Mỹ không có mức sống cao nhất thế giới

Than ve nu

23 VẤN ĐỀ HỌ KHÔNG NÓI VỚI BẠN…

Ha-Joon Chang

Vấn đề thứ 10 – “Mỹ không có mức sống cao nhất thế giới”

Những điều họ nói với bạn:

Mặc dù gặp phải những vấn đề kinh tế gần đây, Hoa Kỳ vẫn được hưởng mức sống cao nhất thế giới. Theo tỷ giá hối đoái trên thị trường, có một số quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với Mỹ. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét thực tế rằng cùng đồng đô-la (hoặc bất cứ loại tiền tệ phổ biến nào mà chúng ta lựa chọn) có thể mua được nhiều dịch vụ và hàng hóa ở Mỹ hơn so với các nước giàu khác, thì ra Mỹ lại có mức sống cao nhất thế giới, trừ đất nước nhỏ bé Luxemburg. Đây là lý do tại sao các nước khác đang tìm cách cạnh tranh với Mỹ, minh họa tính ưu việt của hệ thống thị trường tự do, mà Mỹ là một đại diện gần như (nếu không muốn nói là hoàn toàn) hoàn hảo.

Những điều họ không nói cho bạn biết:

Một công dân Mỹ bình thường có nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn những công dân bình thường ở bất kỳ nước nào khác trên thế giới, ngoại trừ Luxemburg. Tuy nhiên, do tình trạng bất bình đẳng cao của nước này, những công dân bình thường này không điển hình cho lối sống của người dân nói chung bằng những công dân bình thường ở các nước khác với sự phân phối thu nhập bình đẳng hơn. Sự bất bình đẳng cao hơn cũng là nguyên nhân sâu xa của các chỉ số sức khỏe kém hơn và con số thống kê tội phạm tồi tệ hơn ở Mỹ. Hơn nữa cùng một đồng đô la mua được nhiều thứ ở Mỹ hơn so với hầu hết các nước giàu khác, nhờ tỷ lệ nhập cư cao hơn và điều kiện làm việc nghèo nàn hơn. Hơn nữa giờ làm việc của người Mỹ dài hơn đáng kể so với người châu Âu. Nhu cầu của họ về hàng hóa và dịch vụ trong giờ làm việc nhỏ hơn so với một số quốc gia châu Âu. Trong khi chúng ta có khả năng tranh luận xem đâu là lối sống tốt hơn – nhiều của cải vật chất nhưng ít thời gian giải trí hơn (như ở Mỹ) hay ít của cải hơn nhưng nhiều thời gian giải trí hơn (như ở châu Âu) – điều này cho thấy rằng Mỹ không có mức sống cao hơn rõ rệt so với các nước giàu có khác.

Lời bình:

Trong thế kỷ 19, thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ vẫn ở mức trung bình của châu Âu và thấp hơn khoảng 50% so với Anh và Hà Lan. Nhưng ở Mỹ, đất đai rộng lớn, nhân công thiếu, vì thế giá nhân công cao, thu hút một lượng lớn người di cư từ châu Âu; ở đó lại vắng bóng tàn dư phong kiến, có nghĩa là đất đai của Mỹ có tính linh hoạt xã hội cao hơn.

Thị trường lao động tự do cộng với việc tuyển dụng và sa thải dễ dàng, vì thế mà tính cạnh tranh cao hơn, công nhân phải thích nghi một cách nhanh chóng hệ thống này, tạo ra sự bất bình đẳng cao.

Bây giờ một số quốc gia châu Âu có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Mỹ. Lấy số liệu năm 2007 của WB để chứng minh, Mỹ là 45.040 đô la, Na Uy – 76.450 đô la, tiếp theo là Luxemburg, Thụy sĩ, Đan Mạch, Iceland, Ireland và thấp nhất là Thụy Điển cũng có thu nhập bình quân là 46.060 đô la.

Tất nhiên có bạn không đồng ý với nhận xét đó, vì bạn sẽ nói rằng, bạn đi taxi ở Thụy Sĩ, đắt hơn ở Mỹ. Lấy cùng một quãng đường 8 km, bạn đi taxi ở Thụy Sĩ phải trả 35 đô la, tại Boston (Mỹ) bạn chỉ phải trả 15 đô la. Ở Oslo (Na Uy), bạn phải trả tới 100 đô la. Giá cả trên thị trường phải theo quy luật cung cầu, sự chênh lệch về giá ấy chứng tỏ, chi phí nhân công ở các nước đó cao hơn ở Mỹ, tức là lái xe ở các nước Thụy Sĩ, Na Uy… có mức lương cao hơn. Như vậy, nếu bạn là khách đi xe thì sẽ là rất tuyệt vời, nhưng sẽ là không tốt nếu bạn là lái xe hoặc nhân viên phục vụ bàn ở Mỹ. Ở đó thời gian làm việc của bạn dài hơn 10% so với châu Âu và 30% so với Hà Lan và Na Uy. Nhưng nếu bạn đem theo 100 đô la để du lịch ở Mexico hoặc Thái Lan thì, 100 đô la đó có thể mua được dịch vụ mà bạn ở Mỹ phải trả tới 200 đô la, thậm chí tới 300 đô la.

Các nhà kinh tế đã đưa ra một ý tưởng về “một đồng đô la quốc tế”, dựa trên ý niệm về ngang giá sức mua (PPP), nghĩa là đo giá trị của một đồng tiền theo khối lượng hàng hóa chung mà nó có thể mua được ở các nước khác nhau, mục đích là để có một thước đo chung về mức sống của các nước. Kết quả của sự chuyển đổi thu nhập của các nước khác nhau ra đồng đô la quốc tế, là thu nhập của các nước giàu có xu hướng trở nên thấp hơn so với thu nhập của họ tính theo tỷ giá hối đoái trên thị trường, trong khi thu nhập của các nước nghèo có xu hướng trở nên cao hơn. Nguyên nhân là vì rất nhiều những thứ chúng ta tiêu thụ là dịch vụ, trong khi dịch vụ ở các nước giàu thường đắt đỏ hơn nhiều.

Nếu tính bình quân theo ngang giá sức mua cao nhất như nói ở trên, thì Mỹ chỉ đứng thứ 30 trên thế giới theo thống kê trong lĩnh vực y tế (tuổi thọ và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh). Tình trạng bất bình đẳng tạo ra tỷ lệ tội phạm cao, tính bình quân đầu người, Mỹ có số tù nhân cao hơn tám lần so với châu Âu và mười hai lần so với Nhật Bản – cho thấy Mỹ có số dân nghèo đói lớn hơn rất nhiều./.

Ph. T. Kh. (Trích)

Hình trong bài: Nguồn internet

Kỳ sau: Châu Phi không phải dành cho sự kém phát triển

Add a Comment

Your email address will not be published.