VIỆN “LÃO NGUYÊN”

Viện nguyên lão

VIỆN “LÃO NGUYÊN”

Thời La Mã cổ đại có viện nguyên lão, nay tôi định bắt chước họ, thành lập một viện với tên “Viện Lão nguyên”, viện này bao gồm những người đã từng có chức có quyền trong bộ máy công quyền, nay đã về hưu, và khi nói đến những vị này, người ta thường mở đầu bằng câu “ông X, nguyên là…”. Sau khi về hưu thì ông trở thành “lão”, đó là lý do vì sao lại có ý tưởng đặt tên cho cái viện này là viện “Lão nguyên” để khỏi nhầm với viện “Nguyên lão” thời cổ La Mã.

Những “lão ông, lão bà” trước đây có một thời, cứ mỗi lời nói ra là như “có gang có thép”. Đến một ngày, cái tuổi thứ sáu mươi nó đến, tuy không bất ngờ, nhưng cũng không mong đợi, thế là đang “đương kim” chỉ sau một đêm đã trở thành “nguyên”. Nào là nguyên bộ, nguyên thứ; nguyên chánh, nguyên phó; nguyên tướng, nguyên tá… nhiều lắm, kể sao cho xiết.

Rất nhiều vị đón nhận chữ “nguyên” một cách bình thản, chấp nhận quy luật cuộc sống nó như vậy, thôi thì lấy kinh nghiệm của mình mà dạy bảo lũ con cháu, sao cho chúng ăn ở phải đạo làm người, đạo làm quan, đạo làm tướng và đạo làm dân. Những vị đó, thỉnh thoảng mang cái huân chương do nhân dân ghi nhận công lao một thời, ra lau chùi để làm cho nó khỏi bị hoen ố. Đó là những vị “nguyên lão” đáng kính, dân đời đời ghi nhớ.

Nhưng cũng có ối ông, ối bà đón nhận chữ “nguyên” một cách cay cú, tiếc nuối cái thời miệng nói ra là “có gang có thép”. Tôi thấy nhiều lão ông, lão bà khi còn đeo trước ngực cái bài ngà với chữ “đương kim” thì chẳng để lại dấu ấn gì đáng kể với, đáng để cho người đời ca tụng; đến khi cái bài ngà rụng xuống, thay vào vị trí đó là cái “thẻ miễn trừ công vụ” (thôi chức), thì ngậm ngùi chia tay các đồng liêu. Trong buổi chia tay ấy, anh em nâng ly chúc tụng, nói vài câu tiếc nuối xã giao, song trong lòng họ thì mừng thầm, thế là thoát một lão “ăn theo, nói leo”.

Ăn theo, thì rõ rồi. Lão ăn theo nhưng lão luôn nhận phần lớn. Còn nói leo thì, khổ thân lão, cấp trên bảo nói gì lão nói thế, chứ ai biết trong đầu lão nghĩ gì. Lão mà không nói theo thì lão mất ghế, mà lão còn nhắm đến cái ghế cao hơn cơ. Thế là lâu ngày lão thành con vẹt. Đến lúc người ta gắn cho lão chữ “nguyên” thì lão mới thấm thía nhiều thứ, luyến tiếc nhiều thứ, “đình chung ông tiếc chỗ ngồi, mỗi khi trống đánh hai dùi kêu vang” (thơ cụ Phạm Tiến Thúy).

Thế là, lão nghĩ ra cách hành xử hay lắm. Trong các buổi hội thảo của người ta, dù lão không liên quan gì cũng cố mà lết tới, để ra vẻ ta đây còn năng lực, còn minh mẫn, chẳng qua là “dạo ấy” tớ đây bị ép phải về hưu thôi. Có lần tôi đã hỏi một anh trong ban tổ chức một hội thảo rằng cái lão bà bà ấy đến đó làm gì, anh ta bảo “không chỉ có một đâu bác ạ”. Rồi tự nhiên con vẹt trước đây bỗng biến thành con người có nhiều tiếng nói. Bây giờ thì lão chẳng còn sợ ai, ghế thì cũng đã có người khác ngồi rồi nên các lão nói vung nói vít. Quốc hội, chính phủ có đưa ra một luật gì hay chủ trương gì thì lão cũng phải nói ngược lại để thể hiện ta đây cũng có suy nghĩ độc lập, chứ không còn ăn theo nói leo như trước nữa. Và các lão lại ti toe tính lập ra cái viện nguyên lão, hay viện “các lão nguyên” gì đó để mong tìm lại cái quyền lực đã mất.

Tuy nói nhăng nói cuội vậy, song cũng chưa đến mức hại nước hại dân nhiều. Cái đáng nói nhất là nhiều lão lại có âm mưu trở cờ. Bây giờ không còn ăn theo nói leo cấp trên nữa mà các lão đã chuyển sang ăn theo nói leo những kẻ đang muốn chuyển lửa về quê hương. Thế là đang từ là một người từng được xã hội trọng vọng lại chuyển sang thành một kẻ đi bợ đít những đứa lưu manh, ngửa tay nhận những đồng đô la, đồng ND tệ bố thí. Tôi không tiện kể tên đám này ra đây, kể ra thì e rằng bẩn mồm mình. Song chẳng kể ra thì ai ai cũng đã rõ.

Ôi, liêm sỉ của các ông các bà rơi rớt đi đâu hết rồi?

Nếu các lão có dũng khí, các lão không thích đảng CS thì ngày còn trẻ việc đếch gì mà phải viết đơn xin vào, phải đứng lên thề với thốt, trong đó có lời thề “suốt đời hy sinh, phấn đấu…” đó nhé. Thà rằng dũng cảm chống lại ngay từ đầu, tôi còn coi trọng, chứ tôi ghét nhất thứ trở cờ, kẻ phản bội và kẻ cơ hội.

Mà này, các lão ông, lão bà chắc cũng đến tuổi về với đất rồi đó nhỉ? Chẳng còn bao lâu nữa đâu, làm sao để trong đám tang của các “lão nguyên” còn được thấy cái vòng hoa có dải băng đen đề câu “vô cùng thương tiếc” nhé. Nếu không thì nhục lắm, nhục lắm đó./.

Tháng Bảy, 2018

Ph. T. Kh.

 

Add a Comment

Your email address will not be published.