm nhiên liệu, đến năm 2030, số công suất điện dùng than để sản xuất sẽ gấp đôi, tức là 160 GW. Như vậy là việc dùng than để phát điện ngày càng tăng chứ không giảm.
Vấn đề ô nhiễm môi trường:
Không có nguồn điện nào mà không có tác động xấu đến môi trường, vấn đề chỉ là nhiều hay ít mà thôi. Tạm bỏ qua những nguồn điện khác, ở đây xin nói về nhà máy nhiệt điện than. Nguồn ô nhiễm trong các nhà máy nhiệt điện than là lò hơi. Lò hơi có chức năng sinh hơi cao áp để đưa qua làm quay máy turbine phát điện. Thời xa xưa, người ta dùng lò ghi xích (tưởng tượng như xích của chiếc xe ủi đất), chiều rộng chiếc xích bằng cả chiều ngang lò hơi. Hiệu suất loại lò này thấp, gây ô nhiễm cao nên vào thập niên 60 nước ta đã loại bỏ như các nhà máy điện Ninh Bình, Việt Trì, Thái nguyên, Yên Phụ… Sau thời kỳ này, ngành điện phát triển loại lò phun than, tức là than được nghiền thành bụi và phun vào lò để đốt cháy như nhà máy điện Uông Bí, Phả Lại… Loại lò này hiệu suất cao hơn lò ghi xích, nhưng chưa phải tối ưu. Giai đoạn sau này (từ ngày “đổi mới”), các nhà đầu tư đã phát triển loại lò “tầng sôi” (Circulating Fluidized Boiler – CFB). Khái niệm “tầng sôi” có thể hiểu một cách khái quát là một vùng không gian được tạo bởi các hạt ở thể rắn (nguyên liệu đốt) như cát, tro, than, đá vôi… Chúng sẽ được nâng lên ở trạng thái lơ lửng trong buồng đốt do áp lực của dòng không khí. Theo đó, lớp nguyên liệu trong buồng đốt sẽ ở trạng thái giãn nở, sự tiếp xúc giữa không khí và nhiên liệu cũng được tăng lên rất nhiều. Các hạt chuyển động tự do và sôi giống như chất lỏng ở trạng thái này và được gọi là tầng sôi hay lớp sôi.
Nhiều thông tin nói rằng, nước này nước kia người ta đang loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than, nhưng không ai nói rõ là người ta bỏ đi loại nào. Ngay như nước ta cũng đang loại bỏ các nhà máy điện có công nghệ cũ, chỉ phát triển loại có công nghệ cao (hiện đại nhất hiện nay). Và nhà máy điện nào dù dùng than, dầu hay khi thiên nhiên thì quan trọng đối với việc giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường là bộ khử bụi và khử khí độc hại trước khi thải ra môi trường. Mong mọi người hãy tìm hiểu kỹ rồi hãy nói để không bị chê là không biết gì đồng thời không làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong nhân dân.
Nhiều bạn nói, đất nước ta có đến 365 ngày nắng, sao không phát triển điện mặt trời? Đây là một câu trả lời mà tôi mới được đọc trên mạng internet, rằng:
Tại tỉnh Long An, liên doanh BCG (?), có kế hoạch đầu tư một dự án điện mặt trời, chia thành hai giai đoạn, giai đoạn đầu 100 MW và giai đoạn tiếp theo là 40 MW. Diện tích cần cho dự án là 176 ha, trên đất nông nghiệp của huyện Thạnh Hóa, Long An. Phải xử dụng 100 ha đất mới có 140 MW, tức là mỗi ha chỉ lắp đặt được 1,4 MW. Nếu ta lấy cụm nhiệt điện Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tầu), tổng công suất lắp đặt của nhà mày này là 2.485 MW, cũng cần một diện tích đất là 100 ha, như vậy mỗi ha lắp đặt được 24,85 MW. Điều đó cũng chưa đáng nói, vì có thể là một dự án còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, song nó có một nguồn ô nhiễm lớn, có tác động đến môi trường, đó là các bình ắc-quy tích điện. Hệ thống ắc-quy của một nhà máy điện mặt trời là rất lớn, theo chu kỳ chúng sẽ bị thải loại và thay thế bằng một hệ thống mới. Và thành phần mỗi bình ắc-quy là gì thì mọi người đều biết. Xin miễn bàn.
Bài viết này chỉ xin mạn phép gởi cho vị chuyên gia đã kêu gọi loại bỏ các nhà máy điện than, để tham khảo. Cũng tại đây tôi xin tỏ lòng biết ơn chuyên gia vì đã có lòng lo cho dân, cho nước, phải mỗi tội…thiếu hiểu biết!
Tháng Bảy 2017
Ph. T. Kh.
(Tin và bào tham khảo trên internet)