BỨC TRANH IRAQ HẬU SADDAM HUSSEIN

IraqFlag
THU HOẠCH TỪ CUỐN SÁCH
“NHÀ THƯƠNG ĐIÊN THẾ KỶ” CỦA GREG PALAST
 
BỨC TRANH IRAQ HẬU SADDAM HUSSEIN
 
Đúng, nhiều người nói Saddam là một tên độc tài đáng ghét. Tôi không phải người Iraq, chưa từng đến Iraq nên chẳng biết cái xã hội Iraq thời đó như thế nào – tốt hay xấu? Người ta bảo nó xấu thì tôi cũng biết vậy. Song, riêng đối với nước Việt Nam, sau khi thống nhất thì gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn đủ thứ; hầu hết các nước quay lưng lại với Việt Nam thì “tên độc tài” này đã chìa bàn tay ra san sẻ từng tấn dầu cho Việt Nam, xóa những món nợ cũ cho Việt Nam. Riêng chuyện này thì tôi bảo “tên độc tài” này là tốt. Vì rằng ông cha ta đã nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no” và “chỉ trong hoạn nạn mới biết ai là bạn của ta”.
 
Đó là phần nhập đề của tôi. Dưới đây là sách “Nhà thương điên thế kỷ” viết:
 
(Tôi không kể lại theo thứ tự như cuốn sách đã viết, mà xin nói câu mà Greg Palast nói ở phần giữa bài):
 
“Bạn có thể nói rằng Saddam đang giết họ, ám sát họ. Ông ta thật dễ sợ, thật kinh tởm, nhưng ít nhất người dân còn đang sống. Ngày nay (sau khi Saddam bị giết – Ph. T. Kh.), người dân không có kế sinh nhai. Bạn có 15 triệu người không có lương thực. Có ai quan tâm không?”
 
“Các cuộc oanh tạc của hàng ngoại mà không có sự kiểm soát đã san bằng nền công nghiệp của nước này (Iraq)….Họ hoàn toàn bị xóa sổ. Người Iraq không thể cạnh tranh với hàng Trung quốc giá rẻ đang ồ át đổ vào Baghda. Kết quả là một năm sau khi được ‘giải phóng’, tỷ lệ thất nghiệp kinh khủng ở mức 60% đã khiến người ta bị sốc. Và họ đang đói!”
 
Vì sao vậy? Vì những người chiếm đóng đã thực hiện một chính sách kinh tế chỉ làm lợi cho tư bản nước ngoài.
 
“BUSH KÊU GỌI TRUNG ĐÔNG MỞ RỘNG VÒNG TAY ĐÓN NHẬN DÂN CHỦ” – đó là tờ báo The San Francisco Chronicle đã chạy tít trên trên tờ báo của họ…nhưng dân chủ không phải đến trước khi các mỏ dầu đã thay đổi quyền sở hữu.
 
Có hai thuật ngữ, thường được nhắc đến trong thời kỳ đầu của việc chiếm đóng: O.I.L và O.I.F. Thuật ngữ đầu, và cần phải đi trước, đó là các mỏ dầu của Iraq, sau đó mới là O.I.F (Operation for Iraq Freedom) – Tự do cho Iraq! Chính vì vậy, kế hoạch kinh tế với tính chủ đạo là “Thị trường tự do phải xảy ra trước các cuộc bầu cử, như trường hợp của Chile (sau khi Pinoche với sự giúp sức của Mỹ ám sát Tổng thống dân cử Salvador Allende). Kế hoạch kinh tế nói trên có thể tóm tắt một số nội dung:
 
1) “Chiến lược thuế 2003” – Sắc lệnh số 37, áp dụng mức thuế cào bằng đối với thu nhập cá nhân và tập thể đều ở mức 15%. Điều này đã bị Quốc hội Mỹ bác bỏ (áp dụng ở Mỹ), nhưng lại cho phép áp dụng ở Iraq. Ẩn ý trong sắc lệnh này là về lâu dài sẻ giảm thuế cho những nhà tư bản khai thác tài nguyên của Iraq (chủ yếu đến từ Mỹ).
 
2) “Luật Ngân hàng” – Sắc lệnh số 40, Ông Bremer (người đứng đầu chính quyền chiếm đóng) tán dương “yếu tố thêm vào của cuộc cạnh tranh” từ việc ông ta đã xé nát các ngân hàng Iraq. Các ngân hàng Iraq không được tham gia vào “cuộc cạnh tranh” này. Chỉ có một số ít ngân hàng được chọn lọc kỹ lưỡng, đó là Ngân hàng Hồng Kông – Thượng Hải (HSBC), Ngân hàng quốc gia Kuwaiit, Ngân hàng Standard Charters, các Ngân hàng thuộc tập đoàn JP Morgan Chase tại New York. Sau đó thì tăng lãi suất ngân hàng. Tiếc rằng không có nhiều người Iraq có tiền để gởi vào ngân hàng.
 
3) “Chính sách Tự do hóa Thương mại” – Sắc lệnh số 12, đưa Iraq trở thành một quốc gia đầu tiên trên thế giới không hề có sự bảo hộ về thuế. Đó là một liệu pháp kinh tế gây sốc và khiếp sợ… Trước khi xảy ra chiến tranh, Iraq tự túc được lương thực và là một cường quốc xuất khẩu rau quả. Thay vì giúp đỡ cho những người nông dân và chủ trang trại chăn nuôi Iraq thì, với Sắc lệnh số 12, Bremer đã cho Tập đoàn Cargill (Mỹ) ồ ạt, làm tràn ngập Iraq bằng bột mì có nguồn gốc từ Mỹ và Australia.
 
4) Chương trình đổi dầu lấy lương thực do Liên hợp quốc khởi xướng, Saddam Hussein đã kiếm được 1,7 tỷ USD trong số 65 tỷ USD. Nhưng dưới chính quyền mới thì “nạn tham nhũng tràn lan hơn bao giờ hết”.
 
Chính quyền mới là ai? Sau khi Saddam Hussein bị treo cổ, người ta đã dựng lên chính quyền dân sự lâm thời (CPA) của Iraq do Bremer, một người Mỹ, đứng đầu.Trong giai đoạn này dầu mỏ đã biến mất một cách dễ dàng. Chỉ trong một năm hoạt động, một số tiền trong số tiền bán dầu đã mất 1,5 tỷ USD mà không để lại dấu vết. Khi người ta hỏi, làm thế nào mà nó không để lại dấu vết? Câu trả lời là “Dầu của Iraq chưa được đo lường!”. Mặc dù luật pháp Mỹ ngăn cấm thu lợi từ chiến tranh, nhưng chính phủ Mỹ trả lời: “đây không phải là tiền đóng thuế của người Mỹ!”.
 
Vấn đề dầu mỏ của Iraq chỉ là một phần trong âm mưu của chính quyền Mỹ lúc đó là làm tan rã “Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ – OPEC”, vì tổ chức này đã chi phối việc định giá dầu mỏ trên thế giới. Sau Bremer, Ahmad Chalabi được dựng lên để nắm quyền ở Iraq gọi là “Quốc hội dân tộc Iraq” (nhưng không có trụ sở ở Iraq – một chính quyền lưu vong). Bắt đầu từ năm 1992, CIA và Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ đã tài trợ hàng tháng cho nhóm của Chalabi, với mức lương điển hình là 35.000 USD/tháng. Chalabi đã bán tống bán tháo các mỏ dầu của Iraq, phù hợp với Bản kế hoạch kinh tế đã nói ở trên.
 
Tóm lại, tất cả chính sách kinh tế mà chính phủ Mỹ đã áp dụng ở Iraq là làm cho Iraq không còn là một cường quốc dầu mỏ (mặc dù trữ lượng dầu mỏ cua Iraq đứng thứ hai ở vùng Trung đông, chỉ sau Saudi Arabia. Nhưng âm mưu làm tan rã OPEC của Mỹ đã không đạt được. Điều mà Mỹ đạt được là giúp cho Saudi Arabia giữ vai trò lãnh đạo trong OPEC và muốn thôn tính các quốc gia dầu mỏ ở Trung đông, đó là một trong những lý do vì sao cho đến nay nước Trung đông này vẫn là một đồng minh của Mỹ.
 
Kỳ sau: Cuộc chiến dầu mỏ và sắc tộc
Tháng 12/2007
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.