AI ƠI ĐỪNG LẤY HỌC TRÒ

Sĩ tử vietbao.vn

AI ƠI ĐỪNG LẤY HỌC TRÒ

Câu ca dao xưa đầy đủ là thế này:

Ai ơi đừng lấy học trò.

Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm!

Nếu hiểu một cách đại khái thì câu ca dao trên không đúng với những cô cậu học trò học hành đàng hoàng, khi học xong, ra trường là có công ăn việc làm. Chỉ đúng với những cô, những cậu trong thời gian đi học thì không lo học, học chỉ cốt để có tấm bằng để lòe thiên hạ nên đến khi ra trường chạy đôn chạy đáo để xin một việc làm cũng khó, vì thế mà có con số hàng triệu sinh viên khi ra trường bị thất nghiệp. Rồi, một khi “nhàn cư” thì “vi bất thiện”, chưa thấy một ai tự phán, vì sao người khác (cùng một trường) học xong thì có việc làm đàng hoàng mà ta thì không có? Thế là họ đổ cho số phận, đổ cho xã hội, đổ cho cái chế độ này.

Ừ thì cái gì cũng có, xã hội cũng có lỗi, nền giáo dục cũng có lỗi, nhưng còn bản thân thì sao nhỉ?

Nếu ta đi ngược trở về thời xa xưa, khi mà chỉ có con đường khoa cử mới thoát nghèo, mới thoát khỏi tình cảnh “chân lấm tay bùn”, “hai sương một nắng”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì chỉ có một con đường là học. Vì thế mới có cảnh vợ ở nhà làm lụng vất vả để nuôi cho chồng ăn học, mong đến một ngày nào đó, người chồng “vinh quy bái tổ” để “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”, để nở mặt nở mày với làng xóm. Nhân dân ta có rất nhiều người thuộc tích “Tống Trân – Cúc hoa”, một cô Cúc Hoa từ bỏ giàu sang để lấy một anh ăn mày có tên Tống Trân; Tống Trân có tư chất thông minh lại được Cúc Hoa chăm sóc, lo từ cái ăn cái mặc cho chồng, nên vào đời Lý Nam đế, Tống Trân đã thi đậu Trạng nguyên. Song thử hỏi, trên đời này có được bao nhiêu người như Tống Trân? Nếu so với Tống Trân thì ngày nay, kẻ sĩ đâu phải toàn con nhà nghèo, ai cũng được gia đình chu cấp đầy đủ (theo hoàn cảnh hiện tại), cũng có máy tính, có smart phone… chẳng thua kém ai, chỉ có mỗi việc học là kém. Vậy thì hãy tự trách, tự phê phán để còn có ý chí mà vươn lên.

Nếu tôi nhớ không lầm, có một đợt thi Olympic quốc tế về toán và vật lý năm 2017, người giật giải vàng về toán là em Lê Quang Dũng ở Thanh Hóa và giải vàng về vật lý là em Trương Hữu Bình Minh ở Nghệ An, những học sinh của một tỉnh nghèo, còn những học sinh sống tại các thành phố lớn, có điều kiện mọi mặt đều hơn các học sinh tỉnh lẻ. Ấy vậy mà!!!

Cái vấn nạn, cứ muốn thoát nghèo là phải đi học, phải trở thành ông tú, ông cử, ông nghè… song chẳng phải ai cũng trở thành ông nọ bà kia. Nhiều ông ôm cái danh “anh khóa” rồi thất nghiệp, rồi vợ phải nuôi báo cô, thêm gánh nặng cho xã hội. Vào nửa sau của thế kỷ XIX, nước Đại Nam ta, cũng vẫn có tình trạng “lạm phát” sĩ tử. Các khóa sinh được miễn trừ nhiều nghĩa vụ, ngay trước khi  họ chưa biết mình có được làm việc cho nhà nước không. Sự chênh lệch giữa các vị trí bổ nhiệm với số sĩ tử dự thi là rất lớn. Như ở Nghệ an lúc bấy giờ, số khóa sinh được miễn lực dịch lên đến hàng nghìn, trong khi chỉ có vài trăm có hy vọng trở thành quan lại (1). Như vậy số khóa sinh không thể trở thành quan lại đã trở nên một gánh nặng cho xã hội. Ông Đặng Xuân Bảng (2) đã phê phán: “Triều đình rất coi trọng việc thi cử, nhiều người có chí cứ đi theo con đường đó và suốt đời trở thành kẻ vô dụng đối với nhân dân”

Cái trào lưu coi trọng bằng cấp như ở nước ta, có nguyên nhân từ một nền kinh tế tiểu nông, lại được xã hội cổ vũ và trong một định chế giáo dục “học để lấy bằng”, nhìn bề ngoài thì thấy nó đẹp – một xã hội học tập! Số dân có bằng đại học cao ngất ngưởng, nhưng tấm bằng đó có giá trị gì, nếu như nó chẳng gắn liền với thực tiễn của cuộc sống, tức là chẳng đáp ứng được sự đòi hỏi của cuộc sống, tức là chẳng xuất phát từ cuộc sống, từ những biến chuyển của xã hội hoặc của nền khoa học kỹ thuật? Đó chính là nguyên nhân của tình trạng vô giá trị của tấm bằng tốt nghiệp đại học của Việt Nam tại các nước phát triển. Ở đó, tấm bằng mà các bạn thanh niên của ta trình ra, không thể được họ chấp nhận, và để được nhận vào làm việc thì họ phải đào tạo lại các bạn đó.

Bạn đã ngồi trong trường đại học mấy năm? Bốn, năm hay sáu, bảy năm? Chưa kể thời gian bạn học tử tiểu học lên trung học, gia đình các bạn đã phải cung phụng cho các bạn một số tiền rất lớn, đó là món nợ mà các bạn phải đền đáp cho cha mẹ và gia đình bạn. Vậy thì bạn hãy học cho ra học, nếu thấy khả năng mình không thể kham nổi cái trình độ đại học thì hãy học nghề hoặc kiếm một việc gì đó mà làm để gánh bớt gánh nặng cho gia đình. Một tấm bằng với kiến thức rỗng, với hiểu biết nghề nghiệp và xã hội nông cạn thì chỉ là một thứ đồ chơi, một kỷ niệm buồn, một lần thất bại trong cuộc đời bạn.

Từ kinh nghiệm thực tế của cuộc đời tôi, một kẻ chưa qua trường đại học nào, xin có vài lời với bạn như vậy.

Tháng Sáu, 2018

Ph. T. Kh.

Chú thích: (1), (2) Sách: “Quan và lại ở miền bắc VN” của Emmanuel Poisson. Trang 57.

HCV Olym. Le quang Dung

Hình trên: Lê Quang Dũng, Huy chương vàng Olympic toán quốc tế 2017

 

 

Add a Comment

Your email address will not be published.