Tháng Bảy lại đến. Những tưởng rằng lề thói cũ đã không còn, thế mà nó vẫn cứ diễn ra. Ấy là nói về hiện tượng nơi nơi làm các buổi lễ sơ kết 6 tháng hoạt động, vẫn một cách hoành tráng và vô bổ. Trên truyền hình mấy hôm rầy thấy nhà nhà sơ kết, ngành ngành sơ kết. Sao mà cái tính bảo thủ nó bám vào cơ chế dai dẳng thế?
Chuyện của tôi.
Cách đây khoảng 30 năm, tôi cũng là một anh phải viết và khi đã viết thì phải lách. Tôi công tác ở một Bộ đa ngành, lại nằm ở bộ phận tổng hợp (tình hình), vì vậy mỗi dịp sơ kết, tổng kết là cứ chạy quắn đít lên để đi lấy số liệu, lấy tình hình để đưa vào cái báo cáo sơ kết, tổng kết đó.
Đã viết thì phải lách. Nhớ có một lần, khi đó tôi đã chuyển về một doanh nghiệp nhà nước, khi phát hiện ra một cô thủ quỹ ở một chi nhánh nọ thụt két mất mấy chục triệu đồng (thời đó giá vàng có 5 triệu đồng một lượng), vậy là tôi đưa vào báo cáo, rất cụ thể nhé! Nhưng khi thông qua ông giám đốc, ông bảo: “viết thế này không được, trên Bộ mà thấy, sẽ cho là mình quản lý lỏng lẻo!”. Thực tế là như vậy, biết làm sao bây giờ, không thể không nêu sự việc này? Cuối cùng tôi sửa thành: “nhờ công ty quản lý chặt chẽ nên đã phát hiện ra một vụ thụt két”, từ một việc tiêu cực biến thành tích cực! Đó gọi là “lách”. Thế là cái báo cáo được thông qua. Hay nhỉ? Tôi tự khen tôi rằng sao mình giỏi thế! Vậy là cái bản thảo báo cáo của tôi khi ra đến hội nghị, không ai có ý kiến gì, giám đốc đọc xong báo cáo, mọi người vỗ tay rần rần, kể cả vị đại diện của Bộ tới dự.
Chuyện nhà nước.
Đủ lệ bộ, thì một năm phải có 4 cuộc họp mặt để sơ kết và tổng kết – hai cuộc sơ kết quý, một cuộc sơ kết 6 tháng cộng quý II, và một cuộc tổng kết năm. “Tháng ngày thấm thoắt tựa thoi đưa”, chưa xong quý này đã thấy quý khác thập thò ngoài cửa, lũ cán bộ tổng hợp bọn tôi cứ thấy chóng cả mặt, lo cho có đủ tài liệu mà viết mà lách.
Mỗi cuộc sơ, tổng kết là hàng hàng lớp lớp người xe kéo về Bộ, về công ty. Vui đáo để, chẳng mấy khi được về thủ đô chơi, nên có khi các ông giám đốc còn cho vợ con đi theo gọi là “kết hợp”. Cả trăm con người ngồi, nghe, ăn, phát biểu. Anh làm ở ngành A phải nghe tình hình của ngành B, ngành C vân vân. Đến việc của ngành mình còn chưa biết hết, làm sao biết đến ngành khác? Âu cũng là một dịp gặp gỡ, thăm hỏi nhau để khỏi lo lắng cho nhau. Nhân văn lắm thay!
Ở cái doanh nghiệp tôi từng làm việc ở đó. Nguyên thủy, cái trụ sở chỉ thiết kế có một cái phòng họp để họp Hội đồng quản trị, cái Hội đồng ấy có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cái ghế và một cái phòng duy chỉ có một bộ sa-lông để ông giám đốc tiếp khách. Sau này họp hành nhiều quá, nên phải sắp xếp, chỗ ngăn lại, chỗ mở rộng ra để có thêm 5 cái phòng họp và một cái hội trường, đủ chỗ cho hàng trăm người ngồi tham dự và coi trình diễn văn nghệ! Đã có phòng họp, chẳng lẽ bỏ không? Thế là lại hai kỳ “cúng tiên thường” và lại hai kỳ “giỗ trọng” (cúng tiên thường là cúng trước ngày giỗ chính – giỗ trọng). Xe lại đậu kín con đường chung quanh công ty, người lại ra vào tấp nập, nhà hàng gần đó lại có dịp được “phục vụ”; và quan trọng là, được gặp nhau, tôi cũng biết anh còn khỏe, anh cũng biết tôi còn ít năm nữa mới phải “nhận sổ” (hưu). Rồi có nơi được khen, có anh được thưởng, lại có một cái “cờ thi đua” được trao, rồi từ hôm sau nó được đem vào phòng truyền thống, từ đó bụi dầy lên theo thời gian, cứ hiển hiện trên lá cờ. Tóm lại là “được ăn, được nói” còn có “được gói mang về” hay không thì còn tùy vào sự đánh giá của cấp trên!
Chuyện của người ta.
Ơn trời, tôi cũng được đi đây đi đó, nên cũng tìm hiểu chút chút về cung cách làm ăn của xứ người. Ở nơi người ta, chẳng làm gì có chuyện viết rồi in hàng trăm bản báo cáo dầy cộp, để rồi chẳng ai đọc, chẳng ai sờ đến sau khi cuộc họp đã giải tán. Người ta chỉ mời những người có trách nhiệm, thực sự có liên quan đến một lãnh vực nào đó và cùng nhau mổ xẻ, để trả lời các câu hỏi đại loại là, vì sao lỗ, lỗ ở khâu nào, và vì sao lãi, khâu nào sinh lợi nhiều nhất? Rồi, những biện pháp rất cụ thể để tăng lãi và giảm lỗ. Mọi chuyện chỉ được trình bày bảng cân bằng thu chi bằng powerpoint. Đó là kết quả kinh doanh còn những chuyện râu ria khác thì người ta coi đó là các biện pháp được thực hiện rồi, và kết quả như phần trình bày. Xong, anh nào ra về cũng biết mình sẽ phải làm gì trong năm tới. Chỉ là trách nhiệm cá nhân chứ tuyệt nhiên không có trách nhiệm tập thể.
Sau khi rời khỏi bầu sữa nhà nước, tôi ra ngoài bươn trải nên cũng học được cách làm của người ta chút ít, vì thế tôi cũng kiếm được một ít tiền.
Đổi mới đi! Hãy bỏ đi những hoạt động đầy tính hình thức thì mới mong phát triển được bà con ơi. Đã trên 20 năm tôi ra khỏi doanh nghiệp nhà nước, những tưởng rằng, mọi thứ đã thay đổi, ai ngờ vẫn còn những hoạt động lỗi thời như vậy. Phải thay đổi thôi các vị Bộ trưởng các vị giám đốc doanh nghiệp nhà nước ạ./.
Tháng Bảy, 2017
Ph. T. Kh.