Chính sách thị trường tự do khó có thể biến các nước nghèo trở thành các nước giàu có.

Capitalism 5

23 VẤN ĐỀ HỌ KHÔNG NÓI VỚI BẠN…(Tiếp theo)

Vấn đề thứ 7 – Chính sách thị trường tự do khó có thể biến các nước nghèo trở thành các nước giàu có.

Những điều họ nói với bạn:

Sau khi giành được độc lập khỏi ách thống trị thuộc địa, các nước đang phát triển cố gắng phát triển nền kinh tế thông qua sự can thiệp của nhà nước, đôi khi thậm chí bằng cách hoàn toàn áp dụng chủ nghĩa xã hội. Họ cố gắng phát triển các ngành công nghiệp như thép và ô tô, những ngành vượt quá khả năng của họ, bằng cách sử dụng các biện pháp như bảo hộ thương mại, cấm đầu tư trực tiếp nước ngoài, trợ cấp công nghiệp, và thậm chí quốc hữu hóa các ngân hàng và doanh nghiệp công nghiệp. Xét về tình, điều này là dễ hiểu, vì tất cả nước thống trị cũ của họ đều là các nước tư bản chủ nghĩa theo đuổi chính sách thị trường tự do. Tuy nhiên chiếm lược này tạo ra sự đình trệ, tai hại hơn nữa là thảm họa. Tăng trưởng èo uột (nếu không muốn nói là ở mức âm) và các ngành công nghiệp được bảo hộ không thể “trưởng thành” được. Rất may, hầu hết các quốc gia này đã thức tỉnh lại từ năm 1980 và bắt đầu áp dụng các chính sách thị trường tự do. Xét cho cùng, đây đáng lẽ là điều phải làm ngay từ đầu. Tất cả các nước giàu ngày nay, ngoại trừ Nhật Bản (và có thể cả Hàn Quốc, mặc dù có sự tranh luận về điều đó), đã trở nên giàu có nhờ các chính sách về thị trường tự do, đặc biệt là nhờ thương mại tự do với các nước khác trên thế giới. Và các nước đang phát triển, các nước chấp nhận các chính sách như vậy hơn đã làm tốt hơn trong thời gian gần đây.

Những điều họ không nói cho bạn biết:

Trái ngược với những gì ta thường tin tưởng, hiệu suất của các nước đang phát triển theo sự dẫn dắt của nhà nước lại vượt trội hơn so với những gì họ đã đạt được trong thời kỳ tiếp theo của cải cách theo định hướng thị trường. Có một số thất bại đáng chú ý từ sự can thiệp của nhà nước, nhưng hầu hết các quốc gia này đều tăng trưởng nhanh hơn nhiều, với sự phân phối thu nhập công bằng hơn và ít khủng hoảng tài chính hơn nhiều, trong “những ngày đen tối xưa” (họ đạt được nhiều) hơn là những gì họ đã làm được trong thời kỳ cải cách theo định hướng thị trường. Hơn nữa, sự thật không phải là tất cả các nước giàu trở nên giàu có thông qua chính sách thị trường tự do. Sự thật ít nhiều có trái ngược. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, tất cả các nước giàu hiện nay, bao gồm cả Anh và Mỹ – nơi được cho là cái nôi của thương mại tư do và thị trường tự do – đã giàu có thông qua sự kết hợp của chủ nghĩa bảo hộ, trợ cấp và các chính sách khác mà ngày nay họ khuyên các nước đang phát triển không nên áp dụng. Cho đến nay, chính sách thị trường tự do chỉ giúp rất ít quốc gia trở nên giàu có và sẽ khiến rất ít nước giàu có trong tương lai.

Lời bàn:

Giáo sư Ha-Joon Chang có đưa ra hai ví dụ, về hai quốc gia có thể chế chính trị khác hẳn nhau. Đó là Hoa Kỳ vào những năm 1880 và Trung Quốc cách đây vài thập kỷ. Cả hai quốc gia này đều đầy rẫy những thứ được coi là cản trở sự phát triển kinh tế – bảo hộ nặng nề, phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài, chế độ bảo vệ quyền sở hữu yếu, độc quyền, thiếu dân chủ, tham nhũng, thiếu chế độ đãi ngộ nhân tài, v.v… Bạn sẽ nghĩ rằng cả hai nước này sẽ phải đương đầu với những tai họa về phát triển. Bạn nên suy nghĩ lại.

Bất chấp những gì mà người ta đang đả kích Trung Quốc (Việt Nam ta cũng có phần nào tương đồng), Trung quốc đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động và thành công nhất thế giới hơn ba thập kỷ qua. Trung quốc đã trở thành một nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Với dự trữ ngoại tệ đứng trên tất cả, chính nước Mỹ đã trở thành một con nợ của Trung quốcvà luôn luôn nhập siêu lớn từ TQ. Cũng với tình trạng như vậy, vào những năm 1880, nước Mỹ là một trong những nước phát triển nhanh nhất, và nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia giàu nhất trên thế giới.

Hai nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19 và Trung Quốc ngày nay, đều đã thực hiện theo những gói chính sách gần như hoàn toàn đi ngược lại tính chính thống thị trường tự do của chủ nghĩa tự do mới hiện nay. (Xin nói thêm, tổng thống đương nhiệm của Mỹ, Donald Trump, là người về mặt nào đó có tư tưởng chống toàn cầu hóa).

Thế là, học thuyết thị trường tự do chẳng phải là đã được đúc kết, rút ra từ hai thế kỷ phát triển thành công của hàng chục quốc gia giàu có hiện nay hay sao?

Đúng là: “Xưa kia ai cấm duyên bà, bây giờ bà già bà cấm duyên tôi!”. Các nước tư bản phát triển nói với các nước đang phát triển là : “Hãy làm như tôi nói, đừng làm như tôi làm”./.

[Bạn nào muốn tìm hiểu kỹ hơn, xin tìm đọc cuốn sách “23 điều người ta không cho bạn biết về chủ nghĩa tư bản” của Nhà Kinh tế học Ha-Joon Chang, Giáo sư của trường Đại học Cambridge, Hoa Kỳ.]

Ky sau: Vấn đề thứ 8 – Nguồn vốn có quốc tịch.

Ph. T. Kh. soạn

(Hình minh họa của Báo “Dân Trí”)

Add a Comment

Your email address will not be published.