TÂM SỰ VỚI BẠN TRẺ CỦA TÔI

IMG_20170302_083515_hdr_edit

TẢN MẠN CUỐI TUẦN

TÂM SỰ VỚI BẠN TRẺ CỦA TÔI

Cách nay vài tháng, tôi được mời đến dự cuộc tọa đàm với một số giảng viên của một trường đại học. Một cô giáo hỏi tôi:

  • Trong cuộc đời làm việc của bác, bác tâm đắc điều gì nhất?
  • Điều tâm đắc nhất của tôi là làm bất cứ việc gì và bất cứ ở đâu. Tôi có ba mươi bảy năm làm việc trong cơ quan nhà nước, năm năm là một ông chủ nhỏ, sau đó có bảy năm đi làm thuê cho vài ông chủ lớn. Quá trình ấy, tôi chưa một lần từ chối bất cứ việc gì, làm bất cứ ở đâu và với bất cứ mức thù lao nào. Vì vậy tôi học được nhiều điều và họ ném tôi vào bất cứ vị trí nào, tôi cũng chưa một lần nghe thấy sự phàn nàn từ các ông chủ (nhà nước và tư nhân). Tôi tóm tắt “sự nghiệp” của tôi như vậy.

Bạn trẻ của tôi! Gần đây nghe nhiều lời phàn nàn của các bạn và của nhiều giới truyền thông, rằng có rất nhiều bạn sau khi tốt nghiệp đã không kiếm được việc làm. Tôi không biết “rất nhiều” là bao nhiêu, so với các bạn sinh viên ra trường có việc làm chiếm bao nhiêu phần trăm? Song tôi chắc chắn một điều là các bạn ấy đã thiếu cố gắng, thiếu linh hoạt trong suy nghĩ về cuộc sống, thiếu chuẩn bị để bước vào một môi trường cạnh tranh khốc liệt. Các bạn cứ tưởng mình học ngành nào khi ra trường là được làm đúng chuyên môn đó (có nhưng không phải tất cả). Một khi nền kinh tế của nước ta chưa phát triển thì lấy đâu ra nhiều việc đúng với ngành học của bạn để bạn làm? Lúc nào bạn cũng cứ ôm khư khư lấy tấm bằng tốt nghiệp, lúc nào cũng đưa cái đó ra để yêu cầu xã hội phải ưu tiên cho mình. Bạn nhầm rồi! Trong trường người ta chỉ dậy cho bạn những kiến thức cơ bản, trong khi khoa học kỹ thuật thì tiến như vũ bão, chưa qua thời kỳ công nghiệp 3.0 thì thời kỳ 4.0 đã bước vào cuộc sống của từng nhà, của từng người. Vậy thì cái bằng của bạn, cùng lắm cũng chỉ là cái “GIẤY CHỨNG NHẬN VÀO ĐỜI” thôi. Cuộc sống từ ngày bạn ra khỏi trường đại học mới chính là trường đại học của bạn. Vì vậy tôi khuyên bạn hãy treo tấm bằng lên vách để ngắm, còn thì bạn hãy lao vào cuộc sống. Tôi biết khối bạn chẳng màng đến bằng cấp để lao vào những lĩnh vực mới mẻ, và họ đã thành công. Chúng ta cần học những bạn được thuyết trình trong chương trình “Khởi nghiệp – Startup” hoặc những tấm gương trong chương trình “Sinh ra từ làng” mà tôi thường theo dõi trên truyền hình.

Đừng than khóc các bạn ạ! Than khóc làm cho ta trở nên yếu đuối.

Nói vậy chứ, tôi là một người rất yếu đuối về mặt tình cảm (xin các bạn đừng cười, tôi rất dễ chảy nước mắt lắm đó), nhưng trong công việc tôi là một người mạnh mẽ và chu đáo. Ngày tốt nghiệp trường kỹ thuật, nhà trường hỏi nguyện vọng, tôi trả lời dứt khoát: “đi miền núi”. Cái “miền núi” thời những năm 50 của thế kỷ 20, kém xa cái “miền núi” của thế kỷ 21, nói thế chắc các bạn cũng hình dung ra được. Khi bắt tay vào công việc, tôi cũng dầm mình dưới nước, phơi nắng trên đỉnh cột điện cao thế, hay chui rúc trên trần nhà như những con chuột vậy. Vất vả lắm, “hèn kém” lắm, nhưng tôi học được khối điều các bạn ạ. Những công việc sau này của tôi, chẳng thể so được về sự vất vả của những công việc ngày ấy.

Bạn có biết tôi đã từng làm thuê cho ai? Làm thuê cho những người trước đây từng là nhân viên dưới quyền tôi đó bạn ạ. Làm thuê cũng cần có lòng tự trọng của người làm thuê. Đó là gì? Đó là, anh cần khai thác cái năng lực của tôi, vậy thì tôi sẽ làm cho anh thấy anh đã không lầm và giữa chúng ta có một sự trao đổi sòng phẳng, anh trả thù lao và tôi làm việc cho anh xứng đáng với những gì anh trả cho tôi, tôi không cần nhận bấy kỳ sự ưu ái nào. Vị trí mỗi người có khác, nhưng anh không thể coi thường tôi, năng lực của tôi, tư cách của tôi là vật “bảo chứng” cho giá trị của con người tôi. Tuy nhiên, về mặt kiếm tiền và khai thác khả năng con người thì anh giỏi hơn tôi, nhiều điểm khác thì tôi hơn anh.

Nếu làm được như vậy thì bạn không bao giờ trở thành kẻ cơ hội, không bao giờ bạn phải quỵ lụy ai, và bạn sẽ luôn luôn tìm được một công việc tốt, và quan trọng hơn là bạn không khó để tìm được một “minh chủ”.

Bạn trẻ của tôi! Tôi không đủ trình độ để dạy bạn, không đủ tư cách để bảo ban bạn, tôi chỉ muốn nói lên kinh nghiệm sống của một ông già. Một ông già có cuộc đời không thật thành công, nhưng chẳng bao giờ tiếc nuối những ngày đã qua. Bây giờ tôi sống thanh thản lắm và vẫn còn đang làm những công việc mà trong nhà trường chưa bao giờ dạy tôi cả. Cuộc sống vẫn còn đang dạy tôi đó bạn ạ.

Thân mến,

Ph. T. Kh.

Tháng 10/2017

Add a Comment

Your email address will not be published.