CHÊ

song-dao-630-minh-hanh-duc

TẢN MẠN CUỐI TUẦN

CHÊ

Cao chê ngỏng, thấp chê lùn

Béo chê béo trục béo tròn

Gầy chê xương sống xương sườn chìa ra

(Ca dao)

Ngẫm ra ở trên đời, chê là một việc dễ làm nhất, cũng là điều thường thấy nhất. Ngồi ở một quán cà-phê, bạn cũng nghe thấy bao nhiêu chuyện chê – hết chê chuyện xã hội, chuyện đất nước đến chê cô này, anh kia, chê người lạ chán thì chê đến những người quen biết, thậm chí chê cả bạn bè và người thân. Ngồi một mình muốn chê mà không biết nói với ai nên chỉ nghĩ trong đầu, nghĩ rồi thì thở dài đánh sượt một cái, chép miệng đánh chít một cái. Nếu có một người khác ngồi bên thì những tiếng thở dài, những cái chép miệng ấy sẽ thành lời nói, bắt đầu cho một sự chê bai, cho đến khi hết ấm trà cũng chưa hết.

Chê bai đã trở thành mốt thời thượng. Báo chí mà khen ai đó hay tổ chức nào đó thì ít người đọc nên phải tìm nhiều chuyện để chê bai, để câu khách. Thậm chí có những tin, sau khi đọc xong mới biết mình bị lừa vì cái đề ở đầu bài nó hấp dẫn quá, còn nội dung bên trong thì nhạt như nước ốc. Có lẽ tiêu chí để đánh giá một người hiểu biết bây giờ là người đó phải biết chê, chê càng nhiều, càng rộng ra nhiều lãnh vực thì càng là người có hiểu biết uyên thâm , mới là người thức thời. Thậm chí mấy thằng ăn trộm, ăn cắp, những đứa nghiện xì ke ma túy cũng chê bai đủ thứ, cũng chửi bới như những hậu duệ của Chí Phèo làng Vũ Đại ngày xưa vậy.

Phải, đúng thế. Phần lớn những điều đang chê bai đều đúng. Nhưng thử hỏi bạn đã hoàn hảo chưa? Chúng ta đã hoàn hảo chưa? Xã hội hiện nay đã hoàn hảo chưa? Nền quản trị doanh nghiệp của bạn đã hoàn hảo chưa? Công cuộc trị nước của những nhà lãnh đạo đã hoàn hảo chưa? Không một ai hoàn hảo, không một đất nước nào là hoàn hảo. Như bài trước tôi đã viết, chỉ có đứa trẻ mới lọt lòng mẹ và người đã nằm trong cỗ quan tài mới là những người hoàn hảo  (lời của một yếu nhân).

Cái khó nhất của mỗi con người là tìm ra được cái không hoàn thiện của bản thân mình. Từ người có chức vụ cao nhất của nhà nước cho đến những người dân bình thường nếu biết tìm ra những điều chưa hoàn thiện của mình để hoàn thiện nó thì đó mới là thức thời. Điều đó nghe có vẻ lý thuyết quá. Vâng đúng thế, thậm chí còn là không tưởng nữa. Nhưng chúng ta cũng có quyền mơ ước chứ?

Nếu sự chê bai ấy chỉ trong một phạm vi hẹp, như chuyện trà dư tửu hậu thì cũng chẳng chết thằng tây nào. Song nếu cứ đem cái suy nghĩ của mình (chắc gì đã là suy nghĩ đúng) phơi bày hết ra cho bàn dân thiên hạ thì tác hại khôn lường. Nhiều khi xẩy ra án mạng như chơi, chí ít thì cũng cạn tình, cạn nghĩa. Ngày xưa người ta chỉ biết không gian một chiều, rồi không gian hai chiều, ngày nay người ta đã chứng mình là có không gian ba chiều, bốn chiều, nhà Phật còn nói không gian có nhiều chiều. Ấy thế mà, một số người thuộc tầng lớp “có học”, nói cái gì cũng chỉ nói một chiều. Xét một người, một sự vật cũng chỉ xét đến mặt xấu của người ta mà chẳng ngó ngàng đến điều tốt của họ.

Tôi lấy ví dụ ngay đây thôi. Sáng nay pha một ấm trà, vợ tôi uống một ly thì bà ấy la hoảng lên là trà chát quá, phải cho nhiều đá vào mới uống được. Còn tôi, dân nghiền trà, thì nhấp một hớp trà, nó phải có vị chát sau đó để lại một vị ngọt nhè nhẹ ở trong họng. Đó, cũng chỉ một ấm trà, mà có người chê, người khen. Hôm lâu rồi, đọc cuốn “Bên thắng cuộc” của một anh văn sĩ nào đó đã bỏ xứ nghèo khổ của hắn mà đi nơi khác rồi. Hắn toàn chê cái bên thắng cuộc tức là phía cộng sản. Hắn tìm ra khối tư liệu để phục vụ cho cái sự chê bai của hắn, mà hắn nói cũng nhiều cái đúng, đúng ở cái thời không gian một chiều. Trong sách của hắn, hắn dẫn chứng một câu chuyện là cộng sản không có tình người. Đó là một ông cán bộ giải phóng có chức vụ cao cỡ trung ương, khi trở về miền nam thì gặp cảnh đứa con trai của mình chuẩn bị phải đi học tập cải tạo (đi tù), gia đình mới nói ông bố xin cho con được ở lại, song ông bố không làm theo, cuối cùng người con trai phải xách túi quần áo ra đi. Thế là hắn kết luận cộng sản không có tình người! Giả thử, nếu người cha đó dùng ảnh hưởng của mình để xin cho con mình ở lại, thì liệu hắn sẽ nói sao nhỉ? Tôi dám chắc hắn sẽ nói cộng sản lợi dụng chức vụ dẫm đạp lên trên cả luật pháp! Đó mới là hai chiều, còn một chiều thứ ba nữa chứ, đó là những người đồng chí của ông bố, người ta sẽ nói sao? Chắc họ sẽ nói, ông bố này đã không vì tình riêng mà vi phạm vào các quy định của tổ chức.

Bản thân tôi không còn làm việc (kiếm tiền) đã nhiều năm rồi. Việc tiếp xúc với xã hội cũng không nhiều và không thường xuyên như trước. Suốt ngày quanh quẩn ở nhà với mấy cây lan, vườn cỏ nên nhiều lúc nghe tiếng chê bai của một vài người đối với cái đất nước này, cái xã hội này mà thấy hoang mang, chẳng lẽ bây giờ mọi thứ trở nên xấu thế hay sao.

Tôi không phải là đảng viên cộng sản, cho nên tôi chẳng bị bắt buộc phải nói theo ai, làm theo ai, tất cả việc tôi làm hay tôi nói đây cũng chỉ làm theo lương tâm mách bảo thôi. Bản thân tôi, cũng được hai ba lần cơ quan bố trí cho ở nhà “công vụ”, khi chuyển đi nơi khác đều trả lại nhà nguyên vẹn cho cơ quan, như vậy có thể nói là đó là một hành động “tử tế”, làm vậy tôi thấy lòng mình thanh thản, nhưng lại nhận được sự chê bai của một vài bạn bè rằng thì là… rằng, thì là…Tôi đâm ra hoang mang, không biết mình là người tốt hay người xấu, đáng chê hay đáng khen? Thôi, ai khen ai chê cũng được, cứ làm theo ý của mình, miễn là nó không làm hại đến ai.

Đấy, cái sự khen chê ở trên đời này nó vậy đó. Cái khó là tìm cho được bản chất của sự việc để mà khen mà chê. Mà cái bản chất của sự việc người ngoài cuộc khó biết lắm, nó còn phụ thuộc vào chỗ đứng của mỗi người nữa.

Chê đúng, khen đúng cũng là con người có hiểu biết./.

Tháng Chín 2017

Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.