NHẤT NƯỚC, NHÌ PHÂN

Ia dong

TẢN MẠN CUỐI TUẦN

NHẤT NƯỚC, NHÌ PHÂN

Chuyện xưa lắm rồi. Thái Bình quê tôi là một tỉnh thuần nông. Bình quân chỉ có ba sào ruộng trên một đầu người. Dân thì đông, đất thì chật. Người cứ tăng thêm nhưng đất thì không đẻ ra, thế là có chuyện phải tìm mọi cách để làm cho năng suất cây trồng ngày một cao hơn. Nhờ vậy mà Thái Bình là tỉnh đầu tiên của miền bắc đạt năng suất năm tấn lúa trên một hec-ta vào những năm chiến tranh.

Đó là câu chuyện của năng suất lúa. Để đạt được năng suất cao thì người nông dân phải đáp ứng tốt bốn điều kiện: nước – phân – cần (chuyên cần) – giống. Câu chuyện tản mạn của tôi hôm nay xin nói về điều kiện thứ hai: PHÂN.

Người Thái Bình vì thế mà quý phân lắm. Nói phân cho nó “văn hóa” một chút, chứ nói nôm na, dân dã là “cứt”. Cứt người, cứt trâu bò, cứt lợn gà. Cứt gì cũng quý! Có lần tôi từ Nam Định qua phà Tân Đệ (lúc đó chưa có cầu Tân Đệ), bước vào đất tỉnh tôi đã ngửi thấy một mùi rất khó chịu của cứt bốc lên từ các ruộng lúa, ruộng khoai.

Ngày còn nhỏ, tôi theo chú tôi đi học ở một huyện H.H., ở vùng này, các cô gái mà không biết hoặc không làm cái việc “gắp phân” (tức là đi nhặt phân do người ta phóng uế trên cánh đồng) thì khó mà lấy được chồng. Vì thế tỉnh tôi mới có câu ca đậm chất địa phương và dân dã như sau:

Con gà mày gáy o o

Mẹ ơi trở dậy lấy gio (tro) tráng giành

Có đi thì đi cho nhanh

Kẻo chó ăn hết vác giành về không.

Giành là cái rổ rất nông, đáy phẳng, trên lót lá chuối cho khỏi lọt tro, trên nữa là một lớp tro để bỏ phân cho khỏi dính vào giành. Một bộ đồ nghề gồm, ngoài hai cái giành có quang treo và chiếc đòn gánh bằng tre còn có đôi que để gắp phân, thường được làm từ hai chiếc xương sườn của trâu bò, vừa bền vừa dễ làm sạch.

Nơi chú tôi dạy học, còn có một ông giáo người địa phương nữa, ông có hai cô con gái, tuy là con gái ông giáo nhưng sáng sáng hai chị em vẫn mỗi người một đôi giành ra cánh đồng để nhặt phân rồi mới về đi học. Đó là chuyện rất bình thường trong xã hội của tỉnh tôi, không ai chê cười ai về công việc đó. Họ chỉ cười chê những người lười biếng thôi. Thời đó, ít nhà có cầu tiêu riêng, việc phóng uế thường thực hiện vào buổi sáng sớm, trên bờ ruộng ở giữa cánh đồng cho kín đáo một chút. Người ta coi việc đi ỉa ngoài đồng là một trong hai cái khoái, nên mới có câu tục ngữ: “Thứ nhứt – đỗ Quận công; thứ nhì – ỉa đồng”.

Vào thời điểm này thường diễn ra một cuộc tranh giành giữa người và chó, có khi là giữa chó và chó. Những con chó cũng nắm được quy luật của con người nên chúng cũng mò ra đồng sớm lắm. Cả người và chó cùng đứng cách xa người ngồi phóng uế một quãng vài chục mét để chờ, để đợi, khi người kia vừa kéo quần lên là cả người và chó xông tới. Con người luôn chiến thắng, vì con chó sợ cái đòn gánh của con người huơ huơ lên như đao kiếm vậy. Giữa người với người thì không bao giờ xảy ra tranh chấp, song giữa bọn chó với nhau thì chúng tranh giành và cắn xé nhau một cách quyết liệt, giữa chúng với nhau làm gì có chuyện nhường nhịn.

Nhiều người chỉ thấy đức tính tốt của chó, nào là dũng cảm, nào là trung thành. Song nào ai thấy cái tính ích kỷ của chúng. Chúng chỉ trung thành với người nào bố thí miếng ăn cho chúng hàng ngày, và cũng chỉ dũng cảm bảo vệ chủ của chúng, tức là người nuôi nấng chúng. Chúng không thể phân biệt được đâu là người thân, sơ với chủ, bất kỳ ai bước chân vào lãnh địa của chủ là chúng sủa để đuổi người đó đi, bất kể người đó có khi là người thân, là thầy, là ân nhân của người chủ nuôi nấng chúng.

Đó là chuyện về những con chó thời xa xưa, cái thời đất nước chìm trong chiến tranh và nghèo đói. Ngày nay nhiều người đã coi những chú chó là bạn, chúng được ôm ấp, được vuốt ve, được chăm bẵm, được tắm rửa và mặc áo ấm mùa đông, rồi đi chơi đi dạo cùng với chủ. Nghe nói ở Mỹ, chó còn được xếp trên những đàn ông chúng ta, theo một trật tự ưu tiên: Trẻ em – Phụ nữ – Chó – Đàn ông! Thức ăn của chó thời nay cũng sang ra phết, vì nhà ai cũng có cơm, có thịt, có cá, không nhiều thì ít, chưa kể lại có thức ăn chế biến sẵn cho chó nữa. Câu nói: “khổ như con chó”, nay xin đổi thành “khổ như những người nghèo ngày xưa”.

Các bạn yêu quý chó thân mến, nếu các bạn phật lòng vì tôi kể lại cuộc sống của chó ngày xưa thì mong các bạn lượng thứ.

Tháng Hai năm Mậu Tuất

Ph. T, Kh.

One comment

  1. Tư tưởng của người viết bài này có vấn đề thì phải, anh có bt là chó dù thông minh cũng chỉ là động vật với trí thông minh của 1 đứa trẻ 2-3 tuổi mà anh đòi nó phải nhận bt đâu là bạn là ân nhân của chủ thì tui cũng đến lạy anh. Tất nhiên nếu anh lại nhà nó chơi tầm vài lần thì chúng sẻ quen và ko sủa nữa trừ những con khó tính và cọc (con người cũng vậy thôi)

Add a Comment

Your email address will not be published.