MẤY NHẬN THỨC VỀ ĐẶC KHU KINH TẾ

DKKT

MẤY NHẬN THỨC VỀ ĐẶC KHU KINH TẾ

Đã tính không nói chuyện xã hội nữa, song có mấy bạn bảo: “bác ơi, bác nói gì về đặc khu kinh tế (ĐKKT) đi”. Với kiến thức hạn hẹp và thực tình tôi cũng muốn tránh những nơi ồn ào trên mạng, nhưng rồi cũng viết mấy nhận xét của cá nhân tôi, may ra có thể đáp ứng phần nào yêu cầu của các bạn.

Mô hình ĐKKT chẳng có gì là mới, có chăng là mới đối với nước ta thôi. Năm 1547 ở Italy đã có mô hình này, nhưng chưa thực sự mang trong mình nó đặc điểm đầy đủ của một ĐKKT, đó là hình thành các cảng tự do. Đến đầu thế kỷ thứ 18, khu vực châu Á – Thái Bình dương cũng đã hình thành “cảng tự do” như ở Singapore năm 1819, Hongkong năm 1842. Từ mô hình cảng tự do đã mở rộng thành khu “Mậu dịch tự do”. Cho đến nay 135 quốc gia trên thế giới đã có 3.500 ĐKKT. Việt Nam là một nước đi sau, đi sau thì lợi ích cũng đến sau, nhưng lại có được nhiều bài học từ 135 quốc gia nói trên.

Việt Nam, đâu phải bây giờ mới bắt đầu xây dựng ĐKKT, năm 2002 chúng ta đã tiến hành thí điểm một “khu kinh tế mở” ở Chu Lai, Quảng Nam. Đến nay, nếu nói về khu kinh tế ven biển, chúng ta đã có 18 khu dọc theo bờ biển từ bắc vào nam, với tổng diện tích là 54.000 ha. Vì vậy nếu chúng ta xây dựng ĐKKT, thì về cơ bản vẫn là thu hút nhà đầu tư của các nước đầu tư vào. Không khác gì ta làm cái tổ để cho chim vào đẻ trứng và sinh con mà thôi, khác chăng là khác về quản lý hành chính và danh mục đầu tư cũng được mở rộng hơn.

Việt Nam là một trong mười nước có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển (3.260 km). Dọc theo bờ biển ta có 50 cảng biển, 40 vũng, vịnh và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ (chưa bán đi hòn đảo nào các bạn nhé). Xây dựng các ĐKKT ven biển là một điều kiện cần và đủ. Nếu không có các cảng biển thì sản phẩm sau khi sản xuất được vận chuyển ra thế giới thế nào? Không lẽ đặt các ĐKKT ở Yên Bái, ở Hòa Bình, hay ở biên giới Việt – Lào? (Có chó nó vào đầu tư). Chắc các bạn đã hiểu vì sao ta phải giành cho nước bạn Lào một phần ở cảng Vũng Áng để bạn xuất khẩu sản phẩm của họ. Một nước mà không có cảng biển thì gian nan trăm bề.

Trong nhiều năm, Việt Nam đi theo mô hình kinh tế kế hoạch tạo ra sự trì trệ trong hoạt động kinh tế, đất nước chậm phát triển. Hình thành những ĐKKT cũng chỉ là thể hiện một phần của mô hình kinh tế thị trường, tức là thị trường mở, thị trường tự do. Trước ngày thống nhất đất nước, tại miền nam chỉ có một khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai), ngày nay các khu công nghiệp mọc lên như nấm ở khắp ba miền. Trong các khu công nghiệp ấy, không thiếu gì các nhà đầu tư từ các nước chấu Âu, châu Á …, đâu chỉ có nhà đầu tư Trung quốc? Riêng khu công nghiệp VSIP ở Bình Dương (sắp có VSIP2) lại do Singapore đầu tư hoàn toàn mà không thấy ai lên tiếng về việc “bị chiếm đất” hay “bị mất chủ quyền quốc gia”.

Tôi thấy trên mạng có mấy con rối, chẳng biết ai giật dây mà mang trước ngực tấm biển “phản đối cho TQ thuê đất 99 năm”! Chao ôi, những kẻ đó thực tình không hơn một con rối, nhưng cũng có những vị được học hành đàng hoàng cũng la toáng lên phản đối cho thuê đất 99 năm. Ai cho TQ thuê đất tới 99 năm và thuê ở đâu, nói được không? Tôi xin hỏi các vị, các vị đã nghiên cứu bản Dự thảo luật ĐKKT chưa? Điều 32 (của Luật) – Quản lý và xử dụng đất ở đặc khu, nói thế này: “Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu KHÔNG QUÁ 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.”. Thế nhé, chịu khó đọc và hiểu đi rồi hãy phản đối.

Trong ĐKKT như tôi nói ở trên, đâu chỉ có nhà đầu tư TQ mà còn các nhà đầu tư đến từ nhiều nước khác. Những nhà đầu tư đều muốn một môi trường yên bình, ổn định để làm ăn, người ta đầu tư cả tỷ USD vào mà chỉ cốt để gây rối thì có đáng không? Các bạn tưởng ĐKKT là một nơi quân hồi vô phèng, một nơi vô chính phủ, một nơi làm theo luật rừng? Chúng ta quên mất rằng ta có cả bộ máy quản lý, có quân đội, có cảnh sát, tất cả phải tuân theo luật Việt Nam, xin nhắc lại là luật của Việt Nam chứ không phải luật của nước nào khác, luật đang được quốc hội thảo luận, sẽ ban hành trước khi các ĐKKT hình thành bạn nhé!

Tôi không biết nước khác thế nào, song có một điều chắc chắn rằng nhiều nước trên thế giới có cộng đồng người Hoa sinh sống (China Town), ở Singapore, người Hoa chiếm 70% dân số, ở Mỹ cũng có mà còn đang MUA (chứ không phải THUÊ nhé) đất để mở rộng. Ở Việt Nam xưa và nay vẫn tồn tại một China Town ở Quận 5 (đông nhất) rồi quận 6, quận 8, quận 10…, song tất cả họ vẫn phải tôn trọng luật pháp của nước sở tại, nhiều người đã Việt hóa và có nhiều đóng góp vào thắng lợi của dân tộc Việt.

Có thể nói, trước năm 1975, Hoa kiều ở Sài gòn lúc đó đã chi phối (và có phần lũng đoạn) nền kinh tế miền nam. Đến cuối năm 1974, họ kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim và gần như độc quyền thương mại – 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ và 90% xuất nhập khẩu ở miền nam do người Hoa kiểm soát hoàn toàn giá cả thị trường.

Như vậy, việc phản đối chủ trương thành lập các ĐKKT chỉ là một sự phá hoại của những thế lực muốn đánh đổ chế độ hiện nay, để thay thế một cái chế độ ba láp ba xàm gì đó, thêm vào đó là một số người a dua do thiếu hiểu biết.

Đó là ý kiến cá nhân tôi, nhận xét của cá nhân tôi. Ai không đồng ý thì cứ giữ lấy cách xử sự của mình may ra cũng được lợi từ…

Tháng Sáu, 2018
Ph. T. Kh.
Nguồn: Tham khảo bài viết của Tuân Anh trên trang web của Sứ quán VN tại Lào. Ảnh dưới; Trên internet.

Add a Comment

Your email address will not be published.