Nguồn vốn không có quốc tịch

M&A

23 vấn đề họ không nói với bạn về chủ nghĩa Tư bản

Vấn đề thứ 8: Nguồn vốn không có quốc tịch

Những điều họ nói với bạn

Người anh hùng thực sự của toàn cầu hóa là tập đoàn xuyên quốc gia. Các tập đoàn xuyên quốc gia, như tên của chúng, là các tập đoàn hoạt động vượt ra ngoài ranh giới quốc gia gốc của chúng. Chúng vẫn có thể đặt trụ sở chính trong nước nơi chúng được thành lập, nhưng phần lớn các cơ sở sản xuất và nghiên cứu nằm bên ngoài bản quốc, tuyển dụng lao động, bao gồm cả những người nắm quyền quyết định hàng đầu, từ khắp nơi trên thế giới. Trong thời đại của nguồn vốn không biên giới, các chính sách dân tộc đối với vốn nước ngoài là không hiệu quả và thậm chí còn phản tác dụng. Nếu chính phủ của một quốc gia phân biệt đối xử, các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ không đầu tư vào nước đó. Ý định này có thể là nhằm mục đích giúp nền kinh tế quốc gia bằng cách đẩy mạnh phát triển các công ty quốc gia, nhưng những chính sách như vậy thực sự làm hại nền kinh tế do đã ngăn cản các công ty hoạt động hiệu quả nhất được thành lập trong nước.

Những điều họ không cho bạn biết

Mặc dù sự “xuyên quốc gia” của nguồn vốn ngày càng tăng, hấu hết các tập đoàn xuyên quốc gia trên thực tế vẫn còn là các công ty quốc gia với các hoạt động ở quy mô quốc tế, chứ không phải các công ty xuyên quốc gia thực sự. Họ tiến hành phần lớn các hoạt động cốt lõi của mình, chẳng hạn nghiên cứu cao cấp và hoạch định chiến lược, ở trong nước. Phần lớn các nhà hoạt động chính sách hàng đầu của họ là kiều bào của bản quốc. Khi họ đóng cửa nhà máy, cắt giảm việc làm, họ thường chỉ làm điều đó ở bản quốc vào giai đoạn sau rốt, vì rất nhiều lý do chính trị và quan trọng là vì các lý do kinh tế. Điều này có nghĩa là quê hương của công ty này nhận được số lượng lớn các lợi ích từ một công ty xuyên quốc gia. Tất nhiên, quốc tịch không phải là điều duy nhất quyết định hành vi ứng xử  của các tập đoàn, nhưng việc chúng ta lờ đi quốc tịch của nguồn vốn có thể gây nguy hiểm cho chúng ta.

Lời bàn:

Bất chấp những luận điệu khoa trương hoa mỹ về toàn cầu hóa, quốc tịch của công ty vẫn là yếu tố then chốt để quyết định nơi mà những hoạt động trình độ cao, như nghiên cứu và phát triển (R&D) và hoạch định chiến lược, sẽ được thực hiện. Trong khi một sự từ chối mù quáng đối với nguồn vốn nước ngoài là sai lầm, thì sẽ rất ngây thơ khi thiết lập các chính sách kinh tế dựa vào ảo tưởng rằng vốn không còn nguồn gốc quốc gia nữa (nguồn vốn không có quốc tịch!)

Ông Mandelson, nguyên Bộ trưởng bộ Kinh doanh của Anh quốc vào năm 2009 cho rằng do thái độ dễ dãi của Anh đối với quyền sở hữu nước ngoài mà “ngành sản xuất của Anh có thể là người thua cuộc”, song với điều kiện rằng, “phải qua một thời gian dài, chắc chắn không phải qua một đêm”. Người ta cho rằng Mandelson đã hiểu ra một điều mà lẽ ra những nhà hoạch định chính sách khác của Anh đã phải nhận ra từ lâu rồi, rằng sở hữu nước ngoài quá mức của một nền kinh tế quốc dân có thể có hại?

Có rất nhiều hình thức đầu tư nước ngoài được gọi là “đầu tư mua lại thương hiệu (Brownfield Investment)”, tức là nhà đầu tư nước ngoài mua lại một công ty nội địa đang hoạt động, họ ưa thích hình thức đầu tư này hơn là  “đầu tư mới (Greenfield Investment)”. Vào năm 2001, 80% vốn FDI đưa vào các nước đang phát triển là để sáp nhập và mua lại (M&A) các công ty của các nước nhận vốn. Điều này có nghĩa rằng phần lớn vốn FDI được sử dụng cho việc thâu tóm quyền kiểm soát các công ty đang hoạt động, chứ không phải là để tạo ra sản phẩm và việc làm mới.

Điều quan trọng hơn là một khi công ty quốc gia của bạn bị một công ty nước ngoài mua, thì sau một thời gian các công ty mua lại sẽ áp đặt sự thiên vị bản quốc lên mức độ phát triển của công ty đã bị mua lại, theo một trật tự của nội bộ công ty đầu tư mua lại.

Giáo sư Ha-Joon Chang khuyến cáo cho các nước đang phát triển, có những công ty quốc gia còn kém phát triển, tốt hơn là nên hạn chế đầu tư nước ngoài, ít nhất trong một số ngành công nghiệp, và cố gắng để nâng cao năng lực của các công ty quốc gia, để họ trở thành nhà đầu tư đáng tin cậy, thay thế cho các công ty nước ngoài. Điều này chắc không đúng với Việt Nam, nơi đang kêu gọi nước ngoài đầu tư vào mọi lãnh vực (trừ những lãnh vực nhạy cảm), và cũng đang cố gắng bán nhiều doanh nghiệp nhà nước để thu hồi vốn. Vậy đâu là đúng, đâu là sai nhỉ?

Nhưng giáo sư Han-Joon Chang cũng nói “quốc tịch của nguồn vốn không phải là điều duy nhất để xác định hành vi của nguồn vốn. Mục đích và khả năng của vốn cũng là vấn đề quan trọng”. Các nước đang phát triển vẫn cần có nguồn vốn đầu tư của nước ngoài, nhưng có một yếu tố quan trọng là nguồn vốn đó CÓ THỂ GIÚP QUỐC GIA BẠN NÂNG CAO KHẢ NĂNG CỦA CÁC CÔNG TY QUỐC GIA NHANH HƠN bằng cách chuyển giao kỹ thuật quản lý, cuyển giao công nghệ tích cực hơn, hoặc ủy quyền đào tạo công nhân.

Nguồn vốn đầu tư đến từ những công ty công nghệ, thì còn một nguồn vốn khác đến từ các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân. Trên thực tế, các quỹ này thường không có ý định nâng cấp các công ty được mua lại trong thời gian dài. Họ mua công ty với mục đích bán chúng đi sau khoảng ba đến năm năm sau khi tái cơ cấu để công ty có khả năng tạo ra lợi nhuận. Để tạo ra lợi nhuận nhanh, họ thường cắt giảm chi phí, sa thải bớt công nhân và hạn chế đầu tư dài hạn. Đó là một hình thức tước đoạt tài sản, bán các tài sản có giá trị của công ty, họ không quan tâm đến việc phát triển lâu dài công ty đó./.

Kỳ sau: Mời các bạn đón đọc – Vấn đề thứ 9 “Chúng ta không sống trong thời hậu công nghiệp”

Trích từ cuốn sách “23 vấn đề họ không nói với bạn về Chủ nghĩa Tư bản” của giáo sư Han-Joon Chang./.

Add a Comment

Your email address will not be published.