CHÚNG TA PHẢI LÀM SAO?

Speech 1

TẢN MẠN CUỐI TUẦN.

CHÚNG TA PHẢI LÀM SAO?

Đã bước sang tuổi 81 rồi, tay cầm hơi run run, chân bước hơi chậm chạp, mắt nhìn hơi mờ mờ, đầu óc lúc quên lúc nhớ. Ấy vậy nhưng vẫn không thể bàng quan với chuyện đời. Bạn trẻ đọc đến đây sẽ phán một câu: “úi dào, rõ dở hơi!”. Tôi biết chắc các bạn sẽ nói thế, các bạn cứ việc nói, còn việc của tôi là tôi cứ viết. Tôi là một kẻ rất ích kỷ, tôi viết cho cái đầu của tôi nó đỡ mộng mị, chứ không cốt để các bạn đọc. Nhất là những người già như tôi, họ già nhưng họ lại rất ghét nghe người già nói. Tôi cũng thế. Vì nói không ai nghe nên phải viết để lưu lại, cũng là để thông báo với bạn bè, rằng tôi vẫn còn sống!

Câu chuyện của tôi hôm nay như sau:

Vào tháng Một năm 2015, tôi có viết một bài, dưới đầu đề “BỆNH CỦA LÃNH ĐẠO” đăng trên trang web này, nói về những vị khi còn tại chức đã từng giữ cương vị lãnh đạo, to nhỏ gì không biết, nhưng khi về hưu rồi, vẫn cứ tưởng mình đang tại vị, nên mỗi khi có dịp đăng đàn vẫn cứ phán, vẫn cứ tuyên dương, vẫn cử chỉ đạo…, chẳng biết rằng bây giờ mình có nói gì thì cũng chẳng mấy ai nghe nữa.

Bản thân người viết bài này đã có nhiều năm đảm nhiệm phần viết những bài diễn văn cho một số vị thuộc quan chức nhà nước có, doanh nhân có, và cũng một đôi lần có người khen rằng, bài diễn văn hay quá. Người viết thì dùng cả tâm huyết của mình để viết, nhưng chưa chắc gì người đọc đã hiểu hết những ý sâu xa trong đó. Đó là những vị được người khác viết cho mà đọc.

Thỉnh thoảng trên truyền hình, tôi vẫn thấy có những vị, lên đăng đàn, theo kiểu nói vo, tức là “xuất khẩu thành chương” chứ không đọc theo giấy, chắc là những vị này thiếu thư ký giúp việc. Nếu đã không chuẩn bị thì đừng có đăng đàn. Song khổ một nỗi lại đang bị cái bệnh trầm kha là thích nói, thích chỉ đạo, thích hoan nghênh và thích được hoan nghênh …nó hành, vì vậy mà không lên không được!

Nhưng khi đã đứng trước cử tọa, ánh đèn flash loang loáng, âm thanh qua hệ thống tăng âm cứ oang oang, mọi cử tọa đang chờ đợi, đang vểnh tai để nghe lời vàng ý ngọc thì vị ta đâm cuống. Thế là, câu đầu tiên chỉ biết nói “tôi đánh giá cao…”, còn đánh giá cao những cái gì thì khó quá, vì xưa nay có theo dõi hoạt động của cái doanh nghiệp, cái tổ chức này đâu mà biết; thế là phải nói một ít tình hình đất nước (cái này có đầy trên các mặt báo và trên truyền hình) chẳng ai xa lạ gì; thế là chuyển sang phần “thân bài” với những câu, đại loại, “chúng ta phải làm sao để cải thiện đời sống cho công nhân viên chức”, “chúng ta phải làm sao để nâng cao năng suất lao động”, “chúng ta phải làm sao để kinh doanh có lãi”, và “vĩ mô” hơn nữa thì, “chúng ta phải làm sao để miền núi tiến kịp miền xuôi”… Hàng loạt câu hỏi “chúng ta phải làm sao, làm sao?”. Ông hỏi chúng tôi, thì chúng tôi biết hỏi ai? Những người ngồi dưới nghe ông nói, nghe ông chỉ đạo cốt là giúp cho họ thâu nhận được cái đáp án của các vấn đề đó. Cứ theo cách chỉ đạo của ông như vậy, khác nào ông chẳng chỉ đạo cái gì. Phí công các cử tọa ngồi nghe ở dưới! Phí một suất cơm trưa đáng lẽ dành cho người khác cần hơn! Có khi còn phí một khoản tiền để “mua” những lời “vàng ngọc” đó.

Nên thay đổi đi các vị ạ. Cách này cũ lắm rồi, người ta chỉ dùng nó cho những năm 60 của thế kỷ trước thôi. Nay đất nước đã khác, dân trí cũng đã khác, điều kiện vật chất cũng đã khác thì tư duy của các vị cũng phải khác chứ. Cứ bảo thủ như vậy thì đất nước sao mà tiến nhanh lên được?

Tháng Chín 2017

Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.