NGUYÊN CÔNG TRỨ

nguyen-cong-tru

          NGUYÊN CÔNG TRỨ

Năm Mậu Tuất (2018) là tròn bốn lục thập hoa giáp (240 năm) ngày sinh                 và cũng là tròn 160 năm ngày  mất của Nguyễn Công Trứ (1778-1858).

Cảm nghĩ về ông viết mấy dòng này

Ngay từ thuở còn hàn vi Nguyễn công Trứ đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp:

Làm trai đứng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông.

Năm 1819, đã 42 tuổi, ông mới đỗ Giải nguyên. Từ đây bắt đầu thời kỳ làm quan đầy sóng gió của ông. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, kinh tế, văn hóa tới thi ca. Ông đúng là một vị quan văn – võ song toàn đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước. Nguyễn Công Trứ tuy là quan văn nhưng cũng nhiều lần cầm quân, làm tướng, đánh đâu thắng đó: góp nhiều công lớn dặc biệt trong cuộc chiến “bình tây”chông quân Xiêm (1841-1845). Đến đời vua Tự Đức thứ 11 (1858), khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, khì ông đã 80 tuổi nhưng vẫn xin đầu quân đi đánh giặc.  Về kinh tế Ông có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập  các huyện Kim Sơn ( Ninh Bình ), Tiền Hải ( Thái Bình) ngày nay .

Về văn hóa những năm cuối thập niên 1820, ông đề xuất lập nhà học ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí .(*)

Những hoạt động của ông trong các lĩnh vực được nhân dân nhiều vùng  ghi nhớ, lập nhiều sinh từ thờ cúng ông ở hai huyện nói trên và quê hương ông. Nhiều đình chùa tại các địa phương cũng thờ ông và tôn ông làm thành hoàng làng.Cuộc đời ông gặp nhiều thăng trầm . Ông được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế, tới chức thượng thư ; nhưng cũng nhiều lần bị trách phạt, có lần giáng liền ba bốn cấp như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú,….

Nguyễn Công Trứ là người có tài, là một người của hành động . Trải qua nhiều thăng trầm Nguyễn Công Trứ hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời.        Ông khinh bỉ và ngán ngẩm nó:

Thế thái nhân tình gớm chết thay

Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy …

Tiền tài hai chữ son khuyên ngược

Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi … 

Ra trường danh lợi vinh liền nhục  …     

Vào cuộc trần ai khóc trước cười.

Ông cười nhạo sự thăng giáng, coi việc làm quan thì cũng như anh làm xiếc leo dây : Nào nào! Thằng nào sợ thằng nào / Đã sa xuống thấp lại lên cao.

Vì ông không dược triều đình nhà Nguyễn trọng dụng , đặc biệt dưới thời  Tự Đức, nên ông chán chường. Chán chường với chốn quan trường nhưng ông không chán đời. Ông không yếm thế, ông vốn yêu đời và lạc quan. Chẳng vậy đối với ông cái gì cũng có thể đem đùa cợt kể cả tài kinh bang tế thế : Trời đất cho ta một cái tài /Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.

Người ta bảo  văn, thơ là người  và đây là “chân dung” của ông :

Bài ca ngất ngưởng

Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây, cầm cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên
Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Được mất dương dương người thái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Chẳng Bụt, chẳng tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Đời ai ngất ngưởng như ông!?

Bài ca ngất ngưởng viết theo thể ca trù, là một bài tự thuật ngắn gọn mang ý nghĩa tóm tắt cuộc đời và tính cách của ông ( thời nay ta có thể gọi là “trích ngang” lý lịch ). Ngắn gọn mà gần  đủ ý.
Bài ca không chỉ ở đầu đề mang từ ngất ngưởng mà toàn bài ý ngất ngưởng được lặp lại tới bốn lần , một sự cố ý  hay do tính ngât ngưởng cố hữu  trong ông?. Tính cách ấy của ông vốn có từ nhỏ nhưng nó bộc phát mạnh mẽ và không giấu giếm nhất là sau năm ông trả ấn từ quan ( Đô môn giải tổ chi niên ) .

Cái ngất ngưởng thứ nhất:  Ông kể đến  học vi, chức tước mà vua đã ban cho ông . Với thái độ tự tin, ý thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm và tài năng của mình : Mọi việc trong vụ trụ đều là phận sự của ta  ( Vũ trụ nội mạc phi phận sự ), trong khi tài năng của Hy văn  ta (tước hiệu của ông)  đã bị trói chặt vào khuôn phép ( Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng ). Ông kể quá trình thi cử , chức sắc  của mình  : Khi thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông./ Lúc bình Tây cầm cờ đại tướng,/ Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên  . Đỗ thủ khoa (đỗ đầu cử nhân khoa thi hương), làm Tham tán quân sự, làm Tổng đốc Hải An (Hải Dương và Quảng Yên), mang chức đại tướng bình Tây mà chỉ kể gọn mấy từ thì thật sự ông  coi những học vị chức tước  ấy đều là phận sự của mình trong vũ trụ, đến tay mình thì làm thế thôi chứ có gì đâu !

Có một lưu ý , đoạn “trích ngang” này của ông , ông chỉ kể đến học vị, chức tước  mà không hề kể đến học vấn, đến công lao, thành tựu của mình khi nắm các chức tước ấy.   Mà ông kể cũng không đủ đặc biệt là ở chức vị Dinh điền sứ với công lao lấn biển lập hai vùng đất là Tiền Hải và Kim sơn ông không đề cập đến . Chắc chắn chức tước này, thành tựu này ông không quên. Quên sao được khi người dân ở hai miền này đã lập nhiều sinh từ thờ ông khi ông còn tại thế . Ông ngất ngướng với triều đình nhưng ông cực kỳ khiêm nhường với người dân . Đương thòi xã hội người ta phân chia thành 12 giai tầng :  Công, Hầu, Khanh Tướng, Sỹ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục, đành rằng cách phân chia này không khoa học . [Mà phân chia giai cấp có khi nào là khoa hoc ? Một ông / bà cán bộ nào đó ở  cấp do TW quản lý (bậc Khanh & Tướng), nếu không là G.S., P.G.S. , T.S , Th.S. thì ít nhất cũng có trình độ lý luận chính tri cao cấp (thế là nằm ở bậc Sỹ). Mà có thể có sân sau của ông / bà thì vợ / chồng, con trai , con gái, dâu,  rể … có cổ phần, cổ phiếu ở các Tập đoàn, Tổng công ty (nằm ở giai tầng Công – Thương) . Có khi lại có biệt phủ đất đai cả ngàn mét vuông (cứ cho là Nông) thì biết xếp ông / bà ta vào thành phần giai cấp gì?] Trở lại chuyện  khai hoang, Nguyễn công Trứ đã chiêu mộ dân lưu tán, dân tha phương cầu thực – dân hạ lưu dưới con mắt người đương thời, để khai khẩn đất dai và sau đó cấp cho họ. Ông không kể đến công lao này, Trong Bài ca ngất ngưởng , ông ngất ngưởng với nhiều loại người nhưng với người dân ở giai tầng … thứ 13 này ông tôn trọng!

Cái ngất ngưởng thứ hai: Sự ngang tàng của ông khi về hưu làm dân thường. Năm Tự Đức thứ nhất (1847) với chức Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên: Vào năm này ta cởi dây ấn từ quan ở Kinh đô,  ( Đô môn giải tổ chi niên). Ta cưỡi con bò vàng đeo lục lạc ngựa ngất ngưởng  ra về  (Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng)  Từ Kinh đô về quê, Nguyễn Công Trứ cưỡi bò nhưng cho bò đeo nhạc ngựa theo kiểu lạ lùng chưa từng có từ xưa đến nay. Ngông nghênh khác đời mà nói đúng ra là sự khinh mạn  với nhà cầm quyền, nhưng đây là sự thật. Nói ra ngoài một chút có một giai thọai kể rằng: Thời gian về hưu khi đi thăm thú nơi này nơi khác ông thường cưỡi con bò cái, dưới đuôi bò còn che một mảnh mo cau. Ai hỏi, ông bảo rằng “ để che miệng thế gian”!? Không biết thật hư thế nào. Nhưng chuyện khi về hưu, ông cưỡi bò về quê là sự thật chứ không phải là một giai thoại. Bạn ông, Kinh kỳ ngự sử Giang Văn Hiển có bài thơ tặng ông (trích ): Thất thập  lão ông đắc giải trâm ,/  Lao lao thân thế tiếu thăng trầm. /   Hoàng kim tán tận khinh thừa độc, / Bạch xã quy lai hảo viện cầm ….. ( Ông lão bảy mươi cởi trâm về hưu / Cười cho một đời bao chìm nổi/ Bạc vàng vứt bỏ, ông cưỡi bò về quê…) Và môt bài thơ khác của án sát  Hải Dương  Ngô Bỉnh Đức một lần nũa nói rõ việc Nguyễn Công Trứ cưỡi bò ra khỏi kinh đô là chuyện có thật, và sự kiện đó đã gây một cú “sốc” đối với dân kinh kỳ, họ đổ xô ra xem quan Phủ doãn cưỡi bò về quê.  Bài thơ ấy như sau (trích)  …  Hoàng độc nhất tiên đình bắc khứ /  Đô nhân tranh khán thử ông hồi …..  Hoàn danh bị phúc giang hồ lão, /  Trường thuyết quân ân sủng dị tài. (Bò vàng, một roi rời khỏi trạm mà về bắc,/ Dân kinh đô tranh nhau xem ông này về quê…..Danh và phúc đều hoàn toàn, giờ trở thành ông lão nơi sông hồ,/  Người đời cứ truyền mãi chuyện ơn vua biết quý kẻ có tài lạ.!) Qua hai bài thơ của Giang Văn Hiển và nhất là bài của Ngô Bỉnh Đức,  chuyện cưỡi bò về hưu của ông là chuyện có thật (* *)

Hành xử ấy là một sự thách thức đối với  nhà cầm quyền các cấp, vì điều này đối với họ là một hành xử xấc xược. Hành xử ấy cũng khẳng định ông không còn luyến tiếc gì hư vinh mà triều đình đem lại cho ông. Làm quan xong, ông không cưỡi ngựa nữa, vì ngựa là phương tiện  công vụ của triều đình cấp, của vua ban. Đi ngựa hay đi kiệu là biểu tượng của quyền lực (như ngày nay có người  đi xe riêng  nhưng vẫn muốn gắn biển xanh cho dễ bề tung hoành, cho oai!?). Cho bò đeo nhạc ngựa cũng là một cách chơi ngông. Hơn nữa, hành xử ấy xảy ra ngay sau ngày ông về nghỉ việc quan , lại nêu rõ năm tháng mình cởi dây đeo ấn vua ban, (đô môn giải tổ chi niên giải tổ chi niên) thì  mình cưỡi bò đeo đạc ngựa để cho nó cùng ngất ngưởng như mình?

Cái ngất ngưởng thứ ba : Khẳng định cái  cái tài tình, cái khoáng đạt của tâm hồn mình. Ông đi hát ả đào, dẫn các cô gái  lên chùa,… và tự đánh giá cao các việc làm ấy. Đến chùa,  đâu  lễ Phật mà bày tiệc ca hát, một cuộc vui hát ả đào có cả đàn, ca trống, phách .

Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

Mây phủ trắng phau mái chùa thanh sạch như vậy, ông tự xét mình: Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi (?) , Có phải đấy chỉ là bề ngoài tạo nên cái dạng từ bi , bởi vì kè kè bên ông Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì . Cho nên  Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng . Lúc này thì mọi sự đạo / đời,  được / mất,  khen /  chê…tất cả đều là hư không, chỉ còn lại ở ông cái tâm hồn khoáng đạt.

Cái ngất ngưởng thứ tư:  Coi thường công danh phú quý. Với tài năng để có những thành tựu  mà ông đem lại cho đất nước và nhân dân có kém gì Trái Tuân, Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật (các danh tài của Trung quốc) .Ông cũng  coi thường cả dư luận khen chê, thỏa thích vui chơi, không vướng bận đến mọi sự ràng buộc nào .

Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng.
Chẳng Bụt, chẳng Tiên, không vướng tục.

Đến đây ta phải hỏi có đúng thế không ? Ông có thể không “vướng tục” trong các bả hư danh chức tước .Nhưng ông làm sao không vướng tục được khi vẫn hằng tự nhủ lòng :  Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung (từ đầu chí cuối). Có chăng xin đợi kiếp sau ?

Bởi vì kiếp sau ông ước nó  như thế này:

  Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thì trèo với thông!.

Suốt một đời người có quá nhiều buồn vui, khóc cười lẫn lộn như vậy, nên vào lúc thư nhàn, ông có lý do để “ngồi buồn” mà ngán ngẩm cho cái ông xanh  Như ông đã giãi bày chẳng bụt chẳng tiên thì đương nhiên ông chẳng tin có ông xanh. Đây có phải ông ám chỉ bậc thiên tử con trời ? Có lần ông viết “Sườn non bầu rượu túi thơ/ Thảnh thơi ngồi ngẫm cuộc cờ Tràng An” ông né tránh nên dùng từ Tràng an để chỉ triều đình của thiên tử .

Trở lại bài thơ Kiếp sau xin chớ làm người,
            Thoạt nghe tưởng ông chán đời, muốn từ bỏ làm người ở kiếp sau. Có lẽ đúng là ông chán kiếp người cứ như thế này ở thời đại ông đang sống. Mà sau này Tú Xương (hay ai đó) nhại ông  nói toẹt ra về  cái giống  người này: “ … khắp hết cả trên đời/ Vua quan , sỹ tử  người muôn nước / Sao được cho ra cái giống người !”. Ông sợ kiếp sau mà có thể ông đoan chắc rằng chưa có gì thay đổi nếu có tái sinh  ông muốn sẽ là kiếp cây thông (tùng , bách). Nho gia  đều coi cây thông  là biểu tượng của người quân tử.  Nguyên nghĩa của quân tử là “kẻ cai trị”,  sau này từ “quân tử” mới có nghĩa đối lập với ” tiểu nhân” và người quân tử thường được coi là người có hành động ngay thẳng,  theo lẽ phải, minh bạch không khuất tất vụ lợi cá nhân , có phẩm chất tài trí và đức độ. Làm người quân tử chính là lý tưởng mà các nhà nho ấp ủ, nuôi dưỡng. Lý tưởng này được gửi gắm qua hình tượng cây thông, một loài cây thân thẳng chịu được với nắng mưa , nóng lạnh giá ,rét ,vách đá  lưng trời , cho dù hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào vẫn đứng vững và vươn lên như là sự vươn lên của con người  khỏi cái tầm thường, nhỏ nhoi, thấp hèn. Vì thế Nguyễn Công Trứ mới nói nếu có kiếp sau  hãy “Làm cây thông đứng giữa trời mà reo” .

“Quân tử ” là một từ Hán -VIệt cổ hiện nay không dùng ,tìm một từ tương đương rất khó. Từ này không có nghĩa là người anh hùng , công dân gương mẫu / công dân ưu tú …Người viết bài này tạm dùng từ “ người tử tế”, với nghĩa  là người hành động ngay thẳng, theo lẽ phải,  mimh bạch không khuất tất, không vụ lợi cá nhân, nhất là biết xáu hổ khi sai trái.… Làm người tử tế đã là khó, rất khó, làm người lãnh đạo tử tế mới là cả một vấn đề ! Ông muốn và đã là người tử tế  suốt cuộc đời, ngay cả khi đương chức đương quyền chứ không phải sau khi Đô môn giải tổ chi niên (Vào năm ta cởi dây ấn từ quan ở Kinh đô), khi đã thất thế mới ráng làm người tử tế, mới khuyên các đồng sự, khuyên mọi người hãy ráng làm người tử tế!.  Ông vốn là người tử tế, thêm nữa ông không muốn chỉ riêng mình ông mà muốn mọi người bất kể là ai miễn là chịu được cảnh  Giữa trời vách đá cheo leoAi mà chịu rét thì trèo với thông, cùng  là người tử tế, cùng là cây thông với ông.

 Có thể do hạn chế  tứ của bài thơ , hay hạn chế của thời đại mà ông chỉ kêu gọi con người hãy tử tế . Xã hội cần có những người tử tế – đúng, nhưng như thế là không đủ. Muốn có người tử tế phải có  phải có một xã hội tử tế . Để có một xã hội tử tế, điều đó nằm ngoài khả năng của những người tử tế . Chính cuộc đời của Nguyễn Công Trứ nằm trong xã hội đương thời của ông đã chứng minh điều đó. ..

Điều gì đã khiến một xã hội hiền hòa  trở thành một xã hội bạo lực (hoặc ngược lai)? Nếu nói rằng là do pháp luật chưa đủ nghiêm minh thì không  đủ. Tất nhiên sự nghiêm minh của pháp luật có thể khiến người ta vì sợ mà không dám hành động sai, quấy. Nhưng pháp luật là để và chỉ có thể trừng phạt những tội ác đã xảy ra rồi, Pháp luật dù kiện toàn thế nào chăng nữa cũng không  thể chế tài được những mầm mống lệch lạc, tà ác từ trong suy nghĩ bởi dục vong của con người. Khi đã phải dùng tới pháp luật, thì sự giáo dục đã là thất bại !

Làm thế nào & và Ai có trách nhiệm  tạo lập một xã hội tử tế ?

Chỉ bốn câu thơ thôi, nhưng là một thông điệp sâu sắc giàu hình tượng, giàu ý nghĩa gửi tới mai sau. Trong thời đại của mình, những con người đương đại đang đối mặt với nhiều thói đời đáng lo phiền

(*) Dẫn theo Wikipedia tiếng Việt

(**) Dẫn theo PGS- TS  Đoàn Lê Giang trong Tạp chí Nghiên cứu Văn học số   2 / 2006

(Trần Thế Phổ sưu tầm và biên soạn)

 

 

 

 

 

 

Add a Comment

Your email address will not be published.