NHÀ BÁO MÀ KHÔNG THUỘC SỬ

30_4
CÂU CHUYỆN THÁNG TƯ
NHÀ BÁO MÀ KHÔNG THUỘC SỬ
 
Hôm qua coi một clip ở “bển”, người ta phỏng vấn một nhà báo Mỹ gốc Việt tên là Kh. Đ. về chuyện thời sự gì đó. Tôi loáng thoáng nghe ông nói: “Chính quyền miền nam làm tay sai cho Mỹ, còn miền bắc làm tay sai cho Nga Xô”. Đó là nhận thức của ông, cũng là trình độ văn hóa của ông, và cũng có thể là ông không thích chúng tôi. Thôi, kệ ông!
 
Chỉ có điều, cũng nên nhắc lại lịch sử Việt Nam của ta một chút.
Nếu không tính các cuộc kháng chiến chống phương Bắc, từ khi Pháp đặt chân lên nước Việt Nam (năm 1858), từ đó về sau có bao nhiêu cuộc khởi nghĩa chống Pháp để dành độc lập cho dân tộc.
 
Nào là, cụ Hoàng Hoa Thám, Hùm xám rừng Yên Thế.
Nào là cụ Phan Đình Phùng.
Nào là ông Tổng đốc Nguyễn Tri Phương.
Nào là vua Hàm Nghi.
Và vân vân. (Hãy đọc lại sử nước nhà để mà nhớ và tự hào).
 
Xin nhớ, những vị anh hùng dân tộc này vẫn được nêu tên trong trang sử vàng của dân tộc, tất cả đều không phải là Cộng sản, nhưng đều có ý chí dành độc lập cho dân tộc. Hồ Chí Minh chỉ là người kế tục sự nghiệp độc lập dân tộc mà các vị tiền bối chưa đạt ý nguyện. Nếu không có Hồ Chí Minh thì chắc chắn cũng sẽ có những người Việt Nam khác. Dân tộc mình là thế!
 
…Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có…
(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)
 
Sở dĩ, các cuộc khởi nghĩa của các vị tiền bối không thành công là vì thiếu một chính đảng lãnh đạo. Chính đảng không có nghĩa cứ phải là Cộng sản, Cộng sản cũng chỉ là một cái tên, như Hồ Chí Minh nói: “Đảng của tôi là đảng Việt Nam”, và cũng có thể là gì gì đó, miễn là đảng đó trở thành hạt nhân để lãnh đạo phong trào cách mạng. Biết như vậy, nên chính quyền của các nước cũng được lãnh đạo hoặc bị chi phối bởi một đảng cầm quyền.
Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng làm tay sai cho ai cả. Để bị gọi là tay sai thì, có mấy yếu tố – Chính quyền phải do nước đô hộ (tạm gọi như vậy) dựng nên và nuôi dưỡng cả bộ máy cầm quyền và lực lượng vũ trang. Điều này thì không thấy có ở đảng Cộng sản. Từ khi đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (năm 1930), và cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật (năm 1945), sau đó tiến hành đấu tranh vũ trang (năm 1946 – 1975), là một cuộc kháng chiến toàn dân. Cho mãi đến năm 1950 (5 năm sau khi giành chính quyền) thì Liên xô và các nước XHCN mới lần lượt công nhận Chính phủ nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, tức là mới có quan hệ ngoại giao và mới có sự chi viện cho cuộc kháng chiến của Việt Nam. Rồi khi Việt Nam dành được độc lập và thống nhất đất nước, chúng ta cũng chẳng phụ thuộc vào một nước nào nhất định. Và cũng chẳng có “ông thầy” nào đến bảo chúng ta phải làm thế này thế nọ. Lơ mơ, đụng vào chủ quyền còn bị nện nữa cơ!
 
Độc lập và bình đẳng, đó là vị thế của nước Việt đang đứng trong thế giới ngày nay.
 
Không những thế, Hồ Chí Minh còn đề nghị với Chính phủ pháp thời đó công nhận nền độc lập của VN trong khối Liên hiệp Pháp, và đề nghị Tổng thống Mỹ lúc đó là Eisenhower giúp đỡ cho cuộc kháng chiến, song tất cả đều bị từ chối.
 
Còn Chính quyền Sài gòn, nếu ngược lại lịch sử, vua Bảo Đại chỉ là một ông vua bù nhìn, mọi quyết định nằm trong tay thực dân Pháp (xin đọc cuốn “Xã hội Việt Nam từ thế kỷ 17” của Nguyễn Trọng Phấn và cuốn“Đông Dương ngày ấy” của Claude Bourrin). Quân đội quốc gia cũng do Pháp nuôi dưỡng. Đến thời đệ nhất Cộng hòa, chính người Mỹ đã đưa ông Ngô Đình Diệm về và hất cẳng vua Bảo Đại, tức là hất cẳng Pháp khỏi Đông Dương hoàn toàn. Khi ông Ngô Đình Diệm nhen nhúm tư tưởng dân tộc, muốn Mỹ rút đi thì lập tức bị đảo chính và bị giết. Đó chẳng phải là triệt hạ một bộ máy tay sai này để dựng lên một bộ máy tay sai khác hay sao? (xem “Khi đồng minh nhảy vào” sách của Ng. Tiến Hưng). Sau khi gia đình ông Ngô Đình Diệm bị sát hại, chính Mỹ đã tiếp tục nuôi dưỡng những phe phái để khống chế những người lãnh đạo thuộc nền đệ nhị Cộng hòa. Chỉ trong vòng 20 tháng, đã trải qua hơn 10 biến cố chính trị, 6 chính phủ được thành lập. Cuối cùng, Mỹ bị buộc phải bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa mà tháo chạy khỏi Việt Nam vào năm 1973.
 
Nhớ những ngày của năm 1973 và đầu năm 1974, ông Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng trưởng Kinh tế dưới thời ông Nguyễn Văn Thiệu đã “cơm đùm cơm nắm”, vận động hành lang quốc hội Mỹ để Chính quyền Mỹ tiếp tục viện trợ cho miền nam Việt Nam, nhưng “tay trắng vẫn hoàn tay trắng” (xin đọc cuốn “Khi đồng minh tháo chạy” của Ng. Tiến Hưng). Ông Nguyễn Văn Thiệu than thở “Đồng minh đã bỏ rơi chúng ta rồi!”, và ông còn nói “Nếu Mỹ cho 700 triệu (Mỹ kim) thì đánh theo kiểu 700 triệu, nếu chỉ có 300 triệu thì đánh theo kiểu 300 triệu!”.
 
Chỉ nội một câu nói đó cũng đã thể hiện đầy đủ là một chính phủ đánh thuê rồi. Khác nào người đi làm thuê bảo ông chủ đưa bảy trăm đồng thì tôi làm tốt hơn, đưa ba trăm thì tôi chỉ làm có vậy! Tất cả phụ thuộc vào ông chủ, tức là làm theo ý muốn của ông chủ. Vậy mối quan hệ đó là gì?
 
Tháng Tư, 2018
Ph. T. Kh.

Add a Comment

Your email address will not be published.