ĐIỂM ĐEN VÀ DẤU SON

Nam Tiến

ĐIỂM ĐEN VÀ DẤU SON

Xin nói trước, tôi chưa bao giờ là một người nghiên cứu lịch sử, nhưng thấy nhiều người nói những điều tôi không hiểu thì tôi lại phải đi tìm sách coi những học giả xưa và nay đã nói như thế nào về vấn đê đó. Rồi từ đây tôi viết một bản thu hoạch cho riêng mình. Dưới đây là một bản thu hoạch theo cách đó:

Bài trước tôi có nói, mỗi giai đoạn lịch sử đều để lại những điểm đen và những dấu son, qua mỗi thời đại, những thế hệ đi trước đã có nhiều công lao đối với dân tộc (dấu son), song cũng có những sai lầm làm chậm bước tiến của dân tộc (điểm đen). Dấu son và điểm đen ở mỗi thời đại chẳng thiếu gì, nhưng hôm nay tôi chỉ nói về hai lãnh vực: Mở nước và tôn giáo.

Các triều đại phong kiến đi qua đã lâu quá rồi, chắc chắn không còn một ai đã từng sống trong các triều đại Lê, Lý, Trần, Hậu Lê … còn tại thế để mà tranh cãi đúng sai nữa. Ngay triều Nguyễn, là triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta, may ra thì chỉ còn những người sống trong vào thời kỳ cuối cùng của triều Nguyễn, đó là triều của ông Nguyễn Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại (như tôi đang còn tại thế chẳng hạn) .

Các triều đại phong kiến (xin bỏ qua thời kỳ mới lập quốc) nếu tính từ Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê (tiếc rằng Hồ Hán Thương đã để mất phần đất chiếm được trở lại vào tay Chiêm Thành nên không được tính là một cột mốc), thì điểm son sáng chói đó là giữ nước và mở nước. Các sách lịch sử đã ghi những chiến công hiển hách trong công cuộc chống ngoại xâm, điều đó thì ai cũng biết. Riêng phần mở mang bờ cõi, thì các sách giáo khoa đã không nói tỷ mỉ. Vì vậy, trong bài này tôi xin giới thiệu với các bạn tấm bản đồ, nói về những cột mốc, của mỗi thời kỳ đi mở nước, xin xem bản đồ ở dưới (nguồn: vi.wikipedia.org/).

Quá trình mở nước, là những dấu son, nhưng chẳng phải người nước ngoài nào cũng thừa nhận đó là những chiến công, họ có thể gọi đó là “kẻ bành trướng”, thậm chí là “kẻ xâm lược”, vì vậy vẫn có kẻ đang ấp ủ đòi lại những vùng đất đã bị mất, mặc dù đó là những vấn đề của lịch sử, và nó đã diễn ra từ đầu thế kỷ thứ 11 cho đến đầu thế kỷ thứ 19 (trải qua 800 năm).

Đã có thời nước Việt ta, bị chia làm hai vùng để cai trị, vùng ngoài thuộc chúa Trịnh, vùng trong thuộc chúa Nguyễn; đến thế kỷ 17, chúa Nguyễn bắt đầu đánh chiếm đất của Chiêm Thành, sau xuống đến Chân Lạp, cho đến năm 1830 thì thâu tóm nốt vùng đất Tây Nguyên, sáp nhập vào quốc gia Đại Việt.

Công lao hiển hách như vậy, song triều Nguyễn lại có những chính sách, góp phần tạo bất ổn trong dân chúng, đó là sự kỳ thị tôn giáo; nhà Nguyễn, bắt đầu từ vua Minh Mạng đã ra sức chống các nhà truyền giáo và giáo dân theo đạo Thiên chúa. Hoặc là quá dựa vào ngoại bang để củng cố ngôi vua (nhiều khi chỉ là bù nhìn) như Nguyễn Ánh và Bảo Đại. Thôi, chuyện này sẽ nói vào một dịp khác.

Năm 1833, vua Minh Mạng ban hành một đạo dụ cấm Thiên chúa giáo và đến tháng 7 năm đó, cố đạo Gagelin bị xử tử vì đã không tuân lệnh nhà vua. Kể từ năm 1840 dư luận Pháp đòi hỏi một sự can thiệp về mặt quân sự tại Việt Nam để giúp truyền bá đạo Thiên chúa. Sau vua Minh Mạng đến vua Thiệu Trị lên ngôi, thái độ của nhà vua đối với đạo Thiên chúa ôn hòa hơn. Song trước thái độ khiêu khích của Pháp, đã phá vỡ tất cả mọi cơ hội hòa giải. Vua Thiệu Trị ra lệnh xử tử ngay tại chỗ những người Âu bắt được trên lãnh thổ Việt Nam.

Đến thời vua Tự Đức, trong triều đình có kẻ mưu phản, bắt tay với những nhà truyền giáo hòng cướp ngôi, nên vua đã phải cấm đạo Thiên chúa ngặt nghèo hơn trước. Từ năm 1848 đến năm 1851, tại Bắc Việt có đến 10 giáo sĩ người Âu và khoảng 100 giáo sĩ người Việt đã bị xử tử; tại Nam Việt có khoảng 15 giáo sĩ ngoại quốc và 20 giáo sĩ người Việt bị giết. Hàng vạn giáo dân bị tàn sát hoặc bị lưu đầy. Vua Tự Đức đã ra lệnh chém đầu vị đại diện của Giáo hoàng ở miền đông Bắc kỳ, giáo sĩ Diaz, đúng lúc Pháp, Anh và Tây Ban Nha đều có hạm đội ở Viễn đông để chuẩn bị tấn công Trung Hoa. Đây có thể nói là một điểm đen trong lịch sử dân tộc.

Sự kỳ thị tôn giáo này đã đẩy một bộ phận người Việt theo đạo Thiên chúa về phía thực dân Pháp. Ngày 17/9/1856, tiếng súng của Pháp đã nổ ở Đà Nẵng, song vua Tự Đức không chấp nhận hòa hoãn theo đề nghị của Pháp. Ngày 1/9/1958, một hạm đội và 14 chiến thuyền cùng với giám mục Pellerin đã đánh chiếm Đà Nẵng.

Sau này vua Hàm Nghi tổ chức đánh Pháp xâm lược thì chính những giáo dân bị kỳ thị đã giúp sức quân Pháp, góp phần đánh bại vua Hàm Nghi và những phong trào nổi dậy. Đây là một bài học về đoàn kết dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết được qua khẩu hiệu “Đoàn kết, doàn kết đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công”.

Trong thời đại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sức thực hiện các biện pháp nhằm đoàn kết mọi tôn giáo và tín ngưỡng, tập trung mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Trong thời gian này, nhiều linh mục, cha xứ và giáo dân đã có những đóng góp tích cực cho cuộc kháng chiến và kiến quốc. Nhiều giáo dân đã trở thành “anh bộ đội cụ Hồ”, chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt. Trong kiến quốc đã có những giáo dân trở thành “Anh hùng lao động” như cụ Hoàng Hanh.

Đến thời kỳ “Đệ nhất Cộng hòa” ở miền Nam Việt Nam, dưới triều Ngô Đình Diệm, tạo ra một điểm đen rất đậm là có cuộc đàn áp Phật giáovà các tôn giáo khác như Hòa Hảo…, bắt đầu từ Huế và đỉnh điểm cũng ở Huế. Chính hành động đó đã dấy lên một phong trào chống Việt Nam Cộng hòa, do Ngô Đình Diệm lãnh đạo, buộc Tổng thống Mỹ phải “thay ngựa giữa dòng”. Ông Ngô Đình Diệm bị chính các đồng sự của mình sát hại vào tháng 11 năm 1963, mở đầu cho thời kỳ khủng hoảng của miến nam Việt Nam. Theo tài liệu của Lầu Năm góc (The Pentagon Papers) có tên chính thức là “United States – Vietnam Relations, 1945–1967: A Study Prepared by the Department of  Defense”, đã được giải mật vào năm 2011, thì “cao điểm sự tráo trở của chính phủ ông Diệm là cuộc tổng bố ráp các chùa toàn quốc ngày 21-8-1963, bắt 1.400 nhà sư trong đó có Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết (Hội chủ của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam) và Thượng Tọa Thích Tâm Châu (Ủy ban Liên phái Phật Giáo).” (nguyên văn).

Ngày nay, nhiều người đang mưu đồ khơi lại những mâu thuẫn tôn giáo từ xa xưa hòng đạt được một mục đích nào đó, thì thực là không đứng đắn một chút nào và cũng tỏ ra rất thiếu hiểu biết. Khi mở nước, cũng như những thời kỳ giữ nước, chưa bao giờ nói nước Việt Nam là của dân tộc Kinh hay Thượng, là của tôn giáo này hay tôn giáo khác. Đất nước là của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Vậy thì tất cả những người Việt phải giữ gìn và củng cố cho đất nước ngày một phát triển hơn. Chẳng lẽ một số ít người được gọi là người Việt nào đó lại không hiểu như vậy và không muốn như vậy?

GHI CHÚ:

Các cột mốc mở nước trên Bản đồ “Nam tiến”trong bài này

Năm 930: Biên giới phía nam nước ta đến Sông Gianh (Quảng Bình)

Năm 1069: Phần vua Lý Thánh Tông mở thêm

Năm 1307: Phần vua Trần Anh Tông mở thêm

Năm 1471: Phần vua Lê Thánh Tông mở thêm

Năm 1690: Phần chúa Nguyễn Phúc Chu mở thêm

Năm 1757: Phần chúa Nguyễn Phúc Khoát mở thêm, hình thành nước Việt như ngày nay.

Tháng 3/2018

Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.