BẦN CÙNG

Thực dân Pháp

NGƯỜI NƯỚC NGOÀI NÓI VỀ CHÚNG TA

BẦN CÙNG

Đã không ít lần nghe được mấy kẻ vong nô phàn nàn rằng, “người ta mong mời Pháp với Mỹ vào chẳng được, Việt Nam lại đánh đuổi Pháp, Mỹ đi”. Chao ôi, nghe mà muốn ứa gan!

Biết mình tài hèn trí mọn, không đủ lí lẽ để phản bác lại, nên tôi đành mượn lời ông Tây Claude Bourrin, một người Pháp nổi tiếng thời còn mồ ma thực dân Pháp, (đến mức tên ông ta đã được đặt cho một phố ở Hà Nội, phố Bourrin, nay đổi thành phố Yên Ninh) được ghi trong cuốn “Đông Dương ngày ấy” . Cốt lấy cái oai của ông Bourrin để cho mấy người chuộng ngoại, mấy kẻ vong nô nó tin và nó nể, chứ tôi mà nói thì có chó nó nghe!

Ông ấy viết về dân An Nam mình thời nước ta được Pháp khai hóa thế này:

“Để cụ thể hóa cái hố ngăn cách người Pháp với đám dân nghèo mạt, tôi nhớ rõ lúc đó cảnh sát sẽ bắt giữ bất cứ người An Nam nào nếu tìm được trong nhà người đó có các đồ vật làm ở châu Âu như: thìa, dĩa, đèn, khăn ăn, đồng hồ quả lắc, quần áo v.v… Nếu cho người bồi một cái đồng hồ để đi làm đúng giờ, người chủ phải cho anh ta một giấy chứng nhận. Thậm chí một đôi giày kiểu châu Âu là một thứ xa xỉ người An Nam không thể nào có được. Khi Paul Doumer (Toàn quyền Pháp) lần đầu tiên tới Bắc kỳ, một họa sĩ biếm họa đã vẽ ông ta đi giữa hai hàng lính rách rưới người bản xứ và phụ chú: ‘Nhất thiết phải cấp giày cho những người này’

“Người An Nam đầu tiên mặc quần áo kiểu châu Âu năm 1900 là một người bồi trên tàu thủy từ Pháp về. Khi xuống tàu, những người đồng hương của anh ta tụ tập lại xem. Họ trầm trồ và chờ cảnh sát tới bắt anh ta” (vì anh ta mặc quần áo Tây) …

(Hết trích)

Lời bàn:

Người xưa có câu nói: “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay…”, từ câu thành ngữ này, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Đắng cay lắm mới ngọt bùi đó chăng?”. Những người trẻ ngày nay đang có một cuộc sống, chẳng phải đã nhiều ngọt bùi như những nước giàu có, song cũng chẳng đến nỗi chịu cảnh đắng cay, chẳng phải nhìn cảnh hơn hai triệu người chết đói năm 1945, không phải nghe người Pháp chửi người An Nam ta là “mẹc xà-lù” (Tiếng Pháp: “merde – mẹc” nghĩa là “cứt”; và “salaud – xà lù” nghĩa là “đồ khốn”. Theo giải thích của news.zing.vn). Khi đó người ta chửi mình thì mình phải nín, ngày nay bất cứ người ngoại quốc nào chửi mình như vậy thì liệu ta có để yên? Thế nghĩa là gì? Là từ địa vị một kẻ nô lệ tiến lên vị trí của người chủ.

Ấy thế mà, lại có những kẻ vẫn muốn được làm một người nô lệ, thích được chăn dắt, thích được sai bảo miễn là được bố thí…!

Tháng Ba, 2018

Ph. T. Kh

Add a Comment

Your email address will not be published.