CHUYỆN MỘT DU HỌC SINH VIỆT NAM

C360_2015-04-07-10-56-10-647.j

CHUYỆN MỘT DU HỌC SINH VIỆT NAM.

Tôi xin kể các bạn nghe về một trong rất nhiều học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài. Đương nhiên, trong một cộng đồng lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài thì có rất nhiều xu hướng về nghề nghiệp, về nhận thức cuộc sống và xã hội cũng như ý thức chính trị, nhưng tôi nghĩ đại đa số các bạn ấy vẫn ý thức mình là người Việt Nam.

Trong số những học sinh đang đi du học đó, tôi xin nói về một người. Chàng trai này xa cha mẹ, xa căn nhà lớn mà ở đó nhiều người thân hàng ngày cậu được gặp gỡ, được quan tâm săn sóc, để đến một nơi không có họ hàng thân thich, tự lo cho cuộc sống của mình cũng như tự biết phải làm sao để học tốt khi còn là một đứa trẻ 15 tuổi.

Sự chững chạc của chàng trai này không chỉ là trong thâu nhận kiến thức mà còn là trong giao tiếp xã hội, trong quan hệ bạn bè với những học sinh bản xứ mà cậu còn có thể giải thích cho người nước ngoài về những gì mà họ chưa hiểu về Việt Nam. Ví dụ, một hôm có một bà người Ấn độ hỏi cậu:
– Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, tất cả mọi người đi làm đều được hưởng một mức lương như nhau, có đúng không?
– Điều đó là không đúng – cậu trả lời, rồi giải thích cho bà ta hiểu về lịch sử Việt Nam – Bác Hồ của chúng tôi có một ước muốn làm sao cho dân tộc được độc lập và đất nước được thống nhất; ngay từ những ngày đầu khi chưa dành được chính quyền, Người đã chìa bàn tay ra mong nhận được sự hợp tác của Pháp và Mỹ, nhưng các nước đó đã quay lưng lại với Việt Nam. Còn có lựa chọn nào khác nếu không dựa vào các nước XHCN để thực hiện ý nguyện của cả một dân tộc? Ngày nay, dù là một nước xã hội chủ nghĩa nhưng lại vận hành theo cơ chế thị trường, tức là không khác gì các quy luật kinh tế mà nước của các ông, các bà đang vận dụng.

Rồi một hôm, một nhà tư vấn du học của Mỹ, hỏi chàng thanh niên:
– Sau này em định làm gì?
– Làm khoa học và làm chính trị.
– Người ta chỉ chọn một trong hai ngành đó. Không thể vừa làm khoa học vừa làm chính trị.
– Số đông hiện đã nghĩ như ông đang nghĩ vậy. Song có sản phẩm khoa học nào mà không mang yếu tố chính trị trong đó? Như viên thuốc chống ung thư, nếu xét kỹ, nó cũng phần nào phục vụ cho mục đích chính trị, bởi vì các nhà làm chính trị quyết định khi nào thì công bố công thức chế tạo và nước nào sẽ có ân huệ để được cung cấp công thức đó. Trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ, dù là ứng viên Dân chủ hay Cộng hòa thì vẫn phải có những nhà tư bản công nghiệp làm hậu thuẫn, nếu không, ông ấy hay bà ấy sẽ không thắng cử.

Trong bài viết này tôi không muốn nhấn mạnh về những giải thích về lịch sử Việt Nam của chàng thanh niên này, bởi vì với điều bình thường đó thì rất nhiều người Việt đang sống ở trong nước đều có thể nói được. Tôi chỉ muốn nói đến khía cạnh khác, đó là, khi cậu bước chân ra nước ngoài còn đang là một học sinh lớp 8, sau ba năm sống trong một môi trường hoàn toàn không có giáo dục cộng sản, nhưng đã có một nhận thức đúng đắn về lịch sử nước nhà cũng như có những suy nghĩ đến một vài vấn đề của xã hội. Điều đó làm cho những thế hệ đi trước có thể tin tưởng vào thế hệ thanh niên mới. Có thể họ sẽ không là những người Cộng sản, nhưng họ là một người yêu nước, một người có trách nhiệm với vận mệnh nước nhà. Bản thân tôi luôn tin vào thế hệ trẻ – một thế hệ có tri thức và có lòng nhiệt thành với đất nước./.

Add a Comment

Your email address will not be published.