LÀM NGƯỜI CỘNG SẢN KHÓ LẮM!

Ho Chi Minh

LÀM NGƯỜI CỘNG SẢN KHÓ LẮM!

Đã mấy chục năm nay tôi không sinh hoạt với những người cộng sản, tuy không biết hiện thời họ đang nghĩ gì, nhưng họ làm gì thì bạn biết, tôi biết, mọi người đều biết. Tất nhiên cũng có những người cố tình không muốn biết, sợ biết rồi sẽ bị cộng sản mê hoặc, rồi lại đi theo cộng sản. Lại có những người luôn bịt tai, nhắm mắt không muốn nghe, không muốn thấy đặng giữ vững “lập trường chống cộng”, để rồi trước thời khắc nhắm mắt xuôi tay lại cảm thấy tức tối vì sao đến tận bây giờ cộng sản vẫn chưa bị xóa sổ!

Mấy lời phi lộ như vậy là cũng đã dài dòng. Vậy xin đi vào cảm nghĩ của tôi về những người cộng sản.

Mùa thu năm 1945. Cách mạng Tháng Tám thành công. Nếu xưa kia Lý Thường Kiệt mở đầu bản tuyên ngôn bằng câu: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, thì khi thắng quân Ngô, Nguyễn Trãi đã có bản tuyên ngôn với tên “Bình Ngô đại cáo”, trong đó động viên toàn dân xây dựng đất nước “Thái bình muôn thuở”. Khi cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đọc một bản tuyên ngôn cho thời đại mới, trong đó có đoạn như một lời thề: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.

Hồ Chí Minh là một người cộng sản, đồng thời cũng là một nhà văn hóa, chỉ có một mục tiêu chiến đấu duy nhất là “độc lập và tự do” cho dân tộc.

Chỉ mấy ngày sau Tổng khởi nghĩa, độc lập, tự do của dân tộc đã bị đe dọa bởi họa ngoại xâm từ phương nam tiến ra, từ phương bắc tiến vào. Trong khi đó, kho bạc thì trống rỗng, ngân hàng vẫn còn trong tay Pháp, hai triệu người miền bắc chết vì đói, đê vỡ ở nhiều nơi, mùa màng bị lũ lụt phá hoại, và trong tay quân cách mạng chỉ có mấy trăm khẩu súng cổ lỗ, vũ khí hiện đại (vào thời điểm đó) đếm được chưa quá năm ngón tay của một bàn tay.

Để tập hợp lực lượng toàn dân kháng Pháp, đảng Cộng sản đã tuyên bố tự giải tán chỉ sau đó có mấy tháng, Hồ Chí Minh đứng ra thành lập Chính phủ Lâm thời, nội các ban đầu có 16 ghế thì chỉ có 3 người là đảng viên cộng sản, còn lại là các nhân sĩ yêu nước không phải cộng sản.

Sau đó, ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử để có Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc Tổng tuyển cử tuy bị các nhóm phản động trong và ngoài nước phá hoại, song đã thành công. Sau đây là kết quả bầu Quốc hội khóa thứ nhất:

Về thành phần xã hội:

Trí thức chiếm 61%, còn lại 39% là giới công kỹ nghệ, thợ thuyền, tiểu thương và nông dân.

Về xu hướng chính trị:

Những người Mác-xít chỉ có 10 đại biểu, còn lại trên 280 đại biểu thuộc các đảng phái khác như Xã hội, Dân chủ, Quốc dân đảng và những người khôngtheo đảng phái nào.

Trong cuốn sách của mình, Philippe de Villers đã nhắc lại lời một người châu Âu trong khi quan sát cuộc bầu cử như sau:

“Tuyệt vời. Ở các nước châu Âu, tranh cử bao giờ cũng quyết liệt, lại còn tiến hành bằng tiền bạc. Ở đây tôi mới thấy được cảnh đẹp đẽ, vui vẻ, trẻ trung. Nhân dân Việt Nam nắm trong tay (vận mệnh) của mình bởi vì cuộc Tổng tuyển cử đã thắng lợi”.

Sau khi có kết quả của cuộc Tổng tuyển cử, Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập. Thành phần chính phủ liên hiệp đại đa số là đại diện của 4 đảng, mỗi đảng hai ghế: Việt Minh, Dân chủ, Việt Quốc, Việt Cách. Việt Minh chỉ giữ ghế Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính; Bộ Canh Nông  và Bộ Lao động, Y tế – Việt Cách; Ngoại giao và Kinh tế – Việt Quốc; Tư Pháp và Giao thông – Dân chủ; Bộ Nội vụ và Quốc phòng giao hai vị không đảng phái là cụ Huỳnh Thúc Kháng và ông Phan Anh. Ủy viên kháng chiến: Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Hồng Khanh (Quốc dân đảng); Cố vấn tối cao: Ông Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại.

Các bạn thấy không, một nội các có nhiều đảng phái, không phải tất cả các vị trong chính phủ đều là người yêu nước, nhưng Hồ Chí Minh đã đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, vì thế mà thu phục được lòng người, đoàn kết được toàn dân.

Đó là giai đoạn đầu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nhờ tài năng xuất chúng, chèo lái con thuyền Việt Nam của Hồ Chí Minh mà cuộc kháng chiến chống Pháp đã thành công vào năm 1954.

“Non sông đất nước đã sinh ra Người và chính Người đã làm rạng rỡ non sông đất nước” (Trích Điếu văn trong lễ truy điệu Người năm 1969).

(Tài  liệu tham khảo: “Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chi Minh” của cụ Vũ Đình Hòe)

Khi đã giành được chính quyền, chính phủ liên hiệp kháng chiến đã đề ra ba mục tiêu: Diệt giặc đói – Diệt giặc dốt – Diệt giặc ngoại xâm. Nhiệm vụ số 1 và số 2 là để giải quyết những vấn đề nội bộ nhân dân, song nếu người dân mà đói, mà không biết chữ thì việc chống giặc ngoại xâm khó khăn muôn phần.

Có những việc làm mà ngày nay, nhiều người còn chưa hiểu, đó là phá kho thóc của Nhật để chia cho người nghèo. Tuy nhiên có nhiều người giàu lúc đó và con cháu họ sau này, đứng trên quan điểm của họ thì hành động phá kho thóc này là một hành động cướp phá. Để đánh giá việc làm đúng sai, ta cần đặt lên bàn cân – hành động đó là vì ai, và ai đó chiếm bao nhiêu phần trăm trong xã hội.

Cũng liên quan đến việc DIỆT GIẶC ĐÓI, trên 90 phần trăm dân Việt là nông dân, phần lớn ruộng đất tập trung vào các điền chủ. “Các địa chủ được chính quyền thuộc địa phát cho những địa sản rộng lớn, thay vì canh tác những đơn vị này với những phương pháp khoa học, lại phân chia chúng thành những tế phân nhỏ để giao cho tá điền…một tá điền khai thác 5 ha , chỉ giữ lại một phần hai mươi hoa lợi…” (Sách  “Việt Nam thời Pháp đo hộ”, trang 183).Tôi xin nêu lại mấy con số:

Các tiểu địa sản (dưới 5 ha): ở Bắc kỳ chiếm 98%, Trung kỳ chiếm 99% và Nam kỳ chiếm 72% số ruộng đất. Các địa sản trung bình (5-10 ha): Bắc kỳ 2%, Trung kỳ 1%, Nam kỳ 26%. Các đại địa sản (trên 50 ha): Bắc kỳ 0,02%, Trung kỳ 0,008%, Nam kỳ 2% (sđd, trang 183).

Ruộng đất tập trung vào các địa chủ, người nông dân hoặc phải làm thuê cho địa chủ hoặc phải lãnh canh và nộp tô cho địa chủ. Đứng trước tình hình này, nhà nước không thể động viên mọi người tham gia diệt giặc ngọai xâm, trong khi gia đình họ đang bị thiếu đói. Mà lực lượng chủ yếu nào là đông đảo nhất trong các đơn vị võ trang? Chính là những nông dân nghèo khổ. Đó là xuất phát điểm của công cuộc cải cách ruột đất vào nửa đầu của năm 1950. Phải khẳng định một điều – Chủ trương tiến hành công cuộc cải cách ruộng đất là đúng, song trong biện pháp thực hiện có sai lầm, như ấn định tỷ lệ địa chủ, địa chủ cường hào trên một trăm dân, do đó có tình trạng quy kết lung tung, nhiều người bị chết oan, nhất là tầng lớp phú nông. Khi đã biết sai, chính phủ đã tiến hành sửa sai ngay trong những năm đó, và người đứng đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh đã bị kỷ luật ngưng chức.

Gần đây trên trang mạng một số người nhắc lại công cuộc cải cách ruộng đất của thế kỷ trước, người ta đổ tất cả thành tựu xuống sông xuống biển, cho rằng cải cách ruộng đất là một chủ trương sai lầm, là tàn ác. Tôi không tranh luận, chỉ xin cho biết, bạn đứng trên quan điểm nào? Của những người địa chủ bị tước đoạt hay của những người nông dân nghèo khổ được chia ruộng đất? Coi lại bản kê trên, ở Bắc kỳ 98% ruộng đất tập trung vào những điền chủ. Vậy thì họ sẽ phải vì số đông (trên 90% dân số) hay vì số ít địa chủ. Chúng ta lại phải đặt lại câu hỏi, bao nhiêu phần trăm những người cầm súng ngoài mặt trận là nông dân nghèo? Có như vậy thì mới trả lời được vì sao và vì ai mà chính phủ phải tiến hành công cuộc cải cách ruộng đất.

Bạn có biết, để DIỆT GIẶC DỐT, những người trí thức Việt Nam thời đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm cao, nó là nhân tố chính yếu đem lại sự thành công của Cách mạng Tháng Tám. Vì vậy nhiệm vụ của người trí thức là phải đi đầu trong cuộc diệt giặc dốt, mà thực dân Pháp đã cố tình, không chỉ là bần cùng hóa đại đa số người dân mà còn làm cho đại đa số người dân thất học, một biện pháp làm cho người dân Việt Nam không có nhận thức đầy đủ về các vấn đề của xã hội, không có ý chí đấu tranh. Diệt giặc dốt, không chỉ là truyền bá chữ quốc ngữ đến mọi người mà còn làm cho mọi người giác ngộ tỷ như vì sao ta phải làm nô lệ chẳng hạn.

Công đầu cho sự nghiệp diệt giặc dốt phải kể đến các nhà trí thức như các vị Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Công Mỹ…, họ đều không phải là đảng viên cộng sản, song các vị ấy thấy được chính sách của đảng Cộng sản là tốt là đúng đắn nên đã hăng hái tham gia.

“Nếu như chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì phải ba, bốn mươi năm nữa mới kết thúc được phong trào (bình dân học vụ). Nhưng theo kinh nghiệm của Hội truyền bá Quốc ngữ, nếu biết dựa vào sức dân thì chắc chắn sẽ hoàn thành được nhiệm vụ cao cả đó” – Ông Bộ trưởng giáo dục Vũ Đình Hòe trình bày với Hồ Chí Minh, đồng thời ông cũng trình bày về phương án tài chính, trong đó tất cả giáo viên tình nguyện không lấy lương (khoảng 10 triệu đồng/năm theo thời giá lúc đó). Còn tiền giấy bút mất khoảng 60 triệu đồng, thì có thể dùng phấn hay gạch viết vào bất cứ thứ gì có thể viết được. Các khoản chi khác cho sự nghiệp giáo dục này, đều huy động từ làng, xã mà ngày nay ta hay gọi là “xã hội hóa”. Ông Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc đó là Phạm Văn Đồng chỉ phải chi từ ngân sách nhà nước có 5 triệu đồng/năm. (Sách: “Pháp quyên nhân nghĩa”, trang 51, 52, 53)

Từ đó, chúng ta đã xóa được nạn mù chữ, tiếp đến phổ cập cấp I, rồi cấp II. Một thành tựu không phải dễ dàng mà đạt được, đặc biệt là nước ta trong hoàn cảnh chiến tranh liên miên.

DIỆT GIẶC NGOẠI XÂM là một công cuộc kéo dài gần một thế kỷ. Nhiều người lầm lẫn và cố tình xuyên tạc công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc. Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mới kết thúc trên 40 năm nay, chuyện gần như vẫn có mới tinh. Có người bảo tại sao mình lại đuổi hai nền văn minh đi? (ý nói Pháp và Mỹ). Ối chao ôi, tôi mà cũng nghĩ như vậy thì ai đó hãy vả vào mặt tôi một cái cho tôi tỉnh ngộ lại.

Mục tiêu mà những người cộng sản tiến hành cuộc chiến tranh này là gì? – Là độc lập cho dân tộc và thống nhất đất nước. Vậy họ đã đạt được chưa? – Được rồi. Ai chẳng biết rằng để có độc lập và tự do, đã có hàng triệu người phải hy sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Để có độc lập tự do dù có phải đốt cháy dãy Trường sơn ta vẫn phải làm”. Không thành quả nào mà không phải trả giá. Ai mang độc lập, tự do đến cho không chúng ta? Không ai cả, mà chúng ta phải chiến đấu để giành lấy.

Còn mục tiêu của quân đội Quốc gia (dưới thời vua Bảo Đại) là gì? Đó là một đội quân nằm trong quân đội Liên hiệp Pháp, do Pháp nuôi dưỡng để giúp Pháp chống lại Việt Minh, giúp Pháp duy trì chế độ thực dân và ách cai trị lên dân tộc Việt Nam. Họ có mang lại độc lập và thống nhất cho đất nước? – Không! Mà việc chia cắt đất nước không phải từ ngày có Hiệp định Paris về Đông dương, mà có từ khi Pháp xâm lược nước ta. Chúng chi ra ba kỳ, Nam kỳ là thuộc địa, Bắc và Trung kỳ là bảo hộ. Chúng ta đừng lầm lẫn.

Mục tiêu chiến đấu của quân đội Việt Nam cộng hòa là gì? Là khi Mỹ đã thay thế Pháp để duy trì sự xâm lược Việt Nam thì quân đội Việt Nam cộng hòa được Mỹ thuê (tôi nhấn mạnh chữ “thuê”) để kế tục công việc của quân đội Quốc gia thuộc Pháp, sang thuộc Mỹ, chiến đấu chống lại những người cộng sản, tức là chống lại ý chí độc lập, thống nhất của dân tộc, để “biên giới của thế giới tự do kéo dài đến vĩ tuyến 17”, như lời tuyên bố của ông Ngô Đình Diệm. Âm mưu của đế quốc Mỹ là kéo dài tình trạng chia cắt đất nước. Vậy thì làm gì có chuyện độc lập cho dân tộc và thống nhất đất nước.

Một thầy giáo, đặt câu hỏi cho học sinh tiểu học:

  • Vì sao quân đội Quốc gia lại giúp thực dân Pháp?
  • Vì Pháp chống lại Việt Minh.
  • Vì sao phải chống lại Việt Minh?
  • Vì Việt Minh muốn giành độc lập cho dân tộc.

Một câu hỏi tương tự như vậy, vì sao quân VNCH lại đi đánh thuê cho Mỹ? Và câu trả lời của các trẻ em Việt Nam cũng tương tự như ý trên.

 

Hôm qua có bạn nói với tôi, làm người cộng sản chân chính mới khó. Đúng vậy. Nếu những người cộng sản chân chính chiếm đa số trong đội ngũ đảng viên, thì mọi nghị quyết của đảng đều thành công.

Khi đảng Cộng sản Đông dương, sau đó là đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã xác định, đảng là đảng của giai cấp vô sản. Giai cấp vô sản là một lực lượng đông đảo nhất lúc bấy giờ, muốn cách mạng thành công thì phải dựa vào giai cấp vô sản.

Năm 1925, Việt Nam Thanh niên Cách mạng hội (VNTNCM) được thành lập, nhiều hội viên của hội này sau đó trở thành đảng viên và là người sáng lập ra đảng Cộng sản Đông dương vào năm 1930. Hội viên Hội VNTNCM phần lớn là những trí thức dấn thân vào sự nghiệp cách mạng, chưa hiểu nhiều về giai cấp vô sản, ở miền Bắc như các ông Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong và nhiều vị nữa, ở miền Nam có ông Tôn Đức Thắng, miền Trung có ông Phạm Văn Đồng vân vân. Khi đảng Cộng sản ra đời, thì các Tổng Bí thư của đảng và các lãnh tụ khác như Trần Phú, Ngô Gia Tự, Trường Chinh, Tô Hiệu, Hoàng Quốc Việt … đã thực hiện “vô sản hóa”, bằng cách đi thực tế về các hầm mỏ vừa tìm hiểu đời sống vừa học tập tính kỷ luật và tính tổ chức của giai cấp công nhân.

Đây là lớp người ưu tú nhất của đảng Cộng sản, họ được tôi luyên trong các nhà tù của thực dân, đế quốc như ở Côn Đảo, Phú Quốc, Sơn La, Hỏa lò Hà Nội…

Đến khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (1946), ngày miền Bắc được giải phóng (1954) và thống nhất đất nước (1975), tất cả những người cầm súng ngoài chiến trường hay những người ở hậu phương, trong đó có rất nhiều đảng viên cộng sản kiên trinh, quyết một lòng thực hiện bằng được lý tưởng giải phóng và thống nhất đất nước. Những người lính cách mạng không có lương, chỉ có một số phụ cấp ít ỏi, họ để lại đằng sau gia đình và các hoài bão chưa thực hiện được, để ra trận. Khi ra trận chỉ có một ý chí tiến công với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ, không chịu mất nước”.

Ngược lại với đội quân cách mạng là những đội quân đánh thuê (kể cả lính đánh thuê trong nước và từ nước khác tới). Được thuê với giá cao thì đánh mạnh, không trả tiền thuê thì không đánh. Như khi Mỹ cắt viện trợ (năm 1975) thì chỉ sau trên 50 ngày, cả một đội quân hàng triệu người của VNCH với trang bị vũ khí hiện đại, đã tan rã một cách nhanh chóng.

Hình ảnh những chiến sĩ xe tăng trong bài hát của nhạc sĩ Doãn Nho đã mô tả tất cả chất anh hùng của những người lính cách mạng, đẹp vô cùng:

… Năm anh em mỗi đứa một quê

Đã lên xe ấy là cùng một hướng

Nổ máy lên ta một dạ xung phong

Trước quân thù, chỉ biết có tiến công

 

… Năm anh em ta mang năm cái tên

Khi lên xe không còn tên riêng nữa

Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa

Năm qua tim chung nhịp đập rộn ràng

 

… Một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng

Một ý chí bay ra đầu ngọn súng

Một niềm tin tất thắng, trong trận này…

Khi đất nước được thống nhất, đó là lúc tư tưởng hưởng thụ xuất hiện trong những đảng viên cộng sản không giữ được khí tiết. Đây là giai đoạn lòng tin của người dân vào đảng, một đảng đã lập nên những kỳ tích mà qua bao triều đại không làm được, bị giảm sút nghiêm trọng. Đảng Cộng sản hình như có vẻ đã thỏa mãn quá sớm, buông lỏng giáo dục lý tưởng và ý chi cho các đảng viên của mình nên mới có nhận định trong nghị quyết rằng, có một bộ phận (có định lượng được không?) đảng viên đã “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”. Và có thể đang rơi vào trạng thái “kiêu ngạo cộng sản” mà đã có thời kỳ đảng đã nhận ra nhưng làm gì để loại bỏ nó thì chưa rõ. Có thể nói, sau thời kỳ này, đảng Cộng sản đã đưa ra khẩu hiệu “lấy lại lòng tin”. Chỉ có bốn chữ ấy nhưng là cả một cuộc chiến, cuộc chiến trong nội bộ, khó khăn bội phần so với cuộc chiến trên chiến trường. Chỉ cái gì đã mất đi thì người ta mới “lấy lại”.

Hình như lòng tin đã được nhen nhóm trở lại, khi mà chiếc lò của ông Tổng Bí thư đang cháy đỏ, vì thế khẩu hiệu của đảng bây giờ không phải là “lấy lại” nữa mà bước sang giai đoạn “củng cố”, đó là giai đoạn những người cộng sản giật mình nhìn lại, đã có khá nhiều đảng viên hư hỏng, lớn có bé có, cao có thấp có, không những chịu sự kỷ luật của đảng mà còn bị chịu sự phán quyết của pháp luật.

Bốn triệu đảng viên là một con số không nhỏ, nhưng có bao nhiêu trong số đó là những kẻ cơ hội, thoái hóa biến chất, chẳng lẽ đảng không thống kê được hay sao? Suy nghĩ rất đơn giản (và có khi thiếu thực tế) của tôi, là những đảng viên nào đánh rơi mất lý tưởng, không giữ được phẩm chất cách mạng hãy làm đơn xin ra đảng. “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Nói theo cách nói của những người tuổi teen: “Lặn đi cho nước nó trong”! Những đảng viên biến chất hãy tự nguyện ra khỏi đảng, đảng chỉ giữ lại những đảng viên thật sưu tú, chỉ khi đó lòng tin của dân vào đảng mới thật sự bền vững.

Vậy nên “Làm một người cộng sản, đúng chất cộng sản là khó lắm!”./. (Còn nữa)

Tháng Năm 2018

Ph. T. Kh.

Diệt đói

Ruộng đất về tay dân cày

Diệt dốt

Diệt dốt

Diệt ngoại xâm

Diệt ngoại xâm

LÀM NGƯỜI CỘNG SẢN KHÓ LẮM! (Tiếp theo)

“Dụng nhân như dụng mộc” là một là một lời khuyên luôn luôn đúng. Không thể lấy gỗ trắc gỗ hương để làm cọc chuồng heo, nhưng cũng không thể gỗ tạp để tạc tượng.

Trong những ngày mới lập quốc, những người cộng sản đều thấm nhuần đặc tính của giai cấp công nhân, nhưng họ lại là những nhà trí thức. Họ đau vì cái đau mất nước, họ nhục vì cái nhục phải làm nô lệ, vì thế họ đã đem hết tài, trí ra để thuyết phục những người công nhân và nông dân nghèo đi theo cách mạng, làm cách mạng và biết cách đưa cách mạng đến thành công.

Trên tạp chí Hữu Thanh (1921-1924), có một câu châm ngôn khuyết danh:
“Ngồi trên đống cát, ai cũng có thể là hiền nhân quân tử, nhưng ngồi trên đống vàng mới thực sự biết ai là quân tử hiền nhân”.

Trước hết, chúng ta nói một chút về Hồ Chí Minh – một người cộng sản, một người hết sức bênh vực các dân tộc thuộc địa, một người lên tiếng mạnh mẽ trước các kỳ đại hội của Quốc tế Cộng sản (QTCS) về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã viết:

“ Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”. Chính vì lẽ đó, trong suốt 8 năm Hồ Chí Minh đã bị QTCS vô hiệu hóa (Thư của cụ Hồ ngày 6/6/1938 gởi QTCS) chỉ vì có những luận điểm về dân tộc và thuộc địa trái với quan điểm của QTCS, đến nỗi, Võ Nguyên Giáp phải gọi Hồ Chí Minh là người “LỮ HÀNH CÔ ĐƠN”.

Song lịch sử Việt Nam đã ghi công đầu cho Hồ Chí Minh, được tóm tắt bằng câu “Non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chí Minh, và chính Người đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta” (Điếu văn của ĐCSVN trong lễ truy điệu người năm 1969). Trong một buổi Hội thảo nhân dịp kỷ niệm 100 năm (1890-1990) ngày sinh của Người, một nữ tiến sĩ sử học Mỹ đã đánh giá những gì xảy ra trong những năm 1934-1938 như sau:

“Nguyễn Ái Quốc đúng trong khi mọi người sai. Nguyễn Ái Quốc thức trong khi mọi người đang ngủ”.

Cũng trong Hội thảo đó, ông Pê-ru-chi, một cán bộ Công đoàn Italia đã trao đổi về “Ba lần chiến đấu ác liệt nhất của Hồ Chí Minh”:
Lần thứ nhất: Thoát khỏi nhà tù Victoria (Trung Hoa)
Lần thứ hai: Thoát khỏi lưỡi kiếm của Stalin
Lần thứ ba: Lãnh đạo con thuyền cách mạng Việt Nam trong những năm 1945-1946.

Đó là “lửa thử vàng” đối với phẩm chất của một người cộng sản. Chỉ một mình Nguyễn Ái Quốc đã dám nêu ra những khác biệt trong các luận điểm của mình với QTCS, đủ thấy Hồ Chí Minh kiên cường biết nhường nào, và Người luôn luôn nghĩ đế hoàn cảnh của các dân tộc thuộc địa mà không nghĩ đến bản thân mình. Đúng là chỉ khi “ngồi trên đống vàng mới thực sự biết ai là quân tử hiền nhân”.

Tấm gương đạo đức kiên trinh sáng ngời của Hồ Chí Minh, đã lôi kéo, thuyết phục được rất nhiều nhân sĩ trí thức của dân tộc đi theo Người, làm nên một cuộc cách mạng mà nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước thuộc địa coi như đó là một tấm gương, một bài học để các dân tộc đứng lên tự giải phóng cho mình.

Đến như cựu hoàng Bảo Đại, mặc dù đã trở cờ hòng giúp Pháp quay lại thống trị Đông Dương, nhưng khi viết trong hồi ký của mình, cũng không hề có một lời lẽ nào xúc phạm đến Hồ Chí Minh. Chính người đã nêu cao chính nghĩa thu phục những quan chức triều đình nhà Nguyễn đi theo cách mạng như cụ Pham Kế Toại, cụ Phạm Đình Hòe (ngự tiền văn phòng nhà vua), hoặc thuyết phục những người đứng đầu đảng phái chống đối từ hải ngoại như Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần.

Khi cuộc kháng chiến bùng nổ, những trí thức từ nước ngoài cũng về nước tham gia kháng chiến như ông Trần Văn Giầu, ông Trần Đại Nghĩa và nhiều nhà trí thức khác.

Hồ Chí Minh đã nhìn thấy năng lực và phẩm chất của những đồng chí và những cộng sự chung quanh mình, Người đã đưa họ vào những vị trí xứng đáng với năng lực và phẩm chất của họ. Như Võ Nguyên Giáp, tuy chưa hề học qua một trường quân sự nào, nhưng Hồ Chí Minh đã nhìn thấy tố chất chỉ huy quân sự trong con người ông. Có lần, một người nước ngoài hỏi Hồ Chí Minh, căn cứ vào tiêu chuẩn nào mà ngài phong Võ Nguyên Giáp là đại tướng, thì Người trả lời rằng, nếu ai đánh bại đại tướng của địch thì phong đại tướng, đánh bại đại tá địch thì phong đại tá. Chỉ đơn giản vậy thôi!

Hồ Chí Minh còn là một con người biết nhìn xa trông rộng. Ngay trong lúc cuộc chiến đầu chống thực dân Pháp chưa kết thúc, cũng như cuộc chiến đấu chống Mỹ sau này, Người tin tưởng tuyệt đối vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc. Vì vậy chính phủ đã cử học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập để sau này về xây dựng đất nước. Năm 1935 đã có 47 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại các trường đại học chính trị ở Liên Xô. Năm 1950, Liên xô và Chính phủ Việt Nam DCCH mới đặt quan hệ ngoại giao, tuy trước đó đã có cử học sinh sang học tập ở Liên Xô, nhưng mãi đếnnăm 1955, mới có 155 học sinh sang học các ngành khoa học kỹ thuật them chốt. Trong những năm 1970, đã có 4.500 người tuổi từ 16 đến 25 được đưa sang đào tạo tại các trường đại học của Liên Xô.

Như vậy, trong 41 năm, từ năm 1950 đến năm 1991, Liên Xô đã tiếp nhận và đào tạo gần 50.000 công dân Việt Nam. Trong đó có khoảng 30.000 người ở trình độ đại học, ngót 3.000 phó tiến sĩ, khoảng 200 tiến sĩ khoa học và hàng chục vạn công nhân kỹ thuật, giáo viên dạy nghề, thực tập sinh. Riêng trong lĩnh vực quân sự, có hơn 13.000 quân nhân Việt Nam được Liên Xô đào tạo khá bài bản.

Công việc đào tạo và xử dụng nhân tài, tuy ở mặt này, mặt khác; nơi này nơi khác có những thiếu sót, khuyết điểm, song trên tất cả, là chính quyền trước đây và hiện nay không chỉ biết lo và giải quyết những nhiệm vụ trước mắt mà đã có những suy nghĩ và hành động cho tương lai.

Nói về những người cộng sản, phải cần đến các nhà nghiên cứu xã hội và nghiên cứu lịch sử. Ở đây tôi chỉ xin viết những gì mà tôi thu nhận được, đó hoàn toàn là ý kiến và quan điểm cá nhân, và cũng vì thế, khó mà có thể làm hài lòng tất cả các bạn. Song dù sao thì “mua vui cũng được một vài trống canh” (Kiều).

Tôi xin kết thúc loạt bài “Làm người cộng sản khó lắm” ở đây. Xin cảm ơn các bạn./.

Tháng Năm, 2018
Ph. T. Kh.
(Tài liệu tham khảo: “Pháp quyền nhân nghĩa HCM” và “Những chặng đường lịch sử Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”)

Add a Comment

Your email address will not be published.