NƠI ẤY RẤT ĐẸP

IMG_20171106_154303

NƠI ẤY RẤT ĐẸP

Tôi xa nơi ấy đã sáu chục năm, mà sao những gì thuộc về nơi ấy đều là những kỷ niệm thân thương – từ con người đến cảnh vật. Tôi, hay nói đúng hơn là chúng tôi không bao giờ quên.

Ngày ấy, tuổi hai mươi, tôi khăn gói lên đường, ngồi trên tàu hỏa, với quãng đường chưa tới ba trăm cây số, khởi hành từ Hà nội tối hôm trước thì mãi chiều hôm sau mới tới nơi cần đến.

Ngồi trên tàu hỏa, sương đêm buông xuống làm mờ những bụi lau bên sườn đồi; mỗi khi đến một ga, những chiếc đèn dầu đỏ quạch trong sương đêm, lại huơ huơ trong tay nhân viên đường sắt; ở một ga nọ, tiếng một người đến từ xứ Quảng xướng lên trong đêm u tịch: “Đây là ga Ngoi Hóp, đây là ga Ngoi Hóp! đồng bào nào xuống ga Ngoi Hóp hãy chuẩn bị hành lý”. Cái lạnh về đêm của miền núi đột ngột chuyển sang cái oi nồng của buổi trưa khi đoàn tàu đến ga Phố Mới. Vậy là đã đến nơi!

Vâng, đó là Lào Cai, ở đó có một nhà mày nhiệt điện đang xây dựng. Chúng tôi, những chàng trai, cô gái trẻ từ nhiều vùng, miền xuôi ngược, với sự tận tụy và cống hiến, với một trái tim nhiệt huyết, với một tâm hồn trong sáng; chúng tôi quần tụ bên nhau, che chở cho nhau, dìu dắt nhau để đến một ngày nhà máy đi vào sản xuất; đời sống của mỗi con người dần ổn định, thích nghi với nơi chốn mới. Để sau đó lại có các cuộc chia tay và thậm chí là chia ly nữa.

Đó là vào năm 1979,  quân Trung quốc tràn qua biên giới, san bằng nhà máy điện của chúng tôi. Xin nhớ, mấy năm trước đó, điện từ nhà máy này đã từng vượt biên giới qua sông Nậm Thi, đưa đến các gia đình người Hoa sống trong thị trấn Hồ Kiều bên phía Trung quốc. Và cũng xin nhớ, trong dòng điện đó có công sức của nhiều người làm việc trong nhà máy mà sau này quân Trung quốc đã giết họ trong khi chúng sang tàn phá.

Không có cách gì để khôi phục lại nhà máy, thế là lại có các cuộc chia tay, công nhân viên cùng gia đình tan tác tỏa đi khắp nơi, và cả những cuộc chia ly giữa người đang sống và những người đã chết.

Chúng tôi để lại đó những rừng cây, những quả đồi và những dòng sông, con suối  đã chứng kiến các mối tình thời trai trẻ, đã chứng kiến một thời sống vô tư và sôi nổi, đã chứng kiến những đêm hát hò, kịch cọt để quên đi những gian nan, vất vả và thiếu thốn.

Tưởng chừng như  thế là hết, song chính nhờ cuộc sống rất đẹp của tuổi trẻ như vậy, nó đã trở thành chất keo gắn kết chúng tôi lại, những người xưa cũ ấy, giờ đã thành những ông già bà lão, song hàng năm chúng tôi vẫn gặp nhau vào dịp lể kỷ niệm khánh thành nhà máy – ngày 7 tháng 11.

Cũng có nhiều dịp chúng tôi trở lại chốn xưa, giờ chỉ còn một cây cột điện cao thế đứng lẻ loi soi bóng xuống dòng sông Hồng. Tất cả những gì gọi là cơ sở vật chất chỉ còn lại có thế, song tâm hồn của lớp người trẻ thời đó thì vẫn trường tồn trong mỗi chúng tôi./.

Tháng 7, 2018

Hình trong bài: “Những người xưa cũ ấy”

Add a Comment

Your email address will not be published.