Bài kệ của thiền sư Mãn giác

Thiền

 Bài kệ của thiền sư Mãn giác

(Tản mạn của tuổi già )

 Trước hết xin phân biệt thơ và kệ . Kệ là một thể loại văn học Phật giáo được thể hiện bằng văn vần hoặc thơ, nhằm diễn giải một ý tưởng hay truyền bá về nhân sinh quan,vũ trụ quan.. . nào đó trong kinh  Phật ( Nói thế không có nghĩa là thơ không hàm chứa tư tưởng Phật giáo , ngược lại kệ cũng có thể là thơ).  Kệ “thị tịch” là các bài kệ nói (hay viêt) của các  vị cao tăng  trước khi viên tịch (tương tự như một lời di chúc) để lại cho các đệ tử, các tăng ni phật tử . Kệ nói chung rất hàm xúc, đa nghĩa nên có thể rất khó hiểu . Nghĩa “hiện” được nhận biết qua câu chữ, nghĩa    “ẩn” mang tính thuyết lý, hành đạo….Khi đọc kệ phải đặt  bài kệ vào hoàn cảnh chúng đang thực hiện nghi lễ thì mới hiểu đúng nội dung ,nếu tách khỏi  nghi lễ cụ thể đó  bài kệ có thể hiểu lệch nghĩa mà tác giả mong muốn. Kệ bao giờ cũng gắn với triết học của Phật giáo, do vậy phải cảm nhận nội dung của chúng bằng những khái niệm, thuật ngữ, điển cố … của Phật học.

     Mãn Giác Thiền Sư  (1052 – 1096 )

Mãn Giác tên tục là Nguyễn Trường ( Lý Trường ), thân phụ là Lý Hoài Tố làm Trung thư Viên ngoại lang. ( bộ Lại, hàm tam phẩm) đời Lý Nhân Tông. Vua thường cho con em các danh gia vào hầu , Nguyễn Tường thông tuệ nhờ đọc nhiều, nhớ kỹ thông hiểu cả Nho, Phật nên được đi theo chầu và được tuyển vào cung  (lúc đó nhà Lý chưa mở kỳ thi hội) .Năm 22 tuổi, Lý Trường xin xuất gia. vua chấp nhận. Sau khi đắc đạo đã được Lý Nhân tông cùng hoàng hậu hết sức kính nể, đã dựng chùa ngay trong nội cung làm  nơi thờ Phật,nơi tu hành ,truyền giáo và thỉnh thiền sư về trụ trì. Ông mất năm 46 tuổi và đươc vua ban (tên) thụy là Mãn Giác (tạm hiểu là thông tuệ đỉnh cao)

Mãn Giác  là tu sĩ (đương nhiên) nhưng cũng  là thi sĩ , đã để lại bài  thơ , câu thơ hay ví như :Sông cũng say theo thuyền rượu tới  / Lối còn ngát mãi cánh hoa đi (dẫn theo Ngô Minh trong bài Đôi điều về thơ Việt hôm nay). Nhưng có lẽ hay nhất là bài kệ bằng chữ Hán :

          Cáo tật thị chúng

                   Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

              Dịch nghĩa

Cáo bệnh đến mọi người Xuân đi, trăm hoa rụng, / Xuân đến, trăm hoa nở./ Việc đời theo nhau trôi qua trước mắt, / Tuổi già hiện đến  trên mái đầu. / Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết,/ Đêm qua, một cành mai đã nở hoa trước sân.
Kệ thường không có đầu đề, nếu có phần lớn được đặt sau, dựa vào nội dung, hoàn cảnh ra đời …của nó. Nhưng chính vì đặt đầu đề nên đã hướng người đọc cảm thụ như một bài thơ có nội dung của đề.  Riêng bài kệ của Mãn Giác có thể đầu đề đã được đặt trước , căn cứ vào các từ ngữ và ý tưởng  được thiền sư cân nhắc chọn lọc rất kĩ lưỡng.  Với một người giác ngộ ở đỉnh cao của trí tuệ [mãn giác] cộng với tài hoa nên người đọc  lại có thể cảm thụ bài kệ này như thưởng thức một bài thơ hay . Có thể “minh họa ” điều này bằng bản dịch của Tản Đà:

Xuân đi muôn vạn hoa tàn

Xuân về thắm lại ngập tràn những hoa

Việc đời thế sự đã qua

Trên đầu tuyết điển một và cọng sương

Chờ cho xuân hết hoa tàn

Đêm qua sân trước nở vàng cành mai

Tuy nhiên thiền sư không có ý định làm thơ. Có thể đoan chắc rằng thiền sư vào một lúc tâm tư tĩnh lặng  nhất, khi những thăng trầm  thế sự không làm bận lòng nũa, như đứng ngoài đời để nói về đời ….Bài kệ  trở thành những lời dạy cuối cùng ân cần, cảm động của thiền sư để lại cho đệ tử , các tăng  ni, phật tử và tất cả mọi người có thể chiêm nghiêm .

 Câu 1 và 2:  Xuân khứ bách hoa lạc, Xuân đáo bách hoa khai          Tác giả đưa ra quy luật  của tự nhiên  Xuân đi trăm hoa rụng. Xuân đến trăm hoa nở. Mỗi năm,  xuân đi (khứ), rồi xuân đến (đáo). Sự luân chuyển này, biểu hiện qua  hình ảnh trăm hoa rụng (bách hoa lạc), trăm hoa nở (bách hoa khai),lạc  (rụng) để có khai (nở), có khứ (đi) để đáo (đến) quy luật này bất biến  chẳng trừ ai, đấy là quy luật khách quan  .

Câu 3 – 4  Sự trục nhãn tiền quá,/ Lão tùng đầu thượng lai.: Sự trục nhãn tiền quá  (Việc đời theo nhau qua trước mắt / Tuổi già hiện đến trên mái đầu); cụm từ nhãn tiền nghĩa đen là “trước mắt” nhưng còn có nghĩa khác là “hiển nhiên”, thiền sư muốn nói cái quy luật này quá rõ ràng ai cũng nhìn thấy, nó là tất yếu, nó mặc định cho ý tưởng của hai câu trên .  Có điều tác giả lại đặt “ngược”  đi rồi đến , rụng rồi nở; vì vậy hoàn toàn hữu lý khi có người cho rằng tác giả muốn nhắc nhở đến chúng sinh thuyết luân hồi của đạo Phật . Hoa tàn rồi hoa  nở. Con người sinh ra, già đi , bệnh tật rồi chết, luân hồi tới kiếp sau. Tuy nhiên đọc kỹ từng câu lại cảm thấy không phải chỉ có thế, phải chăng tác giả còn muốn nói tới thiên nhiên , tới mùa xuân, một quan niệm mới về lẽ sống, một thái độ lạc quan coi sư sống là bất diệt.  Nói về nghệ thuật của hai câu này một chút , nếu đổi thứ tự của hai câu đầu  Xuân đáo bách hoa khai / Xuân khứ bách hoa  lạc  thoạt  đọc nghĩa không đổi thậm chí còn hợp với quy luật thời gian đến rồi đi, hoa nở rồi rụng, phù họp với quy luật tuần hoàn.  Nhưng đó sẽ là sự vận động của tự nhiên xuân tới rồi xuân qua, hoa nở rồi hoa rụng, thì có cái gì như nuối tiếc, như mất mát. Đặt theo tác giả xuân đi rồi xuân tới , hoa tàn rồi hoa nở rõ ràng là lạc quan hơn. Đâu có phải chỉ là chuyện đặt trước sau của câu chữ?   [Nói ra ngoài một chút để minh họa thêm : Có một nhà thơ  nổi tiếng viết về sự sống và cái chết của một nhân vật cũng nổi tiềng , – nhân vật này đã hi sinh khi thực hiên một công vụ – đã từng viết : … Có cái chết  trở thành bất tử … , thế mà khi kết luận  lại viết …  Sống như chết anh hùng vĩ đại …. Sau khi bài thơ đươc công bố , có nhiều lời bàn tán , nhà thơ đã chữa lại  Chết như sống anh hùng vĩ đại ]
             Có tác giả đã đặt vấn đề với hai câu này : có phải ông mượn ý của nhà   thơ  La Ẩn (nhà thơ đời Đường- TQ ) trong bài : Thủy biên ngẫu đề –      Dã thủy vô tình khứ bất hồi / Thủy biên hoa hảo vị thùy khai / Chỉ tri sự trục nhãn tiền khứ /  Bất giác lão tòng đầu thượng lai/ Cùng tự  Khâu ,Kha hữu thán tức / Đạt như Chu ,Triệu diệc trần ai /Tư lương thử lý hà nhân hội / Mông ấp tiên sinh tối hữu tài

Dịch Nghĩa:  Ngẫu nhiên đề thơ ở ven sông – Làn nước hoang sơ vô tình đi không trở lại,/ Ven  sông hoa đẹp nở cho ai?/ Chỉ biết sự việc trước mắt cứ trôi đi mãi/  Chợt thấy trên đầu tóc báo cái già đã tới. /Cùng quẫn như Khâu , Kha thì cũng dừng lại đừng than thở/ Thành đạt như Chu ,Triệu thì cũng như tro bụi thôi./ Suy ngẫm lẽ đời như thế / Chỉ  tiên sinh Mông Ấp có đủ tài mới rõ.( có thể hiểu ý  câu này: Không biết có ai hiểu  rõ mà chia sẻ không?)
                  (Chú thich: Các danh nhân:  Khâu – Khổng tử, Kha – Mạnh tử, Chu – Trang tử, Triệu , Mộng ấp chưa biết là ai) 
               Nguyên tác bài thơ là một tâm trạng cô đơn của tác giả, đứng bên ngoài cuộc đời (hay bị cuộc đời bỏ rơi) nên  thở than . Nếu so sánh La ẩn với thiền sư ta thấy, hai người có tư tưởng khác nhau. Một  nhà thơ hoang mang, hốt hoảng  chỉ biết (Chỉ tri ) , rồi chợt thấy (Bất giác) trước cuộc đời, La ẩn đã bàng hoàng thốt lên Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh [Kiều] ; còn thiền sư không  nhận thức cuộc đời như vậy ông ung dung tự tại viêc đời qua đi thì cái già đến . Ông hiểu con người nói riêng và muôn loài nói chung luôn luôn vận hành theo quy luật. Cho nên, nhìn bên ngoài dù có cùng  ngôn từ của người đi trước ông không chỉ diễn đạt bằng  thể loại khác nhau mà chủ yếu là  ý tưởng khác nhau . La ẩn làm thơ , Mãn giác tụng kệ theo cách riêng để giảng giải cho môn đệ về quy luật của tạo vật, mà đã là quy luật thì phải bình tĩnh mà chấp nhận .  .                    

Câu 5 và 6 : Hai câu  kết thúc bài kệ, thiền sư đưa ra : Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết / Đêm qua, một cành mai đã nở hoa trước sân. Viết về mai nở sớm (tảo mai), nhiều người đã viết và viết hay. Có tác giả đã đặt vấn đề : hai câu này có phải ông mượn ý trong bài thơ Tảo mai của nhà thơ Tề Kỉ  (đời Đường – Trung quốc). Toàn văn bài thơ đó như sau :  Tảo mai:  Vạn mộc đồng dục chiết/ Cô căn  noãn độc hồi / Tiền thôn thâm tuyết lý / Tạc dạ sổ chi khai (*) / Phong đệ u hương xuất /Cầm khuy tố diễm lai / Minh niên như ứng luật / Tiên phát Vọng Xuân đài.

Dịch nghĩa:    Mai nở sớm.  Hàng vạn cây lạnh cóng gần như sắp gẫy gục / Riêng có một gốc hơi ấm đã tụ về / Thôn trước chìm trong tuyết dày / Đêm qua vài cành mai hoa nở / Gió truyền đi hương thơm kín đáo . Chim chóc đã nhận ra vẻ đẹp đã trở lại / Năm tới cứ theo luật tạo hóa / Mà nở ở trước đài Vọng xuân

Xem lại bài Tảo mai của Tề Kỉ  với  bài kệ của thiền sư,  cũng thấy hai người khác nhau về tư tưởng. “Vạn cây ( mai ) bị cóng đến muốn chết, Riêng  một gốc hơi ấm đã tụ về. Trước thôn trong tuyết thẳm, đêm qua một số nhành (mai) nở.  Rõ ràng, thi sĩ  sững sờ khi ông biết xuân chưa về và đêm qua trong tuyết thẳm, có một số nhành mai nở hoa. Có tài liệu cho biết ông đi tu do hoàn cảnh éo le  nào đó nên ông tức cảnh sinh tình, tiếc cho mai (mà cũng là tiếc cho mình ) ông muốn gửi gắm và cũng muốn hóa thân vào cây mai kia.   Mà tiếc thay cây mai đó lại nở hoa ở nơi thôn dã heo hút chìm trong tuyết dầy; có  phải cũng như thân phận , cuộc đời,sự nghiêp của ông chẳng ai người biết đến, cho  nên ông (Tề Kỷ) mong ước năm tới , mai sẽ nở trước đài Vọng xuân?. Ta có thể nghĩ đến phải chăng ông Tuy vui cánh phật chưa nguôi lòng trần ? [Lê Thánh tông] .Trái lại với thiền sư hai câu  thơ cuối, tác giả mượn việc miêu tả thiên nhiên mà nói đến một quan niệm triết lí trong Phật giáo; khi con người đã  ngộ đạo (hiểu được chân lí và quy luật) thì có sức mạnh lớn lao, vượt lên trên cả lẽ sinh diệt thông thường , như  nhành mai kia cứ tươi mới bất kể xuân tàn.

Tóm lai bài kệ thị tịch của thiền sư ,  bốn câu đầu là hình ảnh diễn tả tính chất vô thường, của mọi sự vật  hiện hữu trong không gian, thời gian. Xuân đến rồi xuân đi, hoa nở rồi hoa rụng. . có sinh thì có diệt,  Sự việc cứ trôi đi trước mắt.  Sinh, lão, bệnh, tử, đó là nguyên lý tự nhiên, lẽ thường, vốn như thế,   không gì có thể làm thay đổi, không ai có thể mặc cả trả giá mua bán .  Tất cả cảc hiện hữu là vô thường, chẳng có gì tồn tại vĩnh hằng . Hai câu cuối Thiền sư đắc đạo trở về với vĩnh hằng, không sinh, không diệt như  nhành mai kia cứ tươi mới bất kể xuân tàn. Hoa vẫn nở đấy: Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân. Mãn Giác  đã vượt qua cái vô thường, vượt qua tử sinh,            

Bài kệ được viết khi nhà thơ đau bệnh nặng nhưng nó vẫn toát lên sự bình thản yêu đời, xuất phát từ một trạng thái tinh thần khoẻ mạnh, đạt đến độ tự tại ung dung.. Và theo quan điểm của Phật giáo: bài kệ chính là sự trải nghiệm,  là cái mà tác giả muốn cho đệ tử thấu hiểu trước khi thầy “thị tịch”; khẳng định sự trường tồn của vạn vật trước những thay đổi của thiên nhiên, của cuộc đời. Trước những quy luật tất yếu đó muốn  cho lòng thanh tịnh, có sự an nhiên tự tại, nhìn thấy sự đổi thay của thời cuộc mà không hề vướng bận. Đó là cái nhìn trẻ trung của một người tuổi già đã đến và sắp “đi xa”. Trong cái nhìn ấy mùa xuân, cái đẹp vẫn tồn tại , sự sống vẫn tươi mới , dù tất cả sẽ qua đi theo quy luật tự nhiên .             Lạ mà quen : Đêm qua, sân trước, một cành mai nở hoa

Bài kệ thể hiện rất rõ lòng yêu đời với cái nhìn lạc quan của thiền sư. Niềm yêu đời tươi sáng ấy được thể hiện qua cách nói khẳng định, qua các hình tượng thiên nhiên mang vẻ đẹp tươi tắn, gợi lên sự cảm nhận về sự sống sinh sôi và bất diệt. Quy luật của cuộc đời là sinh – tử – sinh nhưng bài thơ mở đầu  bằng “xuân tàn” và kết thúc bằng “một nhành mai” tươi. Đó là một cách nhìn lạc quan. Con người cũng vậy,  theo thời gian mà tiến rồi suy . Sinh ra rồi lớn lên đó là giai đoạn tăng trưởng, thoáng chốc đầu bạc, da nhăn, già rồi chết, đó là giai đoạn suy giảm. Như vậy thì sự vật và con người đều bị thời gian chi phối đổi thay không ngừng. Cuộc đời là một dòng vô thường , không có quyền năng nào làm cho nó dừng lại. Thế nên già – bệnh –  chết là chuyện dĩ nhiên,  phải sẵn sàng chấp nhận. Chấp nhận trong tinh thần vui vẻ mới là người biết sống . Gìà -bệnh – chết  mà buồn than, đó có là chưa biết sống, bởi chưa biết sống cho nên phải tiếp tục sống hoài.

  Xuân khứ xuân lai đều vô thường. Hoa lạc hoa khai cũng vậy, đều vô thường. Nhưng ngẫm suy cho kĩ sẽ nhận ra cái hằng thường.Hôm qua mai nở, hôm nay mai tàn Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, / Đêm qua sân trước một nhành mai . Nhành mai trong kệ Mãn Giác chính là sự tồn tại của cái đẹp trở thành niềm tin cho cuộc sống

(Hình trong bài của phatgiao.org.vn)

———————————-

* Khi làm xong bài thơ này Tề Kỷ gửi cho bạn là nhà thơ Trịnh Cốc , Ông này bảo đại ý : dùng chữ sổ (vài, mấy) đã có nhiều hoa nở như vậy đâu còn là sớm nữa , nên thay chữ sổ bằng chữ nhất (một) :Tạc dạ nhất chi khai. Tề Kỷ đã chấp nhận và tôn bạn là  “nhất tự vi sư “( một chữ cũng là thầy).

Add a Comment

Your email address will not be published.