LẠM BÀN VỀ LÒNG YÊU NƯỚC

Cym_Orchids and Ukrainian_6694 Yellow Orchid

TẢN MẠN CUỐI TUẦN

LẠM BÀN VỀ LÒNG YÊU NƯỚC

Yêu nước là một cái gì đó vừa trừu tượng, mênh mang lại vừa cụ thể, nhỏ nhặt và gần gũi. Nhiều bậc vĩ nhân xưa đã từng nặng lòng yêu nước, giành cả cuộc đời mình để hoạt động thể hiện tình yêu nước, như các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hồ Chí Minh chẳng hạn. Những vĩ nhân đó đều có một mẫu số chung là nặng lòng yêu nước, chẳng màng đền sự an nguy của bản thân và gia đình. Những tấm gương đó thật vĩ đại, làm thế nào mà mấy chục triệu dân thường chúng ta có thể làm theo cho đặng?

Vì thế, là người bình thường, chúng ta yêu nước theo cách của những người bình thường và thể hiện nó trong những việc bình thường hàng ngày. Tôi cũng là một người quá đỗi bình thường, nên chẳng dám có lời khuyên nhủ ai mà hàng ngày tôi cứ tự nhủ mình, kiểu như đi ra đường thì gắng thực hiện đúng luật giao thông; ở nhà thì khuyên nhủ con cháu gắng làm những việc đừng gây hại cho xã hội vân vân, tóm lại là cố gắng làm tròn nghĩa vụ của một công dân bình thường.

Có người nói với tôi rằng, bạn ấy yêu nước này nhưng không yêu chế độ này. Vâng, đó là suy nghĩ của bạn. Tôi chẳng dám bảo bạn nên thế này hay nên thế kia, bởi vì để tách bạch giữa yêu nước này với yêu cái chế độ hiện hành cũng khó lắm. Thí dụ, bạn là người làm ra của cải, đóng góp được cho xã hội này nhiều hay ít là tùy thuộc vào cách mà bạn kiếm tiền để đóng góp, vì vậy bạn có thể tự hào rằng bạn là người có ích, bạn có quyền phê phán nhà nước nếu dùng tiền thuế của bạn một cách lãng phí hoặc tham lậm. Còn nếu bạn không đóng góp gì như tôi hiện nay chẳng hạn thì lại là thêm một gánh nặng cho xã hội, nếu người như tôi mà có những hành động làm cho xã hội phải lo lắng thì cái gánh kia lại nặng thêm.

Song, cũng như trên tôi đã nói, chẳng có gì có thể tách bạch một cách rõ ràng như đen với trắng, như ngày với đêm. Bạn là người kinh doanh, không lẽ bạn không cần dùng đến những thành quả của người khác, như bạn bán hàng thì phải có con đường để vận chuyển, phải có người sản xuất, phải có người tiêu thụ cho bạn…, đó là nói trong phạm vi hẹp như vậy, còn nói rộng ra thì đó là thành quả của cái chế độ này mang lại. Tôi đồng ý với nhiều người, rằng nước ta còn nghèo, trong hàng vạn nguyên nhân thì cũng không thể phủ nhận những nguyên nhân chủ quan như sự yếu kém của những công chức trong các cơ quan công quyền từ thấp lên cao, và tình trạng tham nhũng làm băng hoại nhiều thứ một cách nghiêm trọng. Và cũng không loại trừ nguyên nhân gây ra từ những kẻ không muốn đất nước phát triển. Song không thể nói, đất nước ta là không có gì, không có thành quả nào. Nếu bạn cũng nghĩ như vậy thì bạn là một người cố chấp.

Bạn cố chấp đến mức, bạn bảo bạn chỉ yêu nước này chứ không yêu chế độ này. Vâng, đó là quyền tự do của bạn. Bạn có quyền lựa chọn một chế độ cho mình, nhưng khi chưa chọn được một chế độ thích hợp cho mình, thì bạn vẫn buộc phải sống chung với chế độ này. Nếu là tôi, trong khi tôi chưa thể ra đi để tìm một chế độ nào đó cho mình, thì tôi vẫn trân trọng những thành quả mà chế độ này đã mang lại và tận hưởng nó chứ tôi không tìm cách phá hoại nó, vì như vậy là ích kỷ. Và nếu tôi thật sự ghét cay ghét đắng chế độ này thì tôi sẽ không bao giờ hưởng thụ những thành quả mà chế độ này đã tạo dựng nên, tức là tôi ghét nó và những gì thuộc về nó. Nếu không làm thế, mà hàng ngày vẫn cứ xài những thứ mà chế độ này đem lại, thì người đời lại bảo rằng tôi là một kẻ “người thì ghét nhưng của thì yêu”, như thế tôi thuộc vào hàng ngũ những kẻ vô liêm sỉ!

Tháng Sáu, 2018

Ph. T. Kh.

 

Add a Comment

Your email address will not be published.